Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
“Thành công không phải là chìa khóa hạnh phúc. Hạnh phúc mới là chìa khóa thành công. Nếu bạn yêu thích những điều bạn làm, bạn sẽ thành công”.
- Albert Schweitzer
Trong Vụ án hình sự “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra ngày 24/11/2015 tại khu vực bến Dốc Lời, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, có nhiều điểm bất thường. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (05 năm) đã hết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm không chứng minh được bà Trần Thị Mai Anh, ông Hoàng Công Đức thực hiện tội phạm. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm không ra Quyết định đình chỉ điều tra, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm không ra Quyết định đình chỉ vụ án, ‘mặc kệ’ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong vụ án này: ông Hoàng Công Đức và bà Trần Thị Mai Anh (vợ chồng), cư trú địa chỉ tại thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội – là người bị buộc tội.
Bị hại: Đinh Tiến Côn (chồng) và Nguyễn Thị Thùy Vân (vợ), địa chỉ tại thôn Gia Cốc, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội;
Ngày 28/03/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 71, Quyết định khởi tố bị can số 115 đối với: Trần Thị Mai Anh (tôi), Quyết định khởi tố bị can số 116 đối với: Hoàng Công Đức. Toàn bộ quyết định này đều do Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Thượng tá Đinh Văn Tuấn ký.
Ngày 25/05/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm ra Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 81/KLĐT-CQĐT kết luận tôi và ông Hoàng Công Đức và Trần Thị Mai Anh can tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Ngày 03/11/2016, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ra Cáo trạng số 137/CT/VKS-KSĐT (do ông Hoàng Đình Thủy – Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ký), truy tố tôi và ông Hoàng Công Đức phạm tội “Hủy hoại tài sản”, tài sản bị hủy hoại gồm: 01 tủ bảo ôn (thực tế bị trầy, móp không chạy có thể do chập điện); 01 tivi Panasonic 29 inch (vỡ màn hình), 01 nắp nhựa của máy ép hoa quả (không tìm được máy ép hoa quả), tổng giá trị là 3.010.000 (Ba triệu, không trăm, mười nghìn đồng).
Các Luật sư bào chữa (bà Nguyễn Thị Yến, ông Nguyễn Duy Hội, ông Đào Trung Kiên, ông Phạm Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest) đồng hành cùng khách hàng Trần Thị Mai Anh và Hoàng Công Đức trong suốt năm (05) năm qua, đã chỉ ra những điểm vi phạm tố tụng nghiêm trọng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm:
- Vi phạm nghiêm trọng quy trình bảo quản vật chứng, khi không niêm phong bảo quản vật chứng, giao vật chứng cho người không có nhiệm vụ trông giữ;
- Không chứng minh được tài sản “bị hủy hoại” có nguồn gốc của (bị hại) Đinh Tiến Côn – chỉ dựa vào Phiếu giao hàng không ghi số Seri của hàng hóa được mua;
- Không trưng cầu giám định tài sản “bị hủy hoại”, thậm chí nhờ ‘anh thợ điện’ kiểm tra qua loa rồi tự kết luận: tài sản ‘bị hủy hoại’.
Vụ án có rất nhiều điểm mâu thuẫn dẫn đến, cơ quan tiến hành tố tụng phải nhiều lần điều tra bổ sung. Cụ thể là:
- Quyết định số 09/QĐ/VKS-KSĐT của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ngày 24/6/2016 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Quyết định số 10/QĐ/VKS-KSĐT của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ngày 13/9/2016 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;.
- Quyết định 06/2017/HSST-QĐ của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm ngày 05/4/2017 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Quyết định 13/2017/HSST-QĐ của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm ngày 10/7/2017 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Quyết định số 01/QĐ/VKS-KSĐT của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ngày 08/8/2017 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Quyết định 03/2018/HSST-QĐ của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm ngày 21/6/2018 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Quyết định số 07/QĐ-VKSGL của Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ngày 31/7/2018 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Quyết định 06/2018/HSST-QĐ của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm ngày 29/11/2018 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Quyết định số 01/QĐ-VKSGL của Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ngày 21/12/2018 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Quyết định số 14/QĐ-VKSGL của Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ngày 26/9/2019 trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Quyết định 08/2019/HSST-QĐ Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm ngày 29/11/2019 trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
2- Người bị buộc tội đã có ‘Đơn tố giác tội phạm’ gửi Cục Điều tra – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Về những uẩn khúc của vụ án này, nhiều cơ quan báo chí (tài liệu gửi kèm) đã lên tiếng cảnh báo. Điều đó cho thấy, sự việc người bình thường (không có nghiệp vụ điều tra chuyên sâu) nhận thấy sự phi lý, bất thường, nhưng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Viện trưởng viện kiểm sát lại bỏ qua.
Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã phải nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ (Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm trả hồ sơ 05 (năm) lần, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm trả hồ sơ 06 (sáu) lần. Thế nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm không thể chứng minh được: (1) tài sản bị thiệt hại là của ai; (2) tài sản bị hư hỏng một phần hay bị hủy hoại. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm vẫn giữ nguyên Kết luận điều tra. Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm thực hiện quyền công tố đã trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm điều tra bổ sung, cơ quan này không thực hiện được nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm vẫn giữ nguyên các kết luận trong Cáo trạng.
Để một vụ án (ít nghiêm trọng) kéo dài 05 (năm) năm, không phải chỉ là sai sót nghiệp vụ, mà có dấu hiệu rõ ràng của hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức thấy rằng, những người phải chịu trách nhiệm về hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội thuộc về: ông An Thanh Bình – Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, ông Đinh Văn Tuấn – Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, ông Trần Văn Dũng – Điều tra viên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, ông Hoàng Đình Thủy – Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm (hiện là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm), bà Bùi Thị Hải Lý – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm.
Cáo trạng số 137/CT/VKS-KSĐT (do ông Hoàng Đình Thủy – Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm ký), truy tố tôi và ông Hoàng Công Đức phạm tội “Hủy hoại tài sản” theo Khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999 như sau: “Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản: 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có mức hình phạt cao nhất là 03 (ba) năm tù, đây là tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về thời hiệu truy cứu hình sự như sau: “Điều 23. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: 1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; 2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng…3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới”.
Thời điểm xảy ra vụ việc là ngày 24/11/2015, tính đến thời điểm hiện tại, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng đã hết (hết thời hạn 05 năm), tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm không chứng minh được bà Trần Thị Mai Anh và ông Hoàng Công Đức thực hiện hành vi phạm tội.
Căn cứ Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về Đình chỉ điều tra: “1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự; b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.
Điều 282 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về Đình chỉ vụ án như sau: “1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này; b) Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa”.
Bà Trần Thị Mai Anh đã nhiều lần đề nghị đình chỉ vụ án (Đề nghị đình chỉ vụ án ngày 02/12/2020, ngày 23/12/2020, ngày 18/02/2021) nhưng bà Trần Thị Mai Anh chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Câu hỏi đặt ra: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết, có đầy đủ căn cứ pháp lý để đình chỉ điều tra và đình chỉ vụ án, tại sao Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lâm không ra Quyết định đình chỉ điều tra, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm không ra Quyết định đình chỉ vụ án?.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm