Kỹ năng của Luật sư cần chuẩn bị tại phiên tòa

"Có những lúc luật lệ hà khắc còn tốt hơn là không có luật lệ."

- Winston Churchill -

Kỹ năng của Luật sư cần chuẩn bị tại phiên tòa

Luật sư tại phiên tòa cần chuẩn bị kỹ tất cả các kỹ năng từ phần thủ tục bắt đầu phiên tòa cho tới tranh tụng và cuối cùng là tuyên án, với các tội danh liên quan đến xâm phạm an toàn, trật tự công cộng cần có sự có mặt người làm chứng và các đại diện cơ quan liên quan để tiến hành xét xử trừ khi vắng mặt Luật sư cân nhắc việc đề nghị hoãn tại phiên tòa.

Liên hệ

1- Kỹ năng của Luật sư trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa

Với các vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, sự có mặt của người làm chứng, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan rất có ý nghĩa để làm sáng tỏ nội dung vụ án. Bởi lẽ, trong nhiều vụ án chỉ có người làm chứng mới biết rõ và đưa ra thông tin khách quan về vụ việc; chỉ người đại diện cơ quan, tổ chức liên quan mới xác định được chính xác các tình tiết có ý nghĩa định tội như vũ khí mà bị cáo tàng trữ có phải vũ khí quân dụng hay không, việc bị cáo khám chữa bệnh như vậy vi phạm quy định nào của Nhà nước về khám chữa bệnh, việc bị cáo truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính đã gây ra thiệt hại như thế nào... Vì vậy, trường hợp những người này vắng mặt tại phiên tòa, Luật sư nên cân nhắc để đề nghị hoãn phiên tòa.

Ví dụ: Trong vụ án về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Luật sư đã thu thập, xác minh được người chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra vụ tai nạn. Luật sư có văn bản đề nghị Cơ quan tiến hành tố tụng đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng vì họ chứng kiến việc nạn nhân chủ động lao vào ô tô đang lưu thông hình thường trên đường. Đây là người làm chứng cực kỳ quan trọng và sự tham gia của họ tại phiên tòa có thể làm thay đổi hoàn toàn nội dung vụ án. Trong trường hợp này, nếu Tòa án không triệu tập người làm chứng này sẽ có thế dẫn đến việc kết án oan người vô tội vì đây là một trong những căn cứ để áp dụng tình tiết sự kiện bất ngờ và bị cáo không phải chịu Trách nhiệm hình sự.

Trước khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Chủ tọa phiên toà thường hỏi các Luật sư có ý kiến gì không. Nếu đồng ý thì trả lời không có ý kiến gì, nếu thấy cần bổ sung thủ tục nào để bảo đảm quyền lợi của thân chủ thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

2- Kỹ năng của Luật sư trong phần tranh tụng tại phiên tòa

(i) Kỹ năng của Luật sư trong phần xét hỏi
Trong các vụ án về an toàn công cộng và trật tự công cộng thường có nhiều bị cáo và nhiều người làm chứng có lời khai ảnh hưởng đến quyền lợi của nhau. Để bảo đảm tính khách quan, trung thực ở những lời khai tại tòa thì cần phải thực hiện việc xét hỏi riêng mới đảm bảo đúng quy định pháp luật (Điều 309, 311 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015). Tuy nhiên để thực hiện được điều này pháp luật quy định việc cách ly người làm chứng lại là điều khoản tùy nghi, việc quyết định có cách ly họ khi khai báo hay không tùy thuộc vào ý chí của Chủ tọa phiên tòa (Điều 304 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015). Do vậy, để bảo đảm việc xét hỏi khách quan, đặc biệt là tránh thông cung lời khai buộc tội bị cáo tại phiên tòa, Luật sư cần đề nghị cách ly bị cáo và người làm chứng.

- Trên thực tế, tài liệu, chứng cứ được xác lập trong giai đoạn điều tra là rất quan trọng, nó là cơ sở chủ yếu cho việc xét xử tại phiên tòa. Tuy nhiên, các chứng cứ có trong hồ sơ là do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, nhiều trường hợp chưa thể hiện đầy đủ và không loại trừ việc thiếu khách quan. Thực tế cho thấy, không ít các vụ án về an toàn công cộng và trật tự công cộng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ thu thập chứng cứ buộc tội mà không chú trọng thu thập chứng cứ gỡ tội, trong khi đó nhiều chứng cứ, tài liệu của Luật sư bào chữa thu thập được thì cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét nên đã làm hạn chế khả năng tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa. Vì vậy, Luật sư phải theo dõi kỹ mọi diễn biến tại phiên tòa, lắng nghe các câu hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Luật sư đồng nghiệp và các câu trả lời của những người được hỏi. Luật sư cần ghi chép tóm tắt lời khai của bị cáo. người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng tại phiên tòa để xem trong các lời khai của những người được hỏi có những tình tiết nào có lợi cho khách hàng, những tình tiết nào mâu thuẫn không phù hợp với tình tiết khách quan hoặc các chứng cứ khác của vụ án, những tình tiết chưa được làm rõ để điều chỉnh nội dung xét hỏi đã dự kiến và chuẩn bị các câu hỏi mới đối với những người tham gia tố tụng.

- Khi được tham gia hỏi, Luật sư phải đặt những câu hỏi sắc bén, ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề quan trọng của vụ án chưa được làm rõ sao cho câu trả lời của người được hỏi sẽ có lợi nhất cho khách hàng của mình. Tránh đặt những câu hỏi quá dài, không đi vào trọng tâm hoặc bị trùng lặp hoặc vừa đặt câu hỏi vừa phân tích, bình luận làm lẫn lộn với phần tranh luận để Chủ toạ phiên toà phải nhắc nhở.

(ii) Kỹ năng của Luật sư trong phần tranh luận

Trong phần tranh luận, bên buộc tội và gỡ tội được công khai thực hiện chức năng của mình bằng việc đưa ra các lý lẽ và lập luận để bảo vệ quan điểm nhằm thuyết phục Hội đồng xét xử xem xét quyết định. Đối với Luật sư, giai đoạn tranh luận có một vị trí rất quan trọng vì nó là giai đoạn mà Luật sư được thể hiện trách nhiệm, kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra quan điểm bào chữa hay bảo vệ cho khách hàng. Luật sư cần sử dụng quyền tranh luận của mình để phân tích, lập luận đưa ra các lý lẽ bảo vệ tốt nhất cho khách hàng. Ở giai đoạn này, Luật sư cần nắm vững trình tự, thủ tục tranh luận quy định tại Điều 320 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015. Khi trình bày quan điểm bào chữa, Luật sư cần quan tâm đến văn phong pháp lý, không dùng câu từ trừu tượng, không dùng ngôn ngữ đời thường, khoa trương, cách gọi hay xưng hô thái quá làm cho người nghe có tâm lý không thoải mái khi ở chốn pháp đình.

Điều 321 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa”. Như vậy, căn cứ vào kết quả xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên sẽ trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn. Nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo vô tội. Chính vì vậy, lập luận của Luật sư bào chữa đối đáp lại quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát nhằm gỡ tội cho khách hàng là rất quan trọng.

Để việc tranh luận của Luật sư tại phiên tòa có tính thuyết phục, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Luật sư cần lưu ý:

- Luận cứ của Luật sư cần bám sát diễn biến tại phiên tòa, thể hiện rõ quan điểm của Luật sư với các lập luận, chứng cứ rõ ràng, cụ thể để bào chữa hay bảo vệ cho khách hàng. Luận cứ bào chữa của Luật sư trong các vụ án về nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng cần thể hiện rõ tính chất, mức độ vi phạm của bị cáo so với các quy định pháp luật về an toàn công cộng, trật tự công cộng cũng như xác định cụ thể các tình tiết giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự, loại trừ việc áp dụng không đúng các tình tiết định khung tăng nặng, tình tiết tăng nặng Trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Bản luận cứ bào chữa cần chặt chẽ về mặt pháp lý và logic về hình thức. Ví dụ: Khi khẳng định các hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm có nghĩa là đã loại trừ các nội dung bào chữa khác nên không cần thiết phải đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Ngoài vấn đề hình sự, trong luận cứ bào chữa Luật sư cũng cần quan tâm đề xuất về vấn đề bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại, Luật sư cần chú ý tới lỗi của các bên đối với hậu quả xảy ra để xác định trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường. Trường hợp có bị đơn dân sự là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ gây tai nạn, Luật sư cũng cần lưu ý để đề xuất đúng chủ thể có trách nhiệm bồi thường.

