Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời; Thiếu một phương, thì không thành đất; Thiếu một đức, thì không thành người".
- Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phấn đấu, rèn luyện bằng sự nỗ lực của bản thân để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng.. Bằng con đường tự học tập, tự nghiên cứu kiên trì, Bác Hồ đã có được một trình độ học vấn uyên bác, tầm hiểu biết toàn diện và sâu rộng.
Bác Hồ từng căn dặn: Bao giờ cũng tự hỏi: Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn.
Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/05/2011 của Bộ Chính trị Về tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nêu: "... học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp...".
Bác Hồ không hay nói dài mà thường nói ngắn gọn, nhưng mọi người đều hiểu, đều nghe, đều tin, chỉ một lời vắn tắt, hàm súc đã đi vào trái tim, khối óc quần chúng, biến thành hành động cách mạng. Cách nói của Bác Hồ là đi vào thực tiễn, từ thực tiễn đúc kết thành kinh nghiệm, rồi nâng lên thành lý luận. Ví như, trả lời chủ nghĩa xã hội là gì?
Người nói rất ngắn gọn: "Xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội". Người hay dùng cách so sánh bằng hình ảnh để diễn đạt lý luận. Ví như: "Lý luận như cái kim chỉ nam", "Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi", "Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ".
Bác Hồ có nhiều chỉ dẫn quan trọng, rằng: Phải biết cách nói. Nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực, phải có đầu có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Chớ dùng những danh từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài đề. Chớ lắp đi lắp lại. Người yêu cầu: "Phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn". "Chớ nói như giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ao ước của quần chúng. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu". Không những thế, Bác Hồ còn dặn: Trước khi nói phải viết một dàn bài rõ ràng, phải suy nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận, rồi căn cứ vào đó mà nói và khi nói phải khiêm tốn, lễ độ sẽ chinh phục được người nghe.
Bác khuyên: Không nên nói dài. Nói phải cho gọn gàng, có nội dung. Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn. Chớ nói khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực. Rằng, phải học cách nói của những người đi truyền giáo, phải chú ý đến cách phô diễn ý tưởng hết sức phổ thông, khắc sâu vào trong dân chúng, phải lấy những thí dụ thường trông thấy trước mắt mà nói, tránh những từ khó hiểu. Theo Bác Hồ: "Nói và tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực, sao cho dễ hiểu, sao cho người nghe hiểu được, hiểu để làm. Không phải nói để mà nói, không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền". Kinh nghiệm về cách nói được Bác Hồ đúc kết: Nói cho ai nghe? Nói để làm gì? Nói cái gì? Lấy tài liệu đâu mà nói? Nói thế nào? Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Cách tuyên truyền thế nào? Đó là những vấn đề người nói phải tự hỏi, tự trả lời.
Nhiều lần Bác Hồ khuyên: Chớ nên lạm dụng tiếng nước ngoài nhiều quá. Chúng ta không chống mượn tiếng nước ngoài để làm cho tiếng ta thêm đầy đủ, nhưng phải có chừng mực, phải chống cách mượn tiếng nước ngoài không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu. Bác Hồ phê bình bệnh sính dùng tiếng nước ngoài, hoặc vay mượn tiếng nước ngoài khi không cần thiết hoặc không đúng. Bởi như Bác giải thích: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?".
Bác H còn phê bình bệnh ham nói chữ của cán bộ: "Các chú còn hay mắc cái tật nói chữ nhiều. Người ốm các chú gọi là "bệnh nhân". Làm bệnh nhân thì oai hơn người ốm phải không? Giúp đỡ thì các chú không thích bằng "tương trợ"... Tiếng Việt ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta, nhưng không nên vay mượn lu bù để lòe thiên hạ". Qua những lời phê phán và chỉ bảo đó cho thấy Bác Hồ rất quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt, rất nâng niu, trân trọng tiếng nói của dân tộc.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
Bác Hồ rất say mê đọc sách, báo. Một người bạn thời niên thiếu với Bác Hồ tâm sự: Ở gần Thành, mình học hỏi được nhiều thứ, nhất là cách đọc sách. "Thuở nhỏ, học trò Nam Đàn hay rủ nhau xuống Vinh mua sách, sách nào mua không được thì cậu Cung đứng tại cửa hàng đọc kỳ hết mới về, đọc chưa hết thì hôm sau trở lại đọc nữa". Trong những năm hoạt động ở nước ngoài, trong các báo cáo, thư gửi Quốc tế Cộng sản và những người bạn cùng hoạt động, Bác Hồ đều nhắc gửi sách, báo và tạp chí bằng các thứ tiếng để đọc, nghiên cứu phục vụ cho công tác cách mạng.
Việc đọc sách, báo đã trở thành nhu cầu, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của Bác Hồ. Các đồng chí từng làm việc và gần gũi Bác đều có nhận xét: Bác Hồ ham đọc sách, báo trong nước và quốc tế, khi xong công việc Bác Hồ thường đọc, công việc xong chưa đến giờ ngủ, Bác Hồ lại đọc, những mục cần đọc, không bỏ qua.
Hằng ngày, Bác Hồ đọc một lượt các tờ báo xuất bản trong nước rồi tới báo nước ngoài, gạch dưới các tin quan trọng, rồi giải quyết các công việc. Những tờ nhật báo, tuần báo ở Trung ương Bác đều đọc hết và gạch bút chì xanh đỏ vào những chỗ chú ý. Bác còn có thói quen, mỗi khi đi công tác xa về thường tự đọc hoặc đề nghị những người giúp việc đọc lại những báo và tạp chí mà trong thời gian đi vắng Bác chưa đọc.
Chính vì thế, tầm hiểu biết của Bác Hồ rất rộng và rất nhạy cảm với tình hình thời sự, lý luận chính trị. Hồi ở Việt Bắc, tuy tuổi Bác Hồ đã cao, nhưng Bác Hồ vẫn tranh thủ đọc sách, báo, tạp chí. Đồng chí Việt Dũng nhớ lại: "Ở gần ông Cụ được vài ngày, tôi nhận thấy ông Cụ sao làm việc nhiều thế. Suốt ngày Cụ đọc sách và viết tài liệu, viết báo, dạy chính trị.... Cụ thường dạy chúng tôi không nên ngồi chơi rỗi, phải lấy sách báo ra đọc". Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có nhận xét: "Văn phòng của Bác ít người làm sao cái gì Bác cũng biết. Phải chăng là qua sách báo, Bác tổng hợp và nắm được được hết". Hồi sức khỏe yếu, Bác Hồ dặn đồng chí Cù Huy Chước cứ tối tối đọc cho Bác nghe cuốn Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Kinh nghiệm của Bác Hồ, muốn nói và viết tốt phải đọc nhiều để hiểu biết rộng, phải ghi nhớ và biết cách phân loại. Bác Hồ dặn: Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng, xem được càng nhiều chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy, phải đọc cả sách báo nước ngoài, đọc càng nhiều càng tốt để lấy tư liệu cho mình học tập và nghiên cứu. Bác chỉ ra phương pháp đọc: "Đọc tài liệu thì phải đào sâu suy nghĩ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách".
Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi "vì sao?", đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn". Bác Hồ thường nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải phải đọc những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta và những tài liệu thiết thực phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Để tiết kiệm thời gian và để không mất công đọc lại, Bác Hồ có kinh nghiệm ghi nhớ bằng cách ghi chép rất cẩn thận. Ví như, năm 1942, ngay bị đày đọa trong nhà ngục ở Quảng Tây (Trung Quốc), Bác vẫn ghi chép những điều đọc được, nghe được ở Mục đọc sách và Mục đọc báo ở cuối tập thơ Nhật ký trong tù. Trong Nhật ký hành trình bốn tháng sang Pháp năm 1946, công tác ngoại giao "không có lúc nào rảnh", với vai người trần thuật, Bác Hồ ghi từng ngày các sự kiện rất tỉ mỉ. Ví như, ngày 5.8.1946 ghi: "Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo, báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần và báo ngoại quốc. Báo có tin tức gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem".
Khi còn ở Việt Bắc cũng như sau này về Hà Nội, Bác Hồ vẫn giữ thói quen khi đọc sách, báo chỗ nào thấy cần thì ghi chép, đánh dấu để sử dụng khi cần thiết. Ví dụ: Thấy gương người tốt, việc tốt, ghi bên cạnh dấu (o), chỗ nào cần lưu ý, đánh dấu (/), vấn đề nào chưa rõ, còn nghi ngờ đánh dấu (?), bài đã xem xong, vạch (//). Bác Hồ còn sử dụng chữ Hán, Pháp, Anh, Nga làm ký hiệu bên lề trang sách, báo, trang tài liệu đã đọc. Đối với những bài, đoạn quan trọng, Bác Hồ còn ghi vào sổ, hoặc cắt dán làm tư liệu lưu giữ. Về cách ghi chép để nhớ, Bác Hồ dặn: Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được phải ghi chép lấy để dùng, để viết.
Theo Bác Hồ, tài liệu đã đọc được phải ghi chép, phân loại, đối chiếu, so sánh, chọn lọc để ghi nhớ, làm tư liệu để nói và viết. Kinh nghiệm của Bác cho biết, tìm tài liệu trong khi đọc cũng giống như công tác khác, phải mất nhiều thời gian và công sức và phải chịu khó. Bởi vì, có khi xem mấy tờ báo, tạp chí mà chỉ được vài tư liệu, có khi xem tài liệu này có vấn đề này, xem tài liệu khác có vấn đề khác, nhưng phải tổng hợp lại, chọn lọc góp hai, ba tài liệu đó để làm thành tư liệu của mình. Bác Hồ tổng kết: So đi sánh lại, phân tích, tổng hợp, chọn lọc là cách làm việc khoa học. Có lần, Bác tâm sự về cách đọc và ghi nhớ của mình: Hồi còn hoạt động ở Pháp, "một đồng chí đưa cho tôi đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin vừa đăng trên báo Nhân đạo. Bài đó khó hiểu, vì có những từ ngữ mà tôi không biết rõ. Nhưng tôi đọc đi đọc lại và dần dần tôi hiểu ý nghĩa của nó một cách sâu sắc".
Xem thêm: Pháp lý tái cấu trúc doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest
Bác Hồ viết sách, báo từ hồi còn ở Pháp. Sau này, trên bước đường hoạt động cách mạng, Bác Hồ đều viết sách, báo và sáng lập ra nhiều tờ báo như: Người cùng khổ, Thanh Niên, Kèn gọi lính, Mặt trận, Nhân Dân... đã trở thành Nhà báo lớn, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Cách viết của Bác thực hiện mục đích cao đẹp là phục vụ thực tiễn học tập, nghiên cứu, công tác, phục vụ nhiệm vụ cách mạng, nênBác thường viết ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ hiểu và thực hành được ngay. Ví như ngay từ năm 1927, Bác Hồ viết cuốn Đường cách mệnh để huấn luyện cho lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên của nước ta, Bác đã nói rõ: "Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ... Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả".
Năm 1947, Bác Hồ viết cuốn Đời sống mới và cuốn Sửa đổi lối làm việc một cách vắn tắt, rõ ràng, dễ hiểu để đồng bào, cán bộ, đảng viên đọc, để thực hành đời sống mới và sửa đổi tư tưởng, tác phong, lề lối làm việc và công tác. Các tác phẩm của Bác viết với khối lượng thật đồ sộ với nhiều thể loại: chính luận, xã luận, bút chiến, truyện, ký, thơ cùng nhiều thể loại khác không chỉ bằng tiếng Việt mà cả bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung. Bác thường xuyên viết bài cho báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng ta, với những bài ngắn, dễ hiểu, có tính giáo dục và thuyết phục cao với nhiều bút danh.
