Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án kinh doanh, thương mại

"Với nhân dân, quyền lực duy nhất là pháp luật; với cá nhân, quyền lực duy nhất là lương tâm."

- Hugo (Pháp)

Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án kinh doanh, thương mại

Các tranh chấp về kinh doanh, thương mại chủ yếu là các tranh chấp về hợp đồng trong kinh doanh, mà các hợp đồng trong lĩnh vực này thông thường là dài và phức tạp, thời gian thực hiện hợp đồng có thế qua nhiều năm. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại cũng có những điểm khác biệt, đặc thù hơn so với những tranh chấp về dân sự. Vì vậy, nên khi tham gia giải quyết những vụ án về kinh doanh thương mại cũng sẽ có những đặc thù khác so với việc giải quyết vụ việc dân sự thông thường. Bên cạnh những kỹ năng chung chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự, Luật sư cũng cần phải có kỹ năng đặc thù chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án kinh doanh, thương mại để có thể giải quyết vụ án một cách hiệu quả. 

Liên hệ

1- Kỹ năng tham gia hòa giải của Luật sư trong vụ án kinh doanh, thương mại

Trong quá trình giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại, việc các đương sự - là các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án có ý nghĩa quan trọng.

Một là, phương án hòa giải về việc giải quyết tranh chấp là giải pháp dựa trên cơ sở lợi ích của  các bên và phù hợp với cả hai phía. Do đó, không có “bên thắng, bên thua” mà cả hai bên “đều thắng”, quan hệ kinh doanh của các bên vẫn là có khả năng duy trì trong tương lai. Trong kinh doanh, quan hệ hợp tác, duy trì đối tác kinh doanh để phát triển giữ vai trò quan trọng, do đó, việc các bên hòa giải được với nhau về tranh chấp đã phát sinh sẽ giúp các bên duy trì được mối quan hệ bạn hàng vốn có.

Hai là, nếu các bên tranh chấp thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong buổi hòa giải sẽ giúp các bên giữ được uy tín kinh doanh và bí mật kinh doanh (nếu có). Một trong những nguyên tắc xét xử  vụ án dân sự nói chung và kinh doanh, thương mại nói riêng là xét xử công khai, trong đó phiên tòa được xét xử công khai. Uy tín kinh doanh là Sự tín nhiệm, sự tin tưởng của đối tác trong quan hệ kinh doanh. Các bên tranh chấp kinh doanh thông thường là các tranh chấp về hợp đồng - là cam kết của các bên và sự vi phạm hợp đồng là một trong những biểu hiện của mất uy tín trong kinh doanh. Trong sự phát triển của nền kinh tế hiện nay thì giữ được uy tín kinh doanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo ra các cơ hội trong tương lai. Với bí mật kinh doanh (còn gọi là bí mật thương mại) là những thông tin của doanh nghiệp liên quan đến kỹ thuật như công thức sản xuất, cấu tạo kỹ thuật... hoặc thông tin liên quan đến thương mại như danh sách khách hàng, các chiến lược tiếp thị, quảng cáo... các bí mật kinh doanh khi áp dụng vào hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra cho người nắm giữ lợi thế hơn. Việc giải quyết vụ án tại phiên tòa có thể có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm hoặc của các cơ quan thông tin đại chúng, dẫn đến các thông tin về doanh nghiệp hoặc các bí mật kinh doanh bị công khai gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ba là, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng hòa giải giúp tích kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn Toà án chuẩn bị xét xử, sau 7 ngày kể từ ngày Tòa án lập biên bản hòa giải thành ghi nhận các bên tranh chấp thỏa thuận thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Doanh nghiệp không mất thời gian vào việc giải quyết tranh chấp ở những lần Tòa án triệu tập hoặc tham gia phiên tòa sơ thẩm và giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm. Việc hòa giải thành trước khi mở phiên tòa thì các bên chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm. Các chi phí được cắt giảm như chi phí đi lại, lưu trú và các chi phí phát sinh khác.

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hòa giải trong các tranh chấp kinh doanh, thương mại như trên mà Luật sư phải xác định hòa giải không chỉ là “thủ tục”, là “hình thức” mà phải tích cực, chủ động hòa giải các bên tranh chấp.

Những vấn đề Luật sư cần lưu ý khi tham gia hòa giải các tranh chấp kinh doanh, thương mại

Trước khi Tòa án triệu tập phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vụ án kinh doanh, thương mại, Luật sư cần thực hiện các công việc được liệt kê dưới đây. Kinh nghiệm cho thấy rằng chuẩn bị tốt công việc ở các bước này sẽ giúp Luật sư và khách hàng chủ động trong việc hòa giải tại Tòa án.

Một là, thu thập và tìm hiểu thông tin về phía bên kia tranh chấp - doanh nghiệp và người đại diện cho doanh nghiệp tham gia hòa giải. Khác với các tranh chấp dân sự thông thường khác, trong các tranh chấp kinh doanh, thương mại, chủ thể của tranh chấp thông thường là các loại hình doanh nghiệp và việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự là doanh nghiệp thông qua người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Luật sư tìm hiểu các thông tin về doanh nghiệp như ngành nghề kinh doanh, thực trạng hoạt động kinh doanh hiện nay, người đại diện theo pháp luật, môi quan hệ giữa các bên tranh chấp như thế nào... từ đó nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp khi tham gia hòa giải. Việc tìm hiểu người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp tham gia tố tụng là tìm hiểu các thông tin về con người cụ thể này là ai, chức vụ trong doanh nghiệp, có thẩm quyền quyết định về tranh chấp đến mức độ nào, tính cách của cá nhân đó…Trên cơ sở các thông tin thu thập được, Luật sư sẽ có chiến lược thương lượng và đưa ra phương án hòa giải phù hợp.
Hai là, thu thập chứng cứ, sao chụp những tài liệu có trong hồ sơ vụ án để nghiên cứu, nắm bắt nội dung vụ tranh chấp, nguyên nhân của vụ tranh chấp.

Ba là, nghiên cứu hồ sơ vụ tranh chấp. Trên cơ sở hồ sơ vụ án, Luật sư phân tích đánh giá chứng cứ, nghiên cứu, xem xét các chứng cứ trên cơ sở tham chiếu các quy định của pháp luật liên quan đến vụ tranh chấp.

Các tranh chấp về kinh doanh, thương mại chủ yếu là các tranh chấp về hợp đồng trong kinh doanh, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ tranh chấp, Luật sư phải xác định được:

- Bản chất của quan hệ hợp đồng;

- Hợp đồng có hiệu lực pháp luật hay không;

- Xác định có hay không có hành vi vi phạm hợp đồng;

- Bên bị vi phạm đã khiếu nại trong thời hạn khiếu nại hay chưa;

- Thời hiệu khởi kiện còn hay hết;

- Hành vi vi phạm có thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm không.

Trên cơ sở đó, Luật sư nhận diện và đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của các bên, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp.

Bên cạnh đó, Luật sư cần tìm hiểu yêu cầu và mong muốn của khách hàng đối với quan hệ tranh chấp này. Mục tiêu tối đa, mục tiêu cân bằng lợi ích và mục tiêu tối thiểu mà khách hàng mong muốn như thế nào.

Ngoài ra, Luật sư cũng phải nắm bắt được lợi ích các bên hướng tới là gì, tâm tư nguyện vọng, thiện chí hòa giải của mỗi bên để xác định phương án và mức độ hòa giải.

Luật sư cũng phải xác định phạm vi hòa giải để đề xuất phương án hòa giải cho khách hàng. Trong việc giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại tại Tòa án, có những vụ án không được tiến hành hòa giải theo quy định tranh chấp giữa các bên có rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 206 BLTTDS năm 2015 để xác định Thẩm phán có được hòa giải vụ án này không. Đó là các vụ án sau:

- Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, nhà nước cũng là chủ đầu tư bỏ vốn thành lập hoặc tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp khác với mục tiêu lợi nhuận hoặc để thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trường hợp nhà nước đầu tư toàn bộ vốn điều lệ cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp này gọi là doanh nghiệp nhà nước. Khi một doanh nghiệp nhà nước tham gia vào hoạt động kinh doanh và bị đối tác vi phạm hợp đồng. Trường hợp thứ hai là trường hợp nhà nước góp vốn với các nhà đầu tư khác để thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH. Doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh với các đối tác khác và bị đối tác vi phạm hợp đồng dẫn đến thiệt hại phát sinh. Doanh nghiệp đã khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền với yêu cầu bồi thường thiệt hại. Những trường hợp này có phải là yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước không và có được hòa giải những vụ án này không.

Trước đây, theo hướng dẫn của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết các vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” phân biệt 2 trường hợp:

(i) Trường hợp tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước do nhà nước thực hiện quyền sở hữu thông qua cơ quan có thẩm quyền thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến loại tài sản này, Tòa án không được hòa giải để các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Đây có thể hiểu là các doanh nghiệp nhà nước do nhà nước chiếm 100% vốn điều lệ.

(ii) Trường hợp tài sản của Nhà nước được nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của các chú sở hữu khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư tại Việt Nam mà doanh nghiệp được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước nhà nước đối với tài sản đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản đó, Tòa án tiến hành hòa giải để các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Tuy nhiên, khi xem xét ý nghĩa của quy định những vụ án không được hòa giải và yêu cầu khách quan của quan hệ kinh tế thì hướng dẫn trên của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 là không phù hợp. Một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định tạo nên năng lực chủ thể đó là tính độc lập về tài sản. Tài sản thuộc sở hữu nhà nước khi tham gia vào quan hệ kinh tế thì chủ thể quản lý, sử dụng tài sản đó phải có những quyền năng nhất định đối với tài sản, đó là quyền tự chủ đối với tài sản của doanh nghiệp. Theo khoản 8 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp. Do đó, khi có tranh chấp phát sinh đến yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến tài sản này thì doanh nghiệp nhà nước cũng có quyền thỏa thuận đối với phần tài sản bị thiệt hại, phát huy những lợi ích có được từ việc hòa giải thành.

- Tòa án không được hòa giải vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật (giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật) hoặc trái đạo đức xã hội, nếu việc hòa giải nhằm mục đích để các bên tiếp tục thực hiện các giao dịch đó. Trường hợp các bên chỉ có tranh chấp về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu do trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, thì Tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết hậu quả của giao dịch đó. Đối với các hợp đồng trong kinh doanh, Luật sư cần lưu ý nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật là việc các bên, thông qua hợp đồng, thỏa thuận với nhau để thực hiện những nội dung công việc pháp luật cấm thực hiện. Ví dụ: mua bán hàng cấm kinh doanh, cung ứng dịch vụ cấm thực hiện, vận chuyển hàng cấm lưu thông... Như vậy, để xác định nội dung hợp đồng có vi phạm điều cấm của pháp luật không thì Luật sư phải xem xét điều khoản đối tượng của hợp đồng xem các bên có thỏa thuận thực hiện công việc bị cấm trong các văn bản pháp luật không? Các quy phạm cấm đoán này có thể tìm thấy trong nhiều văn bản khác nhau như Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; những quy định trong Luật Phá sản năm 2014 cấm doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản thực hiện một số hành vi nhất định... Đối với những tranh chấp phát sinh từ giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật thì Luật sư không thể đưa ra các phương án hòa giải để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng bởi vì các bên không thể được hưởng những lợi ích có được từ hành vi trái pháp luật. Luật sư chỉ có thể tư vấn cho khách hàng phương án hòa giải để các bên giải quyết hậu quả của giao dịch.

Bốn là, xây dựng các phương án hòa giải và phân tích, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của mỗi giải pháp cho khách hàng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại

2- Đề xuất Tòa án ra các quyết định tố tụng

Luật sư phải kịp thời có những đề xuất với Tòa án trong việc ra quyết định tố tụng như quyết định tạm đình chỉ khi cần thiết theo quy định tại Điều 214 BLTTDS năm 2015. Quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án là quyền của đương sự và quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhưng Tòa án chi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 214 BLTTDS năm 2015.

Riêng đối với các vụ án kinh doanh, thương mại thì yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là quyền tố tụng được pháp luật quy định rất quan trọng và cần thiết trong việc giải quyết vụ án. Mục đích của việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án. Các vụ án kinh doanh, thương mại thường có giá trị tranh chấp lớn và tính phức tạp cao. Đồng thời với việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Luật sư cũng phải tư vấn cho khách hàng chuẩn bị thực hiện biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của Tòa án. Bởi vì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể gây thiệt hại về quyền và lợi ích cho bên bị áp dụng. Luật sư tư vấn cho khách hàng yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải rất thận trọng.

Ví dụ:

- Công ty lắp ráp ô tô A bán cho Công ty taxi B 100 chiếc xe ô tô loại 5 chỗ để chạy taxi với điều kiện thanh toán làm nhiều đợt. Đến hạn, không thấy Công ty B thực hiện nghĩa vụ thanh toán, Công ty A đến thúc giục và được biết Công ty B đang bán lại số xe ô tô trên cho các cá nhân. Công ty A đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu buộc Công ty B thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trong quá trình giải quyết vụ án, Luật sư của Công ty A tư vấn cho khách hàng yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” là 100 chiếc xe ô tô trên theo quy định tại Điều 121 BLTTDS năm 2015.

- Công ty vận tải biển A nhận chở gạo từ miền Nam ra miền Bắc cho Công ty Lương thực B, trong quả trình vận chuyển tàu chở gạo bị sóng biển đánh tràn vào khoang chở hàng, gây ra ướt gạo. Công ty B kiện ra Tòa án đòi bồi thường thiệt hại do gạo bị ướt và giảm chất lượng. Nhận thấy số gạo bị ướt nếu kéo dài thời gian sẽ bị hư hỏng và mất giá và nếu bán cho công ty chế biến thức ăn gia súc thì có khả năng khắc phục được thiệt hại. Luật sư tư vấn cho Công ty B yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cho bán số gạo bị ướt trên ” theo Điều 123 BLTTDS năm 2015 vì số gạo ướt này không thể bảo quản được lâu, sẽ nhanh chóng bị hư hỏng nếu không được xử lý kịp thời.

3- Một số đặc thù cơ bản trong xây dựng bản luận cứ vụ án kinh doanh, thương mại

Các tranh chấp về kinh doanh, thương mại chủ yếu là các tranh chấp về hợp đồng trong kinh doanh, mà các hợp đồng trong lĩnh vực này thông thường là dài và phức tạp, thời gian thực hiện hợp đồng có thế qua nhiều năm. Vì vậy, trong phần nội dung của bản luận cứ, ở phần tóm tắt nội dung vụ việc, Luật sư không nên nêu hết tất cả tình tiết của vụ việc. Bởi vì nếu liệt kê tất cả các tình tiết của vụ việc sẽ làm cho bản luận cứ dài dòng không cần thiết và làm cho người nghe không đi vào trọng tâm của vấn đề. Luật sư chỉ tóm tắt khái quát những nội dung chính và đặc biệt đi sâu vào nội dung có hành vi vi phạm mà hai bên đang có tranh chấp để tóm tắt.

Chẳng hạn, hai bên tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa với rất nhiều điều khoản nhưng các bên chỉ bất đồng với nhau về việc chậm thanh toán tiền hàng; khi đó nếu nguyên nhân của việc chậm thanh toán của một bên không do chất lượng lô hàng thì Luật sư không cần thiết phải mô tả chi tiết về hàng hóa trong hợp đồng nhưng ngược lại nếu nguyên nhân của việc chậm thanh toán là do bất đồng trong chất lượng hàng hóa thì Luật sư cần mô tả hàng hóa chi tiết, tỉ mỉ...

Các yêu cầu giải quyết trong tranh chấp kinh doanh, thương mại cũng cụ thể, rõ ràng. Khi nhận định, Luật sư nên nhận định lần lượt đôi với từng yêu cầu của khách hàng. Nếu là Luật sư của nguyên đơn thì trong phần nhận định, Luật sư phải nêu được cơ sở pháp lý của yêu cầu mà nguyên đơn đưa ra, phân tích tính hợp pháp của những yêu cầu đó trên cơ sở đưa ra những luận cứ, luận chứng chứng minh cho yêu cầu của nguyên đơn. Nếu là Luật sư của bị đơn thì phân nhận định của bản luận cứ cần đưa ra những lập luận để phản bác lại các yêu cầu của nguyên đơn và trong trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố thì Luật sư cần phải nhận định đối với từng yêu cầu phản tố của bị đơn. Khi nhận định Luật sư cũng phải đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng kết hợp với các tình tiết sự kiện phát sinh để chứng minh yêu cầu của khách hàng là có căn cứ và hợp pháp.

Ví dụ:

Khi lập luận cho yêu cầu phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán đối với bị đơn, Luật sư có thể soạn thảo: “Tại Điều X của hợp đồng có quy định “Bên B có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ tiền hàng cho bên A sau khi nhận hàng” và tại Điều Y của hợp đồng đã quy định “nếu bên A chậm thanh toán tiền hàng thì sẽ phải trả lãi theo lãi suất 1,5%/tháng”. Ngày 10/3/2015, bên A đã giao hàng cho bên B và bên B không có ý kiến gì về chất lượng hàng hóa. Như vậy, bên B phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền hàng vào ngày 10/3/2015. Nhưng cho đến ngày 10/4/2015, bên A chưa thanh toán tiền hàng cho bên B. Căn cứ vào thỏa thuận của các bên, căn cứ vào Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, yêu cầu trả tiền lãi đối với số tiền hàng hóa, dịch vụ chậm thanh toán đôi với bên B là hoàn toàn có cơ sở nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

Nguồn: Tổng hợp từ giáo trình kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự (HVTP - 2021)


 

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án kinh doanh, thương mại

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.32301 sec| 1160.063 kb