Chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ của luật sư bào chữa

25/04/2021
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Luận cứ bào chữa, bảo vệ là tài liệu thể hiện kết quả quá trình luật sư nghiên cứu, tìm hiểu sự thật vụ án, các chứng cứ và tình tiết vụ án để bào chữa cho bị cáo, bảo vệ cho bị hại và đương sự. Bản luận cứ là văn bản thể hiện quan điểm của luật sư trong việc bào chữa, bảo vệ nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. 

1- Yêu cầu của luận cứ bào chữa, bảo vệ

Luận cứ bào chữa, bảo vệ là tài liệu thể hiện kết quả quá trình luật sư nghiên cứu, tìm hiểu sự thật vụ án, các chứng cứ và tình tiết vụ án để bào chữa cho bị cáo, bảo vệ cho bị hại và đương sự. Bản luận cứ là văn bản thể hiện quan điểm của luật sư trong việc bào chữa, bảo vệ nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.

Đối với thân chủ, bản luận cứ của luật sư là chỗ dựa vững chắc về pháp lý và tâm lý, giúp cho thân chủ tin tưởng hơn vào sự công bằng của pháp luật, từ đó có hướng tự bào chữa, bảo vệ tốt hơn cho quyền và lợi ích của bản thân bên cạnh việc bào chữa của luật sư.

Kết quả bào chữa, bảo vệ tại phiên tòa phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị luận cứ bào chữa. Việc chuẩn bị chu đáo luận cứ bào chữa, bảo vệ giúp luật sư chủ động, tự tin trong quá trình tranh tụng; nội dung bào chữa, bảo vệ được trình bày một cách có hệ thống, mạch lạc, không bỏ sót các tình tiết có lợi cho bị cáo hoặc bị hại, đương sự.

Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

2- Một số yêu cầu bản luận cứ bào chữa, bảo vệ phải đáp ứng

Luận cứ bào chữa, bảo vệ phải có định hướng phù hợp: nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Định hướng bào chữa, bảo vệ phải phù hợp với quy định pháp luật và tài liệu, chứng cứ liên quan. Định hướng chung trong hoạt động bào chữa, bảo vệ là bảo đảm trong vụ án cụ thể cần phù hợp với quy định pháp luật, tài liệu, chứng cứ tính “có lợi” cho thân chủ. Tuy nhiên, phương án “có lợi" trong một y án trong trường hợp bảo vệ cho bị hại, đương sự, thì ý nguyện của bị hại, đương sự cũng cần được lưu ý để xác định định hướng phù hợp.

Ví dụ minh họa:

Ngày 04/02/2019, A lái xe SH đi qua ngã tư Hoa Lan, phường A, quận B, thành phố C. Do không chú ý quan sát, A quệt vào xe Honda Lead do Nguyễn Văn B điều khiển khiến xe của B bị đổ. Khi dựng xe lên, do bức xúc nên B có to tiếng: “Mù à, đi đứng kiểu gì thế?”. Thấy vậy, A liền mở cốp xe lấy dao, B bỏ chạy liên bị A đuổi theo chém trực diện nhiều nhát vào đầu. Hậu quả B bị thương với tỉ lệ thương tật là 54%. A bị VKS truy tố về tội Giết người với tình tiết định khung tăng nặng có tính chất côn đồ. Khi gặp luật sư, A cho rằng hành vi của A chỉ phạm tội Cố ý gây thương tích vì B chỉ bị thương. Trường hợp này, Luật sư cần giải thích cho A rõ về hành vi của A (chém trực diện nhiều nhát vào đầu B), việc VKS truy tố A về tội Giết người không căn cứ vào việc B có chết hay chỉ bị thương mà vào hành vi nguy hiểm thể hiện ý thức muốn tước đoạt tính mạng của B. Trường hợp này, bào chữa theo hướng tội danh từ tội Giết người thành tội Cố ý gây thương tích.

Luận cứ bào chữa, bảo vệ phải bảo đảm tính thống nhất: tránh việc bào chữa “nước đôi” hoặc mâu thuẫn giữa nội dung đánh giá, phân tích, nhận định và kết luận, đề xuất với Hội đồng xét xử. Thực tế, tại một số phiên tòa luật sư vẫn bào chữa “nước đôi”, vừa đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội nhưng vừa đề nghị “nếu bị cáo có tội thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo". Có luật sư cho rằng sở dĩ luật sư bào chữa như vậy bởi muốn làm tròn trách nhiệm theo hợp đồng đã ký với thân chủ, muốn đảm bảo tối đa quyền lợi của thân chủ vì nếu luật sư nêu quan điểm bị cáo không có tội nhưng sau đó tòa không đồng tình mà vẫn tuyên bị cáo có tội và quyết định hình phạt thì vô tình bị cáo đã mất đi quyền đưa ra các tình tiết giảm nhẹ và yêu cầu tòa xem xét. Tuy nhiên, về nguyên tắc, luận cứ bào chữa phải bảo đảm tính thống nhất giữa phân tích, nhận định và đề xuất của luật sư, việc bào chữa “nước đôi” thể hiện sự mâu thuẫn trong quan điểm bào chữa (vừa khẳng định bị cáo không có tội vừa xác định bị cáo có tội và xin giảm nhẹ hình phạt), thể hiện luật sư chưa tin tưởng vào lập luận, chứng cứ mà mình đưa ra để bào chữa cho bị cáo theo hướng không có tội.

Ví dụ về bào chữa "nước đôi”:

Luật sư: Vừa nói vô tội, vừa xin giảm nhẹ

Luật sư của bị cáo hùng hồn khẳng định quan điểm rằng thân chủ mình không phạm tội. Tuy nhiên, đến cuối phần tranh luận, luật sư lại vớt vát: “Nếu trong trường hợp tòa cho rằng thân chủ của tôi có tội thì tôi xin nêu các tình tiết giảm nhẹ sau đây để tòa xem xét”. Tiếp đó, luật sư nêu hàng loạt ý kiến tranh luận theo hướng thân chủ phạm tội nhưng phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ ...

Do luật sư vừa nhận định thân chủ của mình vô tội, vừa cho rằng thân chủ có nhiều tình tiết giảm nhẹ để đề nghị tòa xem xét khi lượng hình, chủ tọa phiên tòa buộc phải chất vấn để làm rõ: “Tóm lại quan điểm của luật sư là bị cáo vô tội hay có tội nhưng xin giảm nhẹ”. Luật sư đáp: “Tôi nêu các luận cứ chứng minh bị cáo vô tội nhưng nếu khi nghị án, tòa cho bị cáo như những tình tiết giảm nhẹ mà tôi đã tranh luận trên”.

Tòa: Khó ghi vào bản án.

Theo nhiều thẩm phán, chuyện luật sư bào chữa theo kiểu nước đội như trên đã xảy ra trong không ít phiên tòa hình sự gần đây, thường rơi vào các luật sư trẻ. Gặp trường hợp oái oăm này, tòa rất khó để ghi vào bản án về phần luận cứ của luật sư. “Không lẽ lại ghi rằng luật sư có hai luồng quan điểm là bị cáo vừa vô tội lẫn vừa có tội” - một thẩm phán TAND thành phố Đà Nẵng nói .

Vị thẩm phán này kể ở phiên xử nào mà gặp trường hợp luật sư bào chữa nước đôi, ông thường phải hỏi đi hỏi lại rằng quan điểm chủ chốt của luật sư là bị cáo có tội hay không có tội. Nhiều luật sư cứ khăng khăng “không có tội nhưng nếu tòa cho là có tội thì xin giảm án”. Cuối cùng, trong bản án vẫn phải nêu rõ quan điểm của luật sư là hai hướng cụ thể như vậy.

Luận cứ bào chữa, bảo vệ phải có cơ cấu hợp lý: Pháp luật không quy định về cơ cấu của bản luận cứ bào chữa, bảo vệ; về nguyên tắc, mỗi luật sự có thể có cách cấu trúc luận cứ bào chữa, bảo vệ riêng của mình. Tuy nhiên, thông thường, luận cứ bào chữa, bảo vệ gồm 03 phần: Phần mở đầu (giới thiệu về luật sư, vai trò của luật sư trong vụ án), phần nội dung (phân tích, chứng minh các vấn đề liên quan) và phần kết luận (đế xuất đối với Hội đồng xét xử). Cũng có luật sư xác định các mục cụ thể cho từng nhóm nội dung của luận cứ bào chữa. Về cơ bản, cơ cấu hợp lý giúp bài bào chữa đầy đủ, mạch lạc, có hệ thống, thuận lợi cho việc trình bày của luật sư và việc theo dõi phần trình bày luận cứ của Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.

Ví dụ minh họa: 

Trong bài bào chữa cho bị cáo Trần Thị Xuân Nữ, ngoài phần giới thiệu về luật sư, bài bào chữa được chia thành các mục:

+ Nội dung điều tra vụ án,

+ Quan điểm của người bào chữa về vụ án,

+ Nhận định về tội danh và khung hình phạt mà bị cáo Trần Thị Xuân Nữ bị truy tố , xét xử,

+ Nhận định về tỷ lệ thương tật của cháu Lê Quang Vinh,

+ Vấn đề khắc phục hậu quả xảy ra,

+ Đề nghị hướng xử lý.

Luận cứ bào chữa, bảo vệ phải có căn cứ, lập luận chặt chẽ: luận cứ phải có sức thuyết phục, nội dung bản bào chữa phải nêu bật được các chứng cứ, căn cứ pháp lý có lợi cho thân chủ, đưa ra các đề xuất có lý, có tình, thuyết phục được người nghe. Tính có căn cứ, thuyết phục là một trong những yêu cầu quan trọng đối với luận cứ bào chữa, bảo vệ. Với yêu cầu “nói có sách, mách có chứng", với mỗi lập luận, đề xuất, luật sư phải nêu được căn cứ cho lập luận, đề xuất đó, tránh nói chung chung, vòng vo không có căn cứ cụ thể. Ngôn từ sử dụng trong luận cứ bào chữa, bảo vệ cũng cần chính xác, phù hợp, tránh dùng sai các thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ khoa học hoặc dùng những từ ngữ không phù hợp.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết: Chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ của luật sư bào chữa được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ của luật sư bào chữa có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ của luật sư bào chữa

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.18636 sec| 968.477 kb