Vụ án hủy hoại tài sản tại Bến Lời (Gia Lâm, Hà Nội): 05 năm mang thân phận bị can, bị cáo

"Công lý là thứ nhất thời và cuối cùng cũng sẽ đi đến kết thúc; nhưng lương tâm là vĩnh cửu và sẽ không bao giờ lụi tàn".

- Martin Luther, 1483 - 1546, nhà thần học người Đức

Vụ án hủy hoại tài sản tại Bến Lời (Gia Lâm, Hà Nội): 05 năm mang thân phận bị can, bị cáo

Trong Vụ án hình sự “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra ngày 24/11/2015 tại khu vực bến Dốc Lời, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, có nhiều điểm bất thường. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội), với “tư duy buộc tội” (trái nguyên tắc “suy đoán vô tội”), dùng ‘lập luận tào lao’ của anh thợ điện: “… cho nguồn điện trực tiếp vào 03 sản phẩm điện nêu trên thấy cả 03 sản phẩm không có tín hiệu…” để kết luận: tài sản là chiếc Tủ bảo ôn hiệu Sanaky VH 289W bị “hủy hoại”. Trong khi hồ sơ vụ án cho thấy chiếc Tủ bảo ôn bị “móp méo, cong vênh vỏ ngoài và nắp đậy”.

Liên hệ

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm thu thập được Phiếu giao hàng (còn rất mới và không có hóa đơn tài chính kèm theo) của ‘Trung tâm điện máy Đoàn Hương’ đề ngày 20/10/2009 giao cho ông Đinh Tiến Côn (bị hại) 01 (một) tivi Panasonic 29 inch, ký hiệu 29FJ20 – không thể hiện số seri (BL 62). Chứng cứ này nếu là thật, thì chỉ thể hiện: cách thời điểm xảy ra vụ án 06 năm, ông Đinh Tiến Côn tại Thôn Gia Cốc, xã Kiêu Kỵ) có mua 01 tivi Panasonic 29 inch, ký hiệu 29FJ20, nhưng Cơ quan này suy diễn: chính  chiếc Tivi Panasonic 29 inch trong Phiếu giao hàng này là chiếc tivi vật chứng trong vụ án (tại Bến Lời, xã Đặng Xá).

Khám nghiệm hiện trường, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm  thu thập được “01 (một) nắp nhựa màu trắng đục”, sau đó tự suy luận đây chính là: “nắp nhựa” của “máy ép hoa quả” – tài sản của ông Đinh Tiến Côn, trong khi chiếc “máy ép hoa quả” thì không biết ở đâu. Hài hước hơn, “nắp nhựa” của “máy ép hoa quả” (hỏng) được định giá mức: 10.000 đồng (?!).

1- Toàn bộ tài sản là: căn nhà lán và tài sản bị phá hủy khi ông Hoàng Công Đức dùng máy xúc san ủi căn nhà lá trên thực tế và pháp luật đều thuộc sở hữu của bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức.

Tại “Thỏa thuận liên danh” ký ngày 10/04/2005: “Công ty An Thịnh đồng ý cho bà Trần Thị Mai Anh được kinh doanh tập kết VLXD tại bến Lời, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội” (BL 124). Để phục vụ hoạt động kinh doanh, bà Trần Thị Mai Anh khẳng định: “chúng tôi xây dựng nhà lán và mua rất nhiều tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của nhân viên”.

Cáo trạng số 137/CT/VKS-KSĐT ngày 03/11/2016, đã xác định: “Năm 2005 Công ty Đức Anh do Trần Thị Mai Anh làm giám đốc có hợp đồng thuê lại của Công ty An Thịnh một lô đất có diện tích khoảng 2.000 m2 tại bãi cát Dốc Lời, Đặng Xá, Gia Lâm để kinh doanh vật liệu xây dựng” (Dòng 02 Đoạn 02, trang 02).

Như vậy, Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm và Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm đều xác minh: Bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức có quyền sở hữu hợp pháp căn nhà lán và toàn bộ tài sản trên khu nhà lán trong thời gian thực hiện Thỏa thuận liên danh nói trên.

Trong thời gian hoạt động kinh doanh tại khu vực Bến Lời, bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức mua sắm, lắp đặt rất nhiều tài sản để phục vụ hoạt động và sinh hoạt của nhân viên. Do thời gian quá lâu, bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức không thể nhớ chi tiết có bao nhiêu tài sản, tài sản đó được mua ở đâu, mua lúc nào, mua của ai, tài sản nào là của người khác? Đây là một thực tế khách quan: một người trong điều kiện bình thường không thể nhớ hết được những tài sản mình đã mua và sử dụng trong thời gian dài đến hàng chục năm.

Vụ án có dấu hiệu oan sai, nhiều cơ quan báo chí đã điều tra xác minh đã chỉ ra điểm bất thường của Vụ án: Thượng tá Đinh Văn Tuấn – Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm trả lời báo chí hết sức khó hiểu: “… Chúng tôi khởi tố vụ án hủy hoại tài sản không phải là do việc phá ngôi nhà mà là những tài sản của vợ chồng ông Côn, bà Vân để ở trong ngôi nhà đó bị phá hủy….” (Báo Dân trí điện tử ngày 27/04/2016: “Từ nạn nhân bị chiếm đất thành bị can: Những uẩn khúc từ vụ án hủy hoại tài sản”).

Để chứng minh cho lời buộc tội phi lý và vô căn cứ này, bà Trần Thị Mai Anh trích dẫn các quy định của pháp luật dân sự có liên quan: Bộ luật dân sự năm 2015 được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 09 giờ 50 phút ngày 24/11/2015 (trước thời điểm xảy ra vụ án 04 giờ), còn có quy định rõ ràng hơn về Quyền bề mặt“Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác” (Điều 267); Xử lý tài sản khi quyền bề mặt chấm dứt: “1- Khi quyền bề mặt chấm dứt, chủ thể quyền bề mặt phải trả lại mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền sử dụng đất theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. 2- Chủ thể quyền bề mặt phải xử lý tài sản thuộc sở hữu của mình trước khi quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ thể quyền bề mặt không xử lý tài sản trước khi quyền bề mặt chấm dứt thì quyền sở hữu tài sản đó thuộc về chủ thể có quyền sử dụng đất kể từ thời điểm quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản đó. Trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản mà phải xử lý tài sản thì chủ thể có quyền bề mặt phải thanh toán chi phí xử lý tài sản” (Điều 273).

Căn cứ các quy định nêu trên thì có thể thấy rằng: Căn nhà lán và toàn bộ các tài sản trong căn nhà lán thuộc sở hữu của bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức. Giả sử (bà Trần Thị Mai Anh lưu ý là giả sử): “có người khác để tài sản của họ ở trong căn nhà lán chúng tôi và không thông báo cho chúng tôi thì chúng tôi không thể biết và không có nghĩa vụ phải biết, bởi căn nhà thuộc quyền quản lý của chúng tôi và tài sản trong căn nhà theo pháp luật là của chúng tôi”Lời khai của chúng tôi tại cơ quan tố tụng: chúng tôi “không biết” và “không cần biết…””.

2- Ông Đinh Tiến Côn đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức.

Từ tháng 06/2015, Công ty An Thịnh, Công ty Đức Anh đã nhiều lần đã yêu cầu ông Đinh Tiến Côn bàn giao lại tài sản và mặt bằng để bàn giao cho Công ty An Thịnh (Công văn số 01-2015/CV-AT và Công văn số 01-2015/CV-AT của Công ty An Thịnh, Công văn số 2410-2015/CV-ĐA và Công văn số 1811/2015 của Công ty Đức Anh, Thông báo trực tiếp của ông Đỗ Đức Thọ – đại diện Công ty Đức Anh – đã được Công an huyện Gia Lâm lập Biên bản ngày 18/11/2015) về việc: yêu cầu bàn giao mặt bằng và chấm dứt cư trú trái phép. Thế nhưng ông Đinh Tiến Côn đều không thực hiện, ngang nhiên thách thức trước sự có mặt chứng kiến của đại diện Công an huyện Gia Lâm, Công an xã Đặng Xá. Thậm chí, ông Đinh Tiến Côn còn cử người cư trú trái phép, chiếm giữ bến bãi và tài sản của bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức tại bến Lời. Như vậy, ít nhất ông Đinh Tiến Côn và nhóm người do ông Đinh Tiến Côn thuê đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức.

Động cơ và mục đích của ông Đinh Tiến Côn, bà Nguyễn Thị Thùy Vân khi chiếm giữ nhà lán và tài sản của bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức đã rất rõ ràng: Bắt đầu từ sự tin tưởng (bạn bè), ông Đinh Tiến Côn và bà Trần Thị Thùy Vân đã dựa vào giấy tờ giả tạo (“Giấy chuyển nhượng bãi”) để nhận được quyền quản lý (trông giữ hộ) bến bãi, rồi dần chiếm đoạt tài sản của Công ty Đức Anh 04 (bốn) máy xúc và 02 (hai) xe ô tô và nhiều tài sản khác, chưa kể lợi thế kinh doanh tại bến bãi), giá trị tài sản bị chiếm đoạt đã lên tới hàng tỷ đồng. 02 (hai) chiếc máy xúc và 01 (một) chiếc ô tô đã bị ông Đinh Tiến Côn bán mất, bán cho ai và bán lúc nào bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức không biết và cơ quan tiến hành tố tụng cũng không làm rõ.

Cáo trạng số 137/CT/VKS-KSĐT của Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ngày 03/11/2016: “Trong quá trình điều tra, anh Côn thừa nhận căn nhà lán không phải của anh Côn xây dựng, mà đã có từ trước khi nhận bàn giao mặt bằng từ Công tư Đức Anh và không thuộc sở hữu của anh Côn” (BL 463). Cáo trạng nêu trên cũng thể hiện: “Căn nhà lán có giá trị là 100.126.000 đồng (Một trăm triệu một trăm hai mươi sáu ngàn đồng” (Dòng 13, 14 Đoạn 3, Trang 3).

Đồng thời, các Bản kết luận điều tra, Cáo trạng và phần xét hỏi tại các phiên tòa xét xử cấp sơ thẩm (Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm) thể hiện rõ: “Giấy chuyển nhượng bãi” là hoàn toàn không có giá trị pháp lý, không nhằm mục đích chuyển nhượng và các bên không thỏa thuận về giá tiền – điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán/chuyển nhượng. Về bản chất, toàn bộ tài sản bị hủy hoại là tài sản của tôi và chưa từng chuyển giao cho ông Đinh Tiến Côn.

Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Côn, bà Nguyễn Thị Thùy Vân căn cứ vào “Giấy chuyển nhượng bãi” (BL35) không có giá trị pháp lý để khẳng định đây là tài sản thuộc sở hữu của mình, từ đó chiếm giữ, ngăn chặn hoạt động kinh doanh của Công ty Đức Anh, không trả lại mặt bằng và tài sản cho bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức. Hành vi của ông Đinh Tiến Côn có dấu hiệu rất rõ của hành vi xâm phạm quyền sở hữu, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

3- Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Gia Lâm và Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.

Bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức thấy rằng, hành vi tố tụng và quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm, của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, là hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Cụ thể là:

[1] Không chứng minh được tài sản “bị hủy hoại” có nguồn gốc của ông Đinh Tiến Côn:

Tài sản bị hủy hoại trong vụ án này, theo Kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, Cáo trạng của Viện kiếm sát nhân dân huyện Gia lâm gồm: 01 (một) tủ bảo ôn nhãn hiệu Sanaky (được định giá 2.000.000 đồng); 01 (một) tivi Panasonic 29 inch (được định giá 1.000.000 đồng, 01 (một) nắp nhựa của máy ép hoa quả được định giá 10.000 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 3.010.000 đồng.

- Đối với chiếc Tủ bảo ôn nhãn hiệu Sanaky: Ông Đinh Tiến Côn xuất trình Phiếu giao hàng của Trung tâm điện máy Mediamart, thể hiện việc ông Đinh Tiến Côn có mua (01) chiếc Tủ bảo ôn nhãn hiệu Sanaky, tuy nhiên không ghi rõ số Seri. Lời khai của ông Trần Văn Nam (lái xe) cho lời khai: có mua hộ 02 (hai) chiếc tủ bảo ôn, chiếc tủ bảo ôn 02 (hai) ngăn (tài sản bị thiệt hại trong vụ án) mua hộ bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức, chiếc tủ bảo ôn còn lại chỉ 01 (một) ngăn là mua hộ cho ông Đinh Tiến Côn và Nguyễn Thị Thùy Vân (BL 424, BL 520, BL 521, BL 558). Tại phiên tòa ngày 05/4/2017 (BL 571), người làm chứng Vũ Thị Mai (là em ruột của bà Nguyễn Thị Thùy Vân) đã xác nhận: có 02 (hai) chiếc tủ bảo ôn được sử dụng như ông Trần Văn Nam Khai. Trong khi đó, ông Đinh Tiến Côn, bà Nguyễn Thị Thùy Vân không đề cập đến việc từng có 02 (hai) chiếc tủ bảo ôn. Chỉ riêng mâu thuẫn trong lời khai của ông Đinh Tiến Côn và Nguyễn Thị Thùy Vân với lời khai của ông Trần Văn Nam, bà Nguyễn Thị Mai mà không kèm theo những chứng cứ khác đã không thể kết luận Tủ bảo ôn nhãn hiệu Sanaky có nguồn gốc của ông Đinh Tiến Côn.

- Đối với tivi Panasonic 29 inch: ông Đinh Tiến Côn xuất trình Phiếu giao hàng của Trung tâm điện máy Đoàn Hương ngày 20/10/2009 (không có hóa đơn tài chính). Trung tâm này chỉ xác nhận: ông Đinh Tiến Côn có mua 01 (một) tivi Panasonic 29 inch giá trị 4.800.000 (bốn triệu tám trăm nghìn) đồng – không thể hiện số seri (BL 62). Điều này, nếu có thì chỉ thể hiện: vào ngày 20/10/2009, ông Đinh Tiến Côn có mua tại Trung tâm điện máy Đoàn Hương một (01) chiếc Tivi Panasonic 29 inch, nhưng không thể khẳng định chiếc tivi này chính là vật chứng trong vụ án.

– Đối với chiếc nắp nhựa của máy ép hoa quả: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm kết luận: “01 (một) nắp nhựa màu trắng đục” chính là: “nắp nhựa” của “máy ép hoa quả”. Bà Trần Thị Mai Anh đặt câu hỏi: dựa vào đâu để Cơ quan cảnh sát điều tra kết luận: “01 (một) nắp nhựa màu trắng đục” chính là: “nắp nhựa” của “máy ép hoa quả” – tài sản của ông Đinh Tiến Côn (?); và: một máy ép hoa quả bị hỏng (có thể đã bị vứt đi), thì chiếc nắp nhựa của máy ép này có giá trị hay không? ai có thể mua nắp của máy ép hoa quả hỏng với giá 10.000 đồng (?).

[2] Không trưng cầu giám định tài sản “bị hủy hoại”:

- Đối với chiếc Tủ bảo ôn nhãn hiệu Sanaky: bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy, chiếc tủ chỉ bị “móp méo, cong vênh vỏ ngoài và nắp đậy” (không có dấu hiệu bị tác động mạnh). Trong khi, phần quan trọng nhất (làm lạnh) chiếc Tủ bảo ôn lại nằm dưới đáy tủ. Thậm chí, hồ sơ vụ án còn không chụp riêng chiếc Tủ bảo ôn nhãn hiệu Sanaky. Tuy nhiên, điều tra viên lại thực hiện ‘biện pháp nghiệp vụ’ không có trong tố tụng hình sự: Biên bản kiểm tra tình trạng hoạt động này 05/01/2016 tại Ủy ban nhân dân xã Đặng Xá (BL 78): “… Cơ quan điều tra Công an huyện tiến hành kiểm tra tình trạng hoạt động của 03 tài sản nêu trên đồng thời xác định mức độ hư hỏng bằng cách cho nguồn điện trực tiếp vào 03 sản phẩm điện nêu trên thấy cả 03 sản phẩm không có tín hiệu. Anh Nguyễn Văn Đoàn là thợ điện cho biết sản phẩm tủ bảo ôn nhãn hiệu Sanaky bị hỏng hoàn toàn không sử dụng được…”. Việc điều tra viên để ông Nguyễn Văn Đoàn – thợ điện, không có nơi công tác, không rõ về trình độ chuyên môn, bằng cấp nhưng lại kết luận một vấn đề quan trọng, pháp luật quy định là phải tuân thủ quy trình chặt chẽ. Nghĩa là, điều tra viên đã để một người không có nhiệm vụ, quyền hạn có thể quyết định sinh mệnh chính trị của bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức. Bộ luật tố tụng hình sự quy định rõ: phải trưng cầu giám định và việc trưng cầu giám định thực hiện đúng thủ tục, trình tự do pháp luật quy định.

- Đối với chiếc tivi Panasonic 29 inch: Biên bản kiểm tra tình trạng hoạt động này 05/01/2016 (BL 78) tại Ủy ban nhân dân xã Đặng Xá còn thể hiện: thậm chí chiếc tivi còn không được kiểm tra mức độ thiệt hại. Việc Tivi vỡ màn hình – quan sát bằng mắt thường, ảnh chụp trong hồ sơ không thể hiện Tivi bị vỡ màn hình, hoặc hư hỏng đến mức mất hoàn toàn giá trị sử dụng. Như vậy, chưa thể kết luận chiếc Tivi – bị hủy hoại.

- Đối với chiếc nắp nhựa của máy ép hoa quả: Biên bản về việc kiểm tra xác định đồ vật tài sản bị hư hỏng tại nhà lán bãi cát vàng địa phận bến Lời, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội ngày 03/12/2015 (BL 52, 53) chỉ ghi nhận: “01 (một) nắp nhựa màu trắng đục đã bị vỡ hoàn toàn” (quan sát bằng mắt thường). Dù không có Kết luận giám định, nhưng Kết luận định giá tài sản số 116/KL-HDĐG ngày 31/12/2015 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Gia Lâm có thể xác định: đây là “nắp nhựa” của “máy ép hoa quả” (không tìm thấy máy ép hoa quả).

[3] Vi phạm nghiêm trọng quy trình bảo quản vật chứng:

Khoảng 16 giờ 00 phút cùng ngày 24/11/2015, Công an huyện Gia Lâm đã có mặt tại hiện trường. Thay vì thực hiện niêm phong vật chứng bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật theo quy định của Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm chỉ niêm phong “hai chiếc máy xúc”. Còn lại toàn bộ hiện trường và các tài sản khác lại giao cho ông Đinh Tiên Côn trông giữ.

Những vật chứng này 03 (ba) ngày sau đó được chuyển đến Ủy ban nhân dân xã Đặng Xá, nhưng không để vào kho, niêm phong lại mà để dưới hiên nhà phơi mưa, phơi nắng nhiều tháng. Câu hỏi đặt ra, ông Đinh Tiến Côn có phải là người có nhiệm vụ niêm phong, bảo quản vật chứng theo quy định của pháp luật hay không, giả sử ông Đinh Tiến Côn không khách quan, vô tư phá hủy vật chứng, thì vật chứng còn có thể là chứng cứ chứng minh trong vụ án hay không. Liệu rằng, vật chứng là đồ điện tử, điện lạnh bị phơi nắng, phơi mưa thì có thể còn toàn vẹn được hay không (?!).

4- Người bị buộc tội khẳng định và có ‘đơn tố giác tội phạm’ gửi Cục Điều tra – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Về những uẩn khúc của vụ án này, nhiều cơ quan báo chí (tài liệu gửi kèm) đã lên tiếng cảnh báo. Điều đó cho thấy, sự việc người bình thường (không có nghiệp vụ điều tra chuyên sâu) nhận thấy sự phi lý, bất thường, nhưng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Viện trưởng viện kiểm sát lại bỏ qua.

Cũng liên quan trực tiếp đến tài sản bị hủy hoại, chính vì những vi phạm tố tụng tôi đã nêu ở trên, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã phải nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ (Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm trả hồ sơ 05 (năm) lần, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm trả hồ sơ 06 (sáu) lần. Thế nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm không thể chứng minh được: (1) tài sản bị thiệt hại là của ai; (2) tài sản bị hư hỏng một phần hay bị hủy hoại. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm vẫn giữ nguyên Kết luận điều tra. Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm thực hiện quyền công tố đã trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm điều tra bổ sung, cơ quan này không thực hiện được nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm vẫn giữ nguyên các kết luận trong Cáo trạng.

Để một vụ án (ít nghiêm trọng) kéo dài 05 (năm) năm, không phải chỉ là sai sót nghiệp vụ, mà có dấu hiệu rõ ràng của hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức thấy rằng, những người phải chịu trách nhiệm về hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội thuộc về: ông An Thanh Bình – Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, ông Đinh Văn Tuấn – Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, ông Trần Văn Dũng – Điều tra viên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, ông Hoàng Đình Thủy – Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm (hiện là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm), bà Bùi Thị Hải Lý – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Vụ án hủy hoại tài sản tại Bến Lời (Gia Lâm, Hà Nội): 05 năm mang thân phận bị can, bị cáo

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.97518 sec| 1152.164 kb