Kỹ năng của Luật sư tham gia thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự

"Công lý ngọt ngào và du dương, nhưng bất công thì cay nghiệt và chói tai."

- Henry David Thorea



 

Kỹ năng của Luật sư tham gia thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong những trường hợp đặc biệt khi bị kháng nghị giám đốc thẩm. Vì vậy, nếu đương sự có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm, thì đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, chỉ có những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới có quyền kháng nghị giám đốc thẩm vụ việc dân sự trên cơ sở có đơn yêu cầu xem xét kháng nghị của các chủ thể được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định (trong đó có đương sự) khi thỏa mãn những căn cứ kháng nghị theo Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Liên hệ

I- Xác định căn cứ, điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm

1- Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Thủ tục giám đốc thẩm thực chất là một thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có sai lầm của Tòa án khi nhận định về những tình tiết, sự kiện của vụ án hoặc có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Vì thế, để kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, Luật sư phải căn cứ quy định tại Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để xem xét có cơ sở kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay không, cụ thể là các căn cứ sau:

Thứ nhất, “kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự”. Khi xem xét, đánh giá căn cứ này, Luật sư phải làm rõ ba yếu tố thỏa mãn. (1) Kết luận trong bản án quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; (2) việc kết luận không phù hợp với các tình tiết khách quan đó phải gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và (3) là người có đơn đề nghị theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 phải là người có quyền, lợi ích bị thiệt hại mà không phải bất kỳ đương sự trong vụ việc dân sự đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (dựa vào kết luận trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, có đương sự có quyền, lợi ích bị thiệt hại nhưng có đương sự có quyền, lợi ích không bị thiệt hại, thậm chí có lợi hơn dựa trên kết luận đó của Tòa án). Yếu tố (1) là điều kiện cần và yếu tố (2), (3) là điều kiện đủ khi xem xét căn cứ này. Tình tiết khách quan của vụ án là những tình tiết tồn tại ngoài ý muốn chủ quan của con người có liên quan đến vụ án mà Tòa án đã giải quyết. Để đánh giá nhận thức đúng đắn về các tình tiết vụ án, Tòa án phải có quan điểm toàn diện và khách quan. Mỗi tình tiết phải được Tòa án xem xét thận trọng, đánh giá đầy đủ các mặt, mối liên hệ nội tại trong bản thân tình tiết, cũng như trong mối quan hệ biện chứng với các tình tiết khác của vụ án.

Đương sự trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đương sự trong thủ tục giải quyết việc dân sự là người yêu cầu và người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự. Quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị thiệt hại nghĩa là lợi ích vật chất cũng như tinh thần của đương sự bị xấu đi. khác với quyền và lợi ích của đương sự bị thay đổi (có thể xấu đi hoặc tốt lên). Luật sư phải xác định chỉ khi nào quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị xấu đi thì mới có căn cứ xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Điều này liên quan mật thiết đến việc Luật sư xác định đúng tên, địa chỉ của người đề nghị trong đơn đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm theo Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Thứ hai, "có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Để xác định được căn cứ kháng nghị thủ tục giám đốc thấm này, Luật sư phải hiểu được thế nào là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Thủ tục tố tụng ở đây có thể hiểu là trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự sơ thẩm, phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Vi phạm thủ tục tố tụng có thể là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự, vi phạm về thẩm quyền thụ lý cấp sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án, vi phạm quy định về thành phần Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm, phúc thẩm, xác định sai tư cách hoặc bỏ sót đương sự ở cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đều là căn cứ để xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm. Chỉ có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khiến cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Để xác định đương sự không thực hiện được quyền và nghĩa vụ tố tụng bắt buộc, Luật sư phải đối chiếu, so sánh giữa quy định pháp luật ghi nhận quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự và người yêu cầu, người có liên quan trong việc dân sự và hoạt động thực hiện quyền đương sự trên thực tế. Kết luận của việc đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng thì Luật sư có thể dựa vào căn cứ: (i) Thẩm phán có thẩm quyền bỏ sót người tham gia tố tụng (theo tình tiết vụ án thi có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng Tòa án chỉ xác định một người) hoặc (ii) Thẩm phán giải quyết vụ việc xác định đưa đầy đủ số lượng đương sự nhưng xác định sai tư cách đương sự (đáng nhẽ đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lại xác định là bị đơn) hoặc (iii) đưa đầy đủ số lượng đương sự nhưng không cho đương sự thực hiện các quvền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (không cho đương sự bổ sung chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm dù chứng cứ đó là tình tiết, sự kiện mới phát sinh),...

Thứ ba, “có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đưomg sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba''. Với căn cứ này, Luật sư phải xác định được: (1) có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật là sai lầm của Tòa án áp dụng sai các quy định về pháp luật nội dung như quy định pháp luật vê dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động khi đưa ra phán quyết về quyền và nghĩa vụ của các bên; (2) ra bản án, quyết định không đúng có thể được thể hiện ở những nội dung như: không xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, quyền và nghĩa vụ các bên trong án..., (3) hậu quả của việc ra bản án, quyết định không đúng đã dẫn đến quvền và lợi ích của đương sự không được đảm bảo, bị thiệt hại, giảm sút. (4) xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước là làm ảnh hưởng, làm xấu đi hiện trạng tài sản, giá trị tinh thần cùa Nhà nước như: tài sản thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước chịu trách nhiệm quan lý,

2- Thời hạn xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ giám đốc thẩm

Thời hạn xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định dựa trên tính chất pháp lý của mỗi thủ tục tố tụng trên cơ sở hài hòa giữa việc đảm bảo tính ổn định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không vi phạm quyền được tiếp cận công lý tới cùng của đương sự và các chủ thể khác. Theo quy định tại khoản 1 Điều 334 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người có thẩm quyền kháng nghị có thời hạn là 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, Luật sư cũng cần phải lưu ý những trường hợp kéo dài thời hạn kháng nghị thêm hai năm kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị “cứng” được quy định tại khoản 1 Điều 334 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, để áp dụng được kéo dài thời hạn kháng nghị như thế này thì Luật sư phải xác định được việc kháng nghị phải thỏa mãn các điều kiện sau:

- Điều kiện đương sự đã có đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và sau khi hết thời hạn kháng nghị (ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật) đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Điều kiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật dẫn đến kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.

3- Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm

Chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo quy định này, Luật sư sẽ xác định được thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đó là:

(i) Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao, các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khác nhưng phải trong trường hợp xét thấy cần thiết (trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC).

(ii) Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

II- Nghiên cứu hồ sơ xác định căn cứ yêu cầu đề nghị giám đốc thẩm

Sau khi nắm được các kiến thức pháp luật về xác định các căn cứ và điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm, Luật sư sẽ phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật giải quyết vụ việc ấy để xác định được có căn cứ để đề nghị chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm.

Hồ sơ nghiên cứu sẽ bao gồm: hồ sơ sơ thẩm và hồ sơ phúc thẩm, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (cấp sơ thẩm, phúc thẩm), giấy tờ, tài liệu khác (nếu có).

1- Mục đích nghiên cứu hồ sơ

Luật sư phải xác định được có căn cứ hợp pháp để đề nghị chủ thể có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

 2- Nội dung nghiên cứu hồ sơ

Các nội dung Luật sư cần làm rõ khi nghiên cứu hồ sơ:

- Đánh giá toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm thu thập, cụ thể: (i) Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có xác định đúng quan hệ pháp luật đang tranh chấp hay không. Thực tế xét xử Toà án vẫn có những trường hợp xác định không đúng quan hệ pháp luật đang tranh chấp; (ii) Việc xét xử của Toà án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không như xét xử không đúng thẩm quyền; xét xử vắng mặt các đương sự mà không chứng minh được đã tống đạt giấy báo cho những chủ thể này hợp lệ hoặc đã làm đầy đủ các thủ tục như niêm yết công khai tại nơi cư trú của các đương sự; không hoà giải được do bị đơn cố tình vắng mặt, hồ sơ đã làm đầy đủ các thủ tục để ghi nhận việc không tiến hành hoà giải hay không,...; (iii) Hồ sơ mà bản án, quyết định đã có hiệu lực có khả năng bị kháng nghị đã thu thập đầy đủ chứng cứ chưa? Việc đánh giá chứng cứ trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có khách quan hay không.

- Những vấn đề liên quan đến bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật như: quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật có khả năng bị kháng nghị có hợp tình, hợp lý, phù hợp với thực tế không, phán quyết đưa ra có phù hợp với đánh giá chứng cứ hay không? Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp Tòa án các cấp áp dụng pháp luật đúng để xét xử nhưng phần quyết định lại không phù hợp với thực tế.

- Chỉ ra những thiệt hại mà đương sự phải chịu do việc vi phạm pháp luật của Tòa án trong hoạt động giải quyết vụ việc dân sự thông qua việc ban hành bản án, quyết định bị yêu cầu kháng nghị.

- Luật sư phải tìm ra được căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm trên cơ sở đối chiếu các quy định tại Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến quá trình giải quyết vụ án, nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và chỉ ra được: (i) có sự mâu thuẫn, không tương thích giữa kết luận trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và sự thực khách quan (là toàn bộ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án) hoặc (ii) có sự vi phạm nghiêm trọng thú tục tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng khi không cho đương sự thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng và gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: hoặc (iii) có sai lầm trong việc áp dụng luật gây thiệt hại cho đương sự và các chủ thể khác được pháp luật tố tụng bảo vệ .

3- Phương pháp nghiên cứu hồ sơ

Trước hết Luật sư nghiên cứu bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Sau đó đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong hồ sơ để đánh giá bản án, quyết định đúng hay sai. Từ việc so sánh đó, Luật sư đối chiếu các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm để kết luận việc giải quyết vụ việc dân sự đó của Tòa án có thuộc các trường hợp kháng nghị không? Nếu có thì Luật sư sẽ tư vấn cho khách hàng soạn thảo đơn yêu cầu gửi chủ thể có thẩm quyền xem xét ra quyết định kháng nghị. Nếu không có căn cứ thì Luật sư sẽ tư vấn cho khách hàng từ bỏ yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự

III- Soạn thảo đơn đề nghị kháng nghị và chuẩn bị hồ sơ đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm

1- Kỹ năng soạn thảo đơn đề nghị kháng nghị

Mặc dù đã xác định được các điều kiện liên quan đến việc kháng nghị giám đốc thẩm, Luật sư cần giải thích cho khách hàng: đương sự không có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mà chỉ những người có thẩm quyền mới có quyền kháng nghị trên cơ sở có đơn yêu cầu kháng nghị của đương sự. Khoản 1 Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định “đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị... để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Trường hợp đương sự không tự viết đơn đề nghị kháng nghị thì Luật sư có thể giúp đương sự soạn thảo đơn. Để làm tốt kỹ năng này, Luật sư phải xác định được thẩm quyền nhận đơn của Tòa án, Viện kiểm sát và tính hợp lệ của đơn đề nghị. Để xác định đúng Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền nhận đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, Luật sư phải căn cứ Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên Luật sư cũng lưu ý trường hợp nộp đơn đề nghị tại Tòa án, Viện kiểm sát không đúng thẩm quyền thì đơn đề nghị sẽ được Tòa án, Viện kiểm sát xử lý như sau: (1) Nếu đương sự nộp trực tiếp đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo tại Tòa án, Viện kiểm sát không có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn, thì Tòa án, Viện kiểm sát giải thích cho đương sự nộp đơn đến người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự nãm 2015. Nếu đương sự vẫn đề nghị được nộp tại Tòa án, Viện kiêm sát không có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn thì Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn, xác nhận ngày nhận đơn vào đơn đề nghị và chuyển đơn đến Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn và thông báo cho đương sự biết. Ngày đề nghị kháng nghị là ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị; (2) Nếu đương sự gửi đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo theo đường bưu chính đến Tòa án, Viện kiểm sát không có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn, thì Tòa án, Viện kiểm sát nhận được đơn phải xác nhận ngày nhận đơn vào đơn đề nghị và chuyển đến Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn và thông báo cho đương sự biết. Ngày đề nghị kháng nghị là ngày theo dấu bưu điện nơi gửi.

Luật sư cũng phải xác định tính hợp lệ của đơn đề nghị được thể hiện ở việc đơn đề nghị có được gửi trong thời hạn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép người yêu cầu được quyền gửi đơn đề nghị và đơn đề nghị có đáp ứng đủ nội dung, hình thức theo quy định của pháp luật tố tụng để có những hoạt động phù hợp. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm được quy định ba năm, nhưng khoản 1 Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại quy định: “Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiện lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Theo quy định này, đương sự chỉ có thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để đưa ra yêu cầu kháng nghị. Do đó, để xác định đúng căn cứ và điều kiện giúp đương sự kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm, Luật sư đồng thời phải xác định được các điều kiện sau: (1) Yêu cầu được đưa ra trong thời hạn là 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; (2) Phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó phù hợp với Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Ngoài ra, đơn đề nghị kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm phải có các nội dung chính quy định tại Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đó là các nội dung: Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị; Tên, địa chỉ của người đề nghị; Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị.

2- Chuẩn bị hồ sơ đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm

Khoản 2 Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp". Như vậy, chỉ với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì mới là tài liệu bắt buộc phải có gửi kèm theo khi đương sự gửi đơn yêu cầu kháng nghị cho cơ quan có thẩm quyền. Đối với tài liệu, chứng cứ khác, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định đây là quyền của đương sự. Đương sự có thể nộp kèm theo đơn hoặc không nộp kèm theo đơn. Việc nộp hay không nộp các chứng cứ này sẽ không phải là căn cứ để VKSND hoặc TAND yêu cầu đương sự bổ sung hoặc trả lại đơn trong các trường hợp. Trên cơ sở quy định pháp luật này, Luật sư sẽ giúp đương sự chuẩn bị tài liệu phù hợp để gửi kèm đơn kháng nghị và có căn cứ để khiếu nại TAND, VKSND khi những cơ quan này trả lại đơn yêu cầu với lý do đương sự không bổ sung tài liệu khác vì đương sự không có nghĩa vụ cung cấp những tài liệu này.

Luật sư cũng có thể tư vấn cho đương sự có quyền được cung cấp cho Viện trưởng VKSNDTC hay Viện trưởng VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm những tài liệu, chứng cứ chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Căn cứ vào quy định này của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật sư có thể giúp đương sự chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ phù hợp.

IV- Nộp đơn và chứng cứ (nếu có đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm và thực hiện các công việc sau khi nộp đơn)

1- Gửi đơn và hồ sơ đề nghị kháng nghị

Luật sư có thể giúp đương sự gửi đơn yêu cầu kháng nghị và các chứng cứ cần thiết cho chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Khi gửi đơn, Luật sư phải xác định được Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Luật sư có thể gửi đơn giúp đương sự bằng các cách sau:

- Nộp đơn trực tiếp tại TANDTC hoặc VKSNDTC, TAND cấp cao hoặc VKSND cấp cao:

- Nộp đơn qua đường dịch vụ bưu chính:

- Gửi trực tuyến đơn bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

Khi nộp đơn (cả ba cách trên) thì việc giao nhận chứng cứ được thực hiện theo Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và những quy định tương ứng tại Điều 14 Nghị quyết số 04 2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Riêng trường hợp nộp đơn trực tiếp. Luật sư lưu ý phải được nhận biên bản giao nộp tài liệu từ cán bộ Tòa án nhận đơn. Trong biên bản phải có các nội dung: tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ số bàn, sổ trang của chứng cứ và thời gian nhận: chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án.

Sau khi nộp đơn và giấy tờ, tài liệu cần thiết, Luật sư cùng với đương sự chờ Tòa án, Viện kiểm sát thụ lý đơn yêu cầu.

2- Thực hiện các công việc sau khi nộp đơn đề nghị

Sau khi có đơn gửi đến, Tòa án và Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu đơn đề nghị và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để có một hoặc các quyết định sau: thụ lý đơn đề nghị kháng nghị; hoặc thông báo người gửi đơn đề nghị kháng nghị sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có); trả lại đơn đề nghị, tài liệu, chứng cứ kèm theo và chưa thụ lý đơn đề nghị. Dựa vào các quyết định tố tụng này của các chủ thể có thẩm quyền, Luật sư sẽ thực hiện các công việc sau:

- Trường hợp đơn đề nghị và giấy tờ, tài liệu phù hợp với quy định pháp luật, đương sự sẽ được cán bộ Tòa án nhận đơn tiến hành thu tục vào sổ nhận đơn và cấp giấy xác nhận đã nhận đơn. Với thủ tục vào sổ nhận đơn thì cán bộ Tòa án, Viện kiểm sát sẽ ghi hoặc đóng dấu nhận đơn ghi rõ ngày, tháng, năm nhận đơn đề nghị vào góc trên bên trái của đơn đề nghị. Trường hợp sửa chữa thì người tiếp nhận đơn đề nghị phải ký xác nhận và đóng dấu của Tòa án, Viện kiểm sát vào nội dung sửa chữa. Luật sư cũng lưu ý đến việc tính ngày Tòa án. Viện kiểm sát nhận đơn của khách hàng như sau: (1) Trường hợp Luật sư nộp trực tiếp đơn đề nghị của khách hàng tại Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền thì ngày đề nghị kháng nghị là ngày Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền nhận đơn đề nghị; (2) Trường hợp đơn đề nghi được Luật sư gửi đến Tòa án, Viện kiểm sát qua đường bưu chính, thì Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do nhân viên bưu chính chuyển đến và ngày theo dấu bưu điện nơi gửi. Phong bì có dấu bưu điện phải được đính kèm đơn đề nghị. Ngày đề nghị kháng nghị là ngày theo dấu bưu điện nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện nơi gửi, thì Tòa án, Viện kiểm sát phải xác định hai trường hợp: (i) Trường hợp ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được đơn do nhân viên bưu chính chuyển đến mà thời hạn yêu cầu kháng nghị là ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được đơn do nhân viên bưu chính chuyển đến; (ii) Trường hợp ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được đơn đề nghị do nhân viên bưu chính chuyển đến mà yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm đã hết thì Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu bưu điện và đương sự cung cấp ngày đương sự gửi đơn đề nghị tại bưu điện. Trường hợp xác định được ngày đương sự gửi đơn đề nghị tại bưu điện thì ngày đề nghị kháng nghị là ngày đương sự gửi đơn đề nghị tại bưu điện. Trường hợp không xác định được ngày đương sự gửi đơn đề nghị tại bưu điện, thì ngày đề nghị kháng nghị là ngày ghi trong đơn đề nghị.

Khi nhận Giấy xác nhận đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm (Giấy xác nhận đơn đề nghị) mà Tòa án, Viện kiểm sát gửi cho đương sự, Luật sư lưu ý những vấn đề sau: (1) Thời hạn cấp Giấy xác nhận là 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị; (2) Trường hợp trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, Luật sư  giúp đương sự gửi nhiều đơn đề nghị về cùng một bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, thì Tòa án, Viện kiểm sát chỉ cấp một Giấy xác nhận nhận đơn đề nghị trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực sau khi hết thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự tiếp tục có đơn đề nghị cho đương sự về việc họ tiếp tục có đơn đề nghị.

Sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ kèm theo( nếu có): Luật sư giúp đương sự thực hiện công việc này chỉ khi nhận được thông báo của Tòa án, Viện kiểm sát. Trong thông báo, Tòa án, Viện kiểm sát sẽ nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi bổ sung cho đương sự biết để họ thực hiện. Vì thế dựa vào những yêu cầu cụ thể này và căn cứ vào tính hợp lệ của đơn đề nghị ở mục 1.3 và những quy định về tài liệu, chứng cứ gửi kèm đơn đề nghị ở mục 1.4. Luật sư sẽ giúp đương sự sửa đơn và bổ sung những tài liệu, chứng cứ phù hợp. Trường hợp Luật sư giúp đương sự sửa đổi đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. Viện kiểm sát thì không làm thay đổi ngày kháng nghị lần đầu của đương sự. Ngoài ra Luật sư cũng phải nắm được quy định về thời hạn đương sự được quyền sửa đổi bổ sung đơn và tài liệu, chứng cứ là 01 tháng kể từ ngày đương sự nhận được thông báo.

Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát trả lại đơn đề nghị, tài liệu, chứng cứ kèm theo và không thụ lý đơn đề nghị. Để giúp khách hàng xử lý trường hợp không thụ lý đơn đề nghị. Luật sư phải nắm rõ những căn cứ pháp lý mà Tòa án, Viện kiểm sát được quyền trả lại đơn đề nghị, tài liệu, chứng cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, Toà án, Viện kiểm sát được trả lại đơn đề nghị giám đốc thẩm là khi hết thời hạn 01 tháng kể từ ngày người gửi đơn nhận được thông báo sửa đổi của Viện kiểm sát, Tòa án mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung. Để tính được khoảng thời gian này, Luật sư phải xác định được thời điểm nhận được thông báo yêu cầu sửa đơn và bổ sung chứng cứ, tài liệu. Nếu thông báo được giao trực tiếp cho đương sự thì ngày bắt đầu tính thời hạn là ngày tiếp theo mà đương sự nhận được đơn. Nếu thông báo được gửi qua đường bưu chính thì ngày nhận đơn là ngày đương sự ký nhận vào sổ theo dõi và lưu tại Tòa án, Viện kiểm sát đã nhận đơn đề nghị. Tuy nhiên, Luật sư cũng lưu ý đến trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát không được trả lại đơn khi đương sự gặp trở ngại khách quan không kịp sửa đổi, bổ sung đơn, tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 01 tháng theo quy định của pháp luật. Công việc của Luật sư trong trường hợp này là phải xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh được trở ngại khách quan mà khách hàng gặp phải. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình. Trở ngại khách quan có thể là thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu... tai nạn, ốm đau,...

Sau khi kiểm tra lý do trả lại đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, nếu xác định việc trả lại đơn của Tòa án, Viện kiểm sát không có căn cứ pháp lý (không thuộc những trường hợp nêu trên) thì Luật sư sẽ giúp khách hàng làm đơn khiếu nại. Khi nhận được văn bản khiếu nại của đương sự. Tòa án, Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

V- Kỹ năng tham gia phiên tòa giám đổc thẩm

1- Tư vấn, giải thích cho khách hàng những vấn đề cơ bản liên quan đến phiên tòa giám đốc thẩm

