Cổ đông trong công ty cổ phần

22/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương
Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương
Cổ đông được hiểu là người mua cổ phần để góp vốn vào Công ty cổ phần. Trong công ty cổ phần, có nhiều loại cổ đông khác nhau. Cổ đông trong công ty cổ phần có thể phân loại thành năm loại cổ đông khác nhau: cổ đông phổ thông, cổ đông sáng lập, cổ đông ưu đãi biểu quyết, cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại. Mỗi loại cổ đông lại có những đặc điểm khác nhau, có quyền và nghĩa vụ khác nhau cũng như có những quy chế pháp lý khác nhau.

Người mua cổ phần để góp vốn vào CTCP được gọi là cổ đông (chỉ cần mua ít nhất một cổ phần). Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức, số lượng cổ đông trong CTCP tối thiểu là 03, không hạn chế số lượng tối đa. Khái niệm cổ đông luôn gắn liền với khái niệm cổ phần. Cổ đông là chủ thể của quyền tài sản. Thông thường, các cổ phần đều bình đẳng, nhưng pháp luật cũng cho phép Điều lệ công ty quy định các cổ phần ưu đãi. Ví dụ: tại khoản 2 Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam quy định: “Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi”. Vì vậy, trong CTCP, cổ đông được phân loại để mỗi loại có quy chế pháp lý riêng. Nếu dựa vào việc ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập, pháp luật chia các cổ đông thành: cổ đông sáng lập và cổ đông khác. Nếu dựa vào việc nắm giữ các loại cổ phần khác nhau, pháp luật phân loại cổ đông thành: cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi, cổ đông ưu đãi gồm: cổ đông ưu đãi biểu quyết, cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đãi hoàn lại, cổ đông ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định (ví dụ cổ phần ưu đãi tích lũy, cổ phần ưu đãi dồn lãi, cổ phần ưu đãi thanh lý). Mỗi loại cổ đông này nắm giữ một loại cổ phần tương ứng. Các cổ đông ưu đãi có một số đặc quyền khác nhau nhưng về cơ bản vẫn có chung các quyền và nghĩa vụ trên nền tảng các quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông đã được pháp luật, Điều lệ công ty quy định.

I- CỔ ĐÔNG PHỔ THÔNG                                                    '

Cổ đông phổ thông là người sở hữu cổ phần phổ thông. Các cổ đông phổ thông chính là các chủ sở hữu của CTCP, thể hiện tuyệt đối quyền làm chủ công ty của họ. Với tư cách là chủ sở hữu công ty, cổ đông phổ thông được pháp luật về công ty cũng như Điều lệ công ty quy định rất cụ thể và trên nhiều lĩnh vực của đời sống công ty, trong đó tập trung vào hai vấn đề chủ yếu: (i) Hình thành và chấm dứt tư cách cổ đông; (ii) Quyền và nghĩa vụ của cổ đông.

1- Hình thành và chấm dứt tư cách cổ đông

Một người hay một tổ chức muốn có tiền và trở nên giàu có, họ có thể đầu tư tài sản (góp tài sản) vào công ty, bằng hành vi này họ đã tự chấp nhận trở thành thành viên của công ty. Xét ở góc độ kinh tế, họ là nhà đầu tư. Về phương diện pháp lý họ là chủ sở hữu công ty, họ có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty. Vì vậy, pháp luật phải can thiệp vào hành vi của họ một mặt để bảo vệ lợi ích cho chính bản thân họ, mặt khác bảo vệ lợi ích cho công ty và người thứ ba bằng cách đặt ra các điều kiện để trở thành cổ đông của công ty.

Điều kiện để trở thành cổ đông của CTCP bao gồm hai điều kiện, đó là điều kiện về nhân thân hay là chủ thể và điều kiện về tài sản.

Thứ nhất, về nhân thân (chủ thể): cổ đông của CTCP không đơn giản chỉ là người góp tài sản vào công ty để được chia lợi nhuận, mà họ còn phải tham gia vào đời sống công lý với tư cách là chủ sở hữu, vì vậy họ phải có năng lực, điều kiện nhất định. Có những đối tượng do địa vị xã hội, do tính chất nghị nghiệp, họ không thể trở thành cổ đông của CTCP.

Pháp luật quy định tổ chức, cá nhân có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp; Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn vào doanh nghiệp, cũng có nghĩa là họ có thể trở thành cổ đông trong CTCP (trừ những đối tượng bị cấm theo Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Có thể khái quát các điều kiện bị cấm thành các nhóm: i) Không có năng lực; ii) Bị pháp luật tước quyền; và iii) Không thể kiêm nhiệm. Những người không thể kiêm nhiệm tức là không thể trở thành cổ đông của công ty là vấn đề được tranh luận nhiều và có những quan điểm khác nhau không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc mở rộng hay hạn chế những người không thể trở thành cổ đông công ty phụ thuộc vào những yếu tố chính trị, pháp luật của từng quốc gia trong từng thời kỳ nhất định. Ở Việt Nam trước đây, những đối tượng không thể kiêm nhiệm có phạm vi rất rộng. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thu hẹp phạm vi những đối tượng không thể kiêm nhiệm bằng cách chia làm hai nhóm: nhóm không có quyền thành lập (cổ đông sáng lập), quản lý công ty (nhóm này đối tượng bị cấm có phạm vi rộng) và nhóm có quyền mua cổ phần thì đối tượng bị cấm được thu hẹp đáng kể.

Thứ hai, điều kiện về tài sản (góp vốn). Đây là điều kiện tiên quyết và bắt buộc bởi lẽ góp tài sản là hành vi tạo lập nên công ty và công ty được khoa học pháp lý quan niệm là một khối tài sản hay một tập hợp tài sản thuộc quyền sở hữu của các cổ đông. Góp vốn là hành vi của cá nhân hay tổ chức trên cơ sở tự do ý chí dùng tài sản của mình góp vào công ti để tạo lập nên vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn khi thành lập công ty, hoặc góp vốn khi công ty đã đi vào hoạt động cần tăng vốn điều lệ. Như vậy, một tổ chức, cá nhân muốn trở thành cổ đông của CTCP phải thỏa mãn hai điều kiện đó là không thuộc đối tượng bị cấm và phải góp vốn vào công ty (chỉ cần sở hữu một cổ phần cũng được).

Tư cách cổ đông trong CTCP chủ yếu được hình thành bằng hành vi góp vốn, ngoài ra, tư cách cổ đông còn được hình thành bằng việc mua lại cổ phần của cổ đông thông qua việc chuyển nhượng vốn góp như đã trình bày ở trên. Tư cách cổ đông trong CTCP có thể được hình thành bằng việc thừa kế tài sản (cổ phần là tài sản). Cổ đông trong CTCP cũng có thể hình thành từ việc được tặng cho cổ phần, về mặt pháp lý, CTCP phải có sổ đăng ký cổ đông, sổ đăng ký cổ đông được lập, lưu giữ theo quy định của pháp luật và được coi là một trong những nội dung không thể thiếu trong lý lịch công ty. Là công ty đối vốn, CTCP chỉ quan tâm đến vốn góp.

Việc chấm dứt tư cách cổ đông trong CTCP có thể là do ý chí của cổ đông hoặc là do ý chí của công ty hoặc xảy ra sự kiện pháp lý.

Chấm dứt tư cách cổ đông thông qua ý chí của cổ đông là việc cổ đông chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho người khác; cổ đông tặng cho toàn bộ cổ phần của mình cho người khác; cổ đông yêu cầu công ty mua lại vốn góp của mình; Sự kiện cổ đông chết. Tư cách cổ đông cũng có thể chấm dứt do ý chí của công ty đó là trường hợp cổ đông vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty, bị công ty khai trừ ra khỏi công ty.

2- Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông

   Quyền của cổ đông phổ thông

Cổ đông là chủ sở hữu công ty, vì vậy, theo lí thuyết về sở hữu thì quyền của cổ đông được coi là quyền tuyệt đối (không bị tước bỏ). Có thể khái quát quyền của cổ đông phổ thông thành hai nhóm, đó là nhóm quyền liên quan đến quản trị công ty và nhóm quyền liên quan đến lợi ích kinh tế.

- Nhóm quyền về quản trị công ty bao gồm:

Quyền được tham dự, bày tỏ ý chí, biểu quyết trong các cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông. Thông qua quyền này, cổ đông chi phối tới vấn đề quản trị, vận hành công ty, như sửa đổi, thông qua Điều lệ công ty, bầu các chức danh quản lý, kiểm soát công ty, quyết định những vấn đề quan trọng nhất về chiến lược phát triển, kinh doanh của công ty, nguyên tắc phân chia lợi nhuận; có quyền yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông; có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, ban kiểm soát; có quyền xem xét ứa cứu, trích lục các thông tin về công ty...

- Nhóm quyền về kinh tế, đây là quyền không thể bị tước bỏ của cổ đông. Nhóm quyền này bao gồm: Được nhận cổ tức; Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán; Tự do chuyển nhượng cổ phần; Khi công ti giải thể hoặc phá sản được nhận một phần tài sản tương ứng với tỉ lệ sở hữu cổ phần...

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có quy định cụ thể về các quyền của cổ đông phổ thông (xem Điều 114).

Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông

Là thành viên của công ty, cổ đông có nghĩa vụ đối với công ty và có cả sự liên quan trách nhiệm với người thứ ba. Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định các nghĩa vụ của cổ đông phổ thông, bao gồm:

Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua; Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ti dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ti trong phạm vi số cổ phần mà họ sở hữu; tuân thủ Điều lệ công ti; chấp hành nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị; thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ti (xem Điều 115).

II- CỔ ĐÔNG SÁNG LẬP

Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên vào danh sách cổ đông sáng lập CTCP. Về bản chất, cổ đông sáng lập là cổ đông phổ thông, song họ là người ký tên vào bản danh sách cổ đông sáng lập. Thông thường họ là những người đầu tiên có ý tưởng kinh doanh và đứng ra tuyên truyền vận động người khác cùng với họ góp vốn thành lập công ty. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn “tiền công ty”, trong giai đoạn này có thể có nhiều người tham gia, song có những người không làm cổ đông sáng lập. Cơ sở pháp lý để chứng minh họ là cồ đông sáng lập chính là hành vi họ đã ký tên vào danh sách cổ đông sáng lập công ty, hành vi đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ được làm cổ đông sáng lập và cũng đồng thời họ chấp nhận gánh vác trách nhiệm của người sáng lập ra công ty. Quan niệm về cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 được nhìn nhận theo chứng cứ pháp lý, có phần khái quát và chính xác hơn so với quan niệm về cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì cổ đông sáng lập là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của CTCP. Khái niệm này coi yếu tố tham gia xây dựng, ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty làm căn cứ để khẳng định họ là cổ đông sáng lập, e rằng chưa đúng. Khi công ty thành lập thì phải có điều lệ, điều lệ công ty phải được tất cả các thành viên ký tên, nghĩa là họ đã nhất trí thông qua việc thành lập công ty. Song trong số những người cùng ký vào bản điều lệ có người không muốn làm sáng lập viên thì sao? Và nếu họ không ký tên vào Điều lệ cũng đồng nghĩa với việc họ không phải là thành viên công ty trong buổi đầu thành lập, mặc dù họ rất muốn gia nhập công ty. Khái niệm cổ đông sáng lập gắn với việc thành lập công ty và bằng hành vi ký tên vào danh sách cổ đông sáng lập và danh sách đó có giá trị pháp lý và nó còn liên quan đến sổ đăng ký cổ đông của công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì CTCP mới thành lập phải có ít nhất ba cổ đông sáng lập. Riêng CTCP được chuyển đổi từ DNNN hoặc từ công ty TNHH hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ CTCP khác thì không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập. Việc quy định cổ đông sáng lập là để đảm bảo cho sự thành lập, hoạt động của CTCP cũng như để bảo vệ lợi ích cho những người có

quan hệ dân sự, thương mại với công ty khi mới thành lập. Như vậy, có thể thấy cổ đông sáng lập có hai tư cách: Trước hết họ phải là cổ đông phổ thông và sau đó họ đóng vai cổ đông sáng lập (ký tên vào danh sách cổ đông sáng lập). Do đó, ngoài những quyền và nghĩa vụ của một cổ đông phổ thông, thì với tư cách là cổ đông sáng lập họ bị ràng buộc vào các nghĩa vụ chặt chẽ trong một số vấn đề như:

- Phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp;

- Không được tự do chuyển nhượng cổ phần mà phải sau ba năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mới có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó;

- Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bên cạnh những ràng buộc về nghĩa vụ như đã nêu, thì cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết song quyền này cũng chỉ có hiệu lực trong vòng ba năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, sau thời hạn đó cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

III- CỔ ĐÔNG ƯU ĐÃI BIỂU QUYẾT

Cổ đông ưu đãi biểu quyết là người nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Đây là loại cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Vì vậy, cổ đông nắm giữ loại cổ phần này có khả năng chi phối tới quản trị công ty cũng như những vấn đề quan trọng khác của công ti, bởi lẽ việc thông qua các quyết định của công ti được thực hiện bằng việc bỏ phiếu. Việc cho phép CTCP có loại cổ phần ưu đãi biểu quyết, xem ra nền dân chủ, nguyên tắc bình đẳng trong CTCP đã bị vi phạm. Pháp luật một số nước không cho phép phát hành loại cổ phần này. Luật Thương mại áp dụng ở Trung phần Việt Nam thời Pháp thuộc không cho phép phát hành cổ phần đa phiếu, cho phép phát hành cổ phần lưỡng phiếu nhưng phải có điều kiện, đó là cổ phần hữu danh đã góp đủ tiền và cổ đông nắm giữ loại cổ phần đó đã phải là chủ sở hữu cổ phần trong thời hạn ít nhất hai năm.1 Do tính chất đặc biệt của loại cổ phần này, nên pháp luật quy định rất chặt chẽ về điều kiện nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết, đó là: chỉ có tổ chức được Chính phủ uỷ quyền và cổ đông sáng lập mới được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Tuy nhiên, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập cũng chỉ có giá trị trong ba năm, kể từ ngày công ti được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Có lẽ quy định này nhằm đảm bảo cho các DNNN sau khi cổ phần hoá, Nhà nước vẫn can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, cũng như ưu đãi các sáng lập viên nhằm khuyến khích những người đứng ra thành lập doanh nghiệp. Pháp luật không quy định số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết mà dành cho Điều lệ công ti quy định, bởi đó là quyền của công ti. Ngay cả việc CTCP có loại cổ phần ưu đãi biểu quyết hay không cũng là do công ti quyết định. Như đã trình bày, cổ đông ưu đẫi biểu quyết trước hết họ cũng là cổ đông, vì vậy họ cũng có các quyền khác như cổ đông phổ thông, đồng thời họ có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết được quy định trong Điều lệ công ti. Vì đây là sự ưu đãi, do vậy quyền ưu đãi này không thể chuyển nhượng cho người khác.

IV- CỔ ĐÔNG ƯU ĐÃI CỔ TỨC

Cổ đông ưu đãi cổ tức là người sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức. Cổ đông ưu đãi cổ tức có hai đặc quyền và một hạn chế quyền. Cụ thể là:

- Được nhận cổ tức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc là mức ổn định hàng năm. cổ tức được chia hàng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ti. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cồ tức thưởng do công ti quy định và được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

" Ngoài việc được nhận cổ tức như đã nói ở trên, cổ đông ưu đãi cổ tức còn có quyền được nhận tài sản còn lại tương ứng với tỉ lệ sở hữu cổ phần còn lại trong công ti, sau khi công ti đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ti giải thể hoặc phá sản. Quy định này chưa làm rõ đặc quyền về thứ tự ưu tiên thanh toán của loại cổ phần này. Liệu cổ phần ưu đãi cổ tức có được ưu tiên thanh toán từ tài sản còn lại của công ti khi công ti giải thể hay phá sản hay không? Và thứ tự thanh toán giữa cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cổ tức có gì khác biệt. Ngoài hai quyền trên, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức cũng có các quyền khác như cổ đông phổ thông.

- Về hạn chế quyền, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

V- CỔ ĐÔNG ƯU ĐÃI HOÀN LẠI

Cổ đông ưu đãi hoàn lại có một đặc quyền và một hạn chế quyền so với cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi hoàn lại là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại. Đó là loại cổ phần có đặc quyền là được công ti hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Ngoài đặc quyền này, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ phần ưu đãi phổ thông. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.


Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại 1 - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Cổ đông trong công ty cổ phần

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.23845 sec| 1014.656 kb