Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Hãy để công lý được thực hiện cho dù bầu trời có sụp đổ."
John Adams
Luật sư trong vụ án dân sự cần trang bị các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của khách hàng (có thể từ khi bắt đầu khởi kiện hay bất kỳ giai đoạn tố tụng nào). Như vậy, với Luật sư tranh tụng, việc đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu, kỹ năng từ giai đoạn khởi kiện đến kỹ năng thu thập chứng cứ phân tích, đánh giá, sử dụng chứng cứ, kỹ năng viết bản luận cứ, kỹ năng chuẩn bị các việc liên quan đến trước khi ra phiên tòa, kỹ năng tại phiên tòa sơ thẩm là thực sự cần thiết.
Phiên tòa sơ thẩm dân sự gồm bốn phần: Thủ tục bắt đầu phiên tòa; Tranh tụng tại phiên toà; Nghị án; Tuyên án. Tuy nhiên kỹ năng tố tụng của Luật sư thể hiện chủ yếu trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa và phần tranh tụng tại phiên tòa. Để đảm bảo cho việc tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm dân sự một cách có hiệu quả, Luật sư cần tuân thủ các nguyên tắc và yêu cầu cơ bản sau:
Thứ nhất, có mặt đúng thời gian và tham gia trong suốt quá trình tố tụng của phiên toà.
Thứ hai, nắm vững quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩm;
Thứ ba, tôn trọng Tòa án, Luật sư đồng nghiệp, những người tham gia tố tụng khác và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.
Thứ tư, có sự chuẩn bị chu đáo cho việc tham gia phiên tòa như: trang phục, tài liệu, chứng cứ, bản trình bày, bản luận cứ, bản dự thảo, dự liệu các tình huống phát sinh và phương án xử lý…
Thứ năm, ghi chép đầy đủ các nội dung diễn ra tại phiên tòa, kịp thời bổ sung, sửa đổi những vấn đề đã được chuẩn bị trước đó nhưng có những nội dung mới thay thế tại phiên tòa.
(i) Trang phục tham gia phiên tòa của Luật sư: ngày 27/02/2011, Hội đồng Luật sư toàn quốc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 12/NQ-HDLSTQ về trang phục khi tham gia phiên tòa và quy định cụ thể: kể từ ngày 10/10/2011 Luật sư bắt buộc phải mặc trang phục thống nhất khi tham gia phiên tòa theo mẫu: áo vest và quần âu màu đen, áo sơ mi màu trắng do Đoàn Luật sư may tập trung hoặc các Luật sư tự may theo quy định của VBF; cà vạt màu xám lông chuột do VBF may thống nhất; huy hiệu có hình biểu tượng logo của VBF đeo trên ngực trái áo trang phục; trang phục thống nhất nêu trên áp dụng cho cả Luật sư nam và Luật sư nữ; mùa đông mặc đủ bộ trang phục, mùa hè có thể không mặc áo vest.
Ngày 25/10/2011, VBF có Công văn số 277/LĐLSVN về việc Luật sư mặc trang phục thống nhất khi tham gia phiên tòa gửi TANDTC thông báo nội dung trên. Sau đó, ngày 15/11/2011, Chánh án TANDTC đã ban hành Công văn số 116/TA-TKTH yêu cầu Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp, Chánh tòa các Tòa phúc thẩm TANDTC quán triệt nội dung về trang phục khi tham gia phiên tòa của Luật sư nêu trên đến các Thẩm phán, cán bộ trong đơn vị để các Hội đồng xét xử lưu ý, nhắc nhở Luật sư mặc đúng trang phục theo quy định của VBF khi tham gia phiên tòa. Vì vậy, khi tham gia phiên tòa, Luật sư cần đặc biệt lưu tâm chuẩn bị trang phục Luật sư theo quy định tại phiên tòa để yên tâm, tự tin tranh tụng. Việc tuân thủ quy định của VBF về trang phục cũng là nhằm nâng cao trách nhiệm, hình ảnh của Luật sư Việt Nam, đồng thời bảo đảm tính trang nghiêm của phiên tòa.
(ii) Lưu ý về thời gian mở phiên tòa: Tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và Giấy mời/Giấy báo cho Luật sư tham gia tố tụng Tòa án cấp sơ thẩm đã ấn định thời gian mở phiên tòa. Do vậy, Luật sư phải kiểm tra ngay lịch làm việc của mình để tránh việc trùng lặp thời gian tham gia tố tụng vụ án khác (nếu có), trường hợp trùng lịch phiên tòa phải xử lý xin hoãn hay không, cần trao đổi để khách hàng hiểu và đồng ý với đề nghị của Luật sư, tránh gặp rắc rối trong mối : quan hệ giữa Luật sư và khách hàng.
(iii) Về địa điểm mở phiên tòa: Tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và/hoặc Giấy mời/Giấy báo cho Luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm, luôn thể hiện địa điểm xét xử. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất của Tòa án cấp sơ thẩm để xác định địa điểm xét xử cụ thể có được thông báo chi tiết hay không. Thực tế cho thấy, một số Tòa án có điều kiện cơ sở vật chất tốt thường có thể ấn định số phòng xử tại Giấy mời/Giấy báo cho Luật sư, nhưng có những Tòa án lượng phòng xử không có nhiều nên thường chỉ thông báo địa điểm xét xử là trụ sở của Tòa án. Do vậy, trong trường hợp này, Luật sư cần chủ động đến sớm để xác định phòng xử hoặc liên hệ với Thư ký phiên tòa hỏi vị trí phòng xử của Tòa án bố trí cụ thể ra sao. Việc xác định vị trí phòng xử là hết sức cần thiết, tránh trường hợp khi đến Tòa án, khách hàng hỏi mà Luật sư chưa biết phòng xử. Luật sư nên đến phòng xử trước để xem xét, nhận định sự có mặt/vắng mặt của bên đối tụng, những người tham gia tố tụng khác nhằm chuẩn bị kỹ năng cho ý kiến về việc vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phần thủ tục khai mạc phiên tòa sau đó.
(iv) Về việc Tòa án triệu tập đương sự và những người khác tham gia phiên tòa sơ thẩm: Khi nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, Luật sư cũng cần chú ý đến việc ngoài đương sự của vụ án thì Tòa án cấp sơ thẩm còn triệu tập thêm ai khác (Ví dụ, giám định viên, phiên dịch, người làm chứng...) để chuẩn bị kế hoạch của Luật sư cho việc phát biểu ý kiến về sự vắng mặt những người này (nếu có) ở phần thủ tục khai mạc phiên tòa hoặc chuẩn bị nội dung hỏi liên quan trong phần tranh tụng tại phiên tòa. Nếu Luật sư không chú ý nghiên cứu vấn đề này tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử, chắc chắn sẽ bị động về sự có mặt của những người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập và không thể khai thác triệt để sự tham gia tố tụng của họ nhằm bảo đảm kỹ năng tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa hiệu quả nhất.
(v) Lưu ý về những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm: Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm nào cũng đều thể hiện thành phần những người tiến hành tố tụng. Luật sư khi xem xét Quyết định này cũng cần chú ý đến việc Tòa án cấp sơ thẩm có đưa những người tiến hành tố tụng dự khuyết vào không, bởi liên quan đến quan điểm của Luật sư về việc vắng mặt/thay thế người tiến hành tố tụng để đề nghị hoàn hay tiếp tục phiên xử tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.
Thủ tục bắt đầu phiên tòa là phần đầu tiên phải thực hiện trong phiên tòa sơ thẩm dân sự, được quy định từ Điều 239 đến Điều 246 của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, bao gồm các nội dung cơ bản: Khai mạc phiên tòa; Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; Xem xét, quyết định hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt; Bảo đảm tính khách quan của người làm chứng; Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu; Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cần xác định được phạm vi, cách thức thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình một cách hiệu quả nhất, đồng thời hỗ trợ, tư vấn đương sự là khách hàng của mình thực hiện kịp thời, phù hợp, đúng pháp luật và linh hoạt nhất các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ nhằm bảo đảm cho hoạt động tố tụng đúng pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Kỹ năng của Luật sư trong phần thủ tục bắt đầu phiên toà thể hiện qua các hoạt động tố tụng cụ thể như sau:
(i) Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch
Về việc yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm dân sự. Người tiến hành tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm gồm: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên.
- Luật sư được quyền đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân tại phiên toà sơ thẩm khi xác định có một trong các căn cứ sau đây: Họ đồng thời là đương sự, người đại diện của đương sự, người thân thích của đương sự; Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó; Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư khi làm nhiệm vụ; Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau (trong trường hợp này chỉ có một người được tiến hành tố tụng); Họ đà tham gia giải quyêt vụ án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và đã ra bản án sơ thẩm, phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự; Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách Thẩm tra viên, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
- Luật sư được quyền đề nghị thay đổi Thư ký Toà án tại phiên tòa sơ thâm khi có một trong các căn cứ sau đây: Họ đồng thời là đương sự, người đại diện của đương sự, người thân thích của đương sự; Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó; Có căn cứ rò ràng cho rằng họ có thể không vô tư khi làm nhiệm vụ; Họ đà là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên, Kiểm ưa viên; Họ là người thân thích với một trong những người tiến hành tố tụng khác của vụ án.
- Luật sư được quyền đề nghị thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm khi có một trong các căn cứ sau đây: Họ đồng thời là đương sự, người đại diện của đương sự, người thân thích của đương sự; Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó; Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư khi làm nhiệm vụ; Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
- Luật sư được quyền đề nghị thay đổi người giám định tại phiên tòa sơ thẩm khi có một trong các căn cứ sau đây: Họ đồng thời là đương sự, người đại diện người thân thích của đương sự; Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ; họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; người làm chứng, người phiên dịch trong vụ án đó; Họ đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án, vụ việc mà họ đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Luật sư được quyền đề nghị thay đổi người phiên dịch tại phiên tòa sơ thẩm khi có một trong các căn cứ sau đây: Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ; Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định trong cùng vụ án đó; Họ đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Để thực hiện quyền tố tụng này, Luật sư cần đưa ra căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật, có thái độ đúng mực khi trình bày các căn cứ để yêu cầu thay đổi, đưa ra ý kiến khi Hội đồng xét xử không chấp nhận hoặc thực hiện yêu cầu của Luật sư không đúng pháp luật.
Nếu xin thay đổi người tiến hành tố tụng vì lý do họ có thể không vô tư khi tiến hành nhiệm vụ, Luật sư cần cân nhắc rất cẩn trọng và có chứng cứ minh chứng rõ ràng, tránh yêu cầu trên cơ sở đánh giá mang tính chủ quan, áp đặt. Điều này một mặt thể hiện sự tôn trọng đối với người tiến hành tố tụng, mặt khác cũng thể hiện trình độ và kỹ năng hành nghề của Luật sư trong việc áp dụng pháp luật khi thực hiện các quyền tố tụng của mình tại phiên tòa sơ thẩm dân sự.
(ii) Đề nghị Tòa án đưa người và quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là một trong các thành phần đương sự của vụ án dân sự. Mặc dù không bắt buộc vụ án nào cùng phải xác định người có quyền và nghĩa vụ liên quan, song nếu trong từng vụ án cụ thể xác định thiếu thành phần đương sự này thì có nghĩa toàn bộ quá trình giải quyết vụ án sẽ không có giá trị pháp lý, khi có kháng cáo, kháng nghị, Toà án có thẩm quyền phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm sẽ huỷ án giao về cấp sơ thẩm xét xử lại bắt buộc xác định đầy đủ thành phần đương sự của vụ án.
Theo khoản 4 Điều 68 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Vì vậy, khi đề xuất đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng, Luật sư cần lý giải cơ sở đề xuất, phân tích sự liên quan của người đó với đương sự về quyền hay nghĩa vụ cụ thể để thuyết phục Hội đồng xét xử chấp nhận ý kiến của mình.
(iii) Đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án
Tạm đình chỉ giải quyết vụ án được áp dụng theo cac can cu quy định tại Điều 214 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015. Mục đích của tạm đình chỉ là tạm thời dừng quá trình tố tụng của vụ án trong một khoảng thời gian nhất định, vì vậy nếu Luật sư xét thấy có căn cứ và việc áp dụng căn cứ đó là phù hợp và có lợi cho khách hàng của mình thì có quyền đề xuất Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng.
Theo Điều 214 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, các căn cứ áp dụng ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự bao gồm: Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật; Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế; cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án; cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án; cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; Theo quy định tại Điều 41 của Luật Phá sản; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
(iv) Đề nghị hoặc có ý kiến về việc hoãn phiên tòa sơ thẩm
Hoãn phiên tòa là một thủ tục tố tụng mà khi được áp dụng sẽ tạm thời dừng phiên tòa trong thời hạn tối đa không quá một tháng (vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn là 15 ngày). Áp dụng thủ tục hoãn phiên tòa nhằm đảm bảo quyền tố tụng của đương sự và bảo đảm cho việc tiến hành phiên tòa hợp pháp về tố tụng. Chính vì vậy, Luật sư cần nghiên cứu kỹ các căn cứ hoãn phiên toà tại Điều 233 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, trên cơ sở đó xác định rõ trường hợp bắt buộc phải hoãn phiên toà, trường hợp Hội đồng xét xử có quyền xem xét quyết định hoãn hoặc không hoãn phiên toà, trường hợp không được hoãn phiên toà phải tiếp tục tiến hành xét xử.
(v) Hỗ trợ đương sự hoặc có ý kiến về việc đương sự trong vụ án đề xuất việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
Thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm là quyền tố tụng chỉ dành cho đương sự, Luật sư không có các quyền này. Tuy nhiên Luật sư có quyền tư vấn, hỗ trợ để đương sự thực hiện quyền tố tụng của họ tại phiên tòa sơ thẩm, đồng thời khi các đương sự có lợi ích đối lập với đương sự là khách hàng của mình thực hiện quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu thì Luật sư có quyền có ý kiến về các thủ tục tố tụng mà Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng.
(vi) Hỗ trợ, tư vấn đương sự thực hiện thỏa thuận tại phiên tòa sơ thẩm và đề xuất việc công nhận sự thỏa thuận của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm
Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự xét xử theo thủ tục thông thường, Hội đồng xét xử không có nghĩa vụ tiến hành hòa giải giữa các bên đương sự có tranh chấp, nhưng các đương sự có quyền hòa giải và có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử công nhận nội dung thỏa thuận. Khi thấy các bên có thiện chí và có cơ hội hoà giải, Luật sư cần hỗ trợ, tư vấn cho đương sự để họ thực hiện việc hòa giải một cách có hiệu quả và đồng thời lựa chọn thủ tục tố tụng phù hợp trong trường hợp hòa giải đạt kết quả.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự
Nguồn: Tổng hợp từ giáo trình kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự (HVTP - 2021)
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm