Đặc điểm pháp lý của Công ty hợp danh

"Con người thay đổi và thậm chí sản phẩm cũng thay đổi. Nhưng qua thời gian, chính sức mạnh đến từ triết lý của một công ty sẽ quyết định công ty ấy trường tồn được hay không". 

- Mary Kay Ash, Người sáng lập Mary Kay Inc

Đặc điểm pháp lý của Công ty hợp danh

Căn cứ vào tính chất liên kết và chế độ trách nhiệm, trên thế giới, công ty thương mại chia thành hai loại là công ty đối nhâncông ty đối vốn. Trong Công ty đối nhân, Công ty hợp danh và Công ty hợp danh hữu hạn là hai loại doanh nghiệp nổi bật. Theo đó, [1] Công ty hợp danh chỉ có toàn thành viên hợp danh với chế độ chiu trách nhiệm vô hạn của các thành viên; [2] Công ty hợp danh hữu hạn vừa có thành viên hợp danh, vừa có thành viên góp vốn.

Tại Việt Nam theo Luật Doanh nghiệp, Công ty hợp danh có những đặc điểm: [1] Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung, ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; [2] Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; [3] Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

Liên hệ

I- KHÁI QUÁT VỀ CÔNG TY HỢP DANH

Căn cứ vào tính chất liên kết và chế độ trách nhiệm, trên thế giới công ty thương mại chia thành hai (02) loại là công ty đối nhâncông ty đối vốn. Trong Công ty đối nhân, Công ty hợp danh (Partnership)Công ty hợp danh hữu hạn (Limited partnership, viết tắt: LP, hay Công ty hợp vốn đơn giản) là hai (02) loại doanh nghiệp nổi bật. Theo đó, [1] Công ty hợp danh chỉ có toàn thành viên hợp danh với chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên; [2] Công ty hợp danh hữu hạn vừa có thành viên hợp danh (chịu trách nhiệm vô hạn), vừa có thành viên góp vốn (chịu trách nhiệm hữu hạn). Vì thế, Công ty hợp danh là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân, là loại hình công ty ra đời sớm nhất do nhu cầu liên kết về nhân thân của các thành viên.

Ở Việt Nam, quy định về Công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 có những điểm đặc thù không hoàn toàn giống với luật các nước, cụ thể: "1- Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó: (a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; (b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; (c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. 2- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 3- Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào" (Điều 177).

Như vậy, Luật Doanh nghiệp không đưa ra một định nghĩa khái quát, mà mô tả Công ty hợp danh qua các đặc điểm đặc trưng. Cách xây dựng khái niệm này đã được áp dụng từ Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2020. Một điểm tương đồng giữa các vãn bản pháp luật này là, khi quy định về Công ty hợp danh, đó là Công ty hợp danh theo luật Việt Nam bao gồm hai loại công ty đối nhân như luật các nước, cụ thể gồm:

[1] Công ty hợp danh (Partnership) chỉ bao gồm các thành viên hợp danh, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới; có quyền quản lý và đại diện cho Công ty hợp danh. Quy định này giống với luật của nhiều nước, ví dụ: Luật Hợp danh thống nhất Mỹ năm 1997, Công ty hợp danh là một hội gồm hai (02) thể nhân trở lên với tư cách là những đồng sở hữu cùng nhau kinh doanh để thu lợi nhuận. Không một thể nhân nào có thể trở thành thành viên của Công ty hợp danh nếu không được sự nhất trí của tất cả các thành viên công ty. Bộ luật Thương mại Nhật Bản gọi đây là hình thức hợp danh vô hạn, trong đó, các thành viên hợp danh là chủ sở hữu (Điều 80). Các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn một cách trực tiếp và liên đới. Khi công ty không có khả năng thanh toán nợ thì mỗi thành viên hợp danh chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản của mình. Chủ nợ có quyền yêu cầu bất kì thành viên hợp danh nào của công ty trả nợ nếu công ty không trả được nợ và có thể yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với tài sản của cá nhân thành viên...

[2] Công ty hợp danh hữu hạn (Limited partnership) bao gồm hai (02) loại thành viên: thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn, có quyền quản lý và đại diện cho công ty; thành viên góp vốn chịu trách nhiêm hữu hạn, không có quyền quản lý và không có quyền đại diện cho công ty. Luật công ty của các nước quy định về loại hình này, nhưng không nằm trong khái niệm “công ty hợp danh” mà là một trong hai (02) loại công ty đối nhân cơ bản. Ví dụ: Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định: "Công ty hợp danh hữu hạn là Công ty hợp danh mà ở đó một hay nhiều thành viên cùng chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn đối với tất cả các nghĩa vụ của công ty; một hoặc một số thành viên có trách nhiệm được hạn chế trong số vốn mà họ cam kết góp vào công ty." (Điều 1077). Theo pháp luật Pháp, hình thức này được gọi là công ty hợp vốn đơn thường. Công ty này cho phép một thương nhân có ý tưởng kinh doanh nhưng không có vốn được tận dụng phần vốn góp của thành viên góp vốn - người nắm giữ vốn nhưng không thể tự tiến hành các hoạt động thương mại do quy chế của mình, như quý tộc, tăng lữ, thẩm phán... 

Đây là điểm khá đặc thù của pháp luật Việt Nam khi quy định về Công ty hợp danh so với các nước, khi Luật không gọi là công ty đối nhân, nhưng bao gồm cả hai loại công ty đối nhân theo luật các nước. Quy định này khiến các nhà kinh doanh có thể dễ dàng hơn khi tổ chức, hoạt động theo mô hình Công ty hợp danh, vì họ có thể kết nạp hoặc không kết nạp thành viên góp vốn mà không phải đăng kí thay đổi loại hình doanh nghiệp tại cơ quan đăng kí kinh doanh. Tuy nhiên, việc quy định như vậy cũng khiến Công ty hợp danh của Việt Nam không hoàn toàn giống Công ty hợp danh các nước, gây khó khăn cho việc nhận diện cũng như hội nhập của các nhà kinh doanh Việt Nam khi kinh doanh dưới hình thức Công ty hợp danh.

Ngoài hai (02) loại hình cơ bản trên, pháp luật các nước tuỳ theo điều kiện kinh tế - xã hội của nước mình, có thể quy định thêm các loại khác của công ty đối nhân. Ví dụ: Luật của Pháp quy định thêm công ty hợp vốn cổ phần: là loại công ty có thành viên hợp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi cổ phần họ sở hữu, không có quyền quản lý nhân danh công ty; thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới về mọi khoản nợ của công ty, có vai trò quan trọng trong việc quyết định các vấn đề của công ty; công ty có thể phát hành chứng khoán.

Pháp luật Mỹ quy định thêm Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn, trong đó các thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn có quyền như nhau trong quản lý, điều hành công ty trừ khi trong thỏa thuận thành lập, các thành viên có thỏa thuận khác. Riêng ở Bang New York và Bang California, pháp luật giới hạn lĩnh vực hoạt động của loại hình công ty này chỉ có thể là nghề luật sư hoặc kiểm toán. Đối với pháp luật Việt Nam, nếu Công ty hợp danh được mở rộng thêm các loại hình tương tự như luật của Pháp hay của Mỹ..., việc gọi tên là Công ty hợp danh nói chung sẽ càng thiếu tính chính xác, do vậy, cần phải tách bạch các loại công ty riêng và định danh cụ thể đối với từng loại hình công ty.

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư nội bộ) của Công ty Luật TNHH Everest

II- ĐẶC ĐIỂM CỦA CÔNG TY HỢP DANH

1- Về thành viên Công ty hợp danh

Công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 có thể có hai (02) loại thành viên:

(i) Thành viên hợp danh: phải là cá nhân, bắt buộc phải có trong công ty và phải có ít nhất hai (02) thành viên. Thành viên hợp danh là nòng cốt của Công ty hợp danh, bởi vì nếu không có thành viên này, Công ty hợp danh không thể thành lập và hoạt động được.

Do là loại đặc trưng của công ty đối nhân nên thành viên hợp danh liên kết với nhau chủ yếu dựa vào nhân thân, liên kết về vốn là yếu tố thứ yếu. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999, thành viên hợp danh phải là những người “có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp”, vì các Công ty hợp danh thường được thành lập dựa trên trình độ chuyên môn và danh tiếng, uy tín của các thành viên hợp danh. Điều này cho thấy, sự liên kết giữa các thành viên trong Công ty hợp danh là chặt chẽ, và do vậy cũng hạn chế số người có thể trở thành thành viên hợp danh của công ty. Đặc điểm liên kết về nhân thân của thành viên hợp danh cũng khiến Công ty hợp danh không thích hợp với hầu hết các ngành nghề kinh doanh, mà chỉ thích hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, danh tiếng... của các thành viên như: khám chữa bệnh, tư vấn luật, tư vấn về kế toán, về kiểm toán, về thiết kế, về xây dựng... Sự liên kết dựa vào nhân thân các thành viên hợp danh là điểm nổi bật của Công ty hợp danh so với công ty cổ phần, hay công ty trách nhiệm hữu hạn - hai loại hình mà các thành viên thường chỉ quan tâm đến phần vốn góp vào công ty. Cũng chính sự liên kết này nên khi xảy ra trường hợp thành viên hợp danh bị chết, mất năng lực hành vi dân sự hay rút vốn khỏi công ty... công ty có thể đứng trước nguy cơ chấm dứt sự tồn tại mà không thể tiếp tục hoạt động. 

(ii) Thành viên góp vốn: có thể là cá nhân, tổ chức; có thể có hoặc không có trong Công ty hợp danh. Thành viên góp vốn không có vai trò quan trọng như thành viên hợp danh, tuy nhiên sự tham gia của thành viên này khiến khả năng huy động vốn của Công ty hợp danh cao hơn.

Như đã phân tích trên, Công ty hợp danh theo luật các nước không bao gồm loại thành viên góp vốn, mà chỉ có thành viên hợp danh. Loại hình công ty vừa có thành viên hợp danh, vừa có thành viên góp vốn được gọi là Công ty hợp danh hữu hạn hay công ty hợp vốn đơn giản. Thành viên góp vốn không buộc phải liên kết về nhân thân, cũng không bắt buộc phải là cá nhân như thành viên hợp danh. Tuy nhiên, thành viên góp vốn trong Công ty hợp danh vẫn bị hạn chế một số quyền mà cổ đông công ty cổ phần hay thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn đang sở hữu, cũng xuất phát từ tính chất liên kết và chế độ chịu trách nhiệm của thành viên Công ty hợp danh.

2- Về chế độ chịu trách nhiệm tài sản của thành viên Công ty hợp danh

Công ty hợp danh theo luật Việt Nam có thể có hai (02) loại thành viên với hai (02) loại chế độ trách nhiệm khác nhau. Cụ thể:

[1] Thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trách nhiệm vô hạn đối với mọi khoản nợ của thành viên thể hiện: thành viên hợp danh không chỉ chịu trách nhiệm bằng số tài sản bỏ vào kinh doanh, mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của mình đối với mọi khoản nợ của công ty. Như vậy, chế độ trách nhiệm của thành viên hợp danh tương tự chế độ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân, khi chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản của mình. Tuy nhiên, vì Công ty hợp danh có ít nhất hai thành viên hợp danh, nên các thành viên hợp danh phải cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn; có nghĩa là khi một thành viên hợp danh nhân danh Công ty hợp danh giao kết hợp đồng với đối tác, các thành viên hợp danh khác đù không trực tiếp giao kết vẫn phải chịu trách nhiệm phát sinh từ hợp đồng đó. Điều này ràng buộc chặt chẽ các thành viên hợp danh của Công ty hợp danh, khiến sự liên kết giữa các thành viên trở nên khó khăn hơn do phái dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. 

Tuy nhiên, trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh phát sinh sau trách nhiệm trả nợ của công ty, vì Công ty hợp danh có tài sản độc lập với các thành viên. Cụ thể: khi công ty có khoản nợ cần thanh toán, công ty phải trả bằng tài sản của công ty. Nếu tài sản của công ty không đủ để trả nợ, công ty phải giải thể hoặc phá sản để trả các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản còn lại; trường hợp tài sản còn lại của công ty không đủ để trả nợ, thành viên hợp danh mới phải trả nợ thay cho công ty bằng tài sản của cá nhân mình.

[2] Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào công ty. Trong kinh doanh, nếu Công ty hợp danh gặp khó khăn, thua lỗ, thành viên góp vốn cũng chỉ chịu trách nhiệm đến hết phần vốn đã góp vào công ty. Trường hợp công ty giải thể hoặc phá sản mà tài sản còn lại của công ty không đủ để trả nợ, thành viên góp vốn không phải dùng tài sản riêng để trả nợ thay cho công ty. Như vậy, với việc chịu trách nhiệm hữu hạn, chế độ trách nhiệm của thành viên góp vốn trong Công ty hợp danh giống chế độ trách nhiệm của cổ đông công ty cổ phần hay thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn; khi các chủ thể này cũng được giới hạn trách nhiệm trong phạm vi phần vốn họ góp vào công ty. Điều này có nghĩa là thành viên góp vốn có thể hạn chế được rủi ro khi đầu tư vào Công ty hợp danh. Đây là một ưu thế của thành viên góp vốn khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi không muốn gánh chịu nhiều rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh.

3- Về vốn của Công ty hợp danh

Vốn điều lệ của Công ty hợp danh là tổng giá trị tài sản mà các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty. Thành viên Công ty hợp danh có thể góp vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kĩ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty. Tài sản góp vốn có thể góp đủ khi thành lập công ty, có thể góp theo thời hạn và tiến độ cam kết góp đã được các thành viên nhất trí thông qua.

Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải có nghĩa vụ góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết. Nếu thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty, thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. Nếu thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên. Tại thời điểm góp đủ vốn, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định cụ thể thời hạn thành viên cam kết góp, do vậy, thời hạn này sẽ được quy định tại Điều lệ công ty.

Thành viên hợp danh, thành viên góp vốn khi không muôn là thành viên của công ty có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho các thành viên còn lại hay cho người không phải là thành viên công ty, hoặc rút vốn khỏi công ty. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này khá khó khăn xuất phát từ tính chất liên kết chặt chẽ về nhân thân của thành viên trong Công ty hợp danh.

4- Về huy động vốn của Công ty hợp danh

Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào để công khai huy động vốn trong công chúng. Khi có nhu cầu tăng vốn điều lệ, công ty sẽ huy động bàng cách kết nạp thêm thành viên mới, tăng phần vốn góp của mỗi thành viên hay ghi tăng giá trị tài sản của công ty. Việc huy động vốn theo những cách này không dễ dàng, đặc biệt là việc kết nạp thêm thành viên, vì có thể phá vỡ tính chất liên kết về nhân thân của thành viên công ty. Khi công ty có nhu cầu tăng vốn hoạt động, công ty có thể huy động bằng cách vay của các tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác để đáp ứng nhu cầu về vốn của công ty. Như vậy, so với công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, khả năng huy động vốn của Công ty hợp danh bị hạn chế hơn.

5- Về tư cách pháp lý và trách nhiệm tài sản của Công ty hợp danh

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là Công ty hợp danh là tổ chức có đầy đủ các dấu hiệu của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự như: được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập. Như vậy, Công ty hợp danh có tư cách pháp lý độc lập khi tham gia giao dịch, có tài sản độc lập với các thành viên và chịu trách nhiệm độc lập bằng chính tài sản của mình.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về Sáp nhập và Mua bán doanh nghiệp (M&A) của Công ty Luật TNHH Everest

Phạm Nhật Thăng, điều phối marketing online của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (nguồn tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Đặc điểm pháp lý của Công ty hợp danh

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
3.24812 sec| 1147.305 kb