Khái niệm và đặc điểm của nhóm công ty

23/02/2023
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp luôn phải có sự thay đổi, phát triển để có thể tồn tại bền vững. Trong thời gian dài hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hoạt động mở rộng quy mô sản xuất, mua lại, sát nhập hay hợp thường xuyên diễn ra. Thực tế, ở Việt Nam đã xuất hiện mô hình nhóm công ty để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã hội.

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), mô hình kinh tế mới đã tạo điều kiện cho Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao, đời sống xã hội thay đổi, quan niệm về hoạt động kinh doanh cũng đã thay đổi rất nhiều. Trải qua một quá trình phát triển, nhiều doanh nghiệp trong khu vực nhà nước cũng như trong khu vực dân doanh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, có quá trình tập trung và tích tụ vốn lâu dài; hoạt động mua lại, sáp nhập, hợp nhất diễn ra thường xuyên với sự hỗ trợ của thị trường chứng khoán. Hơn thế nữa, nhu cầu thực hiện liên kết đầu tư tạo thành tổ hợp, kinh doanh đa ngành đã trở thành nhu cầu mang tính thời sự. Những điều này đã đặt ra một vấn đề cần giải quyết: các mô hình tổ chức kinh tế đang vận hành hiện nay không đáp ứng được nhu cầu huy động vốn, chuyên môn hoá sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, mô hình nhóm công ty đã xuất hiện ở Việt Nam và phần nào đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư trong cả khối nhà nước và dân doanh. 

1-  Khái niệm nhóm công ty

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.

Sự tác động của các quy luật trong nền kinh tế thị trường, của tiến bộ khoa học kĩ thuật, của nhu cầu tập trung vốn, giảm chi phí kinh doanh, phân tán rủi ro làm xu hướng hình thành các nhóm công ty càng trở nên mạnh mẽ. Xét từ góc độ lý luận về hành vi tổ chức, nhóm là một mô hình tổ chức bao gồm hai hay nhiều chủ thể, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau nhằm đạt được mục tiêu cụ thể. Từ những cơ sở trên, có thể khái niệm về nhóm công ty như sau:

“Nhóm công ty là một tập hợp hai hay nhiều công ty, tương tác và có mối quan hệ lâu dài về kinh tế, công nghệ, thị trường, loại trừ sự cạnh tranh lẫn nhau, cùng nhau hướng tới mục tiêu tăng cường tích tụ, tập trung vốn và tối đa hoá lợi nhuận”.

2-  Đặc điểm của nhóm công ty

Thứ nhất, nhóm công ty là một tập hợp của hai hay nhiều công ty. Các công ty có mối quan hệ qua lại, tương tác với nhau trên cơ sở hoạt động đầu tư kinh doanh và hợp đồng xác lập giao dịch. Các công ty trong nhóm hoàn toàn độc lập về mặt pháp lý và kinh doanh. Mặc dù vậy, quá trình tương tác của các công ty làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty và sự phát triển chung của nhóm. Động lực này có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào cách thức và nguyên tắc thực hiện mối quan hệ giữa công ty trong nhóm. Nhóm công ty là một tập hợp, một tổ chức, tuy nhiên, tổ chức này không đáp ứng các điều kiện về tư cách pháp nhân.

Thứ hai, nhóm công ty được hình thành với mục tiêu tăng cường tích tụ, tập trung vốn, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hoá lợi nhuận. Các công ty đơn lẻ, vừa thiếu vốn vừa thiếu công nghệ không đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, có thể tập hợp để hình thành nhóm công ty. Nhóm công ty có nhiều lợi thế trên thị trường: lợi thế về tập trung nguồn lực, lợi thế quy mô, lợi thế thương hiệu, lợi thế chuyên môn hoá, lợi thế về tính thống nhất. Do đó, nhóm công ty có thể nâng cao khả năng cạnh tranh cho những công ty quy mô nhỏ, giảm thiểu những rủi ro từ biến động thị trường. Để thực hiện mục tiêu này, các công ty trong nhóm phải cùng nhau cam kết thực hiện các thỏa thuận hình thành nhóm, từng công ty phải điều chỉnh mục tiêu kinh doanh của công ty phù hợp với mục tiêu chung của nhóm công ty. Tùy từng giai đoạn, nhóm công ty có thể xây dựng những mục tiêu chiến lược khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế mới.

Thứ ba, nhóm công ty có nguyên tắc hoạt động và cơ cấu tổ chức. Để nhóm công ty hoạt động hiệu quả, các công ty thành viên phải cùng nhau xây dựng các quy tắc, nội quy, quy chế hoạt động, xây dựng mô hình quản lý để đảm bảo các mục tiêu thành lập nhóm. Những quy tắc, nội quy, quy chế hoạt động được thể chế trong điều lệ nhóm công ty. Mô hình quản lý tương đối phức tạp và phụ thuộc vào số lượng công ty tham gia vào nhóm.

Thứ tư, trong nhóm công ty có công ty giữ quyền chi phối các công ty còn lại. Công ty giữ quyền chi phối đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển của nhóm công ty, chủ trì xây dựng điều lệ nhóm công ty, xây dựng bộ máy quản trị nhóm công ty.

3- Các hình thức nhóm công ty

Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, nhóm công ty có 02 hình thức cơ bản: tập đoàn kinh tế và tổng công ty. về nguyên tắc, dấu hiệu để phân biệt hai hình thức này dựa trên cơ sở quy mô của nhóm công ty và số lượng thành viên trong nhóm. Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô và số lượng thành viên lớn hơn so với tổng công ty. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định rõ tiêu chí phân biệt giữa mô hình tập đoàn kinh tế và mô hình tổng công ty.

Tại khu vực kinh tế nhà nước, Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, có quy định phân biệt mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước dựa trên cơ sở vốn điều lệ của công ty mẹ và ngành nghề kinh doanh chính. Theo đó, vốn điều lệ của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế nhà nước không thấp hơn 10.000 tỉ đồng, vốn điều lệ của công ty mẹ trong tổng công ty nhà nước không thấp hơn 1.800 tỉ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế là ngành nghề quan trọng có tác động đến sự phát triển của quốc gia, tập đoàn kinh tế mang tính chất đa ngành. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ trong tổng công ty là những ngành nghề kinh doanh có tác động tới sự phát triển của ngành và vùng, tổng công ty thường mang tính đơn ngành và chuyên sâu. về nguyên tắc, một nhóm công ty của Nhà nước khi phát triển đến mức độ nhất định về quy mô, cơ quan nhà nước sẽ ra quyết định nâng lên thành tổng công ty nhà nước. Tổng công ty nhà nước khi phát triển đạt các điều kiện tiêu chuẩn, cơ quan nhà nước sẽ quyết định nâng lên thành tập đoàn kinh tế nhà nước.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại 1 - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Khái niệm và đặc điểm của nhóm công ty

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.48806 sec| 953.813 kb