Các trường hợp chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
1- Khái niệm tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
[a] Khái niệm tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Pháp luật Việt Nam quy định về nguồn gốc của tài sản chung của vợ chồng tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Để xác định tài sản chung của vợ chồng ngoài căn cứ vào nguồn gốc của tài sản còn phải căn cứ vào quan hệ hôn nhân. Chế độ tài sản chung của vợ chồng phụ thuộc vào sự tồn tại của quan hệ hôn nhân. Khi quan hệ hôn nhân được xác lập, vấn đề tài sản của vợ chồng được đặt ra. Khi một trong hai bên vợ, chồng chết hoặc có bản án, quyết định của Tòa án cho vợ, chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật thì chế độ i sản chung vợ chồng cũng chấm dứt. Như vậy, căn cứ để xác lập chế độ tài sản chung của vợ chồng trước hết phải dựa trên "thời kỳ hôn nhân" của vợ chồng, xác định được "thời kỳ hôn nhân" của vợ chồng là cơ sở pháp lý để nhà làm luật xác định được khoảng thời gian tồn tại chế độ tài sản vợ chồng bao gồm cả tài sản riêng và chung của vợ chồng.
Theo Khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì "thời kỳ hôn nhân" là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân, hay chính là khoảng thời gian quan hệ hôn nhân tồn tại và được pháp luật thừa nhận.
Như vậy, từ phân tích trên có thể hiểu rằng tài sản chung của vợ chồng là khối tài sản được tạo lập, phát triển bằng công sức của vợ, chồng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân hoặc do vợ chồng thỏa thuận trước thời kì hôn nhân và được pháp luật công nhận về quyền sở hữu nhằm đảm bảo cho lợi ích chung của vợ chồng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
[b] Khái niệm chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Chia tài sản chung của vợ chồng được hiểu đơn giản là tách tài sản từ khối tài sản chung thành khối tài sản riêng của vợ chồng. Khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”. Mặc dù vấn đề chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được ghi nhận từ Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và tiếp tục được kế thừa, phát triển qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nhưng khái niệm thế nào là chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân lại chưa được đề cập đến tại bất kỳ văn bản pháp lý nào. Tuy nhiên, từ sự phân tích các quy định của Luật hôn nhân và gia đinh về vấn đề này thì có thể hiểu khái niệm chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là việc tách một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng thành tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng theo sự thỏa thuận của vợ chồng hoặc do Tòa án quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên vợ, chồng mà không làm chấm dứt quan hệ giữa vợ và chồng trước pháp luật.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest
2- Các trường hợp các trường hợp chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
[a] Chia tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận để chia tài sản chung. Khoản 1 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung”. Như vậy, vợ chồng có quyền tự thỏa thuận chia với nhau một phần hoặc toàn bộ tài sản theo yêu cầu của một bên vợ, chồng hoặc cả hai.
Khi vợ chồng tiến hành thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì cần đảm bảo các điều kiện về hình thức và nội dung của thỏa thuận chia tài sản chung trong thơi kỳ hôn nhân.
Thứ nhất về hình thức của thỏa thuận chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: "Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật". Như vậy, theo quy định của pháp luật thì thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân buộc phải được lập thành văn bản thay vì vợ chồng có thể thỏa thuận chia bằng hình thức miệng. Do tài sản khi vợ chồng mang ra thỏa thuận chia cũng thường là những tài sản có giá trị, như khi chia chỉ thỏa thuận bằng miệng sẽ dẫn đến những xung đột lợi ích không đáng có về sau, bởi khi thỏa thuận chia, vợ chồng đồng lòng nhất trí thì việc thỏa thuận chia bằng miệng sẽ không sao, nhưng sau khi chia một thời gian, một bên vợ hoặc chồng cảm thấy muốn thỏa thuận lại việc chia hoặc đòi lại sản đã chia thay bằng một tài sản khác, hoặc xa hơn nữa là người vợ, người chồng giả vờ phủ nhận việc đã từng nói thỏa thuận chia này. Điều này sẽ dẫn đến không chỉ ảnh hưởng tới những giao dịch mà vợ, chồng đã đem tài sản sau khi chia vào đầu tư, kinh doanh mà còn gây ảnh hưởng tới lợi ích của bên thứ ba.
Không những thế, nếu sau khi thỏa thuận chia tài sản chung một thời gian sau vợ chồng ly hôn thì vẫn giữ thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân này sẽ là một căn cứ giúp Tòa án trong việc phân định đâu là tài sản chung đâu là tài sản riêng của vợ chồng một cách dễ dàng hơn. Hơn nữa, đây còn là cơ sở pháp lý ngăn chặn các hành vi chia tài sản chung nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản với bên thứ ba trong các giao dịch dân sự hoặc các hành vi vào phạm pháp luật. Vậy nên, việc pháp luật quy định thòa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải được thành lập bằng văn bản là cần thiết và đúng đắn.
Ngoài ra, trong thời kỳ hôn nhân tài sản chung mà vợ chồng muốn chia là quyền sử dụng đất, nhà ở, thì văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong đó tài sản chung được chia là quyền sử dụng đất, nhà ở phải được công chứng hoặc chứng thực. Đồng thời phải đăng ký quyền sở hữu khi phân chia và sẽ phải thực hiện thủ tục công chứng tại cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, hai bên vợ chồng phải tiến hành đăng ký cập nhật lại thông tin về tài sản thuộc sở hữu riêng của mình tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các văn bản có công chứng hoặc chứng thực sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các giao dịch, đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra.
Thứ hai, về nội dung của thỏa thuận chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:
Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định 126/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31/12/2014 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình đều chưa có các quy định về các nội dung cần có trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, vì chưa có văn bản pháp luật nào thay thế các nội dung cần có trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, đa số Tòa án và văn phòng công chứng vẫn áp dụng định hướng theo quy định cũ tại Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 03/10/2001 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (đã hết hiệu lực). Theo đó, quy định văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có những nội dung sau:
- Lý do chia tài sản;
- Phần tài sản chia, trong đó cần mô tả chi tiết những tài sản nào được chia hoặc có giá trị phần tài sản được chia;
- Phần tài sản còn lại không chia (nếu có);
- Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung
- Các nội dung khác (nếu có).
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có giá trị pháp lý để có cơ sở giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa vợ và chồng và các tranh chấp liên quan đến lợi ích của người thứ ba trong các giao dịch dân sự thì văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân phải ghi rõ ngày, tháng năm lập văn bản và phải có chữ ký của cả hai vợ chồng. Trong đó, ngày, tháng năm là một trong những căn cứ xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chữ ký của hai vợ chồng thể hiện sự thống nhất về mặt ý chí của cả hai bên về việc thỏa thuận chia tài sản chung. Nếu văn bản thiếu chữ ký của bất kỳ người nào thì đều không có giá trị pháp lý.
Khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản này là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận với nhau và được ghi rõ trong văn bản thỏa thuận chia; nếu như trong văn bản thỏa thuận chia, vợ chồng không có thỏa thuận với nhau về thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực của văn bản trên sẽ được tính từ ngày lập văn bản.
[b] Vợ, chồng yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này”. Khoản 2 và Khoản 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch”.
Theo đó, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, có xem xét những yếu tố sau:
Thứ nhất, cần xem xét hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng. Hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng chính là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động để tạo ra thu nhập sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ, cồng và của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bên gặp nhiều khó khăn hơn sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để đảm bảo duy trì ổn định cuộc sống nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ chồng.
Thứ hai, cần xem xét đến công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, tức là những đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Bên nào có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn. Đóng góp ở đây không chỉ là vật chất mà còn là cả ở khía cạnh tinh thần, vun đắp cho hạnh phúc của gia đình.
Thứ ba, cần xem xét đến việc “bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục tạo thu nhập”. Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên là việc chia tài sản chung của vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp tiếp tục hành nghề, cho vợ, chồng đang sản xuất kinh doanh được tiếp tục sản xuất kinh doanh để tạo thu nhập.
Thứ tư, yếu tố lỗi cũng là một trong những là một căn cứ để xem xét giải quyết trong quá trình chia tài sản chung. Ví dụ, người chồng có hành vi phá tán tài sản gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình, thì khi giải quyết việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, Tòa án phải xem xét đến yếu tố lỗi của người chồng, tránh để quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con bị xâm phạm.
Trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, bên nào nhận được phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được chia thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng và tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực kể từ ngày bản ản, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest.
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Các trường hợp chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Các trường hợp chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn


TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm