Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Có thể chấp nhận sự bất công khá dễ dàng, công bằng mới là thứ làm nhức nhối".
- Henry Louis Mencken, 1880-1956, nhà văn, học giả Mỹ
Thân nhân (mẹ, vợ, con) của anh Phạm Văn Khương, kỹ sư của Liên Danh CGCD-GIETC - Nhà thầu thi công Gói thầu EX5 - Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Quốc lộ 5B), vướng vào dây thép gai căng ngang đường, bị tai nạn tử vong, đã khởi kiện: Chủ đầu tư dự án Quốc lộ 5B - Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam Công ty Cổ phần (VIDIFI), vì cho rằng: Cái chết của anh Phạm Văn Khương do sự thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định về an toàn trong xây dựng công trình của VIDIFI.
1- Căng dây thép gai ngang Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gây chết người:
Vào chiều 04/03/2015, trên đường đi làm về, anh Phạm Văn Khương bị tai nạn và tử vong ngay trong phạm vi tại công trường đang thi công - đoạn km 50+800 Quốc lộ 5B (địa phận xã Gia Khánh huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Cảnh sát giao thông Công an huyện Gia Lộc xác minh, lập biên bản vụ án: Khoảng 19h00′, anh Phạm Văn Khương đi trong công trường đang thi công đoạn Quốc lộ 5B bằng xe máy. Đến đoạn km 50+800 Quốc lộ 5B, xe máy của anh Phạm Văn Khương đâm vào hàng rào dây thép gai căng ngang Quốc lộ 5B. Một đầu dây thép gai cột vào dải bê tông phân cách, ở giữa đường buộc giằng vào các cọc tiêu ở một đầu dây còn lại cột vào cột sắt ở rìa đường. Trên toàn bộ hiện trường nơi xảy ra tai nạn giao thông không có đèn chiếu sáng, đèn báo tín hiệu, chỉ có dây thép gai và cọc tiêu (clip và chụp ảnh tại hiện trường).
Biên bản khám nghiệm hiện trường lập vào lúc 20h15’ ngày 04/03/2015 thể hiện: “Hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ nói trên còn nguyên vẹn, nạn nhân sau khi Tai nạn giao thông tử vong tại hiện trường…”; “… Nơi xảy ra tai nạn giao thông nằm trên Đường 5 mới, đang thi công bên phần đường dành cho các phương tiện đi từ hướng xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Đoạn đường xảy ra tai nạn giao thông vẫn đang tiếp tục được thi công. Tại nơi xảy ra tai nạn giao thông và ngược về hướng xã Hoàng Diệu và xã Gia Khánh khoảng gần 03 km có dựng hàng rào căng dây cấm đường làng vào, được tạo bởi cột tre sơn trắng đỏ dựng bằng chân đế bê tông có chiều cao 1,5m, giằng với nhau bằng dây thép. Điểm tiếp giáp với mép đường Quốc lộ 37 cũng được dựng bằng rào chắn như trên”.
Biên bản khám nghiệm hiện trường và Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn do Công an huyện Gia Lộc lập, ghi nhận: chỉ có duy nhất 01 biển báo nguy hiểm giao nhau với đường không ưu tiên (thuộc hệ thống biển báo chung của hệ thống biển báo Quốc lộ 5B), ngoài ra không còn biển báo nào khác. Cụ thể: Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận “từ chân cột hàng rào bị đổ nằm cách mép đường nhựa phải 3,90 m hướng về phía xã Gia Khánh, Gia Lộc 4,90m là đến chân đế của cột hàng rào và được xác định đây là điểm đầu tiên va chạm dẫn đến tai nạn. Chân đế cột hàng rào cách mép đường 3,90m. Cũng từ chân đế này chếch hướng vào lề đường bên phải 9,40m là đến cột biển báo nguy hiểm giao nhau với đường không ưu tiên”.
Đại diện Liên Danh CGCD-GIETC - Nhà thầu thi công Gói thầu EX5 thừa nhận: “Đoạn đường này chúng tôi đã cơ bản hoàn thành, trải nhựa rất đẹp nên một số người dân cứ đi vào đây làm bẩn đường. Trước đây, chúng tôi cũng dùng cột tiêu, dây chắn phản quang để bảo vệ công trường nhưng người dân ý thức kém, cứ phá dây chắn để vào nên cuối cùng chúng tôi phải dùng biện pháp chăng dây thép gai” (Báo Lao động, ngày 22/03/2015).
Ngay sáng ngày hôm sau ngày xảy ra tai nạn (ngày 05/03/2015), Liên Danh CGCD-GIETC đã cho dỡ toàn bộ hệ thống hàng rào căng dây thép gai và lắp bổ sung biển báo.
Sau khi sự việc xảy ra, thân nhân của anh Phạm Văn Khương và thông qua Công ty Luật TNHH Everest đã nhiều lần có đơn, thư, yêu cầu VIDIFI cùng hợp tác làm rõ bản chất vụ việc, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, nhưng VIDIFI không có bất cứ động thái tích cực, hay phản hồi chính thức nào.
Trong lịch sử thi công cầu đường tại Việt Nam, có lẽ chỉ có Nhà thầu - Liên Danh CGCD-GIETC làm việc (‘vô tiền khoáng hậu’) căng dây thép gai ngang đường cao tốc, không có biển báo, không có hệ thống đèn chiếu sáng, hậu quả đã rõ: tai nạn chết người đã xảy ra.
2- Luật sư kiên trì bảo vệ quyền lợi của nạn nhân:
Các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest chỉ ra: Nhà thầu Liên Danh CGCD-GIETC (Trung Quốc) - thi công Gói thầu EX5 - căng dây thép gai ngang Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Quốc lộ 5B) không có biển báo, không có hệ thống đèn chiếu sáng, thì tai nạn chết người xảy ra là tất yếu. Ngoài trách nhiệm của Nhà thầu Liên Danh CGCD-GIETC, Chủ đầu tư (VIDIFI) phải chịu trách nhiệm liên đới.
Tại đơn khởi kiện, thân nhân của anh Phạm Văn Khương yêu cầu VIDIFI phải bồi thường do gây thiệt hại đến tính mạng, số tiền 600.000.000 đồng (sáu trăm triệu đồng). Vụ án đã được Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội), tới nay gần 05 (năm) năm nhưng vẫn chưa thể đưa ra xét xử. VIDIFI phủ nhận trách nhiệm và đưa ra mức hỗ trợ 100.000.000 đồng cho thân nhân của bị hại.
Hàng chục buổi đối thoại, làm việc và hòa giải với VIDIFI, nhưng VIDIFI trên quan điểm chối bỏ trách nhiệm - đã khoét thêm vào nỗi đau của các thân nhân anh Phạm Văn Khương.
Tiếp nhận vụ việc của khách hàng, các Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest nhận định "có đủ căn cứ pháp lý để buộc VIDIFI phải chịu trách nhiệm về cái chết của bị hại".
Các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest trích dẫn các quy định của pháp luật liên quan như sau:
[1] Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về trách nhiệm tổ chức giao thông:
“1- Tổ chức giao thông gồm các nội dung sau đây: (a) Phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (b) Quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ; (c) Thông báo khi có sự thay đổi về việc phân luồng, phân tuyến, thời gian đi lại tạm thời hoặc lâu dài; thực hiện các biện pháp ứng cứu khi có sự cố xảy ra và các biện pháp khác về đi lại trên đường bộ để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
2- Trách nhiệm tổ chức giao thông quy định như sau: a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý” (Khoản 1, Khoản 2 Điều 37).
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng - QCVN 18:2014/BXD, Ban hành kèm theo Thông tư số 14/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 05/09/2014: “2.1.10- Trên công trường phải bố trí hệ thống đèn chiếu sáng đầy đủ trên các tuyến đường giao thông và các khu vực đang thi công về ban đêm. Không cho phép làm việc ở những chỗ không được chiếu sáng. Chiếu sáng tại chỗ làm việc từ 100 đến 300 lux, chiếu sáng chung từ 30 đến 80 lux”.
[2] Luật Xây dựng năm 2014 quy định về nghĩa vụ bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng công trình:
“1- Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng.
2- Chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện có sự cố gây mất an toàn công trình, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn; phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan chức năng có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người” (Điều 115).
Nhà thầu thi công xây dựng có các nghĩa vụ: “… (b) Lập và trình chủ đầu tư phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình; (c) Thi công xây dựng theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và bảo vệ môi trường” (Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều 113).
Đối chiếu với các quy định nêu trên, các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest nhận định:
Thứ nhất, việc cấm đi vào Công trình Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không thuộc thẩm quyền của Nhà thầu xây dựng (Liên Danh CGCD-GIETC), mà phải thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, Nhà thầu thi công Gói thầu EX5 - Liên Danh CGCD-GIETC đã không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 14/2014/TT-BXD. Biên bản khám nghiệm hiện trường do Công an huyện Gia Lộc lập đã thể hiện rõ nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc anh Phạm Văn Khương bị tai nạn tử vong là đâm vào hàng rào dây thép gai căng ngang đường do Liên Danh CGCD-GIETC dựng nên, không có biển báo, không có hệ thống đèn chiếu sáng.
Biện pháp bảo đảm an toàn trong xây dựng nêu trên đã được Liên Danh CGCD-GIETC áp dụng mà không có sự kiểm tra, giám sát của VIDIFI.,JSC, và thực tế đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là cái chết của anh Phạm Văn Khương.
Thứ hai, Nhà thầu thi công dựng hàng rào dây thép gai căng ngang đường dẫn đến cái chết của anh Phạm Văn Khương, vi phạm trực tiếp thuộc về Liên Danh CGCD-GIETC. Tuy nhiên, trách nhiệm còn thuộc về Chủ đầu tư xây dựng - VIDIFI - đã vi phạm trong việc bảo đảm an toàn cho công trình, cụ thể: không bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; không tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện có sự cố gây mất an toàn công trình, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn; không phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan chức năng có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người, để cho Nhà thầu thi công thực hiện biện pháp căng dây thép gai ngang đường của nhà thầu thi công, gây thiệt hại đến tính mạng của anh Phạm Văn Khương, gây tổn thất tinh thần cho thân nhân của bị hại.
Căn cứ quy định tại mục 1 phần I Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (gọi tắt là Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP), VIDIFI phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do đã đủ các yếu tố cấu thành:
(1) Có thiệt hại xảy ra - là cái chết của anh Phạm Văn Khương và những tổn thất tinh thần cho thân nhân của bị hại khi mất đi người con, người chồng, người cha;
(2) Có hành vi trái pháp luật – VIDIFI: Chủ đầu tư đã không bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; không tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện có sự cố gây mất an toàn công trình, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn; không phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan chức năng có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người;
(3) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật (nêu trên);
(4) Có lỗi gây thiệt hại (cố ý hoặc vô ý do cẩu thả).
Mục 2 phần II Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP quy định về xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, cụ thể gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung.
- Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết. Anh Phạm Văn Khương là lao động chính của gia đình, mẹ ruột nay đã gần 70 tuổi, con là cháu Phạm Minh Anh tại thời điểm anh Phạm Văn Khương chết mới chỉ 03 (ba) tháng tuổi. Căn cứ khoản 2 Điều 612 Bộ luật Dân sự 2005, mẹ ruột và con gái là đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng, trong đó, con gái sẽ được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, mẹ sẽ được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm. Tại điểm d khoản 2.4 mục 2 phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP có quy định: “Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”.
Do đó, thân nhân của bị hại đề nghị Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội buộc Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) phải thực hiện nghĩa vụ: Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm với tổng số tiền là: 600.000.000 đồng (sáu trăm triệu đồng).
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm