Cấu tạo và vấn đề giải thích pháp luật của Bộ luật hình sự Việt Nam

11/11/2024
Lê Hằng Nga
Lê Hằng Nga
BLHS gồm Phần thứ nhất - Những quy định chung (sau đây được gọi là Phần chung), Phần thứ hai - Các tội phạm (sau đây được gọi là Phần các tội phạm) và Phần thứ ba - Điều khoản thi hành.

1- Cấu tạo của Bộ luật hình sự

BLHS gồm Phần thứ nhất - Những quy định chung (sau đây được gọi là Phần chung), Phần thứ hai - Các tội phạm (sau đây được gọi là Phần các tội phạm) và Phần thứ ba - Điều khoản thi hành. 

Phần thứ nhất và Phần thứ hai là nội dung của Bộ luật, được kết cấu theo các chương. Trong đó, Phần thứ nhất có 12 chương và Phần thứ hai có 14 chương.

Phần thứ nhất của BLHS bao gồm các điều luật quy định những vấn đề chung về Bộ luật, về tội phạm, về TNHS, về hình phạt và biện pháp hình sự phi hình phạt. Phần thứ hai bao gồm các điều luật quy định về các tội phạm cụ thể và các khung hình phạt cụ thể có thể áp dụng đối với các tội phạm đó. Các tội phạm cụ thể được chia thành 14 nhóm khác nhau và được quy định trong 14 chương. Trong 14 chương của Phần các tội phạm có 11 chương có trật tự kết cấu là chương - điều - khoản, 3 chương có trật tự kết cấu là chương - mục - điều - khoản (các chương 18, 21 và 23). Trong tất cả các điều của 14 chương Phần các tội phạm chỉ có 4 điều (các điều 122, 352, 367 và 392) là các điều quy định vấn đề chung của nhóm tội, còn lại là các điều quy định về từng tội phạm cụ thể và các khung hình phạt có thể áp dụng đối với các tội cụ thể.

Mỗi điều luật quy định về tội phạm cụ thể đều gắn với tên của một tội phạm cụ thể (tội danh). Thông thường mỗi điều luật gắn với một tội danh nhưng cá biệt có thể gắn với nhiều tội danh. Ví dụ: Điều 354 gắn với tội danh là tội nhận hối lộ; Điều 361 gắn với hai tội danh là tội cố ý làm lộ bí mật công tác và tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác v.v.. Mỗi điều luật Phần các tội phạm, xét về nội dung có hai phần là phần mô tả tội phạm và phần xác định hình phạt. Phần mô tả tội phạm thường được gọi là phần quy định và phần xác định hình phạt thường được gọi là phần chế tài. Xét về hình thức cấu trúc, mỗi điều luật gồm các khoản khác nhau.

Phần quy định là phần của điều luật mô tả các dấu hiệu pháp lý của tội phạm mà điều luật quy định. Ví dụ: Điều 168 quy định tội cướp tài sản, trong đó mô tả tội phạm này là: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản...".

Yêu cầu đặt ra cho phần quy định là: Nội dung mô tả phải cho phép nhận biết được tội phạm, đủ để phân biệt tội phạm được quy định với các tội phạm khác và với trường hợp chưa phải là tội phạm mà chỉ là vi phạm. Ví dụ: Nội dung mô tả của phần quy định tại Điều 175 BLHS phải cho phép nhận biết tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác như tội tham ô tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như cho phép phân biệt tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm tài sản chỉ là vi phạm hành chính. Cụ thể: Trong phần quy định, điều luật này đã mô tả rõ các dấu hiệu của tội phạm để cho phép nhận biết và phân biệt tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với các tội phạm khác. Đó là các dấu hiệu: “a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; (hoặc) b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản." Đồng thời trong phần quy định, điều luật cũng mô tả các dấu hiệu để phân biệt tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ là vi phạm: “có giá trị từ bốn triệu đồng (trở lên) hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều..., chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc...".

Về nguyên tắc, phần quy định của tất cả các điều luật đều phải được thể hiện là sự mô tả tội phạm. Tuy nhiên, trong BLHS vẫn còn có điều luật mà phần quy định chỉ nhắc lại tội danh. Ví dụ: Quy định tại Điều 173 là quy định không mô tả trộm cắp tài sản là gì mà chỉ nhắc lại tội danh trộm cắp tài sản và quy định dấu hiệu phân biệt tội trộm cắp với hành vi trộm cắp là vi phạm.

Phần chế tài là phần xác định khung hình phạt có thể áp dụng đối với người đã phạm tội được mô tả ở phần quy định. Trong đó khung hình phạt được hiểu là giới hạn giữa mức nhẹ nhất và mức nặng nhất của hình phạt có thể áp dụng đối với người phạm tội. Trong giới hạn đó có thể là có các loại hình phạt khác nhau với mức thấp nhất và cao nhất. Ví dụ: Điều 140 có chế tài ở khoản 1 là: “... cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Khung hình phạt này có 2 loại hình phạt và đều có mức thấp nhất cùng mức cao nhất (6 tháng đến 3 năm; 3 tháng đến 2 năm). Hầu hết các điều luật đều quy định từ 2 khung hình phạt trở lên, trong đó có 1 khung cho trường hợp bình thường, các khung còn lại là cho trường hợp tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS. 
Xét về hình thức cấu trúc, hầu hết các điều luật trong Phần thứ hai đều có từ 2 khoản trở lên. Số điều luật có 1 khoản chỉ là cá biệt như Điều 181, Điều 183 v.v.. Về nguyên tắc, khoản 1 của điều luật mô tả tội phạm được quy định, còn khoản 2 và các khoản tiếp theo (nếu có) mô tả các trường hợp tăng nặng (hoặc giảm nhẹ) TNHS của tội phạm đó. 

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Giải thích Bộ luật hình sự

“Giải thích pháp luật là làm sáng tỏ nội dung, tư tưởng, ý nghĩa của quy phạm pháp luật; đảm bảo cho pháp luật được nhận thức và thực hiện đúng đắn, thống nhất". Căn cứ vào chủ thể và hiệu lực pháp lý của giải thích mà việc giải kích luật được phân biệt thành giải thích chính thức và giải thích không chính thức. Trong đó, giải thích chính thức là giải thích có hiệu lực pháp lý bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải thích pháp luật thực hiện; còn giải thích không chính thức là giải thích chỉ có giá trị tham khảo do cá nhân hoặc tổ chức bất kỳ thực hiện. Khi thực hiện việc giải thích, các chủ thể giải thích có thể sử dụng các phương pháp khác nhau. 

Nội dung, yêu cầu, phương pháp cũng như cách phân loại giải thích pháp luật (được nêu tóm tắt trên) có giá trị hoàn toàn đối với giải thích BLHS. Theo đó, có một số cụ thể hoá về giải thích BLHS như sau:

- Theo Điều 159 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì giải thích BLHS thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Giải thích BLHS của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được ban hành dưới hình thức nghị quyết (Điều 160 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

- Theo Điều 22 Luật tổ chức toà án nhân dân, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn "... ban hành nghị quyết hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật...”. Nội dung này phù hợp với Điều 21 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Điều 21 quy định: “Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử". Như vậy, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn việc áp dụng thống nhất BLHS. Khi “hướng dẫn” áp dụng BLHS như vậy, Toà án nhân dân tối cao đã thực hiện việc giải thích các quy phạm pháp luật hình sự của BLHS. Những hướng dẫn, giải thích này có thể được coi là các giải thích pháp luật có tính quy phạm.

- Giải thích không chính thức BLHS là các giải thích của cá nhân hoặc tổ chức không có thẩm quyền giải thích chính thức và có thể công bố dưới dạng các công trình nghiên cứu như các bình luận khoa học BLHS, các giải thích nội dung điều luật của BLHS trong các giáo trình, các bài báo, các luận án, luận văn v.v.. Những giải thích này tuy không có hiệu lực pháp lý nhưng có thể giúp việc hiểu rõ hơn nội dung của các quy phạm pháp luật trong BLHS, góp phần làm phong phú thêm tri thức về BLHS nói riêng cũng như khoa học luật hình sự nói chung.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Cấu tạo và vấn đề giải thích pháp luật của Bộ luật hình sự Việt Nam được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại. 

[b] Bài viết Cấu tạo và vấn đề giải thích pháp luật của Bộ luật hình sự Việt Nam có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
 

0 bình luận, đánh giá về Cấu tạo và vấn đề giải thích pháp luật của Bộ luật hình sự Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18596 sec| 970.969 kb