Hành vi phạm tội - diễn biến tâm lý người phạm tội

06/03/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, có lý trí, có ý chí và được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức hành động hoặc không hành động. Việc làm rõ hành vi phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về mặt lý luận mà còn cả trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm.

1- Khái niệm hành vi phạm tội

Hành vi phạm tội là một trong những thuật ngữ được dùng phổ biến trong khoa học pháp lý hình sự và khoa học tâm lý pháp lý. Việc làm rõ khái niệm hành vi phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về mặt lý luận mà còn cả trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm.

Khi xem xét một hành vi nào đó có phải là hành vi phạm tội hay không thì cần phải dựa vào vào những dấu hiệu sau đây:

- Hành vi bị coi là hành vi phạm tội khi hành vi đó phải có tính nguy hiểm cho xã hội. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi được thể hiện ở chỗ, cách ứng xử cụ thể của con người được thể hiện ra bên ngoài dưới những hình thức nhất định, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đây là một trong những căn cứ để phân biệt hành vi phạm tội với những hành hành vi vi phạm pháp luật.

- Dưới góc độ khoa học luật hình sự, hành vi phạm tội được biểu hiện ra bên ngoài bằng hình thức hành động hoặc không hành động. Hành vi phạm tội được biểu hiện dưới hình thức hành động tức là chủ thể làm một việc mà pháp luật hình sự cấm, làm thay đổi trạng thái bình thường của đối tượng tác động của tội phạm qua đó gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Hành động phạm tội có thể chỉ đơn giản là một thao tác xảy ra một lần trong thời gian ngắn, hoặc có thể là tổng họp các thao tác khác nhau, hoặc có thể lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài. Ví dụ: hành vi cướp tài sản, hành vi trộm cắp tài sản, hành vi hiếp dâm... Hành vi phạm tội biểu hiện dưới hình thức không hành động. Không hành động là sự kiềm chế của chủ thể trước một hành động nào đó trong hoàn cảnh cụ thể. Nếu như sự kiềm chế này thể hiện được quan điểm, thái độ của chủ thể đối với các sự việc, hiện tượng đang diễn ra. Như chủ thể không làm một việc mà pháp luật hình sự yêu cầu phải làm mặc dù người đó có nghĩa vụ và điều kiện để làm, làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, qua đó gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Ví dụ: hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102 Bộ luật hình sự năm 1999); hành vi không tố giác tội phạm (Điều 314 Bộ luật hình sự năm 1999)...

- Hành vi phạm tội là hành vi có lý trí và có ý chí. Cách xử sự của con người, xét theo quan niệm của luật hình sự phải có sự tham gia của lý trí và ý chí tức là chủ thể phải nhận thức và điều khiển được cách xử sự đó. Những xử sự của con người biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan nhưng không được chủ thể nhận thức và điều khiển, hoặc chủ thể nhận thức được nhưng không điều khiển được thì không có ý nghĩa trong luật hình sự. Những cách xử sự không có chủ định như: hành động bản năng (những hành động được hình thành từ bởi những kích thích tác động trực tiếp đến cơ thể được thực hiện ngoài sự kiểm soát của ý thức), hành động phản xạ (những hành động thực hiện như phản ứng mà không cần có sự kiểm soát của ý thức), hành động xung động (những hành động không được ý thức một cách đầy đủ, nó được kích thích bởi nhu cầu đang được thể nghiệm một cách trực tiếp, dưới ảnh hưởng trực tiếp của hoàn cảnh. Trong hành động này, con người không hề suy nghĩ gì về hành động của mình, không cân nhắc “nên” hay “không nên”, họ phản ứng một cách nhanh chóng và trực tiếp). Những hành động như đã nói trên, thực tế đã gây ra những thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ nhưng không phải là hành vi phạm tội, bởi vì những hành động này không phải là kết quả của sự nhận thức (lý trí) và sự điều khiển (ý chí) của chính họ mà là kết quả trực tiếp của sự tác động từ bên ngoài.

Từ những nội dung phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, có lý trí, có ý chí và được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức hành động hoặc không hành động.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa trong vụ án hình sự của Công ty Luật TNHH Everest

2- Diễn biến tâm lý của người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội

Thực hiện hành vi phạm tội trong đa số các trường hợp gắn liền với việc nhằm đạt được kết quả đã định trước. Sau khi đạt được kết quả thường có những thay đổi nhất định diễn ra trong tâm lý người phạm tội. Quan hệ của người phạm tội với kết quả đã đạt được có thể theo hai xu hướng chủ yếu: Thái độ ăn năn, hối hận và sự thoả mãn với kết quả.

Hình ảnh của kết quả đạt được có thể gây nên cảm xúc nặng nề, ghê rợn cùng với sự ãn năn hối hận. ở một số người phạm tội mới bị đe dọa phát giác, bị trừng phạt mà đã có trạng thái tâm lý căng thẳng. Vì vậy trong thời gian này người phạm tội thường có những hành vi không phù hợp với hoàn cảnh, giảm khả năng tự điều chỉnh, hay nghi ngờ, không nhanh nhạy, luôn luôn trong trạng thái trầm uất, ủ rủ. Nhiều người đã tự ra đầu thú trước pháp luật, có trường hợp họ tìm những hoàn cảnh xúc động để lãng quên những gì đã xảy ra.

Ngược lại, việc thoả mãn với kết quả sẽ củng cố trong tâm lý của người phạm tội hình ảnh về hành vi phạm tội, tăng thêm ý thức đi ngược lại lợi ích của người khác và lợi ích xã hội. Trong trường hợp này họ thường thận trọng xoá bỏ đi dấu vết của hành vi cũ, "tích cực" tìm ra mưu kế, lập kế hoạch cho những hành vi phạm tội mới và điều đáng lưu ý ở đây là những hành vi phạm tội thường được thực hiện tàn nhẫn, trắng trợn, nguy hiểm hơn nhưng lại thiểu tính toán.

Cũng có trường hợp người phạm tội tự nguyện không thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, tức là đã kịp dừng lại trước khi đạt kết quả đã dự tính từ trước. Động cơ thúc đẩy người phạm tội không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, ví dụ: sợ bị pháp luật trừng trị, cảm thông với nỗi đau, mất mát của người khác, hoặc do nhút nhát, sợ hãi... Những động cơ này không có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội, nhưng rất cần thiết để đánh giá nhân cách người phạm tội.

Như vậy, sau khi thực hiện hành vi phạm tội người phạm tội luôn rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng, và kéo theo hành vi của họ cũng biến đổi:

- Hành động của người phạm tội mang tính bị động, thiếu suy nghĩ và bản chất giao tiếp thay đổi (như cởi mở hơn hay ngược lại), họ dễ bị kích động;

- Trong trường hợp người phạm tội có ý định che dấu trạng thái tâm lý căng thẳng của mình, thì họ thường có biểu hiện tích cực không bình thường, mang tính chất bề ngoài (như tham gia lao động rất tích cực, học tập chăm chỉ khác thường...);

- Dùng các chất kích thích để gạt bỏ trạng thái tâm lý căng thẳng;

- Người phạm tội rơi vào tình thể không xác định. Có nghĩa là người phạm tội biết được mức độ lỗi của mình và sợ bị phát hiện, trừng trị của pháp luật. Nhưng họ không biết được cơ quan điều tra, đã có những tin tức gì về hành vi phạm tội của họ. Do đó người phạm tội không xác định được hoàn cảnh của mình, không biết được số phận của mình sẽ ra sao. Vì thế họ luôn luôn cố gắng thu thập những thông tin về giai đoạn điều tra để xoá bỏ trạng thái tâm lý này. Biểu hiện của tình thế không xác định ở người phạm tội:

+ Người phạm tội thường hay quan tâm đến công việc điều tra của cơ quan điều tra khi giao tiếp với những người khác nhằm nắm bắt thông tin.

+ Trong một số trường hợp người phạm tội quay lại hiện trường nơi gây án để phát hiện những sai sót, những dấu vết mà họ đã sơ ý để lại.

(Nguồn tham khảo: Giáo trình Tâm lý học Tư pháp - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác)

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự (luật sư hình sự) của Công ty Luật TNHH Everest 

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

(i) Bài viết Hành vi phạm tội - diễn biến tâm lý người phạm tội được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

(ii) Bài viết Hành vi phạm tội - diễn biến tâm lý người phạm tội có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi đây có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan hoặc cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư hình sự cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66.527.527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Hành vi phạm tội - diễn biến tâm lý người phạm tội

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.89523 sec| 966.992 kb