Chế độ tài sản của vợ chồng từ giải phóng miền Nam đến nay

17/10/2024
Nguyễn Phú An
Nguyễn Phú An
Các quan hệ dân luật và hôn nhân và gia đình từ năm 1945 - 1950 vẫn tạm thời được điều chỉnh bởi ba văn bản luật: Dân luật Bắc kì, Dân luật Trung kì, Dân luật giản yếu Nam kì theo sắc lệnh số 47-SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa với điều kiện không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và lợi ích của nhân dân lao động.

1- Xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình mới xã hội chủ nghĩa

Theo Điều 11 sắc lệnh số 97/SL thì “trong lúc còn sinh thời người chồng góa vợ hay vợ góa, các con đã thành niên có quyền xin chia phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết, sau khi đã thanh toán tài sản chung”. Mặt khác, Sắc lệnh số 90/SL còn cho phép vận dụng pháp luật cũ có chọn lọc. Từ đó chúng ta có thể suy luận rằng: mặc dù sắc lệnh số 97/SL không có điều nào quy định về thành phần tài sản chung của vợ chồng thì chế độ tài sản của vợ chồng được áp dụng theo tinh thần của các sắc lệnh trên là chế độ cộng đồng toàn sản (chế độ tài sản này đã được áp dụng theo Dân luật Bắc kì và Dân luật Trung kì). Toàn bộ tài sản của vợ chồng dù có trước hoặc được tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân, không phân biệt về nguồn gốc, công sức tạo dựng... đều thuộc khối tài sản chung của vợ chồng và trên nguyên tắc bình đẳng, vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt ngang nhau đối với tài sản chung. Như vậy, so với Dân luật Bắc kì, Dân luật Trung kì thì sắc lệnh số 90/SL, sắc lệnh số 97/SL của Nhà nước ta đã thể hiện bản chất tốt đẹp, dân chủ của chế độ xã hội mới; bảo đảm quyền con người, quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng về mọi phương diện mà hệ thống pháp luật dưới chế độ thực dân, phong kiến không thể có được.

Bên cạnh đó, theo sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định về vấn đề ly hôn cũng đã ghi nhận quyền bình đẳng giữa vợ chồng khi thực hiện quyền yêu cầu ly hôn; công nhận quyền tự do ly hôn của vợ chồng và các căn cứ chung để Tòa án giải quyết việc ly hôn (Điều 2); bảo đảm quyền yêu cầu thuận tình ly hôn của vợ chồng (Điều 3); hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng khi người vợ đang có thai (Điều 5). về hiệu lực của việc ly hôn, mặc dù sắc lệnh số 159/SL chưa quy định rõ về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, song Điều 6 sắc lệnh số 159/SL đã quy định:

“Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi của các con vị thành niên để ấn định việc trông nom, nuôi nấng và dạy dỗ chúng.

Hai vợ chồng đã ly hôn phải cùng chịu phí tổn về việc nuôi dạy con, mỗi người tùy theo khả năng của mình”.

Như vậy, theo quy định này, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng phải được chia và tuỳ theo khả năng của mỗi bên, vợ, chồng phải cùng có nghĩa vụ trong việc nuôi dạy con. sắc lệnh số 97/SL và Sắc lệnh số 159/SL không dự liệu về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng. Tuy vậy, theo tinh thần của những văn bản này, có thể suy luận rằng: tài sản chung của vợ chồng phải được chia đôi, mỗi bên vợ, chồng được chia một nửa giá trị tài sản chung (nguyên tắc này cũng đã được áp dụng theo Dân luật Bắc kì, Dân luật Trung kì trước đây).

Trong lĩnh vực gia đình, sắc lệnh số 97/SL và sắc lệnh số 159/SL đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, hạn chế và xóa bỏ phần nào ảnh hưởng tiêu cực của chế độ hôn nhân và gia đình thực dân, phong kiến không còn đáp ứng được trong tình hình mới. Sau ngày miền Bắc được giải phóng, do ảnh hưởng của những tàn dư tư tưởng lạc hậu, nhất là các hủ tục, các quy định của hệ thống pháp luật dưới chế độ cũ nhằm bảo vệ quyền gia trưởng nên sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, giữa các con trong gia đình, giữa con trai với con gái, con đẻ với con nuôi, con trong giá thú với con ngoài giá thú... còn rất nặng nề trong xã hội. Tình hình đó đòi hỏi trong cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa cần phải xóa bỏ tận gốc những tàn dư lạc hậu của chế độ hôn nhân và gia đình thực dân, phong kiến. “Việc ban hành một đạo luật mới về hôn nhân và gia đình đã trở thành một đòi hỏi cấp bách của toàn thể xã hội. Đó là một tất yếu khách quan thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta”. Việc ban hành một đạo luật mới về hôn nhân và gia đình nhằm đáp ứng với sự nghiệp cách mạng của đất nước; đáp ứng sự nghiệp giải phóng phụ nữ, bảo đảm quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình là tất yếu khách quan vì “nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội mới chỉ là một nửa ” (Hồ Chủ Tịch). Vào thời gian này, bản Hiến pháp thứ hai (Hiến pháp năm 1959) của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Quốc hội khóa thứ nhất, kì họp thứ 11 thông qua ngày 31/12/1959 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 01/01/1960. Điều 24 Hiến pháp năm 1959 đã ghi nhận cơ bản chế độ hôn nhân và gia đình mới xã hội chủ nghĩa; quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng về mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình, là cơ sở để xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sau các cuộc điều tra khảo sát tình hình thực tế các quan hệ hôn nhân và gia đình (được tiến hành từ năm 1951 đến năm 1958, ở 11 vùng kinh tế khác nhau), lấy ý kiến thảo luận, đóng góp, bổ sung của nhân dân, Dự luật hôn nhân và gia đình đã được Quốc hội khóa thứ nhất, kỳ họp thứ 11 chính thức thông qua ngày 29/12/1959 và được Chủ tịch nước kí lệnh công bố ngày 13/01/1960 (theo sắc lệnh số 02/SL).

Xem thêm:Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest 

2- Chế độ tài sản của vợ chồng

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 của Nhà nước ta không dự liệu chế độ tài sản ước định. Điều 15 quy định: “Vợ chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Quy định này thể hiện chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 dự liệu là chế độ cộng đồng toàn sản: toàn bộ các tài sản của vợ chồng dù có trước khi kết hôn hoặc được tạo ra trong thời kì hôn nhân; dù vợ, chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng hoặc cả hai vợ chồng được tặng cho chung hay được thừa kế chung, không phân biệt nguồn gốc tài sản và công sức đóng góp, đều thuộc khối tài sản chung của hai vợ chồng. Luật không thừa nhận vợ, chồng có tài sản riêng. Vợ, chồng có quyền bình đẳng ngang nhau khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản chung và luôn có kí phần bằng nhau trong khối tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất đó. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đã dự liệu hai trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng là khi vợ, chồng chết trước (Điều 16) và khi vợ chồng ly hôn (Điều 29). về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đinh. Lao động trong gia đình được coi như lao động sản xuất. Ngoài ra, luật cũng quy định: “Khi ly hôn, cấm đòi trả của ” (Điều 28), nhằm xóa bỏ một trong những tập tục lạc hậu của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến trước đây.

Quốc hội khóa VI, tại kỳ họp thứ 7 ngày 18/12/1980 đã thông qua bản Hiến pháp thứ ba (Hiến pháp năm 1980) của Nhà nước ta, làm nền tảng cho bước phát triển mới của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Trong Hiến pháp năm 1980, các điều 38,47, 63 và 64 đã quy định các nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định chế độ cộng đồng tạo sản của vợ chồng dựa trên các lí do sau:

Thứ nhất, với sự phát triển nền kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay, tài sản của công dân trở nên phong phú, đa dạng cả về giá trị sử dụng thực tế và giá trị tài sản. Trước khi kết hôn, mỗi bên vợ, chồng (có thể) đã có khối tài sản riêng có giá trị lớn, mà xét về bản chất kinh tế hay pháp luật, tài sản đó không phải là do hai vợ chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân. Vợ, chồng trước hết với tư cách là công dân, có quyền sở hữu tài sản riêng của mình (Điều 27 Hiến pháp năm 1980, Điều 58 Hiến pháp năm 1992). Luật ghi nhận vợ chồng có quyền có tài sản riêng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ, chồng. Mặt khác, tạo điều kiện cho vợ, chồng được quyền tự định đoạt tài sản riêng của mình với tư cách là chủ sở hữu, không bị lệ thuộc bởi ý chí của bên kia, cũng như sự linh hoạt trong các quan hệ gia đình và xã hội có liên quan đến vấn đề tài sản: thoả mãn nhu cầu cá nhân bằng tài sản riêng; trả nợ hoặc bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của vợ, chồng gây ra bằng tài sản riêng của vợ, chồng...

Thứ hai, bảo đảm tính thống nhất của các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng trong luật hôn nhân và gia đình với các quy định về sở hữu trong pháp luật dân sự; bảo đảm quyền tự định đoạt của chủ sở hữu khi tặng cho hoặc để lại thừa kế cho riêng hoặc cho chung cả hai vợ chồng.

Thứ ba, việc ghi nhận cho vợ, chồng có tài sản riêng còn bảo đảm quyền tự định đoạt và các mối quan hệ giữa vợ, chồng với các thành viên trong gia đình... Nếu theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, giữa vợ chồng không thể thiết lập các giao dịch (tặng, cho, mua, bán... tài sản của nhau) đối với nhau được. Ví dụ, việc người chồng tặng vợ một chiếc dây chuyền trị giá 5 triệu đồng. Hợp đồng này chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức, còn nội dung và bản chất của hợp đồng này không được bảo đảm, vì chiếc dây chuyền mà người chồng tặng vợ cũng là tài sản chung của hai vợ chồng; ngược lại, theo quy định về chế độ cộng đồng tạo sản của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, giữa hai vợ chồng có thể “thiết lập” với nhau các giao dịch (vợ chồng có thể tặng cho, mua, bán tài sản riêng của nhau...). Sau hon 20 năm thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, quan hệ bình đẳng giữa vợ chồng đã được bảo đảm, việc Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 ghi nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng không phải là phá vỡ tính truyền thống của gia đình Việt Nam; cũng không phải là “thiên” về yếu tố tài sản mà “xem nhẹ” yếu tố tình cảm trong quan hệ vợ chồng; không ảnh hưởng gì tới khối tài sản chung của gia đình, của vợ chồng. Mặt khác, nó có thể ngăn chặn một số việc kết hôn không đúng bản chất của quan hệ vợ chồng được xác lập, mà chỉ nhằm vào tiền bạc, tài sản của nhau (như kết hôn giả tạo để chiếm đoạt tài sản của nhau).

Thứ tư, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh Luật Hôn nhân và gia đình, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật khác nhằm điều chỉnh các quan hệ của đời sống kinh tế - xã hội, có liên quan tới các quan hệ tài sản của vợ chồng. Quy định chế độ cộng đồng tạo sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 còn bảo đảm có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước và tính “hội nhập” với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới khi ngày nay các quốc gia này thường dự liệu chế độ cộng đồng tạo sản là chế độ tài sản pháp định được áp dụng đối với các cặp vợ chồng.

Theo sự phát triển của nền kinh tế xã hội, hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta cũng dần được hoàn thiện. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 được Nhà nước ta ban hành vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Mặc dù Luật đã dự liệu tương đối đầy đủ các quan hệ hôn nhân và gia đình cần được điều chỉnh, nhưng xét về kĩ thuật và quan điểm lập pháp, các quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 1986 vẫn rất cô đọng, khái quát, mang tính định khung. Các văn bản hướng dẫn áp dụng luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa kịp thời và chưa đáp ứng được với tình hình thực tế. Đặc biệt, liên quan tới các quy định về tài sản của vợ chồng luôn là loại việc phức tạp, Tòa án phải giải quyết các tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn, liên quan tới việc cấp dưỡng, thừa kế giữa vợ chồng với nhau và giữa các thành viên trong gia đình. Việc giải thích nội dung các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng chưa đầy đủ, thiếu cụ thể đã dẫn tới những quan điểm khác nhau khi áp dụng (hầu như mới chỉ có Nghị quyết số 01-NQ/HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình có hướng dẫn về vấn đề tài sản giữa vợ, chồng, tại mục 3 của Nghị quyết). Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước ta phải sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 một cách toàn diện nhằm cụ thể hóa và tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Các quy định tại các điều 30, 35,40, 58, 63 và 64 Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước ta là cơ sở pháp lí của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam. Năm 1994, Ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 được thành lập. Sau quá trình soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp của toàn dân, dự luật đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 chính thức thông qua ngày 09/6/2000 và được Chủ tịch nước kí lệnh công bố ngày 22/6/2000 (Lệnh số 08L/CTN). Theo Nghị quyết số 35/2000/QH10, Luật này được gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2001. Chế độ tài sản của vợ chồng được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định trong chương III (các điều 25, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33) và các điều 95, 96, 97, 98, 99 (Chương X).

Giống với Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 của Nhà nước ta cũng không dự liệu về chế độ tài sản ước định (hôn ước) giữa vợ chồng. Loại chế độ tài sản này không phù hợp với tập quán truyền thống của gia đình Việt Nam. Việc thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bằng một “khế ước" để thực hiện trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng không được luật quy định. Chế độ cộng đồng tài sản pháp định mà Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định là chế độ cộng đồng tạo sản, áp dụng cho các cặp vợ chồng. Cũng như Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về phạm vi thành phần khối tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản đó; các trường hợp chia tài sản chung và hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ, chồng.

Đối với chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định (từ Điều 33 đến Điều 46, các điều 59, 60, 61, 62, 63, 66, 67), Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 vẫn kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định là chế độ cộng đồng tạo sản với nhiều quy định cụ thể, phù hợp và bảo đảm tính khả thi cao trong thực tiễn.

Xem thêm:Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Chế độ tài sản của vợ chồng từ giải phóng miền Nam đến nay được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Chế độ tài sản của vợ chồng từ giải phóng miền Nam đến nay có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Chế độ tài sản của vợ chồng từ giải phóng miền Nam đến nay

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.24570 sec| 1003.25 kb