Chủ thể tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản

24/02/2023
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Một doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thủ tục phá sản không chỉ cần có sự tham gia của Tòa án và chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó mà còn cần có sự tham gia của nhiều chủ thể khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác theo quy định của pháp luật phá sản và những quy định của pháp luật có liên quan.

1- Tòa án

Luật Phá sản ở hầu hết các nước đều quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc phá sản, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật Phá sản năm 2004 và Luật Phá sản năm 2014 đều ghi nhận Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Ở Việt Nam, trong quy định của pháp luật phá sản, Tòa án có vai trò quyết định, một chủ thể trung tâm trong hầu hết các bước cần thực hiện của việc giải quyết yêu cầu phá sản.

Trong nộp và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc xử lý đơn thuộc thẩm quyền của Tòa án thụ lý đơn. Theo Điều 32 Luật Phá sản năm 2014, Tòa án sẽ thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản nếu đơn yêu cầu hợp lệ; có quyền yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn nếu có thiếu sót; Tòa án chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác; và Tòa án cũng có thể trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi xảy ra các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 35.

Trong bước mở thủ tục phá sản, Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (Điều 42 Luật Phá sản năm 2014). Nếu ra quyết định mở thủ tục phá sản, trong thời hạn pháp luật quy định, Thẩm phán của Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Trong Hội nghị chủ nợ, Tòa án có thẩm quyền triệu tập Hội nghị chủ nợ; Thẩm phán được giao phân công phụ trách vụ phá sản tham gia điều hành việc tiến hành Hội nghị chủ nợ.

Trong thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, Thẩm phán được Tòa án giao phân công phụ trách vụ phá sản ra quyết định công nhận nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Nghị quyết này có hiệu lực đối với tất cả người; tham gia thủ tục phá sản có liên quan. Ngoài ra, trong thời hạn lu.it định, doanh nghiệp, hợp tác xã phải lập báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm báo cáo Thẩm phán.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân còn là chủ thể duy nhất có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn, khi Hội nghị chủ nợ không thành hoặc sau khi có nghị quyết của Hội nghị chủ nợ.

2-  Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

Trước Luật Phá sản năm 2014, để hỗ trợ Tòa án trong quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu giải quyết phá sản, Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 và Luật Phá sản năm 2004 có những quy định về việc quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị yêu cầu giải quyết phá sản, trong đó quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ quản lý tài sản và tổ thanh lý tài sản (theo Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993) hay tổ quản lý, thanh lý tài sản (theo Luật Phá sản năm 2004).

Tổ quản lý, thanh lý tài sản do Thẩm phán quyết định thành lập đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản với cơ cấu bao gồm: Chấp hành viên cơ quan thi hành án cùng cấp làm tổ trưởng, cán bộ Tòa án, đại diện chủ nợ, đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản và trường hợp cần thiết có đại diện công đoàn, đại diện người lao động v.v..

Tuy nhiên, các thành viên Tổ quản lý, thanh lý tài sản đều là những người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, do đó khi tham gia quản lý và thanh lý tài sản thường lúng túng, không chủ động về thời gian và công việc. Nhận thức của các thành viên trong tổ chưa đồng đều, nhiều khi dẫn đến mâu thuẫn nội bộ, khó thống nhất, gây khó khăn trong cách tiếp cận và xử lý vấn đề trên phương diện tập thể.

Khắc phục những bất cập của chế định quản L thanh lý tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản của luật cũ, Luật Phá sản năm 2014 có quy định mới về Quản lý tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Theo đó, Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là tổ chức hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 16 Luật Phá sản năm 2014. Cụ thể:

Thứ nhất, quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, gồm: (i) Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã; (ii) Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; (iii) Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hoá giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản; (iv) Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật; (v) Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật; (vi) Đề xuất với Thẩm phán ve việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản; (vii) Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản; (viii) Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản; (ix) Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.

Thứ hai, đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.

Thứ ba, báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Thứ tư, đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc như: Thu thập tài liệu, chứng cứ; Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bấn hoặc chuyển giao bất hợp pháp; Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

3- Chủ nợ

Chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ. Chủ nợ có mối quan tâm trực tiếp đến việc phá sản, vì các quyền về tài sản của họ gắn với tài sản còn lại của doanh nghiệp, họ có quyền cùng được tham gia vào quá trình xử lý tài sản của doanh nghiệp phá sản. về nguyên tắc, tất cả các chủ nợ đều có quyền bình đẳng như nhau trong việc đòi nợ và thu hồi nợ từ tài sản của doanh nghiệp mắc nợ. Tuy nhiên, do xuất phát tính chất của mối quan hệ giữa doanh nghiệp mắc nợ và chủ nợ và việc có hay không có sử dụng các biện pháp bảo đảm đối với các khoản nợ mà quyền và nghĩa vụ của các loại chủ nợ có sự khác biệt.

Căn cứ vào khoản nợ có được đảm bảo bằng tài sản hay không, chủ nợ được chia ra 3 loại: (i) chủ nợ không có bảo đảm; (ii) chủ nợ có bảo đảm một phần và (iii) chủ nợ có bảo đảm.[3]

Tuỳ thuộc từng trường hợp cụ thể, chủ nợ tham gia thủ tục phá sản có các quyền như: (i) Quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản; (ii) Quyền gửi giấy đòi nợ; (iii) Quyền khiếu nại danh sách chủ nợ; (iv) Quyền tham gia Hội nghị chủ nợ và biểu quyết tại Hội nghị chủ nợ. Tất cả các chủ nợ đều có quyền tham gia và thảo luận tại Hội nghị chủ nợ, tuy nhiên, chỉ có chủ nợ không có bảo đảm mới có quyển biểu quyết tại Hội nghị chủ nợ.

4- Con nợ (doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ)

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, con nợ chính là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Mục tiêu quan trọng nhất của Luật Phá sản là bảo đảm quyền lợi của cả chủ nợ và con nợ, do vậy, con nợ (doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ) có vị trí rất quan trọng trong quá trình giải quyết yêu cầu phá sản.

Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn có quyền sau:

(i) Được tiếp tục hoạt động bình thường kể từ khi có quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp nhưng dưới sự giám sát của Thẩm phán và tổ quản lý tài sản. Giám đốc và các thành viên Hội đồng quản trị vẫn phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của doanh nghiệp;

(ii) Quyền xây dựng phương án phục hồi sau khi có quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để đưa ra Hội nghị chủ nợ quyết định;

(iii) Quyền khiếu nại danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ;

(iv) Đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

5-  Cơ quan thi hành án dân sự

Cơ quan thi hành án dân sự cũng là chủ thể tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản. Chủ thể này sẽ tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản trong trường hợp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án.

Theo quy định của pháp luật phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản được thực hiện theo quy định của luật phá sản, pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; Yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản; Thu hồi lại tài sản trong trường hợp có vi phạm; Đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản; xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phát sinh sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.[4]


Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại 1 - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

 

0 bình luận, đánh giá về Chủ thể tham gia quá trình giải quyết yêu cầu phá sản

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.34478 sec| 983.133 kb