Giao dịch nội gián và hạn chế giao dịch nội gián theo pháp luật chứng khoán

25/08/2024
Dương Vũ Long
Dương Vũ Long
Giao dịch nội gián là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới lưu tâm và điều chỉnh trong các văn bản pháp luật như Luật Công ti, Luật Doanh nghiệp của Anh, Mỹ, Úc, Singapore. Bài viết này cung cấp thông tin về giao dịch nội gián và quy định nhằm hạn chế hành vi giao dịch nội gián trong pháp luật chứng khoán Việt Nam.

1- Khái quát chung về giao dịch nội gián

[a] Định nghĩa về giao dịch nội gián

Giao dịch nội gián đơn giản được hiểu là việc mua bán chứng khoán dựa trên việc sử dụng thông tin nội bộ. Những người biết thông đó có quyền truy cập vào thông tin nhạy cảm không công khai của một công ty, kể cả họ tự được cho biết thông tin hay tự phát hiện ra. Đồng thời, họ thường sở hữu một lượng cổ phần tương đối lớn trong công ty, như giám đốc công ty hay các giám đốc điều hành cấp cao khác.

[b] Đặc điểm của giao dịch nội gián

Theo báo cáo của IOSCO (Tổ chức Uỷ bản chứng khoán Quốc tế), quy định của các quốc gia trên thế giới về giao dịch nội bộ thường được xác định dựa trên 02 yếu tố: “thông tin nội bộ” và “người nội bộ”.
(i) Thông tin nội bộ: Hai đặc trưng của thông tin nội bộ là tính trọng yếu của thông tin và tính bảo mật của thông tin.
Trước hết là, về tính trọng yếu của thông tin: Được hiểu chung là khi công khai, nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá trị của chứng khoán. Cách xác định phạm vi thông tin trọng yếu bằng cách tham chiếu đến một tổ chức phát hành chứng khoán cụ thể, cũng có một số quốc gia định nghĩa thông tin nội bộ chỉ cần là thông tin “liên quan” đến một hay nhiều tổ chức phát hành chứng khoán. Hoặc xác định phạm vi bằng cách tham chiếu đến chứng khoán niêm yết trên thị trường được quản lý.
Thứ hai là, tính bảo mật của thông tin: Liên quan đến tính bảo mật của thông tin, việc tiết lộ thông tin hợp pháp cần có các thủ tục nội bộ phải giúp xác định được những người đã nhận được thông tin nội bộ và thời gian họ nhận được thông tin đó. Họ có thể là người kinh doanh chứng khoán, luật sư và kế toán - do thực hiện nghề nghiệp hoặc hoạt động kinh doanh của mình - có thể thường xuyên nắm giữ thông tin nội bộ, phải đặt ra các ràng buộc bởi các luật, quy định và quy tắc ứng xử về bí mật nghề nghiệp và các công ty.
(ii) Người trong cuộc/Người nội bộ: Theo quy định pháp luật của nhiều nước thế giới, có thể chia người nội bộ ra 03 loại sau
Thứ nhất là người nội bộ chính: Định nghĩa về "nội bộ chính" (Primary Insider) thường bao gồm các thành viên quản lý (Manager) và các cơ quan giám sát hoặc hành chính của tổ chức phát hành. Ở một số khu vực pháp lý, các cổ đông lớn cũng được đưa vào định nghĩa của người nội bộ chính, ví dụ: từ Trung Quốc quy định mức 5%; Hungary quy định lên đến 25% khi quy định về người nội bộ trên cơ sở cổ phiếu. Điều này được giải thích rằng, với những cổ đông lớn, họ có thể có quyền truy cập (chính thức hoặc không chính thức) vào nhiều thông tin hơn các nhà đầu tư bán lẻ.
Thứ hai là, người nội bộ tạm thời: Thường là các chuyên gia không được tuyển dụng bởi công ty tạo ra thông tin nội bộ, nhưng có quyền truy cập vào thông tin này để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho công ty. Những người trong cuộc "tạm thời" hoặc "mang tính xây dựng" này thường là luật sư, kế toán, kiểm toán, chuyên gia tư vấn, ngân hàng đầu tư và các bên cung cấp dịch vụ liên quan khác.
Thứ ba là, người dùng nội bộ phụ: Là những người có được thông tin nội bộ từ người khác (không nhất thiết phải là người trong cuộc). Họ được chia ra làm hai dạng chính là “Tippee” và “người trong cuộc vô tình”. Tippee được hiểu là người chuyển tài liệu, thông tin không công khai của người trong cuộc cho bên thứ hai, với mục đích cho các bên được phép tiến hành giao dịch trên cơ sở tài liệu thông tin đó. Mặt khác, “người trong cuộc vô tình” là người không có quyền truy cập vào thông tin nội bộ, cũng không được mách nước bởi một người có quyền truy cập vào thông tin đó, nhưng đã biết thông tin nội bộ do hoàn cảnh đặc biệt cụ thể (như tình cờ nghe được một cuộc trò chuyện trong thang máy hoặc qua điện thoại di động, tìm tài liệu bí mật trong thùng rác, nhận fax được gửi đến một số sai.)

[c] Khái niệm chung về giao dịch nội gián

Có thể hiểu khái niệm về giao dịch nội gián như sau: "Giao dịch nội gián là hành vi sử dụng thông tin nội bộ của cá nhân, pháp nhân nhằm tiến hành trục lợi bằng cách thực hiện các hành vi như: sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, tiết lộ thông tin nội bộ cho người khác hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.”

Xem thêm: Dịch vụ pháp chế doanh nghiệp thuê ngoài (luật sư doanh nghiệp) của Công ty Luật TNHH Everest

2- Quy định hạn chế giao dịch nội gián trong pháp luật chứng khoán

[a] Quy định nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán góp phần hạn chế hành vi giao dịch nội gián

Đầu tiên, một trong những quy định quan trọng nhất nhằm hạn chế hành vi giao dịch nội bộ là quy định nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (Điều 5 Luật chứng khoán 2019). Trong đó nổi bật là 02 nguyên tắc: “2. Công bằng, công khai, minh bạch” và “3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư”. Pháp luật của các nước phát triển trên thế giới như Anh, Mỹ, Singapore đều có các nguyên tắc chung tương tự để bảo vệ thị trường như: Nguyên tắc công khai (disclosure) và trung thực (fairness).

[b] Quy định cụ thể về vấn đề nội hàm của thông tin nội bộ và người nội bộ

Thứ nhất, về thông tin nội bộ, theo đó, khoản 2 Điều 12 Luật chứng khoán năm 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán:
“2. Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.”
Nội hàm của hành vi giao dịch nội bộ nay đã rộng so với các hành vi được liệt kê là “Mua bán nội gián” ở Nghị định 48/1998 do Luật chứng khoán năm 2019 đã có quy định chi tiết giải thích về “thông tin nội bộ”. Cụ thể, ở khoản 44 Điều 4 Luật chứng khoán năm 2019 quy định:
“thông tin nội bộ là thông tin liên quan đến công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của tổ chức này."
Tại Mục 6 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về ngăn ngừa xung đột lợi ích, khoản 5 Điều 291 về trách nhiệm trung thực và tránh các xung đột về quyền lợi của người quản lý doanh nghiệp quy định:
“5. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác và những người có liên quan của các đối tượng này không được sử dụng hoặc tiết lộ cho người khác các thông tin nội bộ để thực hiện các giao dịch có liên quan.”
Việc giải thích chi tiết thế nào là thông tin nội bộ và đưa định nghĩa này vào trong các quy định cấm hành vi giao dịch sử dụng thông tin nội bộ chính là hành động nhằm hạn chế giao dịch nội bộ. Đặc biệt, trong các quy định về thông tin nội bộ thường có liên quan tới các cá nhân, đối tượng cụ thể mà đặc trưng là liên quan tới yếu tố “người nội bộ” – cũng là một vấn đề quan trọng của không chỉ pháp luật chứng khoán Việt Nam mà còn đối với pháp luật của các quốc gia phát triển khi quy định về hành vi giao dịch nội bộ.

Thứ hai, về người nội bộ. Đối với thị trường chứng khoán, hành vi mua bán chứng khoán bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như: Cung cầu của thị trường; Tâm lý đám đông; Thông tin doanh nghiệp và hơn thế nữa.
Trong đó, tính chất quan trọng của hành vi giao dịch nội bộ nằm ở chỗ: nó làm mất đi sự cân xứng thông tin giữa các bên trong hoạt động mua bán chứng khoán, “người nội bộ” có lợi thế lớn về “thông tin nội bộ” so với các nhà đầu tư khác và nhờ đó trục lợi dựa trên ưu thế này. Vì vậy, pháp luật chứng khoán nước ta bắt buộc phải quy định về “người nội bộ” và điều chỉnh các hoạt động liên quan tới họ.
Theo khoản 45 Điều 4 Luật chứng khoán 2019, ta đang hiểu rằng “người nội bộ” được pháp luật chứng khoán Việt Nam chia ra làm 02 nhóm:
(i) Nhóm thứ nhất: người nội bộ của các doanh nghiệp theo điểm a khoản 45. người nội bộ của các doanh nghiệp là Công ty cổ phần, Công ty đại chúng nói chung mà không phải quỹ đại chúng hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng.
(ii) Nhóm thứ hai: người nội bộ của quỹ đại chúng hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng theo điểm b khoản 45. 
Sự phân chia này nhằm làm rõ vị trí người nội bộ là khác nhau trong các mô hình quản trị khác nhau, đồng thời giúp cho các quy định của pháp luật chứng khoán nước ta về hoạt động chứng khoán trở nên minh thị hơn đối các quy định liên quan tới các nhóm “người nội bộ”.
Ảnh hưởng của điều khoản về “người nội bộ” đối với việc hạn chế giao dịch nội bộ trong quy định pháp luật chứng khoán nước ta có thể được tìm thấy trong các quy định liên quan tới hành vi mua bán chứng khoán.
Quy định tại điểm a khoản 4 Điều 36 Luật chứng khoán 2019 về việc Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình không được “mua lại cổ phiếu của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ theo quy định của Luật này” trừ các trường hợp luật định, đây rõ ràng là một quy định nhằm hạn chế hành vi giao dịch nội bộ nhờ tận dụng vị thế người nội bộ và người liên quan tới người nội bộ (doanh nghiệp của người nội bộ).
Giả sử một doanh nghiệp A có người nội bộ là B, nhờ thông tin nội bộ quan trọng chưa được công bố (như doanh nghiệp A bị sáp nhập với doanh nghiệp C), B biết được giá trị cổ phần mình nắm giữ sẽ hạ giá trong khoảng thời gian tới và tiến hành bán lại cổ phần cho doanh nghiệp A. Rõ ràng, quy định trên mang tính phòng ngừa tình trạng diễn ra hành vi giao dịch nội bộ.
Bên cạnh đó, đểm h khoản 1 Điều 118 quy định đối tượng công bố thông tin bao gồm người nội bộ, cụ thể:
“h) người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ của quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng theo quy định tại khoản 45 Điều 4 của Luật này và người có liên quan của người nội bộ;”
Cùng với quy định Điều 128 quy định về công bố thông tin của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ:
“người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này phải công bố thông tin trước và sau giao dịch hoặc khi có thay đổi sở hữu đối với cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ, quyền mua chứng chỉ quỹ hoặc chứng quyền có bảo đảm dựa trên chứng khoán của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng.”
Đây là các quy định nhằm kiểm soát các hành vi liên quan tới hoạt động chứng khoán nói chung và mua bán chứng khoán nói riêng đối với chủ thể đặc biệt là người nội bộ, thể hiện sự hạn chế nhất định của pháp luật nước ta nhằm vào hành vi giao dịch nội bộ.
Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định cụ thể cho thấy “người nội bộ” khi thực hiện các giao dịch sẽ phải báo cáo trước và sau khi thực hiện các giao dịch cho cơ quan quản lý về chứng khoán đúng theo trình tự, thủ tục luật định.

[c] Quy định nghiêm cấm hành vi giao dịch nội gián và xử lý hành vi vi phạm

Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán thì:
“2. Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.”
Cũng vì lẽ đó, pháp luật chứng khoán nước ta cũng quy định các chế tài để xử lý hành vi vi phạm tuỳ theo mức độ, có thể là xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính.
Đầu tiên, về việc xử lý hành vi giao dịch nội gián theo hình thức kỷ luật, điều này phụ thuộc vào Điều lệ của Doanh nghiệp mà người vi phạm quy định. Các hình thức xử lý kỷ luật như khiển trách, cách chức, sa thải sẽ được áp dụng tuỳ theo mức độ nghiêm trọng và mức độ thiệt hại của hành vi được ghi nhận theo quy định của pháp luật Lao động và pháp luật chứng khoán.
Tiếp đến, Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Điều 35 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định chế tài xử phạt hành chính đối với vi phạm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán mà chưa đến mức truy cứu TNHS. Trong đó, quy định về các hình thức xử phạt như: phạt tiền; đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch nội gián.
“1. Phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này đối với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”

Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Giao dịch nội gián và hạn chế giao dịch nội gián theo pháp luật chứng khoán được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Giao dịch nội gián và hạn chế giao dịch nội gián theo pháp luật chứng khoán có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Giao dịch nội gián và hạn chế giao dịch nội gián theo pháp luật chứng khoán

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.20037 sec| 992.305 kb