Các căn cứ phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình
1- Căn cứ phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình
Căn cứ phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là sự kiện pháp lý. Nó có thể là sự kiện, hành vi, thời hạn...
Theo biện pháp tác động đối với quan hệ xã hội, sự kiện pháp lý trong luật hôn nhân và gia đình chia thành: sự kiện làm phát sinh, làm thay đổi và sự kiện làm chấm dứt quan hệ pháp luật.
Sự phân chia như trên là phù hợp với lý luận chung về pháp luật. Thế nhưng đối với Luật Hôn nhân và gia đình còn một nhóm sự kiện đặc trưng, nó làm phục hồi quyền và nghĩa vụ của chủ thể Luật Hôn nhân và gia đình đã bị mất đi. Nhóm đó gọi là sự kiện pháp lý phục hồi quan hệ pháp luật. Tác động của sự kiện pháp lý này là nhằm phục hồi quyền làm cha mẹ trong trường hợp huỷ bỏ việc nhận nuôi con, phục hồi lại hôn nhân khi người vợ (chồng) bị Tòa án tuyên bố là đã chết trở Về, và nhiều trường hợp khác mà luật quy định. Đặc điểm của các sự kiện đó là không làm phát sinh một quan hệ pháp luật mới mà chỉ phục hồi lại quan hệ pháp luật đã bị chấm dứt trước đó, hoặc tạm thời đình chỉ. Là sự kiện pháp lý phục hồi, khi được áp dụng thì kết quả là các quan hệ đó sẽ được phục hồi. Thế nhưng những sự kiện đó cũng đồng thời có thể làm chấm dứt hoặc thay đổi các quan hệ pháp luật.
Ví dụ: Quyết định của Tòa án Về việc huỷ bỏ việc nhận nuôi con nuôi tiến hành không có sự đồng ý của cha mẹ khi sự đồng ý đó là cần thiết - là sự kiện pháp lý tác động đồng thời theo hai hướng: chấm dứt quan hệ pháp luật nhận con nuôi và phục hồi quan hệ pháp luật cha mẹ với các con...
Trong Luật Hôn nhân và gia đình, với tư cách là các điều kiện làm phát sinh quan hệ pháp luật, trước hết phải kể đến cấu thành sự kiện, nghĩa là tổng hợp các sự kiện pháp lý. cấu thành sự kiện thường hỗn hợp, có thể là sự kiện hoặc có thể là hành vi. Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ với các con phát sinh do kết quả của việc sinh con (một sự kiện) và đăng ký giấy khai sinh cho con tại cơ quan đăng ký hộ tịch (hành vi).
Cấu thành sự kiện phát sinh quan hệ pháp luật và gia đình thường có 2, 3 sự kiện. Nếu thiếu một trong các sự kiện đó thì cấu thành sự kiện sẽ không có hiệu lực (kết hôn không ghi vào sổ đăng ký, không cấp giấy chứng nhận kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng).
Với tư cách là sự kiện pháp lý trong Luật Hôn nhân và gia đình còn có trạng thái là mối liên quan xã hội đã và đang tồn tại. Nó có thể là huyết thống, thích thuộc, hôn nhân. Đặc điểm của nó mang tính chất lâu dài.
Việc thể hiện hành vi ý chí của con người như là sự kiện pháp lý trong rất nhiều trường hợp không ảnh hưởng đến quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình. Ví dụ, việc cha mẹ từ chối không cấp dưỡng cho con không có giá trị pháp lý, hoặc sự đồng ý của cha mẹ cũng vậy (Khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Trong một số trường hợp thì ngược lại, hành vi ý chí là điều bắt buộc phải có trong cấu thành sự kiện. Ví dụ: đối với việc kết hôn phải có sự tự nguyện của hai bên nam nữ, muốn ly hôn cũng đòi hỏi phải theo ý chí của vợ (chồng) hoặc của cả hai vợ chồng.
Hành vi của những người tham gia quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ thường có liên quan đến quyền lợi của người khác hoặc xã hội. Chính vì thế, để phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực luật hôn nhân và gia đình cần thiết có cả quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận sự kiện hoặc hành vi theo thủ tục luật định. Ví dụ, để công nhận hôn nhân có giá trị pháp lý cần thiết phải có sự đồng ý của hai bên nam nữ, đồng thời phải đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch (Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Để việc nhận con nuôi làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa người nhận con nuôi và người được nhận nuôi thì cần thiết phải có quyết định về việc nhận nuôi con nuôi của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người nhận nuôi hoặc của đứa trẻ (Điều 22 Luật Nuôi con nuôi năm 2010)...
Như vậy, quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là loại quan hệ xã hội được luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh. Nó có nhiều điểm khác với các quan hệ xã hội khác. Nghiên cứu nó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn giúp chúng ta hiểu rõ, xác định rõ phạm vi các quan hệ đó, xác định tầm quan trọng của việc thực hiện và bảo vệ quyền và nghĩa vụ hôn nhân và gia đình. Việc xác định đúng thời điểm mà sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình còn có ý nghĩa tạo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng luật chính xác khi giải quyết các tranh chấp Về hôn nhân và gia đình.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
2- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Các căn cứ phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Các căn cứ phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm