Kỹ năng của Luật sư tại phiên tòa các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

"Hãy để công lý được thực hiện cho dù bầu trời có sụp đổ".

- John Adams (Mỹ)

Kỹ năng của Luật sư tại phiên tòa các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Những năm gần đây, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và những điểm mới trong Hiến pháp năm 2013 và BLTTHS năm 2015, nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (các vụ đại án liên quan Ngân hàng Đại Tín, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Toàn cầu - GP Bank, Ngân hàng Đông Á...), trong kinh doanh - thương mại (buôn lậu, vận chuyển trái phép, sản xuất hàng giả là xăng dầu, thuốc chữa bệnh) khi đưa ra xét xử đã tạo được bước chuyển mới trong tranh tụng. Điểm nổi bật nhất là thông qua các phiên tòa nói trên, vị trí, vai trò quan trọng của nghề Luật sư và Luật sư trong chỉnh thể vận hành thống nhất cùng các chủ thể tư pháp khác đã được khẳng định.

Liên hệ

I- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TẠI PHIÊN TÒA

1-  Nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của Luật sư và vai trò trong thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

Rõ ràng, trong một chừng mực nhất định, với đòi hỏi của công dân và xã hội ngày càng cao, thông qua việc thực hiện chức năng xã hội của mình, đội ngũ Luật sư đã từng bước thực sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Do đó, việc nâng cao chất lượng tranh tụng của đội ngũ Luật sư nhằm thực hiện và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, BLTTHS mang ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam.

Liên quan đến nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo đã được quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, các Luật sư cần có nhận thức đúng đắn và hiểu sâu sắc về nguyên tắc này được quy định tại Điều 26 BLTTHS năm 2015, trong đó việc tranh tụng được thực hiện xuyên suốt trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do VKS chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của BLTTHS, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do BLTTHS quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ TNHS, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xứ lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Về phần mình, Luật sư và những người tham gia tố tụng khác cũng phải có trách nhiệm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đưa ra các chứng cứ gỡ tội hoặc giảm nhẹ TNHS, phản bác hoặc chấp nhận tội danh, căn cứ để quyết định mức hình phạt, bồi thường thiệt hại và các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó, Tòa án tạo cơ hội cho các bên trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa trước khi HĐXX quyết định tội danh, hình phạt đối với bị cáo.

2-  Một số kỹ năng của Luật sư cần thực hiện sau khi hồ sơ vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được chuyển đến Tòa án có thẩm quyền thụ lý

Kiểm tra lại thủ tục đăng ký bào chữa, sao chụp hồ sơ bổ sung và thực hiện một số công việc cần chuẩn bị trước khi phiên tòa được mở

Các vụ án lớn, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có đặc điểm nhiều bị cáo, hồ sơ vụ án phức tạp, nên việc liên hệ với Thư ký Tòa án để kiểm tra lại thủ tục đăng ký người bào chữa đã đảm bảo chưa, có cần bổ sung gì không để thuận tiện trong việc tiếp cận, kiểm tra bổ sung hồ sơ vụ án. Hơn nữa, có một thực tế là do tính chất, quy mô của các vụ án loại này lớn, đặc biệt nghiêm trọng, nên việc quản lý, giám sát bị cáo trong quá trình tiếp xúc với gia đinh, Luật sư thường có trao đổi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ quyền tiếp xúc đương nhiên giữa Luật sư và bị cáo ngay sau khi kết thúc điều tra, tại phiên tòa, chỉ có Luật sư được quyền gặp, trao đổi với bị cáo, nhưng thực tế các văn bản hướng dẫn lại đang gây khó khăn cho Luật sư trong việc gặp mặt bị cáo. Cụ thể, căn cứ Điều 13, khoản 1, 2, 3, 5 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Ban giám thị Trại tạm giam ban hành Quyết định cho làm việc với Luật sư. Do đó, trong trường hợp cần thiết, mặc dù pháp luật quy định Thông báo đăng ký bào chữa có giá trị qua tất cả các giai đoạn tố tụng, nhưng nếu gặp khó khăn, Luật sư có thể đề nghị TAND có thẩm quyền cấp lại thông báo đăng ký người bào chữa để vào Trại tạm giam gặp bị cáo được thuận lợi.

Như trên đã nêu, ra các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế khối lượng hồ sơ đặc biệt lớn, tiến trình tố tụng kéo dài, VKS hoặc Tòa án thường trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, nên Luật sư cần tiếp cận và sao chụp bổ sung hồ sơ trong giai đoạn vụ án đã được chuyển sang Tòa án để nắm bắt kịp thời. Mặt khác, thông qua việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong giai đoạn trả hồ sơ điều tra bổ sung, Luật sư có thể hình dung được quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá về bản chất vụ án, hành vi của bị cáo, hình dung được những vấn đề mấu chốt nhằm hình thành quan điểm bào chữa.

Theo quy định tại Điều 252 BLTTHS năm 2015, có một trình tự mới là Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động: (1) Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; (2) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án; (3) Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; (4) Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án; (5) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của BLTTHS năm 2015; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản; (6) Trường hợp Tòa án đã yêu cầu VKS bổ sung chứng cứ nhưng VKS không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.

Điều 253 BLHS năm 2015 cũng quy định về việc tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án. Theo đó, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tiếp nhận và có thể hỏi người đã cung cấp về những vấn đề có liên quan đến chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó. Việc tiếp nhận được lập biên bản. Ngay sau khi nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thi Tòa án phải chuyển cho VKS cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật, VKS phải xem xét và chuyển lại cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý hình sự

Kỹ năng xây dựng kế hoạch thẩm vấn, dự thảo quan điểm bào chữa của Luật sư trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Một là, về kỹ năng xây dựng kế hoạch thẩm vấn của Luật sư.

Khác với các hành vi khác bị coi là tội phạm được quy định trong BLHS, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế rất phức tạp về đánh giá chứng cứ và khác biệt trong quan điểm buộc tội và gỡ tội. Xuyên suốt quá trình điều tra và truy tố, Luật sư là người được tham dự các buổi hỏi cung, tham gia một số hoạt động điều tra khác, tiếp cận sao chụp và nghiên cứu hồ sơ vụ án, nên về cơ bản đã hình dung được những căn cứ chính yếu, các dấu hiệu cấu thành tội phạm mà bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, bản thân bị cáo bị tạm giam, không có điều kiện biết được lời khai của những người khác, các kết quả xác minh, thu thập chứng cứ của CQĐT, kết quả giám định tư pháp và định giá tài sản..., đồng thời rất lo lắng không biết các tình huống phát sinh tại phiên tòa như thế nào. Đặc biệt, thực tiễn xét xử cho thấy, giữa câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS với câu hỏi của Luật sư trong phần xét hỏi thường có sự khác biệt, nhiều trường hợp HĐXX chỉ hỏi theo mệnh đề “có - không”, bị cáo không có điều kiện trình bày và làm rõ thêm nội dung quy buộc. Do đó, việc Luật sư chủ động xây dựng kế hoạch hay phương án thẩm vấn của mình và trao đổi thống nhất với bị cáo có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực trong việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo.

Để xây dựng kế hoạch thẩm vấn, trước hết Luật sư cần nhận thức các quy định trong BLTTHS về tranh tụng tại phiên tòa, trong đó có trình tự xét hỏi (Điều 307), cách thức đặt câu hỏi và hình dung các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa. Căn cứ theo bản Cáo trạng và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngoài bị cáo, các đương sự, nhân chứng trong vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được triệu tập thường rất nhiều, còn có các nhân chứng, đại diện cơ quan giám định, định giá, Điều tra viên, Kiểm sát viên, nên Luật sư cần xác định nội dung, trình tự xét hỏi sau khi HĐXX, đại diện VKS đã hỏi. Kế hoạch thẩm vấn phải bao gồm mục tiêu, nội dung và đạt được những tiêu chí như sau:

Về mục tiêu, kế hoạch thẩm vấn của Luật sư cần hướng đến việc làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, bám sát các nội dung quy buộc trong Cáo trạng và dự kiến quan điểm bào chữa theo hướng không phạm tội hoặc giảm nhẹ TNHS. Việc thẩm vấn của Luật sư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, nhưng không làm xấu đi tình trạng của bị cáo, đương sự khác trong vụ án; đồng thời chú ý sàng lọc để không trùng lặp với các câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS và các đồng nghiệp khác.

(1) Về phạm vi thẩm vấn, Luật sư cần nhận diện và phân loại những người cần hỏi. Điều này có nghĩa là Luật sư cần hình dung phạm vi, diện chủ thể cần hỏi và dành phần hỏi cuối cùng đối với bị cáo mà mình nhận trách nhiệm bào chữa.

(2) Về cách thức đặt câu hỏi, khác với cách đặt câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS, Luật sư cần xây dựng các câu hỏi mang tính gợi mở nhưng không mớm cung, dụ cung; cấu trúc câu hỏi cần ngắn gọn, đúng trọng tâm để người được hỏi hiểu rõ và trả lời. Đối với loại câu hỏi nhằm làm rõ một tình tiết, sự kiện đã xảy ra mà người được hỏi đã khai, cần chú thích cuối câu hỏi để khi cần thiết thì trích lại số bút lục, ngày tháng đã khai... Khi dự thảo bảng câu hỏi, có thể để trống khoảng 1/3 bên lề trái để ghi chép nội dung trả lời, các chú thích cần lưu ý.

Để thống nhất phương án thẩm vấn, Luật sư cần vào Trại tạm giam làm việc với bị cáo, rà soát từng phạm vi và nội dung thẩm vấn, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa, cần hiểu tâm lý của nhiều bị cáo lần đầu tiên ra Tòa thường lúng túng, lo sợ, bị nhiều áp lực căng thẳng, nên những cuộc trao đổi như thế này giúp cho bị cáo rất nhiều trong việc ứng xử bình tĩnh trước Tòa, nắm bắt được nội dung cần trình bày.

Hai là, kỹ năng chuẩn bị quan điểm bào chữa của Luật sư

Quan điểm bào chữa (hay còn gọi là bài bào chữa, luận cứ bào chữa, lý đoán, ý kiến pháp lý...) của Luật sư là sản phẩm quan trọng bậc nhất trong hoạt động tranh tụng của Luật sư, là cốt lõi, xương sống thể hiện “nội dung” và tài hùng biện của Luật sư. Đối với các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, khi sự chú ý của dư luận xã hội, báo chí rất lớn, sự chuẩn bị chu đáo quan điểm pháp lý bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo lại càng phải được tiến hành một cách chu đáo, bài bản. Mặt khác, đó còn là sự đánh giá mức độ tận tâm của Luật sư trong hoạt động nghề nghiệp, là sự trông đợi của bị cáo đối với Luật sư. Trong thực tiễn, hiện chưa có một khuôn mẫu cho một bài phát biểu bào chữa của Luật sư tại phiên tòa, cũng như chưa có một hình thức bản án mẫu.

Tuy nhiên, theo một số luật sư có thâm niên trong hoạt động tranh tụng, cần phân biệt hai loại văn bản của Luật sư như sau: Loại văn bản thứ nhất mang tính chất là kiến nghị của Luật sư trong các giai đoạn tố tụng, phân tích các cơ sở pháp lý của việc khởi tố, truy tố, các văn bản liên quan tố tụng như yêu cầu điều tra bổ sung, đề nghị trưng cầu giám định, yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng... Loại văn bản thứ hai là sự kết hợp của các nội dung kiến nghị trước phiên tòa với những vấn đề cập nhật, kết quả nghiên cứu hồ sơ. Dù là loại văn bản phát hành vào giai đoạn nào của tiến trình tố tụng, cơ cấu của văn bản thể hiện quan điểm pháp lý của Luật sư có thể được trình bày theo các đề mục sau đây:

(3) Giới thiệu về tư cách người bào chữa (theo yêu cầu của bị cáo hay chỉ định), giới thiệu về Luật sư và Văn phòng Luật sư..

(4) Tóm tắt nội dung quy buộc của kết luận điều tra, cáo trạng (chỉ nêu tóm tắt về hành vi, các căn cứ pháp lý và kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng);

(5) Bối cảnh, nguyên nhân xảy ra vụ án, các yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến môi trường hoạt động hoặc tới trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp...;

(6) Đánh giá chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án, bao gồm các chứng cứ buộc tội và gỡ tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ; đối chiếu với yếu tố cấu thành tội phạm;

(7) Nhân thân của bị cáo (trong trường hợp xem xét giảm nhẹ TNHS), các thành tích bản thân bị cáo và gia đình trong các thời kỳ chiến tranh và hoạt động công tác, việc khắc phục hậu quả vụ án;

(8) Kiến nghị của Luật sư, bao gồm các căn cứ pháp lý nhằm kiến nghị xem xét lại về tội danh, hình phạt, trách nhiệm dân sự...

Để có sự thống nhất cao về quan điểm pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, Luật sư cần vào trại tạm giam (nếu bị cáo bị tạm giam) trao đổi những nội dung chủ yếu trong dự thảo quan điểm bào chữa, hướng dẫn những công việc cần chuẩn bị tại phiên tòa, dự kiến những tình huống thẩm vấn và trình bày lời bào chữa bổ sung, lời nói cuối cùng tại phiên tòa. Điều này hết sức quan trọng đối với các bị cáo trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, vì trong một số trường hợp, họ là những người có chức vụ, quyền hạn, lời trình bày cuối cùng của họ trước Tòa phải làm sao mang tính thuyết phục, được cảm thông từ phía HĐXX và dư luận xã hội.

Trong quá trình chuẩn bị quan điểm bào chữa, có Luật sư quan niệm chỉ cần phát biểu trực tiếp bằng miệng tại phiên tòa, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều Luật sư, trong điều kiện trình độ các Thư ký và phương tiện làm việc của Tòa án còn hạn chế, chắc chắn quan điểm pháp lý của Luật sư không được ghi chép một cách đầy đủ trong biên bản phiên tòa. Vì thế, việc thể hiện quan điểm pháp lý của Luật sư bằng văn bản viết nộp trước hoặc ngay sau khi phát biểu bào chữa tại phiên tòa, yêu cầu Thư ký lưu hồ sơ vụ án là một cách làm thể hiện sự cẩn trọng, có trách nhiệm, dễ dàng cho việc xem xét của Tòa án.

Ba là, dự thảo, trao đổi về lời nói cuối cùng của bị cáo:

Theo trình tự xét hỏi và tranh tụng, trước khi HĐXX bước vào phần nghị án, bị cáo được nói lời cuối cùng. Có nhiều Luật sư chưa quan tâm đến việc trao đổi, chuẩn bị trước nội dung lời nói cuối cùng của bị cáo, nên chưa thấy hết được những giá trị của lời phát biểu của bị cáo trước khi HĐXX nghị án. Ngoài sự quan tâm của HĐXX, thông qua lời nói cuối cùng, những người tham dự phiên tòa, dư luận báo chí cũng hiểu thêm những điều mà bị cáo muốn gửi gắm khi nói lời nói cuối cùng, cần chú ý trong dự thảo hay trao đổi về nội dung này, bị cáo không lặp lại những ý kiến của Luật sư hay của mình đã trình bày trước Tòa, mà nêu lên những suy nghĩ, tâm trạng chân thành nhất của mình, mong muốn Hội đồng xem xét những vấn đề gì và nêu nguyện vọng. Lời nói cuối cùng phải thể hiện được những năm tháng dằn vặt, suy nghĩ trong Trại tạm giam, đối diện với bản án tuyên phạt của Tòa án, danh dự, uy tín bị tổn thương, gia đình mất mát tình cảm; bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét thấu đáo bản chất sự thật khách quan của vụ án để tuyên mình không phạm tội hoặc thể hiện sự ăn năn, hối cải trước hành vi sai phạm của mình. Trong một số trường hợp, Luật sư có thể chuẩn bị trước những nội dung cần trình bày, nhưng cũng có thể nêu ra những gợi ý cơ bản, để bị cáo suy nghĩ, chuẩn bị những điều cần trình bày sao cho thuyết phục và thành tâm nhất.

Bốn là, trao đổi, hướng dẫn cho bị cáo những tình huống, diễn biến tại phiên tòa, biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình để có ứng xử phù hợp:

Nếu kỹ lưỡng hơn, Luật sư có thể xây dựng bảng tổng hợp chung về một số vấn đề về tố tụng và tình huống tại phiên tòa cho bị cáo. Trong đó bao gồm một số nội dung cần lưu ý về thủ tục tố tụng tại phiên tòa, dự kiến những công việc cần chuẩn bị khi ra Tòa (mang theo giấy triệu tập, căn cước công dân nếu tại ngoại), lưu ý cho bị cáo về vị trí ngồi các bị cáo do Thư ký Tòa án hướng dẫn, dặn dò bị cáo chỉ nên trao đổi mang tính xã giao, chào hỏi với một số bị cáo hay những người tham dự phiên tòa khi cần thiết (trừ với Luật sư bào chữa), cần lưu ý hướng dẫn phần Chủ tọa phiên tòa giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo, trong đó có quyền thay đổi các thành viên HĐXX, đại diện VKS, Thư ký Tòa án, xác nhận việc nhờ Luật sư bào chữa. Luật sư cũng cần trao đổi, chuẩn bị cho bị cáo về trình tự diễn ra phiên tòa, trong đó sau phần thủ tục, trước khi bước vào phần xét hỏi, đại diện VKS sẽ công bố bản cáo trạng; đồng thời sẽ hỏi ngay bị cáo có ý kiến như thế nào về nội dung bản cáo trạng và tội danh VKS đã truy tố. Đây là một chi tiết cần hết sức chú ý, vì bị cáo phải trả lời ngắn gọn câu hỏi này, có thừa nhận hay không thừa nhận tội danh mà VKS truy tố. Trong trường hợp bị cáo không đồng ý với tội danh, có thể hướng dẫn bị cáo cách trả lời: “về cáo trạng của VKS, tôi xin đề nghị HĐXX xem xét lại về tội danh và đường lối xử lý đối với tôi...”. Luật sư cũng cần chuẩn bị trước cho bị cáo về cách thức đặt câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS, các Luật sư khác, trình tự xét hỏi, tranh tụng, đối đáp.

Trong trường hợp cần thiết, Luật sư cần kiến nghị Tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Nhìn ở góc độ Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo hay người bị hại, đương sự, việc nhận diện và xác định các chứng cứ quan trọng đối với vụ án (bao gồm cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội) có ý nghĩa rất lớn, vì nếu thiếu các chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Đó là các chứng cứ chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không; Thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; Hành vi bị coi là phạm tội có lỗi hay không có lỗi; Các tình tiết chứng minh năng lực TNHS, mục đích, động cơ phạm tội; các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị can, bị cáo; Những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo là chứng cứ xác định lý lịch tư pháp của bị can, bị cáo; cũng như tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Đương nhiên, Luật sư cũng có quyền có ý kiến đề nghị Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy có thể xét xử bị cáo về một hay nhiều tội tương ứng bằng hay nhẹ hơn hoặc có thể xét xử bị can (bị cáo) ít tội hơn số tội mà VKS truy tố; Hoặc đã có căn cứ quyết định tách vụ án hoặc chưa có quyết định tách vụ án của CQĐT...

Điều quan trọng mà Luật sư cần quan tâm chính là xem xét các hành vi tố tụng của các cơ quan và người tiến hành tố tụng có phù hợp với các quy định của BLTTHS hay không? Điểm d khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 quy định Thẩm phán có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có căn cứ xác định việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, về vấn đề này, Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 đã liệt kê 16 trường hợp bị coi là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, mà trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

Luật sư cũng có thể nêu hành vi bị coi là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng đã xâm phạm đến quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người bào chữa, cũng như cản trở, xâm phạm đến các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Trong đó, phải kể đến hành vi không yêu cầu cử người bào chữa cho bị can, bị cáo trong trường hợp bắt buộc phải chỉ định người bào chữa; cản trở, đưa ra những yêu cầu vô lý để từ chối đăng ký bào chữa; không tạo điều kiện cho thân nhân và người bào chữa được gặp mặt người bị buộc tội khi họ từ chối người bào chữa. Đó còn là các hành vi không giao các lệnh, quyết định tố tụng cho bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật xâm phạm đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo; xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bên cạnh đó, cũng phải đưa vào diện vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng khi có căn cứ để xác định có việc mớm cung, bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật; các khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ.

3- Chuẩn bị tâm thế của Luật sư và trau dồi kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Thứ nhất, nhận thức đúng đắn và đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Luật sư tại phiên tòa

Thứ hai, kỹ năng của Luật sư trong phần thủ tục phiên toà xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Thứ ba, kỹ năng xét hỏi, xem xét vật chứng và một số hoạt động khác của Luật sư tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Thứ tư, kỹ năng phát biểu ý kiến bào chữa và đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Thứ năm, Luật sư cần chú trọng xây dựng văn hóa pháp đình trong thực hiện bào chữa các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

II- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ SAU PHIÊN TÒA

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, HĐXX đã nghị án và tuyên án, với trách nhiệm và sự tận tâm của mình, Luật sư cần quan tâm một số kỹ năng sau đây để tiếp tục hỗ trợ, giúp cho khách hàng của mình:

Thứ nhất, cần kiểm tra, ghi ý kiến sửa chữa, bổ sung nội dung biên bản phiên tòa

Thực tiễn xét xử những năm qua cho thấy, do chưa có điều kiện tất cả các phiên tòa hình sự đều có ghi âm, ghi hình để lưu giữ, nên phần lớn các biên bản phiên tòa được lập mà không có cơ chế kiểm tra, giám sát và đối chiếu xác nhận độ trung thực và chính xác, được bị cáo, Luật sư ký tên xác nhận. Thậm chí, họ cũng không được sao chụp ngay sau khi phiên tòa kết thúc vì lý do Thư ký Tòa án chưa hoàn thiện và Thẩm phán chưa kiểm tra kỹ lại biên bản phiên tòa. Do đó, theo Điều 258 BLTTHS năm 2015, sau khi Chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, Luật sư, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng Chủ tọa phiên tòa ký xác nhận; nếu Chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa. Do sau khi kết thúc phiên tòa, mọi người rời khỏi phòng xử, nên Luật sư cần đăng ký với Thư ký Tòa án thời gian quay trở lại xin rà soát nội dung Biên bản phiên tòa, cần thiết đề nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Thứ hai, Luật sư có thể hỗ trợ bị cáo có yêu cầu kháng cảo bán án sơ thẩm hoặc tiếp tục yêu cầu khiếu nại bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm.

Hiện nay, trong pháp luật tố tụng vẫn còn “khoảng trống” từ sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc để khi hồ sơ vụ án được chuyển lên Tòa án cấp phúc thẩm, hoặc sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, thông thường việc hỗ trợ pháp lý của Luật sư đối với bị cáo có yêu cầu kháng cáo hoặc khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm bị hạn chế. Chẳng hạn, khi bị cáo có nhu cầu nhờ Luật sư hướng dẫn làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày thì việc tiếp xúc của Luật sư với bị cáo đang bị tạm giam như thế nào? Về pháp lý thì hiệu lực của Thông báo đăng ký bào chữa xuyên suốt các giai đoạn tố tụng, có Trại tạm giam tạo điều kiện cho Luật sư vào gặp bị cáo, có nơi không. Thực tế, ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử, Luật sư đã phải trao đổi về các tình huống khác nhau để chuẩn bị tinh thần và dự kiến các vấn đề cần kháng cáo nếu bản án đã tuyên không đúng hoặc quá nặng. Mặt khác, đơn kháng cáo phải do chính tay bị cáo viết, có xác nhận của Giám thị Trại tạm giam, nên Luật sư cũng không thể đánh máy sẵn mang vào cho bị cáo ký được. Do đó, việc chuẩn bị cho bị cáo những ý tưởng chính, thậm chí chỉ cần viết ngắn gọn là “kháng cáo xin xem xét lại tội danh và hình phạt” của bản án sơ thẩm đã tuyên cho phù hợp thời hạn kháng cáo, còn sau này, khi hồ sơ đã chuyển lên Tòa phúc thẩm, Luật sư có thể hướng dẫn bị cáo viết đơn kháng cáo bổ sung để trình bày chi tiết yêu cầu kháng cáo.

Riêng đối với việc khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Luật sư có thể chủ động thay mặt cho bị cáo hoặc gia đình nếu đồng ý, viết kiến nghị dựa trên nhận thức và nội dung hồ sơ vụ án mà Luật sư được tiếp cận. Từ đó, Luật sư chủ động theo dõi tiến trình khiếu nại, nếu cần thiết có thể đề nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo khoản 2 Điều 383 hoặc Điều 403 BLTTHS năm 2015.

Nguồn tổng hợp từ Giáo trình "Kỹ năng Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự" của Học viện Tư pháp và các nguồn khác.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư tại phiên tòa các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.36584 sec| 1196.289 kb