Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự

"Không có con đê pháp luật án ngữ thì tự do chỉ là một dòng sông phá hoại".

- J. B. Say (Pháp)

Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự

Những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được ghi nhận tại Điều 26 Bộ luật tố tụng năm 2015. Khi tham gia tố tụng trong giai đoạn Tòa án chuẩn bị xét xử sơ thẩm để giải quyết các tranh chấp dân sự, ngoài các kỹ năng chung, Luật sư cần lưu ý những đặc thù cơ bản của án dân sự so với các án khác như án kinh doanh, thương mại, lao động hay hôn nhân và gia đình. 

Việc đánh giá chính xác quan hệ pháp luật của vụ kiện sẽ giúp cho Luật sư xác định được nguồn luật nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp, từ đó giúp cho Luật sư xác định được nhiều nội dung khác của vụ kiện như thẩm quyền, thời hiệu, tư cách khởi kiện và nhiều quy định khác liên quan đến quyền lợi của đương sự. Luật sư phải xác định rõ ràng những nội dung nào cần phải làm rõ, cần hỏi đương sự tại phiên tòa từ đó mới có thể đưa ra những câu hỏi phù hợp giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc đưa ra những câu trả lời có lợi cho quyền lợi của họ.

Liên hệ

I- ĐẶC ĐIỂM CỦA TRANH CHẤP DÂN SỰ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI CHUẨN BỊ THAM GIA PHIÊN TÒA VỤ ÁN DÂN SỰ 

Những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được ghi nhận tại Điều 26 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015. Khi tham gia tố tụng trong giai đoạn Tòa án chuẩn bị xét xử sơ thẩm để giải quyết các tranh chấp dân sự, ngoài các kỹ năng chung, Luật sư cần lưu ý những đặc thù cơ bản của án dân sự so với các án khác như án kinh doanh, thương mại, lao động hay Hôn nhân và gia đình.

Về chủ thể, các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự bao gồm: cá nhân, pháp nhân, thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự. Các chủ thể này có thể tự mình trực tiếp tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự hoặc có thể thông qua đại diện (đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền và hoặc đại diện do Tòa án cử).

Về khách thể, khách thể quan hệ pháp luật dân sự là các loại giá trị vật chất và tinh thần hoặc quá trình sáng tạo của các chủ thể, là đối tượng mà các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự nhằm đạt tới. Đối tượng điều chỉnh cơ bản khẳng định bản chất, ý nghĩa và đặc điểm của luật dân sự là quan hệ tài sản. Mối quan hệ tài sản rất phong phú và phát sinh trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau của đời sống xã hội mà trong đó nhóm quan hệ xã hội rất cơ bản và quan trọng là nhóm quan hệ của các chủ thể trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ những sản phẩm cũng như cung ứng dịch vụ cho xã hội. Khách thể của quan hệ pháp luật dân sự ngoài quan hệ tài sản còn có các quan hệ nhân thân. Quan hệ nhân thân là quan hệ giữa các chủ thể pháp luật dân sự về quyền nhân thân. Quan hệ nhân thân có các đặc điểm sau (i) Đó là mối quan hệ xã hội về một giá trị tinh thần của cá nhân như danh dự, uy tín, tên gọi, bí mật đời tư...; (ii) Các giá trị tinh thần này gắn liền với các chủ thể tham gia vào mối quan hệ xã hội và không thể chuyển giao cho người khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; (iii) Khi tham gia vào mối quan hệ này các chủ thể thể hiện đặc tính cá thể của mình.

Về nội dung tranh chấp, tranh chấp về dân sự là tranh chấp về các quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ dân sự. Nội dung tranh chấp trong các vụ án dân sự tương đối phức tạp, đan xen nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau. Việc giải quyết quan hệ pháp luật này đòi hỏi phải giải quyết đồng thời quan hệ pháp luật khác. Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu Toà án buộc B phải trả lại đất (Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật đất đai). Đồng thời, A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc phải tháo dỡ công trình mà đã xây dựng trên đất đó. Hoặc việc giải quyết các quan hệ pháp luật có cùng đương sự và về cùng loại tranh chấp quy định trong một điều luật tương ứng tại Điều 26 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, việc lựa chọn áp dụng luật khi giải quyết các tranh chấp dân sự rất phức tạp. Thực tiễn giải quyết tranh chấp ở một số Tòa án không thống nhất, có nhiều trường hợp cùng một vụ việc tương tự, cùng áp dụng văn bản giống nhau nhưng cách hiểu, giải quyết của các Tòa án lại khác nhau, về nguyên tắc, áp dụng luật nội dung được xác định ở thời điểm xác lập giao dịch, trừ những trường hợp luật có quy định khác. Bộ Luật dân sự là cơ sở quan trọng nhất để điều chỉnh các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, dân sự. Phạm vi các lĩnh vực được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự càng ngày càng mở rộng, từ các giao dịch dân sự thông dụng nhất, đến các giao dịch thuộc các lĩnh vực mới hơn như quan hệ đất đai, sở hữu trí tuệ, về chuyển giao công nghệ cũng như các chế định pháp luật được điều chỉnh bởi quy định của các luật chuyên ngành... Rõ ràng là về mối quan hệ giữa các luật này cần được nhìn nhận biện chứng theo cặp phạm trù giữa “cái chung và cái riêng”, không thể thay thế nhau, loại trừ nhau mà cần thiết bổ sung cho nhau. Khi lựa chọn luật nội dung áp dụng, Luật sư cần xác định rõ đối tượng điều chỉnh của ngành luật và lưu ý về điều khoản thi hành để xác định thời điểm áp dụng luật và hiệu lực của văn bản. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì có thể áp dụng tập quán những tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Khi Luật sư đề xuất áp dụng tương tự pháp luật đề giải quyết tranh chấp dân sự, Luật sư phải làm rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Ngoài ra, theo Bộ Luật dân sự năm 2015 trường họp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các quy tắc cơ bản của pháp luật dân sự, vận dụng tinh thần và các nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật dân sự năm 2015, quy định của ngành luật khác hoặc các văn bản dưới luật có quy định để giải quyết, áp dụng án lệ và lẽ công bằng.

Về thời hiệu khởi kiện, ngoài các nguyên tắc chung về xác định thời hiệu, khi xem xét về vấn đề thời hiệu, Luật sư cần lưu ý những quan hệ pháp luật dân sự không áp dụng thời hiệu khởi kiện, những vụ án có thời hiệu khởi kiện không hạn chế, về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện. Bên cạnh đó, tại điểm d khoản 1 Điều 189 Bộ Luật dân sự năm 2015 "thời hiệu được áp dụng theo quy định của luật này”. Như vậy, các quy định mới của Bộ Luật dân sự năm 2015 về thời hiệu được áp dụng kể từ ngày 01/01/2017, không phân biệt quan hệ phát sinh bao giờ. Đối với vụ án hết thời hiệu khởi kiện, việc chứng minh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện mặc dù có những quy định trong luật nhưng trên thực tế đây cũng là vấn đề rất khó khăn, vấn đề là, khi thời hiệu khởi kiện vẫn còn mà căn cứ phát sinh thì thời hiệu khởi kiện có được tính lại hay không, Bộ Luật dân sự chỉ ghi nhận thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại khi có các căn cứ nhưng không xác định cụ thể thời điểm các căn cứ phát sinh có nhất thiết phải khi thời hiệu khởi kiện đã hết hay còn. Thực tiễn xét xử, vấn đề này đã dẫn đến những lúng túng nhất định khi cân nhắc áp dụng căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ:

Bản án số 211/2015/DS-ST ngày 20/8/2015 của TAND quận X, thành phố H. Hội đồng xét xử nhận định: “Theo giấy thỏa thuận vay tài sản thì thời hạn vay là 02 năm kể từ ngày ký giấy thỏa thuận ngày 10/3/2008, nhưng khi hết thời hạn vay, hơn 04 năm sau (Tòa án thụ lý ngày 17/12/2014) bà Hoa mới khởi kiện buộc ông Bá phải trả cho bà Hoa 83 lượng vàng SJC được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam theo giá vàng tại thời điểm thi hành án. Do đó, xác định quan hệ pháp luật là quyền đòi lại tài sản

Bản thân các đương sự trong vụ án trên đều không có ý kiến về thời hiệu khởi kiện đối với nhận định của Hội đồng xét xử cũng như trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án này nói riêng. Theo nội dung đơn khởi kiện, nguyên đơn kiện về quan hệ tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Các tài liệu trong hồ sơ thể hiện quan hệ pháp luật không phải là kiện đòi lại tài sản, vì hết thời hiệu khởi kiện như Hội đồng xét xử nhận định. Do có căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện căn cứ vào lời khai của nguyên đơn và xác nhận của bị đơn “Sau khi hết thời hạn vay, ông Bá đã liên hệ với bà để xin kéo dài thời hạn trả nợ do công việc làm ăn của ông gặp nhiều khó khăn, chưa có khả năng trả số vàng đã vay. Do tin tưởng thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của ông Bá và là chị em ruột, nên bà đồng ý kéo dài thời gian trả. Việc gia hạn này không lập thành văn bản.

Tuy nhiên từ đó cho đến nay ông Bá vẫn chưa trả số vàng vay, dù bà đã nhiêu lần yêu cầu ông Bá trả nợ”.

Hết thời hạn trả nợ bị đơn đã chủ động thừa nhận nợ, liên hệ với nguyên đơn xin kéo dài thời hạn trả nợ và được nguyên đơn đồng ý. Rất có thể trong trường hợp này, đương sự và cơ quan tiến hành tố tụng đang phân vân giữa bắt đầu thời hiệu khởi kiện và bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, vì rằng có tình tiết nguyên đơn đồng ý kéo dài thời gian trả nợ cho bị đơn. Hồ sơ vụ án không khai thác, làm rõ nguyên đơn đồng ý kéo dài thời gian trả nợ cho bị đơn là bao nhiêu lâu nên không có căn cứ để xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện và cũng rất khó có thể suy luận theo hướng thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại và thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay vẫn còn. Tuy nhiên, qua phân tích và đánh giá có thể thấy căn cứ thừa nhận nợ trong vụ án hoàn toàn có thể diễn ra trong thời gian thời hiệu khởi kiện, có lẽ vì lý do thời điểm phát sinh căn cứ bắt đầu lại thời hiệu năm trong thời hiệu khởi kiện, nên Hội đồng xét xử cho rằng không có ý nghĩa về thời hiệu khi thời hiệu khởi kiện chưa hết mà tính lại là không chuẩn. Dẫn đến việc Hội đồng xét xử nhận định thời hiệu khởi kiện đã hết là chưa thật sự thuyết phục.

Vê xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi khách hàng trong vụ án dân sự, trong một vụ án dân sự, thường có rất nhiều vấn đề được đặt ra từ thủ tục tố tụng cho đến các nội dung tranh chấp. Luật sư cần xác định những vấn đề trọng tâm của việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Việc đánh giá chính xác quan hệ pháp luật của vụ kiện sẽ giúp cho Luật sư xác định được nguồn luật nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp, từ đó giúp cho Luật sư xác định được nhiều nội dung khác của vụ kiện như thẩm quyền, thời hiệu, tư cách khởi kiện và nhiều quy định khác liên quan đến quyền lợi của đương sự. Luật sư phải xác định rõ ràng những nội dung nào cần phải làm rõ, cần hỏi đương sự tại phiên tòa từ đó mới có thể đưa ra những câu hỏi phù hợp giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc đưa ra những câu trả lời có lợi cho quyền lợi của họ.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự

II- KỸ NĂNG HÒA GIẢI TRONG CÁC TRANH CHẤP DÂN SỰ 

Hòa giải là biện pháp giải quyết mâu thuẫn hay xung đột. Hoà giải, trước hết phải do chính các đương sự thực hiện. Hay nói cách khác, chỉ có các đương sự mới có quyền hòa giải với nhau về tất cả những vấn đề đang cần giải quyết trong vụ án, bằng ý chí và sự tự nguyện của mình. Mọi tác động bên ngoài trái với ý muốn của các đương sự đều bị coi là trái pháp luật và không được công nhận. Luật sư phải luôn xác định hòa giải là một bước quan trọng không thể thiếu được trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, là một thủ tục bắt buộc và phải tiến hành trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, trừ những vụ án Toà án không được hòa giải. Trên cơ sở nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải, căn cứ vào tính chất vụ án với những đặc thù của án dân sự, của các quy định pháp luật áp dụng, đương sự, đánh giá chứng cứ... cùng với kỹ năng, kinh nghiệm và sự hiểu biết của Luật sư là cơ sở để Luật sư thực hiện tốt kỹ năng hòa giải từ phong thái đến phương án hòa giải và xử lý tình huống trong quá trình hòa giải; các kỹ năng chắt lọc thông tin, tổng hợp, ngôn ngữ và tư duy của Luật sư khi tham gia hòa giải.

1- Chuẩn bị tham gia hòa giải vụ án dân sự

Muốn đạt được thỏa thuận hòa giải thì công tác chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cho khách hàng rất quan trọng. Luật sư phải có sự chuẩn bị chu đáo nội dung hòa giải cho khách hàng trước khi tham dự phiên họp xét chứng cứ và hòa giải. Trước tiên, Luật sư cần tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tranh chấp, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, yêu cầu và phạm vi yêu cầu các bên đương sự, những điểm đương sự có sự thống nhất và những điểm còn mâu thuẫn. Khi chuẩn bị và đề xuất phương án hòa giải, Luật sư cần phải có thái độ khách quan, không thiên vị nhằm hướng các bên đương sự bàn bạc, thương lượng các vấn đề cần giải quyết đúng quy định của pháp luật. Việc hiểu rõ nội dung vụ án sẽ giúp Luật sư có những phương án để giải quyết vụ án, trên cơ sở đó mà có những phương án hòa giải phù hợp với nội dung vụ án và pháp luật. Dù một vụ án có thế có nhiều phương án hòa giải nhưng phải phù hợp với pháp luật và nhất là phải phù hợp với ý chí của đương sự và quy định của pháp luật. Trường hợp hòa giải không thành cũng là cơ sở để Luật sư hiểu sâu sắc hơn vụ án từ góc nhìn đa chiều và tham gia tranh tụng hiệu quả tại phiên tòa. Luật sư cần đặt ra vấn đề cụ thể cho từng bước, hướng các bên đương sự vào những vấn đề cơ bản cần thỏa thuận và dứt điểm từng nội dung một. Khi phân tích cho khách hàng cần có thái độ cẩn trọng ghi nhận những vấn đề mà các bên đương sự nêu ra. Giải thích thêm về pháp luật đối với những quan điểm chưa phù hợp, động viên gợi mở khách hàng những vấn đề cần nghiêm túc bàn bạc, thương lượng để có thể giải quyết cụ thể những vấn đề các bên còn bất đồng ý kiến.

Để chuẩn bị tốt cho quá trình hòa giải, trên cơ sở yêu cầu khởi kiện của khách hàng, ý kiến và quan điểm của các bên, đặc biệt là việc sử dụng kết quả nghiên cứu hồ sơ, Luật sư giúp khách hàng phân tích nguyên nhân của xung đột hay tranh chấp một cách có hệ thống để tìm kiếm biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính thỏa hiệp thỏa mãn được lợi ích của tất cả các bên tranh chấp nhưng không trái với pháp luật và đạo đức xã hội. Khác với thủ tục đối kháng, hoà giải không quá nhấn mạnh vào việc ai đúng, ai sai hay ai thắng ai thua mà chủ yếu tập trung vào việc tạo ra một giải pháp phù hợp và chấp nhận được với các bên. Những phân tích đánh giá của Luật sư giúp khách hàng hiểu rõ nhu cầu của mình, căn cứ pháp lý đối với yêu cầu của khách hàng, những trở ngại, khó khăn trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung mà tiếp tục phải nhờ đến phán quyết của Tòa án. Đây là hoạt động giúp các bên đưa ra giải pháp giải quyết mâu thuẫn, hay xung đột mà các bên có thể chấp nhận được. Từ đó là cơ sở để các bên có thể tiếp tục duy trì được mối quan hệ tốt đẹp thông qua giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Luật sư tư vấn cho khách hàng về giá trị pháp lý của quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.

Quá trình chuẩn bị cho khách hàng tham gia phiên hòa giải và phiên họp xét chứng cứ, Luật sư cần xác định trọng tâm các nội dung chuẩn bị sau: Hiểu thực tế và nội dung cụ thể của tranh chấp; Hiểu về nguyên nhân của tranh chấp, nguyên nhân nào là chủ yếu, nguyên nhân nào là thứ yếu; Hiểu được lợi ích của các bên và xung đột lợi ích của các bên; Hiểu được hậu quả pháp lý của vấn đề tranh chấp; Hiểu được những thiệt hại hay tổn thất mà việc hoà giải không thành có thể gây ra; Hiểu được kết quả nếu hoà giải thành và các bên có thể đạt được thỏa thuận. Trên cơ sở này, Luật sư phải xây dựng nội dung và chương trình hòa giải, các biện pháp thay thế cần áp dụng trong các tình huống cụ thể khi thực tiễn hòa giải phát sinh. Quá trình chuẩn bị nội dung và phương án hòa giải, Luật sư cần phải tính đến các yếu tố tình cảm, tâm lý, văn hóa, xã hội; các chứng cứ chứng minh yêu cầu của mỗi đương sự; các quy phạm pháp luật cần được áp dụng đề giải quyết vụ án. Đặc biệt. Luật sư phải lưu ý cho khách hàng những bất lợi do thu tục tố tụng gây ra. Quá trình làm việc, Luật sư phải phân tích cho khách hàng biết tình trạng pháp lý, những bất lợi và thuận lợi của họ cũng như phía bị đơn dựa trên những tài liệu, chứng cứ đã được thu thập và những căn cứ pháp luật được áp dụng. Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và bất lợi đó, cần thảo luận với khách hàng về những yêu cầu mà khách hàng đưa ra: cần nhượng bộ yêu cầu nào không có cơ sở pháp lý và cần giữ vững, kiên định yêu cầu có cơ sở pháp lý chắc chắn. Nếu nhượng bộ thì nhượng bộ ở mức độ nào, nếu kiên định thì kiên định đến mức nào? Khi phân tích, Luật sư phải hướng cho khách hàng thấy được lợi ích của việc nhượng bộ so với cương quyết giữ nguyên ý định hoặc mong muốn ban đầu của mình. Như vậy, việc chuẩn bị cho khách hàng tham gia hòa giải cần có giải pháp toàn diện không chỉ chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cho khách hàng mà còn phải chuẩn bị lý lẽ, cách lập luận, cũng như chuẩn bị về tâm lý cho khách hàng.

Lưu ý khi tham gia hòa giải một số vụ án dân sự phổ biến, điển hình:

- Tranh chấp thừa kế là một loại tranh chấp dân sự thường xảy ra giữa những người thân trong gia đình, có mối quan hệ huyết thống với nhau. Nguyên nhân tranh chấp trong mỗi vụ án là khác nhau. Vì vậy, đây là loại tranh chấp dân sự phức tạp, đòi hỏi Luật sư phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án cũng như những diễn biến thực tế trong quá trình giải quyết vụ án để xác định được toàn bộ những vấn đề liên quan đến vụ án với những đặc thù của vụ án về tố tụng và nội dung. Sau khi nắm vững chi tiết từng vấn đề của vụ án, Luật sư dựa trên mối quan hệ huyết thống giữa các đương sự và các quy định của pháp luật về thừa kế cũng như kinh nghiệm sống, sự hiểu biết về tâm lý con người, phong tục tập quán, truyền thống ở địa phương đề khơi gợi những tình cảm tốt đẹp của truyền thống gia đình Việt Nam, nhằm giúp các đương sự bình tĩnh cùng nhau bàn bạc thỏa thuận về các phương án phân chia di sản thừa kế. Luật sư cũng cần phân tích cho khách hàng thấy được những điều kiện về kinh tế và hoàn cảnh sống của từng thừa kế để họ có thể nhường nhịn, nhân nhượng với nhau trong việc thỏa thuận chia di sản thừa kế.

Trường hợp tài sản thừa kế cần phân chia là nhà và đất ở thì Luật sư cần căn cứ vào sơ đồ, diện tích, vị trí của nhà và đất để phân tích clio ac ang thầy rõ nhu cầu thực tế sử dụng của các thừa kế, giúp cho khách hàng và đương sự phía đối lập có hướng thỏa thuận vị trí sử dụng thích hợp, tránh xáo trộn nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của các thừa kế.

Thông thường, trong việc giải quyết các tranh chấp thừa kế thường có nhiều đương sự tham gia, nội dung việc tranh chấp phức tạp, bao gồm nhiều quan hệ pháp luật đan xen như quan hệ tặng cho,mua bán, nhượng, đổi... Vì vậy, Luật sư cần xem xét từng quan hệ pháp luật riêng biệt, từng yêu cầu của đương sự, từng vấn đề cần giải quyết của vụ án làm cơ sở hướng cho khách hàng đi đến thỏa thuận về từng vấn đề , từng quan hệ pháp luật trong vụ án. Trong hòa giải vụ án thừa kế Luật sư cũng cần lưu ý đề xuất Tòa án lựa chọn thời điểm tiến hành hòa giải phù hợp để tiến hành hòa giải sau khi đã nêu rõ được nguyên nhân, mức độ tranh chấp, mong muốn, nguyện vọng của các bên;tránh nóng vội hoà giải ngay khi tranh chấp giữa các đương sự mới xảy ra, tâm lý các bên còn căng thẳng khó đi đến thỏa thuận.

Trường hợp hoà giải thành, Luật sư cần tư vấn cho khách hàng thể hiện ý chí trong nội dung biên bản thỏa thuận. Đặc biệt biên bản cần ghi cụ thể, chi tiết từng loại tài sản được phân chia cho từng kỷ phần thừa kế. Đối với việc phân chia nhà và quyền sử dụng đất ở cần ghi rõ số đo cũng như sơ đồ vị trí cụ thể để tránh nhầm lẫn hay bỏ sót khi Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận cho các đương sự.

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại tranh chấp khá đa dạng, thế hiện ở nhiều yêu cầu bồi thường rất khác nhau, chẳng hạn yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi xây dựng trái phép gây ra, hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản do vi phạm an toàn giao thông, do hành vi cố ý gây thương tích, làm nhục, vi phạm quyền tác giả... gây ra. Để tiến hành hòa giải có kết quả loại tranh chấp này, Luật sư cần phân tích cho khách hàng hiểu rõ những vấn đề của vụ án dựa trên các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đó là có thiệt hại xảy ra; Mức độ thiệt hại đà xảy ra như thế nào, thiệt hại được xác định bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Cụ thể những thiệt hại về vật chất là những tổn thất về tài sản (bị mất, bị hư hỏng); Những chi phí hợp lý, cần thiết để ngăn chặn, hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại (như tiên thuốc, tiền điều trị, tiền mai táng phí, tiền sửa chữa tài sản); Những thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút (của người bị thiệt hại hoặc người chăm sóc người bị thiệt hại nếu có)...; Có hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại; Hành vi gây thiệt hại đã vi phạm quy định nào của pháp luật; Người gây thiệt hại có lỗi: Người gây thiệt hại có lỗi do cố ý hay vô ý, lỗi hoàn toàn hay chỉ có lỗi một phần; người bị thiệt hại có lỗi gì không, mức độ ra sao. Nếu có nhiều người gây thiệt hại thì mức độ lỗi của từng người như thế nào... Đó chính là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường toàn bộ hay một phân theo tỷ lệ lỗi tương ứng của từng người trong từng trường hợp cụ thể; Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật; Nguyên nhân xảy ra thiệt hại có phải do hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại không? Nếu thiệt hại xảy ra không phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật mà là do nguyên nhân khách quan khác như trường hợp bất khả kháng thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Quá trình nghiên cứu hồ sơ Luật sư cần xem xét kỹ kết quả của giám định, thẩm định của các cơ quan chuyên môn như y tế, kỹ thuật, xây dựng... để tư vấn cho khách hàng biết về mức độ thiệt hại, mức độ lỗi của mình, giúp họ suy nghĩ, cân nhắc đi đến thỏa thuận mức bồi thường. Khi hòa giải vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Luật sư cần phân tích cho khách hàng về nguyên tắc bồi thường, đó là thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời sống căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần. Trường hợp người gây thiệt hại do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình thì người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường.

- Tranh chấp hợp đồng:  Hợp đồng là căn cứ pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia cam kết. Việc thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ không tuân theo những điều các bên đã cam kết, thỏa thuận sẽ dẫn đến tranh chấp. Những tranh chấp có thể phát sinh từ các loại hợp đồng như:Hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản, tặng cho, vay tài sản; hợp đồng dịch vụ; hợp đồng vận chuyển… Tranh chấp về hợp đồng là loại tranh chấp dân sự tương đối phổ biến tại Tòa án. Khi hoà giải loại tranh chấp hợp đồng, Luật sư cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để xác định được lợi ích then chốt của các đương sự sau các yêu cầu hoặc quan điểm pháp lý đề xây dựng các phương án hòa giải phù hợp. Luật sư cần bám sát vào những điều trong hợp đồng các bên đã cam kết và những quy định tương ứng của pháp luật để phân tích và thuyết phục khách hàng cũng như đương sự phía đối lập tiếp tục thực hiện đúng những điều họ đã tự nguyện cam kết, đồng thời cũng giúp các bên bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trường hợp các đương sự thỏa thuận hủy hợp đồng thì cần phân tích để khách hàng có thể đi đến thỏa thuận giải quyết những hậu quả của việc huỷ hợp đồng.

Trường hợp tranh chấp phát sinh từ hợp đồng trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì đây là hợp đồng vô hiệu nên Luật sư cần giải thích để khách hàng hiểu được các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, điều kiện pháp lý để công nhận hợp đồng. Đối với các tranh chấp này, Luật sư cần lưu ý không hòa giải để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về việc giải quyết hậu quả của hợp đồng. Vì vậy, các căn cứ pháp lý về giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu Luật sư cần giải thích cho khách hàng hiểu rõ để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết các vấn đề về hoàn trả, bồi thường thiệt hại (nếu có).

2- Kỹ năng tham gia hòa giải tranh chấp dân sự

Do tính chất linh hoạt và nhạy cảm của hoạt động hòa giải trong TTDS, đặc biệt ở lĩnh vực dân sự mà ngoài việc có kiến thức sâu rộng về pháp luật, Luật sư phải nắm chắc nội dung vụ án, xác định được đầy đủ các tình tiết của vụ án, nguyên nhân, mức độ mâu thuẫn của các đương sự. Đồng thời đòi hỏi Luật sư phải có những hiểu biết nhất định về tâm lý con người, tâm lý từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh, giới tính mà có phương pháp giải thích và thuyết phục thích hợp. Thông thường tranh chấp đã phải đưa đến yêu cầu Tòa án giải quyết thì mức độ “căng thẳng” đã cao, khó có thể thương lượng nhanh được. Hiệu quả của hoạt động hòa giải không những chỉ phụ thuộc vào sự hoàn thiện của các quy định của pháp luật mà còn phụ thuộc vào kỳ năng, phương pháp và kinh nghiệm của những người tiến hành hòa giải, người tham gia hòa giải. Luật sư có thể sử dụng một số phương pháp, kỹ năng trong hoạt động hòa giải tranh chấp dân sự như:

Kỹ năng tiếp xúc, lắng nghe khách hàng và đương sự phía đối lập trình bày.

Để có thể nắm bắt đầy đủ và chính xác yêu cầu của khách hàng cũng như các bên đương sự trong vụ án, nội dung tranh chấp, mối quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp, nguyên nhân, mức độ mâu thuẫn, quan điểm của các bên, Luật sư cần đặt mình vào hoàn cảnh của đương sự để hiểu họ và cảm thông, chia sẻ với họ. Với thái độ điềm đạm, chân tình, biểu hiện sự tôn trọng thông qua việc lắng nghe đương sự trình bày để tạo sự tin tưởng, tìm hiểu được bản chất của vấn đề để có thể đề xuất hướng giải quyết hợp tình, hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Việc lắng nghe của Luật sư nhằm mục đích thu thập thông tin, nghĩa là nắm được và để hiểu đúng, đầy đủ nội dung mà đương sự muốn trình bày. Trên cơ sở biết được nhu cầu, mục đích, nguyện vọng của đương sự mà có hướng phản hồi, hướng hành động tiếp theo nhằm đáp ứng mong muốn của đương sự.

Lắng nghe là một kỹ năng cần thiết và quan trọng của Luật sư. Tuy nhiên, kỹ năng lắng nghe cần phải chú ý tới hai thái cực. Một mặt không để đương sự nói dài vượt quá nội dung cần nghe để chắt lọc thông tin hoà giải. Hai là, không nên và không được cắt ngang lời trình bày của họ hoặc đưa ra quan điểm bình luận về phần họ trình bày làm cho việc trình bày của đương sự lộn xộn, không logic và bản thân đương sự cảm thấy mình không được tôn trọng, đụng chạm tới lòng tự tôn của đương sự. Luật sư cần lưu ý khuyên khách hàng tạo cơ hội, điều kiện, môi trường đối thoại cởi mở, thoải mái để các bên tranh chấp diễn đạt hết suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ; đừng phản ứng trước những lời tức giận của bên đối phương; phải biết tự kiềm chế, yên lặng lắng nghe, để hiểu được mâu thuẫn thực sự. Phương pháp chuẩn mực để lắng nghe có hiệu quả là tập trung chú ý vào những điều các bên đang nói, gợi ý họ nói rõ ràng, chính xác những ý nghĩ của họ, diễn đạt lại đúng những sự kiện đã xảy ra và yêu cầu nhắc lại những điểm gì còn mập mờ, chưa rõ.

Thông thường, các bên tranh chấp thường có tâm lý là người nghe cũng đã nắm được nội dung vụ việc như chính bản thân mình, nên đối tượng thường trình bày theo ý chủ quan và có thể bỏ qua nhiều chi tiết mà họ cho là không cần thiết hoặc những bằng chứng không có lợi cho họ. Vì vậy, Luật sư cần nghiên cứu đặt ra những câu hỏi đơn giản để khách hàng làm rõ những tình tiết có liên quan đến bản chất của vụ việc và gợi ý để đối tượng trình bày đúng bán chất vụ việc một cách vô tư, khách quan, không thiên vị, chủ quan.

Kỹ năng giải thích, thuyết phục, hướng dẫn khách hàng tự nguyện hòa giải tranh chấp

Khi khách hàng hiểu được về cơ bản họ tranh chấp cái gì, mối quan hệ pháp luật mà họ còn có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau mà chưa thể thống nhất được, những thiệt hại mà các bên phải gánh chịu, tác hại của sự căng thẳng không cần thiết của các bên. Sau khi lắng nghe khách hàng và các đương sự trong vụ án trình bày, Luật sư cần đứng ở góc độ khách quan để phân tích nguyên nhân, hoàn cảnh, thực trạng tranh chấp, đồng thời viện dẫn, phân tích, giải thích các quy định của pháp luật có liên quan tới việc giải quyết vụ án để khách hàng tự đối chiếu với quy định của pháp luật, từ đó họ tự xác định đúng, sai trong hành vi mà họ thực hiện và cũng để họ liên hệ đến quyền và nghĩa vụ của mình mà tự nguyện đi đến thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Đồng thời Luật sư cần làm rõ để đương sự hiểu rõ được việc hòa giải thành có ý nghĩa, tác dụng quan trọng như thế nào, nếu hòa giải thành công thì vụ án được giải quyết nhanh gọn, giữ gìn và củng cố được mối đoàn kết, ổn định xã hội, tiết kiệm chi phí mở phiên tòa và hạn chế tối đa chi phí về thời gian và tiền bạc cho chính các bên tranh chấp, khả năng thi hành án cao. Luật sư cần khơi dậy lòng nhân ái, tình người, lòng vị tha, độ lượng, nhắc nhở, định hướng để các bên đương sự thay đổi cách nhìn, cách nghĩ một cách có tình, có lý từ đó giúp đương sự có thể nhìn về một hướng.

Kỹ năng giao tiếp trong hòa giải

Kỹ năng giao tiếp là tất cả các yếu tố từ ánh mắt nhìn, cử chỉ hành động, trạng thái tâm lý, ngôn ngữ ứng xử, sự hiểu biết và nắm vững kiến thức chuyên môn của người luật sư...Tất cả những yếu tố đó hợp thành tạo nên những ấn tượng về sự cởi mở và niềm tin cho các bên hướng tới sự thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Kiến thức về giao tiếp được coi là yếu tố quan trọng quyết định thành công của hòa giải. Hoạt động giao tiếp sẽ truyền tải và nêu bật được các nguyên tắc trong hòa giải. Luật sư phải hiểu các kỹ năng giao tiếp cũng như việc sử dụng một cách hiệu quả các kỹ năng này trong  phiên hòa giải góp phần giúp khách hàng và đương sự phía đối lập tìm được tiếng nói chung. Đồng thời, cũng cần xác định rõ các trách nhiệm mà mình cần thực hiện trong quá trình hòa giải cũng như thái độ hòa giải khách quan, tránh bênh vực hoặc cảm tình, thiên vị cho một bên đương sự nào, phải nhiệt tình khuyên giải, vận động thuyết phục và kiên trì hòa giải giữa các bên đương sự. Nếu thấy còn khả năng hòa giải được thì nên tiến hành hòa giải nhiều lần nhằm tạo điều kiện để các đương sự có thời gian suy nghĩ, có được quyết định hợp lý. Một số kỹ năng giao tiếp trong hoà giải mà Luật sư cần phải có là sự thư thái, tự tin; Sâu sắc nhưng chia sẻ, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về kiến thức xã hội có liên quan đến mâu thuẫn cần phải hoà giải giữa hai bên nhưng đồng thời cũng thể hiện sự chia sẻ về những tổn thất tâm lý mà mỗi bên đang phải chịu đựng; Mềm dẻo, quyết đoán đúng thời điểm, luôn mềm dẻo trong giao tiếp để lắng nghe những điều mà bình thường họ không thể thổ lộ với người thứ ba, chọn đúng thời điểm thích hợp để tác động đến suy nghĩ, tâm tư của mỗi bên để định hướng họ; Vô tư và thân thiện, bộc lộ cử chỉ để các bên có thiện cảm với Luật sư; Tập trung vào mâu thuẫn giữa các bên, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, mâu thuẫn từ một phía hay cả hai phía, mức độ mâu thuẫn. Những điểm chính của nội dung mâu thuẫn, điểm mâu thuẫn nào là quan trọng, nếu tháo gỡ được mâu thuẫn này sẽ là chìa khoá mở ra cánh cửa của sự thỏa thuận giải quyết vụ án. Tập trung vào lợi ích chung, khi hoà giải, có thể tuỳ mỗi trường hợp mà mỗi đương sự có những cử chỉ, lời nói khác nhau: một bên chịu đựng, một bên lấn át; một bên hung hãn, một bên dịu ngọt; một bên thô lỗ, một bên tế nhị; cả hai bên to tiếng với nhau... nhưng lợi ích ở đây là thông qua hành vi của họ để tìm được mục đích, ý định của họ để đưa họ đến điểm thống nhất chung. Bên cạnh đó, để tìm phương án giải quyết mâu thuẫn, Luật sư nên tư vấn cho khách hàng lựa chọn phương án để giải quyết mâu thuẫn trong phiên hòa giải phải nhanh, nhạy, lựa chọn phương án chung cho cả hai hoặc tổng hợp từ hai cách lựa chọn của hai bên thành phương án chung hoặc từ phương án của một bên nâng lên thành phương án chung để đạt được mục đích hòa giải. Thỏa thuận về các nguyên tắc, lựa chọn nguyên tắc chung là dựa trên các giá trị lợi ích chung mà cả hai bên đương sự đều quan tâm đến. Vì vậy, nguyên tắc này sẽ giữ vai trò chủ đạo mà theo đó mà các phương án giải quyết sẽ xoay quanh các nguyên tắc này nhằm đạt được mục đích hòa giải. Kỹ năng chắt lọc và tổng hợp, những thông tin mà Luật sư tiếp nhận từ các đương sự phải được chắt lọc và tổng hợp đúng với ý định mà họ đã trình bày. Điều này giúp cho Luật sư chủ động lựa chọn phương án giúp họ giải quyết vấn đề ; mâu thuẫn một cách có hiệu quả, đạt kết quả tích cực về lợi ích chung của các bên và cũng là mục đích của phiên hoà giải.

3- Tham gia phiên họp xét chứng cứ và hòa giải

Với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, các Luật sư có quyền tham dự hòa giải. Trong hòa giải trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, Toà án chủ yếu mong muốn các đương sự thỏa thuận được với nhau về các quyền và nghĩa vụ của họ trong vụ án trên cơ sở đó Toà án có thể ra được quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tiết kiệm được thời gian và giúp các đương sự sớm hàn gắn được những bất đồng do quá trình tranh chấp gây nên. Trong khi tham dự hòa giải, Luật sư bất cứ lúc nào cũng có thể tham vấn cho khách hàng của mình để họ đưa ra được những yêu cầu hoặc nhượng bộ đúng pháp luật, đặc biệt là đưa ra các yêu cầu phù hợp với những gì mà Luật sư đã thỏa thuận với khách hàng của mình trước đó. Không nên để khách hàng tự quyết định mọi vấn đề mà nên thống nhất với khách hàng là trước khi họ quyết định về bất kỳ một vấn đề nào cũng nên trao đổi với Luật sư. Trong những trường hợp có quan điểm không thống nhất về cùng một vấn đề thì quyền quyết định vẫn là của khách hàng nhưng trước khi khách hàng quyết định, Luật sư vẫn nên trình bày kỹ các lý lẽ, quan điểm, các phương án của mình cùng với việc phân tích những lợi thế và bất lợi của các phương án mà Luật sư đề xuất để khách hàng xem xét.

Đối với trường hợp khách hàng uỷ quyền để thay mặt họ tham gia hòa giải (trừ các trường hợp mà pháp luật quy định các đương sự không được ùy quyền) thì Luật sư phải xuất trình hợp đồng uỷ quyền giữa khách hàng với Luật sư. Khi được ủy quyền thì Luật sư được thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Tuy nhiên đối với những điểm mới phát sinh trong quá trình hòa giải mà Luật sư và khách hàng chưa thống nhất với nhau thì trước khi quyết định Luật sư nên trao đổi qua với khách hàng.

Quá trình tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, Luật sư cần giúp khách hàng tập hợp lại các tài liệu, chứng cứ và hướng dẫn khách hàng cung cấp chứng cứ minh họa cho giải trình của mình. Khi trình bày các căn cứ và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của khách hàng mình, Luật sư cần lưu ý:

- Các chứng cứ cần sử dụng khi hòa giải không khác gì các chứng cứ của toàn bộ vụ án.

- Mục đích sử dụng chứng cứ trong giai đoạn hòa giải không phải để đấu tranh với đối phương mà mục đích để thuyết phục đối phương hiểu rằng, cần thiết phải thỏa thuận và nhượng bộ nhau để giải quyết nhanh chóng và dứt điểm tranh chấp mà không cần đưa ra xét xử.

- Cách sử dụng chứng cứ cần thể hiện sự thiện chí của người sử dụng, tạo không khí thân thiện, nhượng bộ nhưng cương quyết và đều khẳng định tính đúng đắn, tính thuyết phục của các yêu cầu hay phản bác mà mình đưa ra. Tránh đưa các chứng cứ gây chia rẽ, không thiện chí hoặc làm cho đối phương hiểu sai thiện chí của mình.

- Các lý lẽ, cách lập luận cho khách hàng cần được trình bày khoa học trên cơ sở viện dẫn các chứng cứ chứng minh một cách logic, khoa học và có tính thuyết phục.

Quá trình tham gia hòa giải, Luật sư khuyến khích cho các bên xác định một cách rõ ràng mục đích và yêu cầu hòa giải để có những hành động và ứng xử thiện ý. Những phân tích đánh giá về các yêu cầu dựa trên các thông tin xác thực liên quan đến việc đưa ra các thỏa thuận. Các bên cần đặt vị trí của mình vào địa vị của người khác trong việc chuẩn bị đưa ra các quyết định, từ đó tìm được sự đồng thuận, giảm thiểu rủi ro và xung đột trong quá trình hòa giải. Quá trình tham gia hòa giải, Luật sư đồng thời cũng phải bày tỏ rõ thái độ không cổ vũ cho những hành động không hợp tác, có ý định lừa dối và đưa ra những hứa hẹn không mang tính thực tiễn.

Luật sư cần lưu ý giúp khách hàng kiểm tra biên bản hòa giải, tư vấn cho khách hàng về điều kiện thủ tục, hiệu quả pháp lý của quyết định công nhận hòa giải thành, cũng như các thủ tục tiếp theo trong trường hợp hòa giải không thành.

Nguồn: Tổng hợp từ giáo trình kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự (HVTP - 2021) 

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.70241 sec| 1234.906 kb