Cơ cấu tổ chức của Quốc Hội
Các cơ quan của Quốc hội gồm có: Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội (UBTVQH), Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội.
I- Uỷ ban thường vụ Quốc hội
Theo Hiến pháp năm 1959, trong tổ chức của Quốc hội có UBTVQH là cơ quan thường trực của Quốc hội. Nhưng theo quy định của Hiến pháp năm 1980 thì UBTVQH được thay thế bằng Hội đồng Nhà nước. Hội đồng Nhà nước vừa là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội vừa là Chủ tịch tập thế của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Việc định ra thiết chế Hội đồng Nhà nước nhằm mục đích tinh giản bộ máy nhà nước, làm cho nó gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả. Nhưng trên thực tế Hội đồng Nhà nước đã bộc lộ những hạn chế làm cho nó không phát huy hết vai trò của mình. Bởi vì Hội đồng Nhà nước vừa phải làm nhiệm vụ thường trực Quốc hội, vừa phải đảm nhiệm công việc của nguyên thủ quốc gia. Việc Hội đồng Nhà nước ban hành nhiều pháp lệnh về tất cả mọi lĩnh vực, quyết định một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã làm nảy sinh vấn đề liên quan đến yêu cầu tập trung quyền lực, nhất là quyền lập pháp vào Quốc hội. Giữa hai kì họp Quốc hội, thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước rất rộng lớn nhưng trong kì họp Quốc hội, vai trò của Hội đồng Nhà nước lại hầu như không được thể hiện. Mặt khác, Hội đồng Nhà nước là Chủ tịch tập thể nên vai trò của nguyên thủ quốc gia không được thể hiện rõ. Hơn nữa, chức năng, nhiệm vụ giao cho Hội đồng Nhà nước rất nặng nề nhưng cơ cấu thành viên của Hội đồng Nhà nước hầu hết lại là những người kiêm nhiệm. Vì vậy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhà nước chưa cao.
Để khắc phục những hạn chế đó, Hiến pháp năm 1992 và nay là Hiến pháp năm 2013 đã phân định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước cho hai cơ quan khác nhau. Chức năng nguyên thủ quốc gia do Chủ tịch nước đảm nhiệm, còn UBTVQH được xác định là cơ quan thường trực của Quốc hội.
Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội gồm có:
- Chủ tịch Quốc hội;
- Các Phó chủ tịch Quốc hội;
- Các uỷ viên.
Số thành viên của UBTVQH do Quốc hội quyết định. Để bảo đảm cho hoạt động giám sát của UBTVQH được khách quan, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 còn quy định thành viên của UBTVQH không thể đồng thời là thành viên của Chính phủ.
UBTVQH làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Nhiệm vụ và quyền hạn của UBTVQH được quy định trong Điều 74 Hiến pháp năm 2013 và đã được quy định cụ thế trong Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
UBTVQH tổ chức việc chuẩn bị triệu tập và chủ tri các kì họp Quốc hội; ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
UBTVQH giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; giám sát hoạt động của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, KTNN và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập; đình chỉ thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ các văn bản đó tại kì họp gần nhất; bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trái với pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.
Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định vai trò tích cực của ƯBTVQH trong việc thúc đẩy hoạt động của các hội đồng và uỷ ban của Quốc hội cũng nhu của các đại biểu Quốc hội. UBTVQH chỉ đạo, điều hòa, phối họp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội.
UBTVQH đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên ƯBTVQH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng KTNN, Tổng thư kí Quốc hội.
UBTVQH giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND; bãi bỏ nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường họp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân. UBTVQH quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
UBTVQH quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp Quốc hội không thể họp được và báo cáo Quốc hội quyết định tại kì họp gần nhất; quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.
UBTVQH thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa XHCN Việt Nam; tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.
Để UBTVQH thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, Luật tổ chức Quốc hội còn quy định các thành viên của UBTVQH phải làm việc theo chế độ chuyên trách.
UBTVQH thành lập các cơ quan thuộc UBTVQH để tham mưu, giúp UBTVQH về các lĩnh vực công việc cụ thể.
II- Chủ tịch Quốc hội
Trong tổ chức của Quốc hội cũng như UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội có vị trí rất quan trọng. Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc (sửa đổi, bổ sung năm 2020) hội quy định Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; bảo đảm thi hành quy chế đại biểu Quốc hội, nội quy kì họp Quốc hội; kí chứng thực luật, nghị quyết của Quốc hội; tổ chức việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội, lãnh đạo hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong Liên minh quốc hội thế giới.
Chủ tịch Quốc hội là người chủ tri và điều hành các hoạt động của UBTVQH, lãnh đạo công tác của UBTVQH; chỉ đạo việc chuẩn bị triệu tập và chủ tọa các phiên họp của UBTVQH.
Chủ tịch Quốc hội triệu tập và chủ tọa hội nghị liên tịch giữa Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm uỷ ban của Quốc hội đế bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội khi xét thấy cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội giữ mối quan hệ với các đại biểu Quốc hội, theo dõi việc thực hiện các quy định của pháp luật về việc bảo đảm điều kiện để đại biểu hoạt động, cung cấp thông tin để đại biếu nắm được chương trình hoạt động và tình hình hoạt động của Quốc hội; theo dõi và đôn đốc các đại biểu Quốc hội báo cáo tình hình hoạt động của mình.
Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội, thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại.
Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo và tố chức thực hiện ngân sách của Quốc hội. Ngân sách của Quốc hội là một khoản độc lập trong ngân sách nhà nuớc do Quốc hội thảo luận và quyết định tại kì họp cuối năm.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch.
III- Hội đồng dân tộc
Vấn đề dân tộc có ý nghĩa chiến luợc đối với cách mạng Việt Nam. Hiến pháp năm 1959 chưa nói đến việc thành lập Hội đồng dân tộc mà chỉ quy định việc thành lập các uỷ ban của Quốc hội. Tiếp đó, theo Nghị quyết ngày 20 tháng 4 năm 1961, Quốc hội đã thành lập Uỷ ban dân tộc của Quốc hội để giúp Quốc hội nghiên cứu, thẩm tra và đề ra các dự án về vấn đề dân tộc. Hiến pháp năm 1980 đã nâng Uỷ ban dân tộc của Quốc hội thành Hội đồng dân tộc cho xứng với tầm quan trọng của vấn đề dân tộc ở nước ta. Đen Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, vị trí, vai trò của Hội đồng dân tộc được đề cao, nhiệm vụ và quyền hạn được tăng cường. Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992.
Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Hội đồng dân tộc tham mưu cho Quốc hội về vấn đề dân tộc. Nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc là nghiên cứu và kiến nghị với Quốc về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội đồng dân tộc được tham dự các phiên họp của UBTVQH, được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn việc thực hiện chính sách dân tộc. Trước khi ban hành các quyết định về chính sách dân tộc, Chính phủ phải tham khảo ý kiến của Hội đồng dân tộc. Hội đồng dân tộc còn có những nhiệm vụ, quyền hạn khác như các uỷ ban của Quốc hội quy định tại khoản 2 Điều 76 Hiến pháp năm 2013.
Hội đồng dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các uỷ viên. Chủ tịch Hội đồng dân tộc do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Các Phó Chủ tịch và các uỷ viên Hội đồng dân tộc do ƯBTVQH phê chuẩn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng dân tộc, Luật tổ chức Quốc hội quy định Hội đồng dân tộc có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách. Số thành viên Hội đồng dân tộc hoạt động chuyên trách do UBTVQH quyết định.
IV- Các uỷ ban của Quốc hội
Những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội có quan hệ đến mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội, nhưng Quốc hội chỉ họp hai kì trong một năm nên không thể nghiên cứu, thảo luận và quyết định tốt các vấn đề nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng. Vì vậy, các uỷ ban của Quốc hội được thành lập để giúp Quốc hội thực hiện được tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các uỷ ban của Quốc hội chẳng những làm việc khi Quốc hội họp mà còn làm việc khi Quốc hội không họp; chẳng những nghiên cứu, thẩm tra những vấn đề được Quốc hội và UBTVQH giao cho mà còn đề xuất những sáng kiến giúp Quốc hội và UBTVQH giải quyết tốt các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của mình. Đồng thời các uỷ ban của Quốc hội còn là hình thức thu hút các đại biểu vào việc thực hiện công tác chung của Quốc hội.
Quốc hội thành lập hai loại uỷ ban: Uỷ ban thường trực và uỷ ban lâm thòi. Việc thành lập, giải thể uỷ ban do Quốc hội quyết định.
Uỷ ban thường trực của Quốc hội là những uỷ ban hoạt động thường xuyên. Nhiệm vụ của các uỷ ban này là nghiên cứu, thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh và dự án khác, những báo cáo được Quốc hội hoặc UBTVQH giao; trình Quốc hội, UBTVQH ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của uỷ ban.
Tùy theo từng lĩnh vực hoặc từng nhóm vấn đề nhất định, Quốc hội thành lập các uỷ ban sau đây:
- Uỷ ban pháp luật;
- Uỷ ban kinh tế và ngân sách;
- Uỷ ban quốc phòng và an ninh;
- Uỷ ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;
- Uỷ ban về các vấn đề xã hội;
- Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường;
- Uỷ ban đối ngoại.
(Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội năm 2001).
Trong các uỷ ban thường trực của Quốc hội thì Uỷ ban quốc phòng và an ninh là uỷ ban mới được thành lập từ năm 1992 để tham mưu cho Quốc hội về chính sách quốc phòng và an ninh, thẩm tra các dự án luật về quốc phòng và an ninh, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Tại kì họp lần thứ 11 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội để thành lập thêm 2 uỷ ban thường trực mới là Uỷ ban tư pháp và Uỷ ban tài chính, ngân sách trên cơ sở chia tách Uỷ ban pháp luật và Uỷ ban kinh tế và ngân sách.
Như vậy, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố chức Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 thì Quốc hội có 9 uỷ ban thường trực, đó là:
- Uỷ ban pháp luật;
- Uỷ ban tư pháp;
- Uỷ ban kinh tế;
- Uỷ ban tài chính, ngân sách;
- Uỷ ban quốc phòng và an ninh;
- Uỷ ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng;
- Uỷ ban về các vấn đề xã hội;
- Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường;
- Uỷ ban đối ngoại.
Luật tổ chức Quốc hội còn quy định mỗi uỷ ban phải có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách.
Theo Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Quốc hội có 9 uỷ ban thường trực sau đây:
- Uỷ ban pháp luật;
- Uỷ ban tư pháp;
- Uỷ ban kinh tế;
- Uỷ ban tài chính, ngân sách;
- Uỷ ban quốc phòng và an ninh;
- Uỷ ban văn hóa, giáo dục;
- Uỷ ban xã hội;
- Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường;
- Uỷ ban đối ngoại.
Uỷ ban lâm thời là những uỷ ban được Quốc hội thành lập ra khi xét thấy cần thiết để nghiên cứu thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, uỷ ban này sẽ giải thể. Ví dụ: Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp, uỷ ban thẩm tra tu cách đại biểu Quốc hội...
Uỷ ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các uỷ viên, số Phó Chủ nhiệm và số uỷ viên uỷ ban do Quốc hội quyết định. Chủ nhiệm uỷ ban do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội, các Phó Chủ nhiệm và các uỷ viên uỷ ban do UBTVQH phê chuẩn, số thành viên hoạt động chuyên trách do UBTVQH quyết định.
Để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội còn được Hiến pháp năm 2013 quy định có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng KTNN và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời những kiến nghị của Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội (Điều 77).
Trước đây, Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 quy định: Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có quyền kiến nghị UBTVQH xem xét trình Quốc hội việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước UBTVQH.
Các thành viên của Hội đồng dân tộc và các uỷ ban thường trực của Quốc hội phải là đại biểu Quốc hội và không thể đồng thời là thành viên Chính phủ để đảm bảo tính khách quan trong việc giám sát hoạt động của cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Luật sư Nguyễn Thị Yến - Phó Giam Đốc của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giao trình Luật Hiến pháp Việt Nam - Đại Học Luật Hà Nội (2021) và một số nguồn khác)
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm