Giai đoạn thực hiện tội phạm
1 Khái niệm về tội phạm, các giai đoạn thực hiện tội phạm
Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã đưa ra khái niệm tội phạm như sau:
“ Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các bước trong quá trình cố ý thực hiện tội phạm. Được phân biệt với nhau bởi các dấu hiệu, biển hiệu nhằm đánh giá sự diễn biến mức độ thực hiện ý định phạm tội, làm cơ sở cho việc xác định phạm vi và mức độ trách nhiệm hình sự và hình phạt.
2. Các giai đoạn thực hiện tội phạm
Các giai đoạn phạm tội là các bước trong quá trình thực hiện tội phạm do cố ý và bao gồm: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.
Cơ sở của việc phân chia này dựa vào: dấu hiệu hành vi, dấu hiệu hậu quả và tính chất khách thể của tội phạm.
2.1 Chuẩn bị phạm tội
– Căn cứ theo Bộ luật hình sự 2015, chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định.
– Đặc điểm
+ Người phạm tội chưa bắt tay vào thực hiện hành vi phạm tội mà chỉ tạo tiền đề cần thiết để thực hiện hành vi đó
+ Chuẩn bị phạm tội không được đặt ra đối với tội phạm có cấu thành hình thức
– Trách nhiệm hình sự
+ Người có hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi của họ đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội chưa hoàn thành.
+ trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với người có hành vi chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
+ Chưa trực tiếp xâm hại đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ mà mới chỉ đặt khách thể đó trong tình trạng nguy hiểm.
2.2 Phạm tội chưa đạt
– Là hành vi cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn.
– Đặc điểm
Người phạm tội đã thực hiện hành vi được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng. Hành vi của họ chưa thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm
+ Người phạm tội thực hiện hành vi liền trước hành vi được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm
+ Mới chỉ thực hiện được một hành vi trong những hành vi quy định trong cấu thành tội phạm
+ Thực hiện hết hành vi, hậu quả xảy ra cho xã hội rồi nhưng hậu quả đó chưa phù hợp với hậu quả được quy định trong cấu thành tội phạm.
Hậu quả của tội phạm chưa xảy ra hoặc người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa phù hợp với hậu quả được quy định trong cấu thành tội phạm
– Trách nhiệm hình sự
Họ sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi của họ chưa đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Người có hành vi phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn với tội chuẩn bị phạm tội.
2.3 Tội phạm hoàn thành
– Tội phạm hoàn thành là hành vi phạm tội đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu được mô tả trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm
– Xuất phát từ tình chất nguy hiểm cho xã hội của từng loại tội phạm, luật hình sự xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm thông qua việc mô tả những dấu hiệu trong cấu thành tội phạm.
+ Cấu thành tội phạm vật chất: thời điểm hoàn thành của loại tội này phải thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm: hành vi nguy hiểm, hậu quả xảy ra, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả.
+ Cấu thành tội phạm hình thức: thời điểm hoàn thành của loại tội này chỉ cần đáp ứng dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội.
+ Cấu thành tội phạm cắt xén: chỉ cần có hành động biểu hiện ý định phạm tội thì tội phạm đã hoàn thành.
– Tội phạm hoàn thành được coi là trường hợp phạm tội thông thường mà hành vi phạm tội xảy ra trong thực tế hoàn toàn phù hợp hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm.
3 Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có phải chịu TNHS không
Theo điều 16 BLHS 2015 quy định:
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm