Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

"Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành cho cả hai phía"

- Eleanor Roosevelt (Mỹ)

Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là những thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể mà các bên không ký kết hợp đồng hoặc có ký kết hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không liên quan đến nội dung giao kết hợp đồng. Theo đó, khi xảy ra thiệt hại ngoài hợp đồng, bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường.

Không phải trường hợp nào bên gây thiệt hại cũng đưa ra mức bồi thường hợp lý hoặc người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường với mức quá cao dẫn đến việc các bên không thể thống nhất được với nhau về mức bồi thường thiệt hại. Khi đó, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Liên hệ

I- TRÁCH NGHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG:

1- Có thiệt hại xảy ra:

Nhận diện, đánh giá đúng và phù hợp về thiệt hại xảy ra trong giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là yêu cầu bắt buộc, có ý nghĩa quyết định khi đặt vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa các bên có liên quan. Thông thường, thiệt hại được hiểu là sự mất mát hoặc giảm sút về lợi ích vật chất (theo cách hiểu của Luật La Mã gồm thiệt hại thực, là sự mất đi của một tài sản cụ thể và bỏ mất lợi tức, là sự mất mát tài sản có thể có nếu hoàn cảnh diễn ra bình thường, hay còn gọi là thiệt hại phái sinh) có thể tính toán được thành một số tiền nhất định và các tổn thất về tinh thần, về cơ bản, các khoản thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần được xác định bao gồm:

(i) Những chi phí phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại (gồm tiền thuốc, tiền điều trị, bồi dưỡng; tiền mai táng phí; tiền sửa chữa tài sản...);

(ii) Những tổn thất về tài sản (bị mất, bị hư hỏng...);

(iii) Những thu nhập không thu được hoặc bị giảm sút (của người bị thiệt hại hoặc người chăm sóc người bị thiệt hại, nếu có);

(iv) Khoản bù đắp tổn thất về tinh thần.

Đòi với Luật sư, muốn bào vệ tốt nhất và tối đa quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng thì phải hiểu rõ nguyên tắc xác định thiệt hại để có thể tính toán thiệt hại thành một khoản tiền nhất định, làm căn cứ đề nghị Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Một trong những nguyên tắc căn bản khi giải quyết bồi thường thiệt hại là chỉ bồi thường đối với thiệt hại chắc chắn, thực tế (tức là không phải thiệt hại do suy diễn) và chưa được bồi thường. Điều này có nghĩa, người bị thiệt hại phải có nghĩa vụ chứng minh có thiệt hại xảy ra thông qua các tài liệu, chứng cứ chứng tỏ những thiệt hại mình đã phải gánh chịu, như các chứng từ thanh toán việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe: tiền mai táng phí; tiền sửa chữa tài sản; chi phí để cơ quan có thẩm quyền ban hành kết luận giám định..., đồng thời thiệt hại xảy ra phải có tính thực tế, có thể tính toán được. Người phải bồi thường có quyền phản bác những thiệt hại không thực tế mà người bị thiệt hại đã đưa ra yêu cầu đòi bồi thường. Vì vậy, dù là Luật sư của một bên nhưng vẫn cần xem xét toàn bộ vụ án từ mọi phương diện để có thể giúp khách hàng định lượng và lý giải được mức bồi thường khi đặt vấn đề bù đắp thiệt hại một cách tương xứng.

Luật sư cũng cần lưu ý đối với các trường hợp xác định thiệt hại gián tiếp để tránh nhầm lẫn giữa thiệt hại gián tiếp và việc “mất đi một cơ may”, vốn không được pháp luật thừa nhận là một phần thiệt hại cần được bồi thường.

- Phải có hành vi trái pháp luật: Hành vi trái pháp luật là những xừ sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật

.-Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trải pháp luật gây thiệt hại: Một trong những căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự là gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật. Hành vi này được hiểu là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định cùa pháp luật và là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ không phát sinh nếu thiệt hại xảy ra không phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật từ phía người gây thiệt hại. 

Trong thực tế, một số trường hợp mặc dù chủ thể gây thiệt hại thực hiện hoạt động hoàn toàn hợp pháp nhưng vẫn phài bồi thường.

Ví dụ:

Anh A bị tai nạn trên đường đi ký kết hợp đồng phải nằm viện điều trị nên anh A mất đi cơ hội ký được hợp đồng với khách hàng. Trong trường hợp này không thể bắt người gây thiệt hại phải đền bù khoản thiệt hại do anh A không ký kết được hợp đồng. Nhưng, nếu ở trong bối cảnh người bị nạn vừa ký được hợp đồng lao động một năm nhưng do bị tai nạn phải điều trị dẫn đến mất đi việc làm theo hợp đồng đã ký thì người gây thiệt hại phải đến bù khoản thiệt hại gián tiếp này (đây là khoản đền bù do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại).