Các tác phẩm của Bác Hồ được viết một cách giản dị, rõ ràng, súc tích, dễ hiểu đi thẳng vào vấn đề. Cách viết của Bác Bác thường hay ví von nên dễ đi vào lòng người và đến với đông đảo bạn đọc. Có thể dẫn ra rất nhiều câu viết ví von, so sánh bằng hình tượng: "Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa"; "Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ"; "Xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như làm ruộng. Trước phải khó nhọc cầy bừa, chân bùn tay lấm, làm cho lúa tốt, thì mới có gạo ăn".
Về cách viết, Bác Hồ dặn mọi người, khi viết lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem có thú vị mà lại bổ ích. Khi viết và khi làm việc trên văn bản, Bác Hồ yêu cầu phải chú ý từng câu, từng chữ, trình bày rõ ràng để không thừa, không thiếu, không dài dòng và phải nhạy cảm chính trị. Ví dụ: Một lần văn phòng ghi trong lịch làm việc hàng tuần: ông K và L.M.K. thảo bài phát thanh và đưa Chính phủ duyệt trước. Bác Hồ nhận xét: Viết thế không nhã. Ra cách mình kiểm duyệt. Phải sửa câu ấy lại. Rồi tự tay Bác Hồ sửa: ông K và L.M.K. thảo bài phát thanh rồi đưa Văn phòng Chủ tịch. Qua cách sửa thấy rõ sự nhạy bén về chính trị ở Bác Hồ.
Bác cho rằng, cần phải viết ngắn gọn, còn viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Phải chống tất cả thói viết rỗng, viết dài. Bác Hồ cũng lưu ý, viết ngắn gọn, nhưng lại không được thiếu, không được qua loa, đại khái, dùng từ phải chính xác, dễ hiểu. Viết dài nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích thì không phải là rỗng, không phải nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt. Bác dặn: Khi viết cố gắng phải ngắn gọn, song phải có nội dung. Tránh lối viết khô khan, kém hoạt bát, không phổ thông, tránh dùng chữ nước ngoài không đúng nghĩa, hay nói chính trị suông.
Bác phê bình cách viết dài dòng, rỗng tuếch. Rằng: "Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác, nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy mực, mất công người xem". "Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích". Theo quan điểm của Bác Hồ, một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt. Vì vậy, một lối hành văn giản dị, chính xác hơn hẳn lối hành văn rườm rà, hoa mỹ.
Kinh nghiệm về cách viết được Bác Hồ tóm tắt ở những vấn đề chính sau đây: Phải đặt ra câu hỏi và trả lời được các câu hỏi sau: Viết cho ai? Trả lời: Viết cho đại đa số công, nông, binh. Viết để là m gì? Trả lời: Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình; để phục vụ quần chúng. Viết cái gì? Trả lời: Tùy nội dung vấn đề yêu cầu để trả lời, nhưng phải có lập trường vững: ta, bạn, thù thì viết mới đúng. Đối với ta và bạn thì nêu cái hay, cái tốt, nhưng phải có chừng mực, chớ phóng đại. Phê bình cái xấu một cách thật thà, chân thành, đúng đắn. Còn đối với địch thì nêu cái hung ác, xấu xa.
Lấy tài liệu đâu mà viết? Trả lời: Muốn có tài liệu phải xem, đọc và ghi chép. Phải nghe: nghe cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để có tài liệu viết. Phải hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội, hỏi những việc, hỏi tình hình ở các nơi. Phải thấy: phải đi đến nơi, nhìn tận mắt để thấy. Viết thế nào? Trả lời: Viết phải thiết thực, cụ thể, chớ lộ bí mật. Viết ngắn chừng nào hay chừng ấy, nhưng phải đủ ý. Tránh lối viết dài dòng, "dây cà ra dây muống". Viết rồi phải thế nào? Trả lời: Phải đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại, phải nhờ người đọc và cho nhận xét.
Lời cặn dặn của Bác Hồ: Bao giờ cũng tự hỏi: Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn".
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm