Khái quát chung về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ

09/04/2023
Quyền sở hữu trí tuệ là một quyền tài sản nên bản thân đối tượng quyền sở hữu trí tuệ không thể tự đem lại các tiện ích hiện hữu cho người nắm giữ quyền mà nó chỉ thực sự mang lại những lợi ích vật chất và tinh thân cho chủ sở hữu, người sử dụng khi các đối tượng sở hữu trí tuệ được áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

1- Khái niệm chuyển giao quyền sử hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ là một quyền tài sản nên bản thân đối tượng quyền sở hữu trí tuệ không thể tự đem lại các tiện ích hiện hữu cho người nắm giữ quyền mà nó chỉ thực sự mang lại những lợi ích vật chất và tinh thân cho chủ sở hữu, người sử dụng khi các đối tượng sở hữu trí tuệ được áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc tính thương mại là một trong những đặc trưng của quyền sở hữu trí tuệ vì quyền sở hữu trí tuệ thường gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại giá trị kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh của chủ thể kinh doanh. Đối tượng sở hữu trí tuệ càng được sử dụng, khai thác rộng rãi thì càng mang lại những lợi ích kinh tế cho chủ thể quyền cũng như người sử dụng, trong khi chi phí để tạo ra đối tượng sở hữu trí tuệ không hề thay đổi. Hơn nữa, nếu như việc sử dụng, khai thác các tài sản hữu hình (ví dụ như nguồn tài nguyên thiên nhiên) luôn kéo theo sự tiêu hao cạn kiệt tài sản do thì việc sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ không những không làm cạn kiệt, giảm sút về số lượng hay chất lượng tài sản mà thậm chí, giá trị của của nó còn có thể càng được nâng cao. Do đó tài sản trí tuệ ngày càng khẳng định được vai trò như là “một nguồn của cải mới tạo ra sự thịnh vượng”.

Quyền năng quan trọng nhất của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ là độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ và định đoạt quyền sở hữu trí tuệ trong thời hạn bảo hộ. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền tiến hành các hành vi để trực tiếp sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ của mình hoặc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho chủ thể khác với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Trong bối cảnh thương mại hiện đại, quyền sở hữu trí tuệ là loại tài sản có giá trị kinh tế rất to lớn nên việc chuyển giao quyền sở hữu các đối tượng này là hoạt động phổ biến và quan trọng. Một mặt, loại “hàng hoá đặc biệt” này đòi hỏi phải được vận động, phải được đưa vào trong lưu thông như: mua bán, trao đổi, cho thuê... một cách thuận tiện như các loại hàng hoá khác. Mặt khác, việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ còn đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của chính chủ sở hữu, các chủ thể khác cũng như của toàn xã hội. Ngày nay, việc đưa quyền sở hữu trí tuệ vào khai thác thương mại đã trở nên phổ biến, không thể thiếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi doanh nghiệp, từ những doanh nghiệp nhỏ đến những tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn. Việc khai thác thương mại quyền sở hữu trí tuệ có thể thông qua các hình thức phổ biến:

Tự khai thác: Đây là hình thức chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trực tiếp sử dụng tài sản trí tuệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền năng quan trọng nhất là độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ và ngăn cấm người khác sử dụng để đảm bảo mình là người “duy nhất” có quyền sử dụng, khai thác đối tượng sở hữu trí tuệ. Do đó, tự khai thác thương mại quyền sở hữu trí tuệ thể hiện ở việc chủ sở hữu tự mình sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Ví dụ: sử dụng quyền tác giả được hiểu là chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện các quyền làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Sử dụng sáng chế là việc chủ sở hữu sáng chế thực hiện các hành vi như: sản xuất sản phẩm, áp dụng quy trình, khai

thác công dụng, lưu thông, quảng cáo, nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ sáng chế. Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch; lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ...

Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho chủ thế khác: Là việc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ (hoặc người được chủ sở hữu cho phép) chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ của mình cho chủ thể khác thông qua chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng có thời hạn để thu phí. Đây là hình thức khai thác quyền sở hữu trí tuệ khá phổ biến thông qua đó chủ sở hữu có thể thu lợi ích kinh tế từ việc “bán đứt” tài sản trí tuệ để có được một khoản tiền thanh toán gọn một lần hoặc là cho phép người khác sử dụng có trả phí.

Dùng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập các liên doanh, liên kết; thế chấp quyền sở hữu trí tuệ với ngân hàng, quỹ đầu tư để vay vốn...

Pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ quy định về hai hình thức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ là chuyển nhượng và chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Các hình thức khai thác quyền sở hữu trí tuệ khác được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chuyên ngành như: thế chấp quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng các quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về giao dịch bảo đảm; việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo các quy định của pháp luật thương mại và pháp luật doanh nghiệp.

Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ là hình thức khai thác quyền sở hữu trí tuệ theo đó chủ sở hữu hoặc người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ của mình cho chủ thể khác.

Theo nguyên tắc giới hạn quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ chỉ được chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi và thời hạn bảo hộ xác định. Việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cũng bị giới hạn bởi các yếu tố: không được xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng; không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm các quy định của pháp luật liên quan.

2- Vai trò, ý nghĩa của chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ

- Đối với bên chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ: về bản chất, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ là giao dịch có đền bù, bên chuyển giao được bên nhận trả một khoản phí tương đương với giá trị quyền sở hữu trí tuệ được chuyên giao. Điều này tạo điều kiện cho bên chuyển giao có thêm chi phí, lợi nhuận để tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển, thậm chí ngay cả trong trường hợp họ không cần phải trực tiếp khai thác, sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ (do không có nhu cầu sử dụng hoặc không có đủ điều kiện để khai thác, sử dụng). Ví dụ: việc chuyển giao quyền tác giả cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thu được những lợi ích vật chất từ việc người khác sử dụng, khai thác trực tiếp hoặc gián tiếp tác phẩm.

Trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ là một phần quan trọng không thể tách rời trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp vần có thể lựa chọn chỉ tập trung vào một hoặc một vài thị trường nhất định hoặc một lĩnh vực sử dụng nhất định và chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ còn lại cho các doanh nghiệp khác có năng lực sản xuất tốt hơn, ở những thị trường có nguồn nhân công hay nguyên liệu rẻ hơn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp hiện nay hoạt động kinh doanh với một mục tiêu duy nhất là tạo ra quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ, chứ không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm bởi đối với họ, quyền sở hữu trí tuệ chính là sản phẩm.

Việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ thông qua hình thức chuyển quyền sử dụng không những đem lại lợi nhuận cho bên chuyển giao, mặt khác còn giúp họ có thể nhanh chóng thâm nhập thị trường trong nước hoặc nước ngoài thông qua bên sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ nếu doanh nghiệp đó không thế thâm nhập vào thị trường này do các điều kiện về thị trường, thuế, chi phí vận chuyển hoặc do quy định của pháp luật. Việc cho phép chủ thể khác sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu sẽ làm gia tăng sự có mặt của doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời có thể giúp làm tăng danh tiếng thông qua sự công nhận nhãn hiệu gắn liền với những sản phẩm, dịch vụ có uy tín.

- Đối với bên nhận chuyển giao: Thông qua nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng, khai thác của các tổ chức, cá nhân. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ là cách thức cơ bản để các doanh nghiệp nội địa của các nước đang và kém phát triển được sử dụng những công nghệ mới từ các nước phát triển. Bên nhận quyền giao đối tượng sở hữu trí tuệ cũng có thể thu được những lợi ích từ việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ như: không mất chi phí, thời gian, nguồn lực và tránh được các rủi ro trong việc đầu tư nghiên cứu và phát triển sáng tạo trí tuệ đó. Ví dụ bằng cách nhận chuyên giao quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, người có nhu cầu đổi mới công nghệ có thể có được công nghệ từ bên chuyển giao để sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm mới mà chủ sở hữu sáng chế phải mất nhiều năm để nghiên cứu phát triển, quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Thông qua việc nhận chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, bên nhận chuyển giao, đặc biệt là các công ty nhỏ, có thể tiết kiệm được nhiều nguồn lực mà vẫn có thể tiếp cận được thị trường một cách nhanh chóng.

- Đối với xã hội: Việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng trong việc phổ biến các kết quả sáng tạo, các công nghệ mới. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; cuộc biểu diễn, sản phẩm băng đĩa, các chương trình phát sóng... là những “hàng hoá” không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội mà công chúng có nhu cầu được hưởng thụ. Do đó, việc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan góp phần phổ biến, phát triển các ý tưởng, sáng tạo về văn hoá, nghệ thuật. Việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cũng góp phần hạn chế độc quyền, tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Bên cạnh đó, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cũng được coi là một giải pháp để giải quyết tranh chấp, xâm phạm, ở một số ngành công nghiệp, các đối thủ cạnh tranh thường sử dụng những công nghệ tương tự nhau, dẫn đến có thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhau. Trong những tình huống như vậy, các bên có thể đi đến thỏa thuận li xăng trao đổi (còn được gọi là li-xăng chéo (cross licensing)) để tránh các vụ kiện tụng “ăn miếng trả miếng”, gây tốn kém. Ví dụ: Google và Samsung Electronics đã ký một thỏa thuận rộng rãi để cấp li-xăng chéo cho một loạt các bằng sáng chế của mỗi bên, củng cố mối quan hệ giữa hai công ty lớn đằng sau sự nổi trội toàn cầu của hệ điều hành Android dành cho điện thoại thông minh. Trong nhiều trường hợp khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, thay vì phương thức khởi kiện bên vi phạm (tốn kém chi phí, thời gian mà không dẫn đến kết quả chắc chắn), chủ sở hữu có thể gây áp lực buộc đối tượng xâm phạm quyền trả phí li- xăng đê tránh việc phải ra “hầu tòa”.

3- Các hình thức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ

3.1- Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ

Với tư cách là một loại tài sản, quyền sở hữu trí tuệ có thể được đưa vào lưu thông thông qua giao dịch mua bán, theo đó, người bán sẽ chuyển quyền sở hữu trí tuệ của mình cho người mua và nhận được nhận một khoản kinh phí tương xứng với giá trị mà quyền sở hữu trí tuệ mang lại, người mua trở thành chủ sở hữu mới có quyền khai thác thương mại các đối tượng sở hữu trí tuệ được mua.

Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ là việc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao quyền sở hữu của mình đối với đối tượng sở hữu trí tuệ đó cho tổ chức, cá nhân khác. Trong các hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, bên chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được gọi là “bên chuyển nhượng” và bên nhận chuyển giao quyền được gọi là “bên được chuyển nhượng”. Thông qua giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, bên được chuyển nhượng trở thành chủ sở hữu mới của đối tượng sở hữu trí tuệ. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ thường được thể hiện dưới dạng một “văn bản chuyển nhượng”, hay còn gọi là “hợp đồng chuyển nhượng”. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ mang các đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, về bản chất hợp đồng chuyển nhượng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ là một hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật dân sự, theo đó, bên chuyển nhượng (bên bán) và bên được chuyển nhượng (bên mua) thoả thuận với nhau để chuyển nhượng (mua bán quyền sở hữu) đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đó là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Hậu quả pháp lý là làm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ cho bên mua.

Thứ hai, trong hợp đồng chuyển nhượng, các bên không thể thỏa thuận xác lập bất cứ giới hạn nào đối với bên được chuyển nhượng về quyền sở hữu trí tuệ được chuyển nhượng. Tuy nhiên, do tính giới hạn của quyền sở hữu trí tuệ nên quyền sở hữu được chuyển giao theo hợp đồng vẫn bị giới hạn về không gian và thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, do đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ là “quyền tài sản” nên trên cơ sở quy định của Điều 450 BLDS năm 2015: “bên bản phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua ”, vì vậy Luật sở hữu trí tuệ đã thể hiện rõ nguyên tắc này khi quy định các hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ đều phải thể hiện dưới hình thức văn bản. Ngoài ra, hợp đồng chuyển nhượng một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng chi có hiệu lực khi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.2- Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ

Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ - thường được gọi là hợp đồng li-xăng. “Li-xăng” là thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Latinh: “Licentia”, có nghĩa là sự cho phép, sự ủy quyền và hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngôn ngữ thông dụng trên thế giới như tiếng Anh. Pháp. Đức. Hiểu một cách đơn giản, li-xăng là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ cho phép người khác (người nhận li-xăng) được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong khi vẫn tiếp tục giữ quyền sở hữu các quyền đó. Việc cho phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ thường được thực hiện thông qua một hợp đồng bằng văn bản, trong đó, mục đích, phạm vi lãnh thổ và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng được các bên thỏa thuận và xác định.

Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ là sự thoả thuận giữa các bên. theo đó, bên chuyển quyền cho phép tổ chức, cá nhân khác (bên được chuyển quyền) sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi, thời hạn, mục đích mà các bên đã thoả thuận.

Điểm khác biệt giữa chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ và chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ là khi chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, bên bán chuyển giao một lần quyền sở hữu trí tuệ cho người mua, người bán sẽ không còn quyền sở hữu trí tuệ và người mua sẽ trở thành chủ sở hữu mới, được toàn quyền khai thác, sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Còn khi chuyển giao quyền sử dụng, chủ sở hữu vẫn được bảo lưu quyền sở hữu của mình và chì cho phép bên nhận được sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong thời hạn và phạm vi nhất định.

Căn cứ vào các bộ phận của quyền sở hữu trí tuệ, có ba lĩnh vực chuyển giao là: chuyển giao quyền tác giả và quyền liên quan; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.

0 bình luận, đánh giá về Khái quát chung về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.45906 sec| 1003.008 kb