Đặc điểm tâm lý của hoạt động khám xét
Nội dung bài viết
1- Khái niệm
Khám xét là hoạt động điều tra, nhằm tìm những dấu vết tội phạm, vật chứng hoặc những đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Hoạt động khám xét được thực hiện trên cơ sở kết hợp các tri thức về điều tra và tổ chức hoạt động điều tra. Để tìm ra vật bị che dấu, điều tra viên phải thực hiện hai dạng hoạt động sau đây:
- Suy nghĩ, phán đoán về nơi vật được cất giấu, đồng thời theo dõi hành vi của người che giấu vật cần tìm;
- Tự mình hành động để tìm ra vật bị cất dấu.
2- Đặc trưng tâm lý của hoạt động khám xét
Đối với điều tra viên, việc xây dựng mô hình tư duy về hành vi của người cất giấu vật liên quan đến tội phạm là một thành phần bắt buộc trong quá trình chuẩn bị khám xét. Điều tra viên cần phải sử dụng phương pháp phản xạ, đặt mình vào vị trí của người giấu đồ vật để nắm bắt diễn biến suy nghĩ và hành động của người phạm tội.
Để tiến hành khám xét, trước tiên điều tra viên phải tìm hiểu trước nhân thân và điều kiện sống của đối tượng bị khám xét. Nếu điều tra viên có càng nhiều thông tin về đối tượng khám xét thì khả năng tư duy của họ càng được mở rộng, việc tìm ra các phương pháp khám xét vật bị giấu càng được đề ra một cách hợp lý.
Hoạt động khám xét cũng được thực hiện thuận lợi khi điều tra viên có sự tìm hiểu trước về địa điểm giấu đồ vật, và đặc điểm của vật cũng như mối quan hệ giữa vật bị giấu với can phạm. Đe phán đoán đúng suy nghĩ của can phạm trong việc lựa chọn phương pháp cất giấu và nơi cất giấu đồ vật, điều tra viên cần chú ý kết hợp đặc điểm tâm lý của bị can với lợi ích mà y quan tâm, và hành động do bị can thực hiện trước khi khám xét. Ví dụ: Để tìm ra những đồ vật quý do bọn buôn lậu cố tình cất giấu chúng ta phải chú ý đến những chi tiết sau:
- Nơi người phạm tội thường lui tới;
- Thường đem đồ vật gì ra khỏi nhà, to, nhỏ ra sao;
- Có hay sửa chữa gì về cơ cấu nhà ở không;
- Đồ vật trong nhà có sự sắp xếp lại hay không...;
- Lối sống và thói quen cuộc sống có bị thay đổi không.
Khi chuẩn bị hoạt động khám xét, điều tra viên cũng cần tìm hiểu thêm về đặc điểm tâm lý của đương sự nhằm phán đoán trước khả năng xử sự của họ trong khám xét (ví dụ chống đối hay im lặng...). Nếu nhìn thấy trước khả năng xử sự của đương sự, điều tra viên sẽ làm chủ được kế hoạch khám xét, đồng thời ngăn chặn được những hành động liều lĩnh của đương sự (phá hủy đồ vật quý đang bị tìm kiếm).
Khi chuẩn bị địa điểm cất giấu đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài sản có liên quan đến vụ án, người phạm tội thường chú ý kết hợp những trạng thái tâm lý sau đây: Trạng thái chán nản, mệt mỏi trong khi tìm kiếm. Ví dụ, giấu tài liệu vào giữa cuốn sách để giữa một giá sách lớn, người phạm tội cho rằng khi khám xét toàn bộ giá sách, đến giữa giá sách thì người khám xét đã mệt mỏi mà không chú ý lục tìm từng trang nữa;
- Trạng thái mất phương hướng trong khám xét. Thông thường người phạm tội hay chôn đồ vật quý xuống đường đi, hố phân, chân bếp...
- Lợi dụng tình cảm trong sáng, tốt đẹp của người khám xét. Ví dụ, giấu đồ vật quý xuống giường nằm của đứa trẻ, của người bệnh nặng, hoặc xuống mộ của người đã chết;
- Lợi dụng sự bất ngờ đối với điều tra viên (để đồ vật ở nơi dễ thấy nhất);
- Cản trở hoạt động khám xét bằng cách gây ra các vụ xung đột tại thời điểm khám xét nhằm làm sao nhãng sự chú ý của điều tra viên.
Hoạt động khám xét không chỉ tìm ra vật bị cất giấu, mà còn tìm hiểu về lối sống của người phạm tội và mối liên hệ giữa họ với những người xung quanh. Việc nghiên cứu tất cả các đồ vật xung quanh nơi khám xét, thư từ, tranh ảnh trang trí trong phòng của người phạm tội giúp cho điều tra viên tìm ra những kết luận chính xác về thói quen và sự tiếp xúc của người phạm tội đối với những người xung quanh.
Kết quả của hoạt động khám xét phụ thuộc vào tính chủ động của những người khám xét. Nếu những người tham gia khám xét càng biết rõ về mục đích hoạt động, càng nẳm vững các quyền và chức năng tố tụng của mình thì họ càng phối hợp chặt chẽ với nhau trong khi khám xét, và đi đến mục đích chung. Điều này có nghĩa là trong khi khám xét điều tra viên cần chú ý đến các biểu hiện tích cực của những người chứng kiến.
Trong khi khám xét, điều tra viên cần ghi nhớ tất cả những đối tượng mà họ đã nghiên cứu trước khi chuyển sang nghiên cứu đối tượng khác. Việc ghi nhớ này là hết sức quan trọng vì nó giúp cho người khám xét tìm ra mối liên hệ giữa sự vật này với sự vật khác. Trong khi khám xét cần hết sức chú ý đến lý do mà vật này hay vật khác được sắp xếp lại. Thông thường trong nhà, mỗi vật được xếp đặt tại một vị trí nhất định và theo những lý do nhất định. Việc thay đổi các lý do “truyền thống” cần phải được điều tra viên suy nghĩ xem xét. Ví dụ, khi tiến hành khám xét một căn phòng của tên A, các điều tra viên nhận thấy sự mất cân đối giữa sự bày biện các đồ vật trong phòng khách như sau: Căn phòng nhỏ, trưng bày nhiều đồ cổ song trong đó lại treo một bức tranh cổ động mới với kích thước lớn không cân xứng với căn phòng. Mặc dù bức tranh cổ động mới có nội dung thời sự hợp với một trào lưu nào đó ngoài xã hội, song sự thiếu cân đối trong nét trang trí đã khiến điều tra viên suy nghĩ phải chăng sau bức tranh là một cái gì không minh bạch. Sau khi quyết định khám xét kỹ càng bức tường sau bức tranh, điều tra viên đã tìm ra đồ vật do phạm tội mà có. ở trường hợp này, điều tra viên đã phân tích đúng quy luật chung của sự bài trí các sự vật trong một căn phòng (về kích thước, màu sắc, xu hướng nghệ thuật) và mối quan hệ giữa các sự vật với nhau (bức tranh, bức tường và vị trí các viên gạch).
Để ngăn ngừa những sai lầm phát sinh bởi sự tự do tản mạn trong khám xét, điều tra viên cần chú ý kiểm tra những chất lượng thông thường có thể kiểm tra được. Ví dụ, khi khám xét một chiếc phích cần phải đặt câu hỏi liệu chiếc phích này có thể nặng đến 1,2 kg khi không chứa nước hay không. Trong khi trọng lượng phổ biến của chiếc phích cùng loại là 0,6 kg... Hoặc khi khám xét một căn nhà, khi cầm một chiếc giày da lên, điều tra viên cảm thấy nó nặng không bình thường. Vậy thì ngay lúc đó họ có thể tiến hành so sánh trọng lượng của chiếc giày này với chiếc giày cùng đôi với nó. Mặt khác cũng có thể tiến hành những biện pháp kiểm tra phổ thông hơn như cân, hoặc dùng que sắt nhọn để kiểm tra...
Tóm lại, khi khám xét điều tra viên cần chú ý tới những hành động sau đây:
- So sánh các vật cùng loại hiện có trong phòng đang bị khám xét;
- So sánh từng phần của vật với các vật đồng loại;
- So sánh tính năng sử dụng, cúng như dấu vết lưu lại trên vật để rút ra kết luận về quá trình sử dụng vật;
- Nghiên cứu mối quan hệ giữa các sự vật với môi trường xung quanh để rút ra những mâu thuẫn có giá trị.
Để thực hiện tốt các hành động nói trên, điều tra viên phải tranh thủ được sự tham gia của các nhà chuyên môn có khả năng hiểu biết và phân tích một cách sắc bén bản chất của từng sự vật, phát hiện nhanh chóng những khuyết tật, hoặc những giả mạo nhất định trên các sự vật. Thực tế cho thấy nhiều hoạt động khám xét của điều tra viên đã kết thúc nhanh chóng, có hiệu quả nhờ sự giúp đỡ của các chuyên viên về đồ gỗ, đồ da, đồ sành sử, các chuyên viên về xây dựng về cơ khí, hóa chất...
Trong quá trình khám xét việc theo dõi quá trình này được phân thành một nhiệm vụ độc lập của hoạt động điều tra. Nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động theo dõi quá trình khám xét bao gồm:
- Nghiên cứu địa điểm bị khám xét;
- Nghiên cửu sự hoạt động của từng đối tượng cá biệt (gia súc, chim chóc và những người tham gia khám xét khác);
- Nghiên cứu thái độ cử chỉ của người bị khám xét.
Việc theo dõi hành động của người tham gia khám xét và người bị khám xét, một mặt giúp điều tra viên chỉ đạo tốt hoạt động khám xét, mặt khác nắm bắt kịp thời những biểu lộ tâm lý của người phạm tội khi vật cất giấu bị phát hiện, hoặc đang bị đe dọa phát hiện.
Khi tiến hành khám xét, điều tra viên cần chú ý tạo ra nguồn ánh sáng tốt hơn ánh sáng mà người phạm tội thường sử dụng. Điều này sẽ tạo khả nãng tri giác một cách chính xác các sự vật hiện tượng, đồng thời phát hiện nhanh các dấu vết lạ mà ở điều kiện ánh sáng bình thường khó có thể phát hiện được. Trong khi khám xét, điều tra viên có thể gặp những sự vật, chi tiết khó giải thích. Điều quan trọng là không nên quá tập trung vào các chi tiết lạ này mà sao nhãng mục đích khám xét.
Thông thường, hoạt động khám xét sẽ gây cho người bị khám xét những phản ứng tiêu cực đối với những người khám xét (thậm chí họ có thể cố tình tạo ra các phản ứng tiêu cực này, nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ của những người khám xét...). Trong những trường hợp như vậy, những người khám xét, đặc biệt là điều tra viên phải chú ý kìm bớt các căng thẳng về tâm lý, chủ động điều chỉnh thái độ của mình. Tránh va chạm với các đương sự (thường là người bị khám xét dùng những lời nói bất nhã hoặc có tính khiêu khích gây căng thẳng tâm lý...).
Trường hợp xuất hiện những tình huống xung đột căng thẳng trong quá trình khám xét, điều tra viên có thể dùng một số tác động tâm lý nhất định để làm dịu sự căng thẳng ví dụ kích động tình cảm, ra mệnh lệnh.
Việc áp dụng các phương pháp tác động tâm lý trong khám xét là nhằm mục đích:
- Loại trừ những hành động cản trở điều tra viên thi hành nhiệm vụ;
- Tạo điều kiện cho đương sự tự giác khai báo, giao nộp vật cất giấu;
- Tạo điều kiện để người phạm tội lập công chuộc tội (chỉ thêm những vật khác mà người phạm tội cùng đồng bọn còn giấu).
Thực tế cho thấy khi tiến hành khám xét, điều tra viên sử dụng tốt các tác động tâm lý đối với người bị khám xét thì hoạt động khám xét sẽ trở nên hết sức thuận lợi và ít căng thẳng. Sự thuyết phục của điều tra viên chủ yếu thực hiện bằng lời nói, sự tiếp xúc và hành động thực hiện trong khi khám xét. Hoạt động thuyết phục của điều tra viên bao giờ cũng đạt được hai mục đích: tạo những biến chuyển tâm lý tốt ở người bị khám xét và làm sáng tỏ mối quan hệ tâm lý giữa người bị khám xét và vật cất giấu.
Trong khi khám xét cần chú ý mở rộng việc nói chuyện với người bị khám xét, nhằm đặt ra những câu hỏi về vật bị cất giấu, hay những vật khác có liên quan. Thông thường qua nhịp độ của sự trả lời, cách lập luận và trình bày của đương sự, điều tra viên cũng có thể xác định được trạng thái tâm lý và quan hệ giữa đương sự với vật cất giấu.
Những câu hỏi về sự vật tìm kiếm (kích thước, hình khối, màu sắc, tính năng tác dụng...) sẽ cho phép điều tra viên đặt ra những giả định về vị trí hiện tại của vật, giá trị của vật, và quan hệ giữa nó với người bị khám xét.
Trong điều tra tội phạm nói chung, cũng như trong khám xét nói riêng, việc dùng lời nói để tìm kiếm các tin tức cần thiết có giá trị thực tế rất cao. Việc trinh sát bằng lời, nhiều khi đem lại những kết quả hết sức bất ngờ.
Ví dụ, khi khám xét nhà của A, sau khi khám xét phòng khách, điều tra viên tuyên bố chuyển cuộc khám xét sang phòng ngủ. Quan sát nét mặt cử chỉ của A, điều tra viên phát hiện thấy:
- Mặt A bị tái đi;
- Hơi thở dồn dập, động tác uể oải chán nản;
- Biểu hiện căng thẳng lộ rõ, tay chân run rẩy. Rõ ràng hiện tượng này cần phải được nắm bắt kịp thời bởi lẽ không đơn thuần mà đương sự lại trở nên khẩn trương như vậy, phải chăng vật cần tìm đã bị giấu trong phòng ngủ (tất nhiên ở trường hợp khác thì đương sự lại tỏ ra thoải mái, vui vẻ hoạt bát... phải chăng nỗi lo bị phát hiện của nó đã hết? phải chăng vật giấu lại đúng là ở phòng vừa bị khám xét). Trong quá trình khám xét cần chú ý tận dụng điều kiện căng thẳng về tâm lý của người bị khám xét để buộc họ phải bộc lộ những gì nó đang cố tình che giấu. Điều tra viên có thể kịp thời đặt câu hỏi hoặc yêu cầu đương sự giải thích về một sự vật nào đó. về sự sắp xếp lại vị trí của các sự vật... Thông qua sự giải thích của đương sự điều tra viên có thể tìm ra những cơ sở trong lôgic của các câu trả lời từ đó tìm ra những giả định chính xác về vị trí của vật cần tìm kiếm.
Tổng hợp từ Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm