Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

07/11/2024
Lý Thông
Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong bộ luật hình sự là cơ sở pháp lí để xử lý những pháp nhân thương mại vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật của Nhà nước, xâm hại tính mạng, sức khỏe của người dân, xâm hại trật tự quản lý kinh tế, lũng đoạn thị trường, qua đó tạo sự bình đẳng trong việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội, tránh bỏ lọt tội phạm.

1- Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế. Những pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận cũng không chia cho các thành viên của pháp nhân thì không phải là pháp nhân thương mại mà được gọi là pháp nhân phi thương mại. Pháp nhân phi thương mại bao gồm các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội.

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Việc thực hiện hành vi phạm tội phải do người đứng đầu pháp nhân thương mại (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) hoặc các cá nhân là thành viên của pháp nhân thương mại đã nhân danh pháp nhân thương mại đó thực hiện. Hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại có thế được thực hiện dưới các hình thức như: sử dụng danh nghĩa của pháp nhân; sử dụng con dầu của pháp nhân hoặc sử dụng nguồn vốn của pháp nhân...

- Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Người đứng đầu pháp nhân thương mại hoặc các cá nhân là thành viên của pháp nhân thương mại đó khi thực hiện hành vi phạm tội đều phải hướng đến mục đích là tìm kiếm lợi nhuận, lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất cho pháp nhân thương mại của mình.

- Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Mọi chủ trương, kế hoạch, sự điều động cũng như hình thức và phương pháp thực hiện hành vi phạm tội đều được quyết định bởi sự quản lý, chỉ đạo điều hành hoặc chấp thuận của người đứng đầu pháp nhân thương mại. Ở đây, hành vi chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của người đứng đầu pháp nhân thương mại có ý nghĩa quyết định đối với hành vi phạm tội đã thực hiện vì nếu không có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của người đứng đầu pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội của một hoặc một số thành viên của pháp nhân thương mại đã không được thực hiện.

- Thứ tư, hành vi phạm tội chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

2- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Khoản 2 Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: "Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự". Như vậy, nội dung quy định này vừa khẳng định cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, vừa chỉ rõ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015 đã xác định phạm vị (giới hạn) các tội danh mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều75 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, một số tội phạm về môi trường và một số tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng được xác định tại Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015. Đó là:

- Tội buôn lậu (Điều 188); tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189); tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều191); tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 195); tội đầu cơ (Điều 196)…..

- Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai, vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239)...

- Tội tài trợ khủng bố (Điều 300); tội rửa tiền (Điều 324).

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Bình luận
X
0.34043 sec| 819.992 kb