Sai lầm và ảnh hưởng của sai lầm đối với trách nhiệm hình sự
1- Sai lầm về pháp luật trong luật hình sự
Sai lầm về pháp luật là sự hiểu lầm của chủ thể về tính chất pháp lí của hành vi của mình.
Sự hiểu lầm này có thể xảy ra theo các khả năng sau:
- Người có hành vi có tính gây thiệt hại hiểu lầm hành vi của mình là hành vi phạm tội nhưng thực tế luật không quy định hành vi đó là tội phạm. Trường hợp này là trường hợp không có hành vi phạm tội và vấn đề trách nhiệm hình sự không được đặt ra.
- Người có hành vi có tính gây thiệt hại cho rằng hành vi của mình không phải là hành vi phạm tội nhưng thực tế luật quy định hành vi đó là tội phạm. Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại vẫn có lỗi nếu họ nhận thức được hoặc có thể nhận thức được tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi của mình vì dấu hiệu có lỗi không đòi hỏi chủ thể phải nhận thức được tính trái pháp luật hình sự của hành vi.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest
2- Sai lầm về sự việc trong hình sự
Sai lầm về sự việc là sự hiểu lầm của chủ thể về những tình tiết thực tế của hành vi của mình.
Có thể có những trường hợp sai lầm về sự việc sau:
Sai lầm về khách thể: Sai lầm của chủ thể về tính chất của quan hệ xã hội là đối tượng của hành vi của mình.
Cụ thể:
- Người phạm tội có hành vi nhằm xâm hại khách thể nhất định được luật hình sự bảo vệ nhưng không xâm hại được vì đã tác động (nhầm) vào đối tượng tác động không thuộc khách thể đó.
Ví dụ: Định giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015) nhưng lại đâm (nhầm) vào đối tượng không phải là người...
- Người có hành vi phạm tội nhằm xâm hại khách thể nhất định được luật hình sự bảo vệ nhưng thực tế đã không xâm hại được vì đã tác động (nhầm) đối tượng tác động thuộc khách thể khác.
Ví dụ: Định mua bán tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015) nhưng thực tế mua bán tài liệu bí mật công tác (Điều 361 Bộ luật hình sự năm 2015)...
- Người có hành vi phạm tội không định xâm hại khách thể được luật hình sự bảo vệ nhưng thực tế đã xâm hại vì đã tác động (nhầm) đối tượng thuộc khách thể được luật hình sự bảo vệ.
Ví dụ: Trong khi đi săn bắn đã bắn chết người do nhầm là thú...
Ở trường hợp thứ nhất và thứ hai, người có hành vi gây thiệt hại vẫn có lỗi cố ý và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm cố ý mà họ muốn thực hiện.
Ở trường hợp thứ ba, người có hành vi gây thiệt hại không có lỗi cố ý nên chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý nếu họ có lỗi vô ý.
Sai lầm về đối tượng: Sai lầm của chủ thể về đối tượng cụ thể của đối tượng tác động mà hành vi tác động đến khi thực hiện tội phạm. Cần phân biệt sai lầm về đối tượng với sai lầm về khách thể.
Ví dụ: Định giết A nhưng đã giết nhầm B vì tưởng B là A. Người phạm tội trong trường hợp này không có sai lầm về khách thể vì không có sai lầm về đối tượng tác động (A hay B đều là người đang sống, đều là đối tượng tác động của tội giết người) mà chỉ có sai lầm về đối tượng cụ thể (giữa A và B) của cùng đối tượng tác động của tội giết người (Người đang sống). Sai lầm về đối tượng không ảnh hưởng đến lỗi cố ý của chủ thể vì lỗi cố ý ở đây chỉ đòi hỏi chủ thể nhận thức được tính gây thiệt hại của hành vi tước đoạt tính mạng người khác, thấy trước hậu quả của hành vi đó. Hậu quả chết người và mong muốn hoặc chấp nhận hậu quả này mà không đòi hỏi tính mạng của ai và hậu quả chết người gây ra cho ai. Do vậy, trong trường hợp nhầm lẫn này, chủ thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Như vậy, sai lầm về đối tượng không ảnh hưởng đến lỗi cố ý cũng như trách nhiệm hình sự về tội cố ý.
Sai lầm về quan hệ nhân quả: Sai lầm của chủ thể trong việc đánh giá sự phát triển của hành vi đã thực hiện của mình.
Ví dụ: Người phạm tội nhằm bắn A để giết A nhưng đã bắn chệch vào B làm B chết. Trong trường hợp này, người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý mà họ muốn thực hiện và còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý mà họ đã gây ra do sai lầm (nếu họ có lỗi vô ý).
Sai lầm về công cụ, phương tiện: Sai lầm của chủ thể về tính chất của công cụ, phương tiện sử dụng khi thực hiện hành vi.
Ví dụ: Định giết người bằng cách dùng thuốc ngủ liều cao nhưng đã dùng nhầm thuốc ngủ giả nên không gây ra hậu quả chết người... Trong những trường hợp này, người có hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý mà họ muốn thực hiện.
Trường hợp khác của dạng sai lầm này có thể là trường hợp chủ thể nhầm tưởng công cụ, phương tiện có khả năng gây ra hậu quả thiệt hại là không có khả năng đó nên sử dụng và gây ra tội phạm.
Ví dụ: Tưởng súng không có đạn nên đã bóp cò và làm chết người. Trong trường hợp này, chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý khi thỏa mãn các dấu hiệu của lỗi vô ý.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Sai lầm và ảnh hưởng của sai lầm đối với trách nhiệm hình sự được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Sai lầm và ảnh hưởng của sai lầm đối với trách nhiệm hình sự có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm