Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Luật sở hữu trí tuệ

19/01/2023
Tính mới của kiểu dáng công nghiệp? Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp? Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp? Các đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp?

1- Tính mới của Kiểu dáng công nghiệp

Tại Điều 65 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “1. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.”

Có thể thấy “tính mới” là tiêu chí đầu tiên và tiêu chí then chốt để một kiểu dáng công nghiệp có thể được bảo hộ. Về phương diện quốc tế, tính mới cũng được ghi nhận tại Hiệp định TRIPs tại Khoản 2 Điều 25 mục 4, quy định này cho phép các thành viên có thể quy định rằng kiểu dáng công nghiệp không được coi là mới hoặc nguyên gốc nếu không khác biệt cơ bản với những kiểu dáng đã biết hoặc với tổ hợp các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng đã biết.

Tại Khoản 2 Điều 65 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 đưa ra tiêu chí: “Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.”

Tức là hai kiểu dáng công nghiệp phải khắc đặc biệt nhau ở những đặc điểm dễ dàng nhận biết như yếu tố về màu sắc, hình khối, đường nét, tương quan vị trí hoặc kích thước. Các yếu tố không được coi là đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp có thể kế đến như hình khối, đường nét được quyết định bởi chính chức năng kỹ thuật của sản phẩm; vật liệu dùng chế tạo sản phẩm; kích cỡ sản phẩm,… Như vậy, để có cơ sở xác định tính mới của kiểu dáng công nghiệp cần phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đối chứng để tìm ra ít nhất một đặc điểm tạo dáng cơ bản không có mặt trong tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đối chứng. 

Kiểu dáng công nghiệp có tính mới cần phải chưa bộc lộ công khai. Khoản 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 quy định: “Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.” Những người có hạn được hiểu là những người cùng tham gia vào việc tạo ra kiểu dáng công nghiệp đó, hoặc là những người đã cung cấp dữ liệu, giúp đỡ để tạo ra kiểu dáng công nghiệp đó.

2- Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp

Tại Điều 66 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 quy định: “Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng”.

Như vậy, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu thành quả sáng tạo của tác giả, không được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. Kiểu dáng công nghiệp ở đây phải có một khoảng cách, sự khác biệt đáng kể, chứng đựng những yếu tố mới của kiểu dáng công nghiệp hiện có. Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng là người có kiến thức thông thường về lĩnh vực kiểu dáng công nghiệp. Trình độ của họ đạt đến ngưỡng có khả năng tự cập nhật được tất cả những kiến thức liên quan đến lĩnh vực này tính đến thời điểm ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, cũng như khả năng ứng dụng riêng rẽ hoặc kết hợp, khả năng tư duy thông thường từ những kiến thức tương ứng về kiểu dáng được sáng tạo. 

3- Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp 

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp. (Điều 67 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019), tức là kiểu dáng công nghiệp phải có tính khả thi, có thể triển khai sản xuất hàng loạt trong điều kiện thực tế với kết quả mong muốn như đơn yêu cầu.

Trên thực tế có những đối tượng bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp khi đối tượng nêu trong đơn là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (các sản phẩm ở thể khí, thể lỏng,…); sản phẩm chỉ có hình dạng nhất định trong những điều kiện đặc biệt và sẽ biến dạng khi ở trong điều kiện bình thường (pháp hóa, hình các tia nước phung ra ở đài phun nước,..); người ta chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt (đồ vẽ, trạm khắc,… ) hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn.

4- Các đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

(i) Kiểu dáng bị cấm đăng ký ở nhiều nước bao gồm: Kiểu dáng không đáp ứng các điều kiện về tính mới , tính nguyên gốc và  đặc điểm riêng biệt bao gồm:

  • Kiểu dáng bị cho rằng được tạo ra do chức năng kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có. Các đặc điểm của kiểu dáng có tính chức năng hoặc kỹ thuật có thể được bảo hộ bởi các quyền sở hữu trí tuệ khác (ví dụ, bởi sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc chúng được giữ như là bí mật thương mại), phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể .
  • Kiểu dáng chứa biểu tượng hoặc huy hiệu chính thức được bảo hộ (như quốc kỳ ).
  • Kiểu dáng được coi là trái với trật tự công cộng và đạo đức.

(ii) Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định các trường hợp không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bao gồm:

  • Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
  • Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

  • Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp khuyến khích chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp sáng tạo. Sự tồn tại của hệ thống pháp luật bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, với khả năng nhận được độc quyền khai thác kiểu dáng công nghiệp trong một thời gian có hạn, đã tạo ra sự khích lệ quan trọng trong hoạt động sáng tạo kiểu dáng công nghiệp, đồng thời giúp chủ sở hữu sáng chế bảo vệ có hiệu quả thành quả sáng tạo của mình, tiếp tục đầu tư phát triển tạo ra kiểu dáng công nghiệp mới.  Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp góp phần tạo ra môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội Với các quy định chặt chẽ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp , đã buộc các đối thủ cạnh tranh buộc phải đầu tư sáng tạo để có thể cạnh tranh với chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp , mà không thể bắt chước, sao chép các kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp với chi phí thấp, bởi đó là những hành vi vi phạm pháp luật, họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi đó.

5- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết trong lĩnh vực pháp …. được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 024 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn

0 bình luận, đánh giá về Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Luật sở hữu trí tuệ

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.11524 sec| 967.141 kb