- Có lỗi của người gây thiệt hại: Hành vi gây thiệt hại sẽ bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi chủ thể có đủ điều kiện để tự do lựa chọn và quyết định một xử sự khác phù hợp với lợi ích của xã hội, Nhà nước và các chủ thể khác. Điều 364 Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 308 Bộ luật dân sự năm 2005) quy định hai hình thức lỗi trong trách nhiệm dân sự là:

(i) Lỗi cố ý gây thiệt hại được hiểu là một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

(ii) Lỗi vô ý gây thiệt hại được hiểu là một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được 

Sự phân biệt mức độ lỗi cố ý và vô ý là căn cứ để xem xét giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người có hành vi gây thiệt hại do lỗi vô ý đã gây ra thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 (khoản 2 Điều 605 Bộ luật dân sự năm 2005) về “nguyên tắc bồi thường thiệt hại”.

Đối với những vụ án phức tạp, thiệt hại xảy ra do lỗi hỗn hợp của cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại thì Luật sư cần phân tích để nhận diện chính xác mức độ lỗi của các bên trên cơ sở mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra tương ứng với mức độ lỗi của mỗi bên để tính toán các khoản đền bù thiệt hại cho phù hợp. Nếu lỗi hoàn toàn thuộc về phía người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại đó.
Cần chú ý, Bộ luật dân sự còn có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi trong một số trường hợp như: Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường; Bồi thường thiệt hại do súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra... Như vậy, đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

II- NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NGHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của cá nhân gây ra thiệt hại như sau:

- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

- Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật dân sự năm 2015.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giảm hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

So sánh với Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 đã bổ sung trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình bên cạnh các trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự mà có người giám hộ và gây thiệt hại.

Bộ luật dân sự năm quy định về nguyên tắc những thiệt hại ngoài hợp đồng phải được bồi thường toàn bộ. Điều này được hiểu là thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, gồm những khoản nào thì người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ các khoản thiệt hại đó tương ứng với mức độ lỗi của các bên trong từng trường hợp cụ thể.

Trong trường hợp cần thiết, Luật sư có thể đề nghị Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để giải quyết những yêu cầu cấp bách của đương sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự để việc bồi thường khắc phục thiệt hại được nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường khi thỏa mãn đủ hai điều kiện:

- Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại:

- Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, nghĩa là hoàn cảnh kinh tế trước mắt cũng như về lâu dài của người gây ra thiệt hại không có khả năng để có thể bồi thường được toàn hộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.

Khi có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp, hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao dộng của người bị thiệt hại... nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp thì cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có quyền yêu cầu thay đổi mức bồi thường.

III- THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG.

Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng theo nguyên tắc chung về áp dụng thời hiệu theo quy định tại Điều 184, 185 BLTTDS 2015. Khi xác định thời hiệu khởi kiện, Luật sư cần lưu ý về quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015: "Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thưởng thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm". Cách tăng thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (Điều 607 Bộ luật dân sự năm 2005) lên thành 03 năm (Bộ luật dân sự năm 2015) kể từ ngày biết hoặc buộc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích cho người bị thiệt hại.

- Các dạng tranh chấp phổ biến về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại tranh chấp dân sự rất đa dạng, phức tạp, thể hiện ở nhiều yêu cầu bồi thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Luật sư cần lưu ý trong từng vụ việc cụ thể, các tài liệu, chứng cứ được thu thập để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng là rất khác nhau và hết sức đa dạng, liên quan đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời vấn đề xác định thẩm quyền, tư cách tham gia tố tụng của các đương sự... cũng cần được lưu ý để thực hiện đúng theo quy định của BLTTDS.

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các khoản bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được xác định từ các căn cứ sau:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dường, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, bao gồm: tiền thuê phương tiện đi lại; tiền viện phí; tiền điều trị theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) như việc lắp chân, tay, mắt giả; mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống; tiền điều trị thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phân chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại

- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần: Khoản tiền này được bồi thường cho chính người bị thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm. Việc tính toán đưa ra yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần được căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân, để các bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được, mức bồi thường được chấp nhận căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định theo hướng ấn định mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường. Đến Bộ luật dân sự năm 2015 ấn định mức bồi thường bù đắp tốn thất về tinh thần tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (khoản 2 Điều 590).

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Luật sư Nguyễn Thị Mai, tổng hợp (từ Giáo trình Kỹ năng chuyên sâu của Luật sư trong việc giải quyết các vụa án dân sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác)

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.39227 sec| 1139.063 kb