- Để nâng cao tính thuyết phục và hiệu quả của quá trình tranh luận, Luật sư cần trình bày bài luận cứ theo đề cương đã chuẩn bị, có như vậy mới đi đúng trọng tâm, làm toát lên những vấn đề cần bào chữa hoặc bảo vệ, tránh được sự dài dòng, tràn lan, bỏ sót những vấn đề quan trọng. Đề cương cần sửa đổi, bổ sung kịp thời và hoàn thiện ngay trong quá trình xét hỏi và khi Viện kiểm sát luận tội. Tuy nhiên, Luật sư cũng không nên lệ thuộc quá nhiều vào đề cương viết sẵn vì nó sẽ làm cho Luật sư mất tính chủ động, sáng tạo, làm mất đi sự hùng biện khi kết hợp biểu cảm bằng ánh mắt, nét mặt và cử chỉ khi trình bày luận cứ bào chữa, bảo vệ. Luật sư có thể nhất trí với lời luận tội của Viện kiểm sát về một số nội dung mà chứng cứ đã được đánh giá rõ ràng, sau đó đưa ra những phân tích, kiến nghị của mình. Điều đó sẽ tạo ra những ấn tượng tốt về Luật sư đối với việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, tôn trọng sự thật khách quan và tuân thủ pháp luật trong hoạt động bào chữa.

Khi đối đáp, tùy thuộc vào quan điểm của đại diện Viện kiểm sát và định hướng bào chữa mà Luật sư có thế đối đáp về tội danh, về tình tiết định khung tăng nặng hay về việc áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Luật sư cần lập luận để khai thác những tình tiết có lợi cho khách hàng, chẳng hạn bác bỏ quan điểm của Viện kiểm sát về việc bị cáo phạm tội đánh bạc do các chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi tại phiên tòa cho thấy bị cáo chí đứng xem chứ không tham gia đánh bạc hoặc Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự chưa được Viện kiểm sát xem xét như: Trình độ văn hóa thấp, phạm tội do không hiểu biết pháp luật, nông nổi, nhất thời phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực tự nguyện khắc phục hậu quả, gia đình chính sách có công với cách mạng... Đặc điểm của đối đáp là Luật sư phải trả lời ngay những vấn đề mình không đồng ý mà không có nhiều thời gian suy nghĩ, chuẩn bị từ trước. Do vậy muốn đối đáp sắc bén, kịp thời và chính xác, Luật sư phải lắng nghe ý kiến của bên đối lập, ghi nhanh, đánh dấu những điểm cần phải đáp lại. Khi đưa ra lập luận, Luật sư cần phân tích sao cho thấu tình, đạt lý. 

Các tài liệu, chứng cứ đưa ra để bảo vệ cho khách hàng phải chính xác và có tính thuyết phục cao thể hiện bản chất của sự việc nhằm thuyết phục Hội đồng xét xử chấp thuận quan điểm của mình.

Khi đối đáp, không khí phiên tòa có thể căng thẳng nhưng trong bất cứ trường hợp nào Luật sư cũng phải tôn trọng sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa. Nếu qua tranh luận thấy có những vấn đề được nêu ra nhưng chưa xét hỏi hoặc cần phải xem xét thêm chứng cứ thi Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trở lại phần xét hỏi để làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án chưa được làm sáng tỏ. Để bảo vệ quan điểm bào chữa cho khách hàng có kết quả, trong quá trình tham gia tranh tụng, Luật sư phải sử dụng tất cả các kỹ năng thể hiện sự hùng biện, bằng lập luận chặt chẽ, sử dụng các tài liệu chứng cứ chứng minh cho quan điếm của mình để thuyết phục Hội đồng xét xử. Khi trình bày quan điểm bào chữa, bảo vệ, Luật sư cần lưu ý trình bày rõ ràng, mạch lạc, đưa ra những ví dụ sinh động, dễ hiểu để Hội đồng xét xử dễ nắm bắt. Luật sư cần đưa ra các lý lẽ, lập luận chặt chẽ, viện dẫn các quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quan điểm của mình. Trong phần kết luận, cần chốt lại những vấn đề quan trọng nhất đã được phân tích thành từng điểm cụ thể để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Trước khi dừng lời, cần biểu thị sự tin tưởng vào phán quyết của Hội đồng xét xử để tranh thủ sự ủng hộ của Hội đồng khi nghị án.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự

3- Kỹ năng của Luật sư trong phần tuyên án 

Khi Chủ tọa thay mặt Hội đồng xét xử tuyên bản án, Luật sư cần lắng nghe để nắm bắt nội dung bản án, nhất là phần nhận định về tội phạm, hình phạt và các quyết định của Hội đồng xét xử. Luật sư có thể ghi chép tóm tắt những nhận định của Toà án về vai trò, Trách nhiệm hình sự của khách hàng mà mình bảo vệ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự, điều khoản Bộ Luật hình sự năm 2015 mà Toà án áp dụng, hình phạt đối với từng bị cáo và các quyết định bồi thường thiệt hại (nếu có) để kịp thời tư vắn cho khách hàng những việc cân làm sau khi Tòa tuyên án.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư cần chuẩn bị tại phiên tòa

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.53835 sec| 1125.203 kb