Khái quát về chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan

22/03/2023
Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng
Đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan là những sản phẩm sáng tạo thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống văn hoá, tinh thần của nhân loại. Trên thực tế, việc tác giả trực tiếp sử dụng tác phẩm (như tự biểu diễn, sao chép, phân phối tác phẩm) không thực sự phổ biến do không phải tác giả nào cũng có khả năng biểu diễn hay có điều kiện trang thiết bị cho việc in ấn, xuất bản tác phẩm. Vi vậy, các tác giả thường chuyển giao quyền của mình cho những tổ chức, cá nhân có hoạt động biểu diễn, sản xuất băng đĩa hay xuất bản có tính “chuyên nghiệp” để đưa tác phẩm ra thị trường.

1- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

[a] Khái niệm chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan được trao cho những “độc quyền” về kinh tế trong việc khai thác tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hay chương trình phát sóng. Các độc quyền này bao gồm một nhóm quyền tài sản mà pháp luật cho phép chủ sở hữu trực tiếp sử dụng để thu được các lợi ích kinh tế. Trên thực tế, không phài chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan nào cũng có điều kiện và nhu cầu tự khai thác hết các quyền kinh tế này. Vì vậy, họ có thể cân nhắc và quyết định “bán” toàn bộ hoặc một số quyền cụ thể trong các quyền tài sản của họ.

Ví dụ: Nhà văn có thể “bán đứt” quyền sao chép và phân phối bản sao tác phẩm cho một nhà xuất bản. Trong trường hợp chủ sở hữu chỉ “bán” một hoặc một số quyền tài sản thuộc quyền tác giả, quyền liên quan thì người mua sẽ là chủ sở hữu đối với quyền được chuyển giao. Luật sở hữu trí tuệ gọi giao dịch này là “hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan”. Khoản 1 Điều 45 Luật sở hữu trí tuệ định nghĩa: chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền tài sản thuộc quyền tác giả, quyền liên quan cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật (riêng quyền tác giả còn bao gồm cả chuyển giao quyền công bổ tác phẩm).

[b] Chủ thể của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

(i) Bên chuyển nhượng: Bên chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan hoặc là người được chủ sở hữu ủy quyền. Đây là điều kiện tiên quyết để giao dịch chuyển quyền có hiệu lực.

Bên chuyển nhượng quyền tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả, bao gồm: chủ sở hữu quyền tác giả đồng thời là tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả (như: tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả; người thừa kế quyền tác giả, người được chuyển giao quyền tác giả...). Trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả thì phạm vi quyền khai thác tác phẩm của chủ sở hữu còn phụ thuộc vào thoả thuận giữa tổ chức, cá nhân đó và tác giả. Do đó, không phải trong mọi trường hợp, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có mọi quyền khai thác tác phẩm.

Ví dụ: Công ty A (là chủ đầu tư của một khu vui chơi giải trí tại thành phố X) thuê B thiết kế và thi công một số bức tượng để đặt trong các vườn hoa của khu vui chơi. Theo thoả thuận, A là chủ sở hữu của các tác phẩm tạo hình đó và không có quyền nhân bản, làm tác phẩm phái sinh. Một thời gian sau, Công ty A lại xây một khu vui chơi khác tại tỉnh Y và muốn làm những bức tượng giống như vậy đặt tại công trình mới của họ. Trong trường hợp này, A chỉ có thể làm tác phẩm phái sinh dựa trên mẫu tượng của B nếu được B cho phép.

Bên chuyển nhượng quyền liên quan bao gồm: Cá nhân, tổ chức đầu tư để thực hiện cuộc biểu diễn; cá nhân, tổ chức đầu tư để sản xuất bản ghi âm, ghi hình; tổ chức thực hiện chương trình phát sóng. Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu. Kèm theo hợp đồng chuyển nhượng phải có văn bản ủy quyền thể hiện ý chí chung của tất cả các đồng chủ sở hữu cho phép người đại diện được kí kết hợp đồng. Trường hợp đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với riêng phần của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

Ở các quốc gia trên thế giới hiện nay, mô hình quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan trong cả hoạt động khai thác và thực thi. Thay vì tự mình đàm phán, kí kết hợp đồng, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan thường uỷ quyền cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đại diện cho họ kí kết hợp đồng. Do đó, bên chuyển nhượng trong hợp đồng có thể là các tổ chức đại diện này.

(ii) Bên được chuyển nhượng: Là các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan để sử dụng vào mục đích khai thác của họ. Bên được chuyển nhượng thường là những chủ thể có nhu cầu khai thác tác phẩm trong thương mại như: các hãng phim, tổ chức phát thanh truyền hình, tổ chức biểu diễn...

[c] Đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan

Theo quy định của Điều 45 Luật sở hữu trí tuệ, đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả là quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản thuộc quyền tác giả; đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền liên quan bao gồm: các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; các quyền tài sản đối với bản ghi âm, ghi hình; các quyền tài sản đối với chương trình phát sóng.

Quyền công bố tác phẩm mặc dù là quyền nhân thân của tác giả nhưng nó lại luôn gắn liền với việc thực hiện các quyền tài sản như sao chép, phân phối, truyền đạt... tác phẩm, là tiền đề, cơ sở để chủ thể khác có thể khai thác tác phẩm. Vì vậy, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam đều quy định quyền công bố tác phẩm có thể được chuyển giao với những điều kiện và trong phạm vi cần thiết cho việc sử dụng, khai thác tác phẩm.

Ví dụ: Trong hợp đồng xuất bản tác phẩm, tác giả phải trao quyền sử dụng tác phẩm (trao bản gốc tác phẩm) cho nhà xuất bản để nhà xuất bản nhân bản và phân phối bản sao tác phẩm, đổi lại tác giả được trả nhuận bút. Nhà xuất bản chỉ có thể nhân bản, phân phối bản sao tác phẩm nếu được tác giả chuyển giao cả quyền công bố tác phẩm vì xuất bản chính là một hình thức công bố tác phẩm.

Đối với hợp đồng chuyển nhượng tài sản thông thường, bên chuyển nhượng sẽ chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu cho bên được chuyển nhượng nhưng đối với chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, chủ sở hữu không bắt buộc phải chuyển giao toàn bộ các quyền mà có thể chỉ chuyển giao một, một số các quyền tài sản thuộc quyền tác giả, quyền liên quan cho cá nhân, tổ chức khác, có nghĩa là bên chuyển giao chỉ chấm dứt quyền sở hữu đối với riêng quyền đã chuyển giao.

Ví dụ: Ca sĩ A thoả thuận mua độc quyền biểu diễn bài hát X của nhạc sĩ B. Trong trường họp này, ca sĩ A chỉ được nhạc sĩ B chuyển giao “quyền biểu biễn tác phẩm X trước công chúng”. Nhạc sĩ B vẫn là chủ sở hữu đối với các quyền tài sản còn lại đối với tác phẩm X, vì vậy, khi người khác muốn làm tác phẩm phái sinh, sao chép, phân phối, truyền đạt... tác phẩm X vẫn phải xin phép và trả nhuận bút, thù lao, các lợi ích vật chất cho nhạc sĩ B.

Ví dụ: Công ty A là chủ sở hữu đối với chương trình biểu diễn “Duyên dáng Huế” kí hợp đồng chuyển nhượng quyền phát sóng cuộc biểu diễn này cho Đài truyền hình B. Trường hợp này, Đài truyền hình B chỉ được chuyển giao quyền phát sóng cuộc biểu diễn; Đài truyền hình B không được sao chép, phân phối các bản sao cuộc biểu diễn “Duyên dáng Huế” trên các bản ghi âm, ghi hình; không được đưa cuộc biểu diễn lên mạng internet... nếu không có thoả thuận trong hợp đồng.

Do tính chât của quyền nhân thân “là quyền dân sự gắn liên với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác”' nên khoản 2 Điều 45 Luật sở hữu trí tuệ quy định việc hạn chế chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể: tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 (như quyền đặt tên, quyền đứng tên trên tác phẩm, hay quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm), trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân được quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật này (quyền giới thiệu tên khi biểu diễn hay quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn). Do đó, trường hợp sau khi tác giả hay người biểu diễn đã chuyển nhượng các quyền tài sản của mình cho chủ thể khác, họ vẫn có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những hành vi xâm phạm đến các quyền nhân thân của họ.

Ngoài ra, trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu đó. Trường hợp mặc dù có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu đối với các phần riêng biệt đó có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Đây là quy định riêng đối với chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, xuất phát từ đặc thù đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan có thể là sản phẩm sáng tạo chung của nhiều người, trong đó có những phần sáng tạo có thể tồn tại độc lập. Ví dụ: đối với tác phẩm điện ảnh, sân khấu, phần âm nhạc (như nhạc phim) có thể sử dụng độc lập.

[d] Nội dung và hình thức của hợp đồng chuyển nhượng

Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan gồm những nội dung chủ yếu:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

  • Căn cứ chuyển nhượng;

  • Giá, phương thức thanh toán;

  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;

  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

Do quyền tác giả được bảo hộ tự động "phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định'' không phụ thuộc vào việc tác phẩm có được đăng kí hay không, do đó, điều kiện tiên quyết để giao dịch chuyển nhượng quyền tác giả có hiệu lực là bên chuyển quyền phải là chủ sở hữu quyền tác giả hoặc là người được chủ sở hữu ủy quyền và có quyền chuyển nhượng quyền tác giả. “Căn cứ chuyển nhượng" phụ thuộc vào những chứng cứ mà bên chuyển nhượng cung cấp để chứng minh quyền sở hữu quyền tác giả của mình.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý đăng ký bản quyền tác giả của Công ty Luật TNHH Everest

2- Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

[a] Khái niệm chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản liên quan đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (bao gồm cả quyền công bố tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả).

Điểm khác biệt cơ bản giữa chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan và chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là: Trong chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, bên chuyển nhượng (chủ sỡ hữu quyền tác giả, quyền liên quan) sẽ chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản thuộc quyền tác giả, quyền liên quan. Còn đối với chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan (bên chuyển quyền) cho phép người khác được sử dụng, khai thác tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình... phù hợp với mục đích, hình thức, phạm vi, thời hạn... mà các bên đã thoả thuận, trong khi bên chuyển quyền vẫn được bảo lưu quyền tác giả, quyền liên quan. Ví dụ: Hãng phim X cho phép công ty giải trí Y được chiếu bộ phim của mình tại các rạp của công ti giải trí Y tại thành phố H trong thời gian 30 ngày.

Ngoại trừ một số trường hợp giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan (là trường hợp sử dụng tác phẩm, sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao), các trường hợp sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang trong thời hạn bảo hộ phải có hợp đồng sử dụng với chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Thông qua hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác được sử dụng, khai thác tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, hình, chương trình phát sóng.

Các hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phổ biến như:

  • Hợp đồng sử dụng quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản;
  • Hợp đồng sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực biểu diễn;
  • Hợp đồng sử dụng tác phẩm trong việc sản xuất bán ghi âm ghi hình;
  • Hợp đồng sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực phát sóng;
  • Hợp đồng sử dụng quyền liên quan đối với chương trình biểu diễn, bán ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng...

[b] Chủ thể của hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan, có hai bên chủ thể là:

(i) Bên chuyển quyền: về nguyên tắc, phải là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan hoặc là người được chủ sở hữu ủy quyền.

Xu thế trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan thường tham gia vào các hiệp hội nghề nghiệp là các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và chủ sở hữu thường ủy quyền cho các tổ chức này giám sát việc sử dụng tác phẩm cùa họ, thỏa thuận với những người sử dụng tiềm năng để cấp phép sử dụng, thu tiền thù lao và phân bổ khoản tiền ấy cho chử sở hữu quyền. Vì vậy, các tổ chức quản lý tập thể có thể là một bên trong hợp đồng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Hiện nay, ở Việt Nam, các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể kể đến như: Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam...

(ii) Bên được chuyển quyền: là các cá nhân, tổ chức có nhu cầu khai thác, sử dụng tác phấm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng.

[c] Nội dung của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Trong hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan, cần lưu ý một số điều khoản quan trọng:

(i) Phạm vi quyền được chuyển giao: là phạm vi quyền tác giả, quyền liên quan mà bên chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan cho phép bên kia sử dụng. Nội dung hợp đồng cần xác định các vấn đề cơ bản như: Loại quyền, số lượng quyền được chuyển giao. Ví dụ: hợp đồng sử dụng tác phẩm sân khấu để biểu diễn. Tác giả tác phẩm sân khấu chi thoả thuận cho phép Bên nhận quyền được trình diễn tác phẩm. Như vậy, nếu không có thoả thuận nào khác, quyền trình diễn không đương nhiên bao gồm: quyền ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn; quyền truyền đạt cuộc biểu diễn qua mạng internet hay phát sóng cuộc biểu diễn. Bên sử dụng tác phẩm để biểu diễn cũng không được phép cải biên tác phẩm. Do tính chất phong phú, đa dạng của quyền tác giả, quyền liên quan nên đối với mỗi đối tượng, tính chất, hình thức sử dụng cũng sẽ khác nhau.

Ví dụ: quyền sao chép tác phẩm thuộc quyền tác giả sẽ khác với quyền sao chép cuộc biểu diễn hay quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình; Sao chép tác phẩm văn học sẽ khác với sao chép tác phẩm mĩ thuật ứng dụng (sao chép để in trong không gian 2 chiều hay không gian 3 chiều; sao chép trên vật liệu nào, cách thức nào...). Trong hợp đồng xuất bản, các bên còn thoả thuận “sao chép” dưới hình thức nàơ: xuất bản phẩm dưới dạng bản in truyền thống hay cả bản sao chép điện tử...

(ii) Phạm vi sử dụng độc quyền hay không độc quyền:

Ví dụ: Nhà xuất bản A (tại Trung Quốc) đã kí hợp đồng cho phép nhà xuất bản B (tại Việt Nam) được độc quyền dịch và xuất bản cuốn sách “Văn hoá phương Đông” tại Việt Nam trong thời hạn 20 năm. Trong thời gian này, nếu nhà xuất A lại kí hợp đồng cho nhà xuất bản C (tại Việt Nam) được phát hành cuốn sách này thì hợp đồng này vô hiệu vì nó vi phạm độc quyền mà nhà xuất bản A đã chuyển giao cho nhà xuất bản B.

(iii) Giới hạn phạm vi sử dụng: về số lượng, lãnh thổ, thời gian, khu vực, thị trường, phương tiện truyền thông...

Ví dụ: Đối với việc xuất bản tác phẩm, trong hợp đồng cần xác định rõ số lần xuất bản, tái bản; số lượng xuất bản tác phẩm...; đối với hợp đồng sử dụng tác phẩm để biểu diễn thì phải xác định địa điểm biểu diễn (phạm vi không gian), số lần biểu diễn, thời gian biểu diễn...; đối với việc phát sóng thì phải xác định số lần phát sóng, tái phát sóng... Bên cạnh việc xác định số lượng, khối lượng sử dụng, trong một số hợp đồng sử dụng tác phẩm cũng cần xác định phạm vi lãnh thổ và thời hạn được sử dụng.

(iv) Thù lao và phương thức thanh toán: Chủ sở hữu tác phẩm, chủ sở hữu quyền liên quan sẽ được nhận thù lao trực tiếp hay gián tiếp qua các tổ chức quản lý tập thể đại diện cho quyền lợi của họ theo thoả thuận. Ví dụ: tuỳ thuộc pháp luật xuất bản của mỗi quốc gia cũng như thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng xuất bản, tác giả sẽ được trả phí (nhuận bút) theo một số cách tính sau: tính theo phần trăm giá bán lẻ (dựa vào doanh số bán lẻ); tính theo số trang (hoặc số chữ, dòng chữ), áp dụng phố biến đối với nhật báo, tạp chí; phân chia dựa trên lợi nhuận ròng của bên xuất bàn hoặc kết hợp các cách trên. Đối với hợp đồng sử dụng tác phẩm để biểu diễn, thù lao cho tác giả được tính dựa trên: vị trí nơi biểu diễn (biểu diễn tại những sân khấu được xác định theo thỏa thuận); sức chứa khán giả của nơi biểu diễn; thời gian biểu diễn.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Khái quát về chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Khái quát về chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

Phạm Nhật Thăng
Phạm Nhật Thăng

Phạm Nhật Thăng là chuyên gia Quản trị và An ninh (Management and Security)

0 bình luận, đánh giá về Khái quát về chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.81851 sec| 1042.625 kb