Bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền

03/12/2022
Trong quá trình kinh doanh bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ và áp dụng mô hình kinh doanh nào, thương hiệu luôn gắn liền với rủi ro. Riêng đối với mô hình kinh doanh nhượng quyền, do đặc thù chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu và chuyển giao công nghệ cho đối tác nhận nhượng quyền độc quyền, khu vực hay thứ cấp, rủi ro cũng theo đó tăng lên. Vậy làm thế nào để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp khi kinh doanh nhượng quyền?

Nhượng quyền thương hiệu là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 284 Luật thương mại năm 2005:

“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Nhượng quyền thương hiệu (Franchise) là thuật ngữ để nói về một hình thức kinh doanh của cá nhân hay tổ chức nào đó được phép dùng thương hiệu của một sản phẩm, dịch vụ của bên nhượng quyền để kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên với điều kiện bên được nhượng phải đồng ý các thỏa thuận của bên nhượng lại thương hiệu.

Có 04 loại hình nhượng quyền kinh doanh cơ bản:

- Nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện;

- Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện;

- Nhượng quyền có tham gia quản lý;

- Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn.

Ưu điểm của nhượng quyền thương hiệu

Mở rộng nhận diện thương hiệu: ưu điểm quan trọng nhất của chiến lược nhượng quyền thương hiệu là giúp thương hiệu phủ rộng và tăng nhận diện nhanh chóng với việc liên tục xuất hiện các địa điểm có chứa nhận diện thương hiệu.

Tạo được quỹ vốn lớn: nhiều doanh nghiệp có tiềm năng, quy trình, con người và thương hiệu nhưng thiếu nguồn vốn để phát triển các địa điểm mới. Bên nhận quyền sẽ cung cấp một khoản phí nhượng quyền cố định và phí bản quyền liên tục giúp doanh nghiệp nhượng quyền có thể tạo được quỹ tiền mặt, giúp tự tin, mạnh mẽ trong việc phát triển doanh nghiệp/ thương hiệu.

Phát triển đội ngũ giỏi: Việc mở rộng nhiều địa điểm, yêu cầu doanh nghiệp nhượng quyền phải sở hữu đội ngũ có kỹ năng được đào tạo và có năng lực xuất sắc để theo kịp tốc độ phát triển. Điều này giúp loại bỏ những nhân viên không phù hợp, đồng thời những cá nhân xuất sắc sẽ có nhiều kinh nghiệm, khi liên tục phát triển những địa điểm mới với quy mô, văn hoá, lịch sử khác nhau.

Sở hữu hệ thống: Nhượng quyền thương hiệu mở rộng địa điểm và nhân rộng hệ thống kinh doanh, hệ thống phân phối và tính đồng bộ của mọi hoạt động. Nhượng quyền thương hiệu dựa trên hoạt động kinh doanh đã được chứng minh thực tế thông qua các địa điểm, những cá nhân nhận nhượng quyền đang hoạt động hiệu quả.

Tạo ra luồng doanh thu mới: khi bắt đầu thực hiện nhượng quyền thương hiệu, doanh nghiệp nhượng quyền đã tạo ra một luồng doanh thu mới từ phí nhượng quyền và phí bản quyền liên tục.

Rủi ro của việc nhượng quyền thương hiệu

Rủi ro cho thương hiệu nhượng quyền chủ yếu phát sinh từ hai nguồn chính:

Thứ nhất, từ chuỗi cung ứng: rủi ro gây ra scandal có thể bắt đầu từ bất kể khâu nào trong quy trình sản xuất và cung ứng, từ điểm đầu tiên khi nhập nguyên vật liệu đầu vào cho đến điểm cuối cùng là chuyển giao sử dụng khi sản phẩm, dịch vụ đến tay đối tượng tiêu dùng.

Ví dụ: tại chi nhánh của McDonald’s hay Lotteria, quy trình này còn bao gồm cả việc nhân viên phục vụ tại chi nhánh hoàn thiện sản phẩm như thế nào trước khi phục vụ khách hàng. Khi khách hàng phát hiện có vật thể lạ, hư hỏng hay gây ra ngộ độc thực phẩm… sự cố dù xảy ra tại bất kỳ chi nhánh nào, chi nhánh thuộc sở hữu công ty hay chi nhánh nhận quyền, uy tín thương hiệu đều bị ảnh hưởng như nhau.

Thứ hai, từ quan hệ nhượng quyền (khủng hoảng quan hệ giữa doanh nghiệp nhượng quyền và đối tác nhận quyền): ở các thị trường nhượng quyền phát triển, số lượng chi nhánh nhận quyền có thể lên đến con số hàng trăm thậm chí hàng ngàn nhưng song song với các quan hệ này là khủng hoảng từ mâu thuẫn lợi ích giữa các bên đối tác. Không cần biết lý do là gì, khi mâu thuẫn nảy sinh mà không được giải quyết kịp thời, mâu thuẫn đó có thể trở thành một sự cố kéo dài.

Cần đảm bảo những điều kiện gì khi thực hiện nhượng quyền thương hiệu?

Để nhượng quyền thành công cần phải xem xét nhiều yếu tố nhưng nói riêng về mặt pháp lý thì cần phải đảm bảo:

- Có đăng ký kinh doanh;

- Đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Đã đăng ký thương hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ.

Từ đó có thể thấy, để việc nhượng quyền không gặp khó khăn thì cần phải đáp ứng đủ 03 yếu tố nêu trên, nếu thiếu dù 01 trong n03 yếu tố này thì rủi ro pháp lý gặp phải là rất lớn.

Thứ nhất, đăng ký thương hiệu là vấn đề quan trọng nhất khi nhượng quyền. Có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị nhượng quyền gặp các lỗi như:

- Đăng ký thương hiệu không kịp thời: Việc đăng ký thương hiệu không kịp thời có thể dẫn đến hệ quả là thương hiệu bị đăng ký trước hoặc mới dừng lại ở việc nộp tờ khai cấp văn bằng bảo hộ.

Như vậy về bản chất khi chưa được cấp văn bằng (sau 18 - 24 tháng kể từ khi nộp hồ sơ) thì cá nhận chưa được Nhà nước công nhận quyền sở hữu với nhãn hiệu này. Nếu chưa có quyền sở hữu thì không thể định đoạt hay sử dụng.

- Việc chậm đăng ký thương hiệu dẫn đến bị mất thương hiệu. Việt Nam theo hệ thống “First to file” (nộp trước được ưu tiên). Vì vậy thì việc nộp hồ sơ đăng ký sau sẽ dẫn đến hệ quả doanh nghiệp không sở hữu nhãn hiệu dự định nhượng quyền mà buộc phải mua lại hoặc xây dựng một nhãn mới.

Thứ hai, không đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký kinh doanh loại hình không phù hợp. Khi một cửa hàng kinh doanh thành công và có lãi nhưng lại đang vận hành dưới hình thức là hộ kinh doanh hay doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì việc mở rộng địa điểm, góp vốn sẽ bị hạn chế.

Thứ ba, không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không thể thuyết phục đối tác rằng quy trình sản xuất đảm bảo và được cơ quan Nhà nước chứng nhận. Ngoài ra, việc đảm bảo điều kiện này không chỉ mang tính bắt buộc mà còn có ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và thương hiệu của công ty.

Quy định của pháp luật trong kinh doanh nhượng quyền 

Để giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu được nhượng quyền, điều quan trọng nhất là hành lang pháp lý cho hoạt động này. Thời gian qua, các quy định pháp luật cho hoạt động nhượng quyền thương mại đã và đang được Nhà nước hoàn thiện.

Ngoài những quy định cốt lõi về nhượng quyền thương mại (Mục 8 Chương VI – từ Điều 284 đến Điều 291) trong Luật Thương mại năm 2005, các văn bản được ban hành mới nhất liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại là văn bản số 15/VBHN-BCT ngày 25/04/2014 của Bộ Công thương. Đây là văn bản hợp nhất của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại và Nghị định số 120/2011/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại.

Để bảo vệ một thương hiệu tránh khỏi sự sai phạm hay sự lạm dụng đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của luật pháp. Luật bảo hộ thương hiệu giúp doanh nghiệp đăng kí tên, biểu tượng và thiết kế lâu dài. Luật bảo hộ bằng phát minh cho phép doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm trong một giới hạn thời gian, và luật bản quyền để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật. Trong lĩnh vực nhượng quyền, với giấy phép chuyển nhượng thương hiệu doanh nghiệp có thể đưa ra những nguyên tắc cho bên được nhượng quyền về việc sử dụng và ứng dụng thương hiệu của doanh nghiệp. Nhìn chung, hệ thống pháp luật về nhượng quyền thương mại ở Việt Nam tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế.

0 bình luận, đánh giá về Bảo vệ thương hiệu trong kinh doanh nhượng quyền

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.63699 sec| 954.531 kb