Khái niệm và đặc điểm của Bảo lãnh Ngân hàng

23/02/2023
Bảo lãnh ngân hàng được quan niệm như là nghiệp vụ cấp tín dụng, bởi lẽ thông qua nghiệp vụ bảo lãnh, tổ chức tín dụng có thể giúp khách hàng thỏa mãn nhu cầu về vốn trong kinh doanh hoặc tiêu dùng. Ở một số nước, nghiệp vụ tín dụng đặc thù này của tổ chức tín dụng từng được biết đến với tên gọi là “tín dụng bằng chữ ký”, ở Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng cũng thừa nhận nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng là một trong các hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng. Dưới góc độ pháp lí, pháp luật ngân hàng định nghĩa bảo lãnh ngân hàng là “hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thoả thuận”.

1- Khái niệm bảo lãnh ngân hàng

“Bảo lãnh”, theo Từ điển tiếng Việt được hiểu là hành vi của một chủ thể tự nguyện cam kết bảo đảm bằng uy tín hoặc tài sản của mình cho hành động, tư cách hoặc nghĩa vụ của người khác. Trong pháp luật dân sự, bảo lãnh được định nghĩa là việc người thứ ba (gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Với định nghĩa này, bảo lãnh được hiểu là biện pháp bảo đảm đối nhân, theo đó người bảo lãnh cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh nếu người này không thực hiện được nghĩa vụ khi đến hạn. Trong đời sống dân sự cũng như thương mại, những cam kết bảo lãnh như vậy có thể được xác lập và thực hiện một cách không chuyên nghiệp bởi các tổ chức, cá nhân hoặc có tính chất chuyên nghiệp bởi các tổ chức kinh tế đặc biệt như tổ chức tín dụng. Những hành vi bảo lãnh có tính chất chuyên nghiệp do các tổ chức tín dụng thực hiện theo yêu cầu của khách hàng được gọi là bảo lãnh ngân hàng.

Vậy, bảo lãnh ngân hàng là gì?

Dưới góc độ kinh tế học, bảo lãnh ngân hàng được quan niệm như là nghiệp vụ cấp tín dụng, bởi lẽ thông qua nghiệp vụ bảo lãnh, tổ chức tín dụng có thể giúp khách hàng thỏa mãn nhu cầu về vốn trong kinh doanh hoặc tiêu dùng. Ở một số nước, nghiệp vụ tín dụng đặc thù này của tổ chức tín dụng từng được biết đến với tên gọi là “tín dụng bằng chữ ký” ở Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng cũng thừa nhận nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng là một trong các hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.
Dưới góc độ pháp lí, pháp luật ngân hàng định nghĩa bảo lãnh ngân hàng là “hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết bằng văn bản với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thoả thuận”.

Định nghĩa này đề cập hai nội dung:

Một là trong bảo lãnh ngân hàng, tồn tại cam kết bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng (người bảo lãnh) với bên có quyền (người nhận bảo lãnh) về việc người bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài sản thay cho khách hàng (người được bảo lãnh) khi người này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của họ đối với bên có quyền. Nội dung này thể hiện bản chất pháp lí của bảo lãnh ngân hàng, chính là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự.

Hai là khách hàng phải nhận nợ với tổ chức tín dụng và có nghĩa vụ hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả thay. Đây chính là lí do để quan niệm rằng bảo lãnh ngân hàng có tính chất như là nghiệp vụ cấp tín dụng.

Trong thực tế, bảo lãnh ngân hàng được biết đến như là loại hình hoạt động khá phức tạp. Hoạt động này phát sinh hai mối quan hệ pháp luật sau đây:
a) Hợp đồng dịch vụ bảo lãnh được xác lập giữa tổ chức tín dụng bảo lãnh với khách hàng là tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ tài sản cần được bảo đảm bằng bảo lãnh;
b) Cam kết bảo lãnh phát sinh giữa tổ chức tín dụng bảo lãnh với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh).

Hai quan hệ pháp luật này tuy tồn tại độc lập với nhau nhưng có ảnh hưởng chi phối lẫn nhau, theo đó hợp đồng dịch vụ bảo lãnh là căn cứ để hình thành cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh, còn cam kết bảo lãnh là bằng chứng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ bảo lãnh giữa tổ chức tín dụng bảo lãnh với khách hàng được bảo lãnh.

2- Đặc điểm của bảo lãnh ngân hàng

Với ý nghĩa là loại hình bảo lãnh đặc thù, bảo lãnh ngân hàng vừa có những đặc điểm của bảo lãnh nói chung đồng thời cũng chứa đựng những đặc điểm riêng để phân biệt với những hình thức bảo lãnh khác. Có thể nhận diện bảo lãnh ngân hàng thông qua các đặc điểm chính sau đây:

Thứ nhất, về bản chất pháp lí, bảo lãnh ngân hàng là loại giao dịch thương mại (hay hành vi thương mại) đặc thù. Tính chất thương mại trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng của tổ chức tín dụng thể hiện ở chỗ hoạt động bảo lãnh này vừa do chính các tổ chức tín dụng (với tư cách là một loại thương nhân) thực hiện trên thị trường nhằm mục tiêu thu lợi nhuận, vừa có tính chất chuyên nghiệp như một nghề nghiệp kinh doanh. Cũng do tính chất thương mại của hoạt động bảo lãnh ngân hàng mà hoạt động này bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, trong bảo lãnh ngân hàng, tổ chức tín dụng không chỉ có tư cách là người bảo lãnh (giống như bất kỳ người bảo lãnh nào trong bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ dân sự) mà còn có thêm tư cách của nhà kinh doanh ngân hàng. Vì thế, việc quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng cũng không giống hoàn toàn với quyền và nghĩa vụ của người bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ dân sự. Ví dụ, nếu người bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh dân sự thông thường có quyền đưa ra chứng cứ về việc mình không biết khả năng hoàn trả của người được bảo lãnh như thế nào để từ đó xin toà án huỷ bỏ hợp đồng bảo lãnh thì trái lại, trong bảo lãnh ngân hàng, tổ chức tín dụng không thể đưa ra chứng cứ này vì họ chính là nhà kinh doanh chuyên nghiệp nên buộc phải biết trước tình hình tài chính của khách hàng xin bảo lãnh trước khi quyết định ký kết hợp đồng dịch vụ bảo lãnh với khách hàng.

Thứ ba, giao dịch bảo lãnh ngân hàng có mục đích và hệ quả là tạo lập hai hợp đồng, gồm hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh/cam kết bảo lãnh. Hai hợp đồng này tuy có mối quan hệ nhân quả với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau nhưng vẫn hoàn toàn độc lập với nhau về cả phương diện chủ thể cũng như phương diện quyền, nghĩa vụ pháp lí của các chủ thể.

Tính độc lập giữa hai loại hợp đồng này thể hiện ở chỗ hợp đồng này vô hiệu không thể đương nhiên làm cho hợp đồng kia vô hiệu và ngược lại. Mặt khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng này không thể bị phụ thuộc hay chi phối bởi việc thực thi quyền, nghĩa Vụ của các bên trong hợp đồng kia và ngược lại. Tổ chức tín dụng với tư cách là người cung cấp dịch vụ bảo lãnh đồng thời là người cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho khách hàng được bảo lãnh (trong quan hệ hợp đồng bảo lãnh) có hai mối quan hệ pháp 11 với hai đối tác khác nhau và do đó phải hành động mang tính độc lập trên cơ sở quyền và nghĩa vụ trong từng hợp đồng.

Vậy giả sử trong trường hợp hợp đồng dịch vụ bảo lãnh bị tuyên bố vô hiệu sau khi hợp đồng bảo lãnh đã được ký kết thì hậu quả pháp lí xảy ra cho hợp đồng bảo lãnh và các chủ thể của hợp đồng đó là như thế nào?

Câu trả lời ở đây là hợp đồng bảo lãnh vẫn có hiệu lực, trừ khi việc ký kết hợp đồng bảo lãnh vi phạm các điều kiện có hiệu lực nói chung đã được quy định trong Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015. Do hợp đồng bảo lãnh vẫn có hiệu lực nên về nguyên tắc người nhận bảo lãnh vẫn có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh và đương nhiên tổ chức tín dụng bảo lãnh cũng không thể nêu lí do hợp đồng dịch vụ bảo lãnh đã bị tuyên bố vô hiệu để từ chối thực hiện vai trò người bảo lãnh. Mặt khác, do hợp đồng dịch vụ bảo lãnh trên thực tế không tồn tại nên việc bảo lãnh của tổ chức tín dụng cho khách hàng không được coi là hành vi làm dịch vụ có thu phí và khi đó giao dịch bảo lãnh này chỉ thuần túy là hành vi pháp lí đơn phương, xét trong mối quan hệ giữa tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh với khách hàng được bảo lãnh.

Ngược lại, trong trường hợp hợp đồng bảo lãnh hoặc cam kết bảo lãnh bị vô hiệu thì hợp đồng dịch vụ bảo lãnh cũng không vì thế mà vô hiệu theo. Hậu quả pháp lí xảy ra cho các chủ thể của hợp đồng bảo lãnh là tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh được giải thoát khỏi vai trò người bảo lãnh và người nhận bảo lãnh thì không có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho khách hàng được bảo lãnh. Còn hậu quả pháp lí xảy ra đối với các chủ thể của hợp đồng dịch vụ bảo lãnh là về nguyên tắc, mỗi bên vẫn phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình đối với bên kia và giải pháp khắc phục là khách hàng có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng bảo lãnh phát hành cam kết bảo lãnh mới để thay thế cho cam kết bảo lãnh cũ đã bị vô hiệu. Nếu sau khi nhận được yêu cầu này mà tổ chức tín dụng bảo lãnh vẫn không phát hành cam kết bảo lãnh mới thì coi như tổ chức tín dụng đó đã vi phạm nghĩa vụ của mình trong hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và có thể phải chịu phạt vi phạm hợp đồng theo mức do các bên thỏa thuận phù hợp với pháp luật.

Thứ tư, giao dịch bảo lãnh ngân hàng không phải là giao dịch hai bên hay ba bên mà là giao dịch “kép”. Sở dĩ có thể quan niệm bảo lãnh ngân hàng là giao dịch “kép” bởi vì, để đạt được mục đích và động cơ chủ yếu của mình là phát hành cam kết bảo lãnh theo yêu cầu của khách hàng và gửi cho bên có quyền - bên nhận bảo lãnh để nhận tiền thù lao dịch vụ (phí bảo lãnh) thì tổ chức tín dụng không thể không tiến hành ký kết cả hai loại hợp đồng theo thứ tự: hợp đồng dịch vụ bảo lãnh được giao kết trước và hợp đồng bảo lãnh/cam kết bảo lãnh được giao kết sau. Thứ tự này phản ánh mối quan hệ giữa hai hợp đồng, trong đó hợp đồng dịch vụ bảo lãnh đóng vai trò là cơ sở pháp lí để tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bảo lãnh; còn hợp đồng bảo lãnh/cam kết bảo lãnh được ký kết nhằm thực hiện nghĩa vụ của tổ chức tín dụng đã phát sinh trong hợp đồng dịch vụ bảo lãnh (ở đây được hiểu là nghĩa vụ phát hành cam kết bảo lãnh). Việc tổ chức tín dụng giao kết hai hợp đồng này tuy đều nhằm hướng tới mục đích chung và có động cơ thống nhất nhưng mặt khác, điều này cũng phản ánh sự độc lập của hai hành vi pháp lí khác nhau, dù rằng cả hai hành vi đó đều do một chủ thể là tổ chức tín dụng thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng.

Thứ năm, theo thông lệ quốc tế, bảo lãnh ngân hàng là giao dịch không thể đơn phương huỷ ngang bởi những người đại diện có thẩm quyền của tổ chức tín dụng bảo lãnh. Đặc điểm này không chỉ được ghi nhận trong Quy tắc thực hành tín dụng dự phòng quốc tế: “...cam kết không hủy ngang, độc lập, kèm chứng từ và ràng buộc khi phát hành... ” (Quy tắc 1.06) mà còn được công nhận bởi pháp luật quốc gia của nhiều nước trên thế giới về bảo lãnh ngân hàng. Tuy nhiên, đặc điểm này chưa được phản ánh trong pháp luật thực định Việt Nam về bảo lãnh nói chung và bảo lãnh ngân hàng nói riêng, khiến cho chế định về bảo lãnh ngân hàng trong pháp luật Việt Nam thiếu sự tương đồng với chế định về bảo lãnh ngân hàng trong pháp luật các nước cũng như pháp luật quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế về bảo lãnh ngân hàng.


Tính chất không thể huỷ ngang của bảo lãnh ngân hàng thể hiện ở chỗ sau khi cam kết bảo lãnh đã được phát hành hợp lệ bởi tổ chức tín dụng, không một cơ quan nào (ví dụ như chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc hoặc giám đốc chi nhánh...) có thể lấy danh nghĩa đại diện cho tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh để tuyên bố đơn phương hủy bỏ cam kết bảo lãnh, trừ khi tuyên bố này được chấp nhận bởi người nhận bảo lãnh. Nguyên tắc này đảm bảo cho người nhận bảo lãnh có thể yên tâm đòi tiền tổ chức tín dụng bảo lãnh khi đến hạn của nghĩa vụ được bảo lãnh mà người được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ của họ, bằng cách xuất trình chứng cứ về việc người được bảo lãnh đã vi phạm nghĩa vụ đối với mình. Nếu bảo lãnh ngân hàng không có tính chất này, nghĩa là nếu bên bảo lãnh có thể đơn phương hủy ngang bất kì lúc nào theo ý mình thì khi đó quyền lợi của người nhận bảo lãnh sẽ không được bảo đảm và việc bảo lãnh cho dù của người có khả năng tài chính mạnh như tổ chức tín dụng cũng sẽ trở thành vô nghĩa và không cần thiết.

Thứ sáu, bảo lãnh ngân hàng là giao dịch được xác lập và thực hiện dựa trên chứng từ. Tính chất chứng từ của bảo lãnh ngân hàng thể hiện ở chỗ khi tổ chức tín dụng phát hành cam kết bảo lãnh cũng như khi người nhận bảo lãnh thực hiện quyền yêu cầu hay khi tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh, các chủ thể này đều bắt buộc phải thiết lập bằng văn bản. Những văn bản này không chỉ là bằng chứng chứng minh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch bảo lãnh mà còn là cơ sở pháp lí để các bên thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình đối với bên kia. Chẳng hạn, khi người nhận bảo lãnh yêu cầu tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay người được bảo lãnh, họ phải xuất trình các chứng từ phù hợp với nội dung của cam kết bảo lãnh thì mới được trả tiền; ngược lại, tổ chức tín dụng bảo lãnh cũng phải dựa vào văn bản bảo lãnh (là một loại chứng từ) do mình phát hành và đối chiếu với các chứng từ do người nhận bảo lãnh thiết lập và xuất trình để xác định việc đòi tiền của người nhận bảo lãnh có hợp lệ không và mình có phải trả tiền theo yêu cầu đó hay không. Theo thông lệ quốc tế về bảo lãnh ngân hàng, có ba loại chứng từ quan trọng nhất làm cơ sở cho các bên thực hiện giao dịch bảo lãnh ngân hàng, đó là văn bản bảo lãnh (cam kết bảo lãnh - hợp đồng bảo lãnh hay thư bảo lãnh); yêu cầu trả tiền (Demand for Payment) và tuyên bố vi phạm (Statement of default). Nếu không có ba loại chứng từ này, các bên không thể xác định được việc bảo lãnh ngân hàng có tồn tại hay không và quyền, nghĩa vụ của các bên sẽ được thực hiện như thế nào. Việc xây dựng nguyên tắc bảo lãnh dựa vào chứng từ không chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các bên giao dịch mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như tính kỉ luật hợp đồng, trên cơ sở đó tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng.

Thứ bảy, bảo lãnh ngân hàng là loại hình bảo lãnh vô điều kiện (hay còn gọi là bảo lãnh độc lập). Tính chất vô điều kiện của bảo lãnh ngân hàng thể hiện ở chỗ tổ chức tín dụng bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đối với người nhận bảo lãnh ngay sau khi người này đã xuất trình các chứng từ phù hợp với nội dung của thư bảo lãnh hay cam kết bảo lãnh do tổ chức tín dụng phát hành mà không phụ thuộc vào việc người được bảo lãnh có khả năng tự thực hiện nghĩa vụ của họ hay không. Sự ghi nhận tính chất vô điều kiện trong giao dịch bảo lãnh ngân hàng là đảm bảo tương đối chắc chắn cho lợi ích của người nhận bảo lãnh, đồng thời cũng là lợi thế của bảo lãnh ngân hàng so với các hình thức bảo lãnh khác không phải do tổ chức tín dụng thực hiện. Nhờ lợi thế này, các tổ chức tín dụng tỏ ra là người có khả năng cung cấp dịch vụ bảo đảm tốt nhất trên thị trường và dường như sự bảo đảm bằng bảo lãnh của các tổ chức tín dụng bao giờ cũng được người nhận bảo lãnh ưa chuộng hơn sự bảo đảm bằng bảo lãnh của các chủ thể khác, do tính chất độc lập, vô điều kiện và không thể huỷ ngang của bảo lãnh ngân hàng.

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm và đặc điểm của Bảo lãnh Ngân hàng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.44180 sec| 999.555 kb