Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa phúc thẩm

"Luật lệ không bao giờ khiến con người tự do, chính con người phải làm cho luật lệ tự do."

- Henry David Thoreau

Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa phúc thẩm

Chuẩn bị tham gia phiên tòa phúc thẩm được bắt đầu từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án đến khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong giai đoạn này, Luật sư nghiên cứu hồ sơ giúp các đương sự đạt được thỏa thuận; thực hiện các đề xuất đối với Tòa án: thu thập và bổ sung chứng cứ; chuẩn bị phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự ở tại phiên tòa...

Liên hệ

1- Các đề xuất của Luật sư đối với Tòa án

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, khi nghiên cứu hồ sơ và bản án sơ thẩm thì Luật sư có thể đề xuất với Tòa án những vấn đề sau:

(i) Được nghiên cứu hồ sơ vụ án

Luật sư với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền được nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 (khoản 2 Điều 76 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015). Do đó, Luật sư nếu lên phúc thẩm mới tham gia thì cần thiết phải nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án để có thể giúp đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Ngoài ra, nếu với tư cách người đại diện do đương sự ủy quyền thì Luật sư có quyền được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ Luật tố tụng dân sự nên Luật sư cần thiết thực hiện quyền này để biết được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ trong vụ án thi mới có thể thay mặt đương sự thực hiện được việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

(ii) Đề nghị Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

Đối với việc đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Luật sư cần phải rất thận trọng khi đưa ra đề nghị này, bởi nếu yêu cầu không đúng mà gây thiệt hại thì khách hàng của mình có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường, gây tốn kém không cần thiết cũng như tạo thêm không khí nặng nề giữa các bên.

Ngoài ra, nếu thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án sơ thẩm áp dụng không phù hợp hoặc không cần thiết thì có thể yêu cầu Tòa án thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(iii) Đề nghị Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử phúc thẩm

Nếu thấy vụ án có căn cứ quy định tại Điều 288, 289Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Luật sư đề nghị Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

(iv) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác

Luật sư dù với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hay với tư cách người đại diện do đương sự ủy quyền thì đều có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người tiến hành tố tụng ở Tòa án cấp phúc thẩm, người tham gia tố tụng có căn cứ quy định tại Điều 52, 53, 54, 60 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015

(v) Đề nghị Tòa án thu thập thêm chứng cứ

Theo quy định tại khoản 7 Điều 70  2015 thì đương sự có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân đang lưu giữ quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ do đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản. Do đó với tư cách người đại diện theo ủy quyền thì Luật sư có thể trực tiếp đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ với tư cách người đại diện theo ủy quyền hoặc tư vấn cho đương sự để đương sự đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ thì cho rằng chứng cứ trong hồ sơ vụ án là chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án mà đương sự tự mình không thể thu thập được.

2- Thu thập và cung cấp các chứng cứ mới cho Tòa án

Nếu Luật sư là người đại diện do đương sự kháng cáo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự kháng cáo thì cần chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp. Nếu Luật sư là người đại diện do người không kháng cáo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho người không kháng cáo thì cần chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, dù đại diện hay bảo vệ quyền lợi cho người không kháng cáo hay người không kháng cáo thì ngoài các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án sơ thẩm thì Luật sư cần thu thập hoặc hướng dẫn khách hàng thu thập bổ sung các tài liệu, chứng cứ bằng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 97 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể:

- Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử;

- Thu thập vật chứng;

- Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý

- Yêu cầu UBND cấp cấp xã chứng thực của người làm chứng;

- Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cử nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ;

- Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

Đối với biện pháp yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ quản lý thì Luật sư cần giúp khách hàng làm đơn yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp. Trong đơn nói rõ đương sự là ai, yêu cầu cụ thể về việc gì, mục đích gì. Trong trường hợp. các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ hoặc quản lý chứng cứ mà không cung cấp thì Luật sư cần đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thông báo bằng văn bản ghi rõ lý do vì sao không cung cấp chứng cứ. Văn bản trả lời này là cơ sở để khách hàng chứng minh với Tòa án là họ không thể thu thập được chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ.

Đối với các tài liệu, chứng cứ mà Luật sư thấy cần phải giám định lại, giám định bổ sung thì căn cứ vào Điều 102 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 Luật sư hướng dẫn khách hàng yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định. Luật sư cũng cần giải thích cho khách hàng hiểu họ có thể tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Khi yêu cầu Tòa án tiến hành trưng cầu giám định thì Luật sư cũng cần giúp khách hàng thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do vì sao cần tiến hành giám định lại, giám định bổ sung như nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó hoặc có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật...

Đối với kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản ở sơ thẩm nếu khách hàng không đồng ý với kết quả đó thì Luật sư có thể hướng dẫn khách hàng để cùng với đương sự phía bên kia thỏa thuận lại về giá tài sản tranh chấp hoặc thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá để định giá lại giá tài sản tranh chấp hoặc cùng có thể tư vấn để khách hàng yêu cầu Tòa án tiến hành định giá lại tài sản tranh chấp. Khi yêu cầu Tòa án tiến hành định giá lại tài sản thì Luật sư cũng cần giúp khách hàng thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do vì sao cần tiến hành định giá lại tài sản như việc thẩm định giá vi phạm pháp luật hoặc giá không phù hợp với giá của thị trường...

Tất cả các chứng cứ mới thu thập được thì Luật sư cần hướng dẫn khách hàng cung cấp cho Tòa án cấp phúc thẩm để chứng minh cho kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp hoặc để phản bác lại kháng cáo của người kháng cáo. Tuy nhiên, Luật sư cần lưu ý các quy định về quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ sau đây trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận tài liệu, chứng cứ bổ sung của mình. Đó là:

- Tư vấn khách hàng cung cấp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng khách hàng không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng. Đây là trường hợp đương sự không thể có được tài liệu, chứng cứ để xuất trình cho Tòa án cấp sơ thẩm. Do đó, khi khách hàng xuất trình, bổ sung chứng cứ mới này ở phúc thẩm thì Luật sư cần giúp khách hàng chứng minh được lý do chính

- Tư vấn khách hàng cung cấp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu khách hàng giao nộp hoặc khách hàng không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Đây là trường hợp đương sự không biết về sự tồn tại chứng cứ, tài liệu nên không cung cấp chứng cứ cho Tòa án cấp sơ thẩm, sau này khi vụ án được xét xử lại ở Tòa án cấp phúc thẩm khi đương sự mới biết về sự tồn tại của chứng cứ, tài liệu này và cung cấp cho Tòa án cấp phúc thẩm. Hoặc trường hợp việc đương sự không cung cấp chứng cứ, tài liệu cho Tòa án cấp sơ thẩm không phải do lỗi của họ mà do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm đã không yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ. Do đó, khi khách hàng xuất trình, bổ sung chứng cứ mới này ở phúc thẩm thì Luật sư cần giúp khách hàng chứng minh lý do khách hàng không cung cấp chứng cứ mới này ờ Tòa án cấp sơ thẩm.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự

3- Tư vấn khách hàng thực hiện các quyền rút đơn khởi kiện, rút kháng cáo, thay đổi, bổ sung kháng cáo và thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và chứng cứ mới thu thập được thì Luật sư có thể tư vấn cho khách hàng thực hiện các quyền sau:

(i) Tư vấn cho khách hàng rút đơn khởi kiện

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, nếu khách hàng là nguyên đơn muốn rút đơn khởi kiện thì Luật sư cần giúp khách hàng phân tích để thấy được bất lợi, lợi ích khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện ở phúc thẩm, các thủ tục tố tụng cần thực hiện khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện cũng như hậu quả pháp lý đối với bản án sơ thẩm. Cụ thể:

- Nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời hạn nguyên đơn có quyền kháng cáo và văn bản trả lời của bị đơn không đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị không có đương sự nào kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn đương nhiên không được chấp nhận. Trong trường hợp này bản án sơ thẩm được coi là không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

- Nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời hạn nguyên đơn có quyền kháng cáo và được bị đơn đồng ý bằng văn bản thì Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, văn bản rút đơn khởi kiện cho Tòa án cấp phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 299 của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 mở phiên tòa giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Còn trường hợp đương sự có kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có kháng nghị, nhưng nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa thì Tòa án cấp phúc thẩm phải tiếp tục mở phiên tòa giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 299 của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015. 

           

(ii) Tư vấn khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo

Nếu thấy bản án sơ thẩm hoàn toàn chính xác, đúng đắn đồng thời nhận thấy việc kháng cáo là không có căn cứ thì nên tư vấn cho khách hàng là người kháng cáo rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo chứ không nên kháng cáo “cầu may”, vừa mất thời gian, công sức và tiền bạc cho việc tham gia tố tụng. Tuy nhiên, Luật sư cần hướng dẫn khách hàng hiểu rằng mặc dù họ rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo nhưng nếu trong vụ án có nhiều đương sự kháng cáo mà các đương sự khác không rút kháng cáo thì họ vẫn có thể phải tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

(iii) Tư vấn khách hàng thay đổi, bổ sung kháng cáo

Trong trường hợp nghiên cứu hồ sơ vụ án mà thấy cần thay đổi, bổ sung kháng cáo thì Luật sư cần hướng dẫn khách hàng thực hiện quyền này. Tuy nhiên, khi hướng dẫn khách hàng thực hiện quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo thì cần nắm chắc các quy định của pháp luật tố tụng dân sự để quyền thay đổi, bổ sung của khách hàng được chấp nhận. Cụ thể:

- Nếu chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 273 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu. Hay nói cách khác để việc thay đổi, bổ sung kháng cáo được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận thì Luật sư cần tư vấn cho khách hàng là trong thời hạn kháng cáo việc thay đổi, bổ sung kháng cáo có thể vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu nhưng việc thay đổi, bổ sung đó phải trong phạm vi bản án sơ thẩm.

- Nếu hết thời hạn kháng cáo thì việc thay đổi, bổ sung kháng cáo phúc thẩm không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu tức là không được vượt quá phạm vi các kháng cáo được gửi cho Tòa án trong thời hạn kháng cáo.

(iv) Tư vấn cho khách hàng thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án

Trên cơ sở quyền và lợi ích thực tế của khách hàng mà Luật sư có thể giúp khách hàng thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án nhằm giảm thiểu các tổn thương cho nhau, giữ vững hòa khí, giảm bớt chi phí kiện tụng và tiết kiệm thời gian vào việc tham gia tố tụng. Khi giúp khách hàng của mình thỏa thuận hoặc thay mặt khách hàng thỏa thuận với đương sự khác thì Luật sư giải thích cho khách hàng của minh hiểu rõ về tình trạng pháp lý của họ, những ưu thế và bất lợi của khách hàng; cần chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để thuyết phục đối phương cần thiết đạt được thỏa thuận; thảo luận với khách hàng về nhưng vấn đề cần thiết phải đạt được thỏa thuận, vấn đề cần nhượng bộ và nếu nhượng bộ thì nhượng bộ đến đâu; đưa ra các giải pháp khác nhau để khách hàng lựa chọn khi thỏa thuận.

4- Xây dựng phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng

(i)  Xác định các vấn đề cần trình bày và hỏi

Để thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm thì Luật sư cần xác định rõ những vấn đề sẽ trình bày tại phiên tòa phúc thẩm. Đó là, nếu Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự kháng cáo thì Luật sư cần chuẩn bị các nội dung sẽ trình bày tại phiên tòa: 

- Trình bày tóm tắt nội dung của bản án sơ thẩm; 

- Nội dung kháng cáo và những quyết định trong bản án sơ thẩm mà khách hàng của mình không đồng ý; 

- Đề xuất yêu cầu cụ thể. Đối với từng nội dung kháng cáo thì Luật sư cần chuẩn bị cơ sở của việc kháng cáo dựa trên các chứng cứ, căn cứ pháp lý và các lý lẽ và lập luận. Nếu Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự không kháng cáo thì Luật sư chuẩn bị những ý kiến sẽ trình bày liên quan đến nội dung kháng cáo hoặc kháng nghị.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 249 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thứ tự người hỏi tại phiên tòa phúc thẩm đã có sự thay đổi, đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự được hỏi trước tiên, Hội đồng xét xử hỏi sau đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Đây là một quy định mới, rất tiến bộ của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 nhằm đề cao vai trò chủ động, tích cực của đương sự, người bảo vệ quyền lợi của các đương sự đối với việc xác định sự thật của vụ án dân sự. Chính vì vậy, việc chuẩn bị các câu hỏi trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là vô cùng quan trọng. Các câu hỏi mà Luật sư chuẩn bị cần phải đáp ứng những điều sau đây:

- Chỉ hỏi về những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và liên quan trực tiếp đến kháng cáo, kháng nghị;

- Đặt câu hỏi rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lặp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng;

- Chỉ hỏi về những vấn đề mà người kháng cáo, người có liên quan đến nội dung kháng cáo kháng nghị hoặc những người tham gia tố tụng khác trình bày chưa rõ còn mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời trình bày của người kháng cáo hoặc người tham gia tố tụng khác;

- Các câu hỏi nhằm làm rõ cơ sở của việc kháng cáo, kháng nghị.

Đối với khách hàng của mình, Luật sư cần chuẩn bị trước cho họ các nội dung cần trình bày khi được hỏi để cho đương sự có cơ hội trình bày rõ hơn những vấn đề liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

(ii)  Xác định các vấn đề cần tranh luận và cơ sở cho việc tranh luận

Nếu Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự kháng cáo thì Luật sư cần chuẩn bị các nội dung tranh luận cho kháng cáo của đương sự. Luật sư cần chuẩn bị tất cả các chứng cứ phục vụ cho việc tranh luận để chứng minh kháng cáo là vô căn cứ và hợp pháp. Đồng thời Luật sư chuẩn bị các văn bản pháp luật có liên quan dùng làm căn cứ cho các đề xuất của Luật sư.

Nếu Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự không kháng cáo thì Luật sư cần chuẩn bị tranh luận về các nội dung kháng cáo hoặc kháng nghị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình. Đồng thời Luật sư chuẩn bị các chứng cứ lý lẽ các văn bản pháp luật làm cơ sở cho việc tranh luận.

(iii) Xây dựng các phương án bảo vệ

Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, diễn biến của vụ án có thể không như những gì mà Luật sư đã dự liệu trước, có thể xuất hiện các chứng cứ mới tại phiên tòa. Do đó, Luật sư cần xây dựng các phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình.

Nếu Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự kháng cáo thì căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã có, Luật sư cần xây dựng phương án bảo vệ theo các hướng sau đây:

- Chấp nhận toàn bộ kháng cáo của khách hàng:                       -

- Nếu Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự không kháng cáo thì căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã có, Luật sư cần xây dựng phương án bảo vệ theo các hướng sau đây: Xác định kháng cáo hoặc kháng nghị là không có căn cứ hoặc chỉ chấp nhận một phần kháng cáo, kháng nghị.

(iv) Chuẩn bị bản luận cứ

Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng tại phiên tòa phúc thẩm thì Luật sư cần phải chuẩn bị thật kỹ bản luận cứ. Trong bản luận cứ Luật sư sẽ phải phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ một cách toàn diện, đầy đủ, chặt chẽ, logic, viện dẫn các quy định của pháp luật và đưa ra các lý lẽ, lập luận chắc chắn, khoa học để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Vì vậy, bản luận cứ sẽ thể hiện được trình độ chuyên môn khả năng kinh nghiệm của Luật sư. Ngoài ra, bản luận cứ sẽ là cơ sở để HỘi đồng xét xử phúc thẩm xem xét có chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị.

Về nội dung của bản luận cứ:

Theo quy định tại Điều 293 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Vì vậy, nếu nội dung Bản luận cứ tại giai đoạn sơ thẩm phải trình bày về tất cả các vấn đề liên quan đến quyền lợi của khách hàng dựa trên các yêu cầu của các đương sự, thì nội dung bản luận cứ trong giai đoạn xét xử phúc thẩm tập trung vào những nội dung kháng cáo, kháng nghị có liên quan đến quyền lợi của khách hàng.

Cơ cấu bản luận cứ tại giai đoạn phúc thẩm về cơ bản tương tự như bản luận cứ tại giai đoạn sơ thẩm, bao gồm 3 phần chính là: phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận, đề xuất.

Phần mở đầu:

- Luật sư tự giới thiệu;

- Nêu lý do tham gia phiên toà.

 Phần nội dung:

Đây là phần quan trọng nhất của bản luận cứ. Toàn bộ các nội dung kháng cáo, kháng nghị, việc đánh giá tài liệu, chứng cứ, viện dẫn các quy định của pháp luật và quan đến của Luật sư về giải quyết vụ án được thể hiện đầy đủ trong bản luận cứ. Theo đó, phần nội dung của bản luận cứ được trình bày theo thứ tự sau đây:

- Trình bày tóm tắt nội dung của bản án sơ thẩm;

- Trình bày tóm tắt nhận định và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;

- Trình bày về nội dung kháng cáo, kháng nghị;

- Đưa ra quan điểm giải quyết của Luật sư đối với từng vấn đề

Nếu Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự kháng cáo thì Luật sư cần trình bày: Thứ nhất là quan điểm của Luật sư không đồng ý với quyết định nào của tòa án cấp sơ thẩm trên cơ sở đưa ra các chứng cứ, tài liệu, quy định của pháp luật, phân tích lập luận để chỉ ra những sai sót về tố tụng của tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án sơ thẩm xác định sai các quan hệ pháp luật, xác định thêm chứng cứ... đế chứng minh phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của khách hàng của minh; Thứ hai là quan điểm Luật sư để chứng minh kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu, quy định của pháp luật và các lập luận, lý lẽ chặt chẽ.

Nếu Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự không kháng cáo thì Luật sư cần trình bày: Thứ nhất là quan điểm của Luật sư đồng ý hoặc không đồng ý với quyết định nào của Tòa án sơ thẩm; đồng ý hoặc không đồng ý với yêu cầu kháng cáo, kháng nghị nào nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng; Thứ hai là quan điểm Luật sư về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị.

Phần kết luận:

- Khẳng định lại các nội dung đã trình bày;

- Đưa ra đề xuất cụ thể với Hội đồng xét xử để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng;

-Sau khi trình bày xong phần kết luận đề xuất, Luận sư cần chào và cảm ơn Hội đồng xét xử.

Nguồn: Tổng hợp từ giáo trình kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự (HVTP - 2021)

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.4 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa phúc thẩm

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.90621 sec| 1187.82 kb