Thứ nhất, thành phần tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm: Thẩm phán là thành viên của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm (thông thường Chánh án TAND cấp cao sẽ chủ tọa phiên tòa của ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao và Chánh án TANDTC sẽ chủ tọa phiên tòa của Hội đồng Thẩm phán TANDTC): Viện kiểm sát; Thư ký phiên tòa; Thẩm tra viên hoặc chuyên viên Tòa án về đương Sự. người đại diện hợp pháp cho đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự (trong trường hợp Tòa án thấy cần thiết). Khi xem xét về thành phần tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Luật sư cần lưu ý đến những vấn đề sau: (i) về nguyên tắc trong giai đoạn giám đốc thẩm thì Thẩm phán cũng phải từ chối hoặc bị thay thế trong các trường hợp tương tự như giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trừ trường hợp thẩm phán đã là thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, ủy ban Thẩm phán TANDTC thì có thể tham gia xét xử nhiều lần cùng vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm: (ii) Sự tham gia của Viện kiểm sát trong phiên tòa giám đốc thẩm là bắt buộc. Trường hợp thiếu Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa giám đốc thẩm thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải ra quyết định hoãn phiên tòa: (iii) về sự tham gia của Thư ký phiên tòa, Thẩm tra viên hoặc Chuyên viên Tòa án trong phiên tòa giám đốc thẩm. Tuy pháp luật tố tụng dân sự không quy định cụ thể và bắt buộc phải có sự tham gia của Thư ký phiên tòa. Thẩm tra viên hoặc Chuyên viên, nhưng trên thực tế xét xử giám đốc thẩm, sự tham gia của họ là rất quan trọng và hết sức cần thiết. Thư ký ghi biên bản phiên tòa giám đốc thẩm có thể là Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên hoặc Chuyên viên của Tòa án để ghi lại toàn bộ diễn biến phiên tòa. Ngoài ra, Thẩm tra viên, Chuyên viên của Tòa án được phân công cùng với Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, xây dựng tờ trình giải quyết đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm không thế thiếu vì họ chính là người tham gia thuyết trình trước Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm về các nội dung của vụ án.

Thứ hai, phạm vi giám đốc thẩm tuân theo quy định tại Điều 342 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đèến việc xem xét nội dung kháng nghị. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị nếu phán quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án. Nắm được quy định này, trong trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xem xét những nội dung ngoài phạm vi kháng nghị của đương sự thì Luật sư và đương sự không được có ý kiến phản đối và khiếu nại.

Thứ ba, trình tự, thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm tuân theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Phiên tòa giám đốc thẩm khác biệt với phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm ở việc phiên tòa giám đốc thẩm được tiến hành chủ yếu dựa trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Tòa án chỉ triệu tập người tham gia tố tụng trong trường hợp cân thiết. Tuy nhiên, giám đốc thẩm đều là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nên thủ tục tiến hành phiên tòa giám đốc thẩm có những điểm tương đồng với phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Khi tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, Luật sư hiểu rõ được trình tự, thủ tục phiên tòa được tiến hành như sau:

Phiên tòa giám đốc thẩm không mở công khai. Nếu những người được triệu tập tham gia phiên tòa vắng mặt (dù có lý do hay không có lý do) thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vẫn tiến hành phiên tòa. Riêng Kiểm sát viên vắng mặt, không có người thay thế thì mới hoãn phiên tòa.

Sau khi chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì đại diện Viện kiểm sát trình bày nội dung kháng nghị.

Trong trường hợp có người tham gia tố tụng hoặc người khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa giám đốc thẩm thì những người này được trình bày ý kiến của mình về quyết định kháng nghị. Trường hợp vắng mặt nhưng có văn bản trình bày ý kiến thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm công bố ý kiến của họ. Khi những người được triệu tập tham gia phiên tòa trình bày xong ý kiến của mình, các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm hỏi xong thì đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị.

Các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án theo trình tự tán thành, không tán thành với kháng nghị và ý kiến khác. Quyết định giám đốc thẩm của ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao và Hội đồng Thẩn phán TANDTC phải được quá nửa tổng số thành viên của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao hoặc Hội đồng Thẩm phán TANDTC biểu quyết tán thành. Trong trường hợp không được quá nửa tổng số thành viên của ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao hoặc Hội đồng Thẩm phán TANDTC biểu quyết tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa, ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao, Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải tiến hành xét xử lại với sự tham gia của toàn thể thành viên.

Thứ tư, thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm tuân theo quy định tại Điều 343. 344, 345, 346, 347 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền sau đây: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Hủy bản án. quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án; Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2- Chuẩn bị tài liệu và trình bày tại phiên tòa giám đốc thẩm

Sau khi thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị sẽ đến phần trình bày của đương sự và các chủ thể khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa. Nội dung trình bày là ý kiến của đương sự (người đại diện hợp pháp), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Luật sư) về quyết định kháng nghị. Nếu thấy vấn đề nào chưa rõ thì hội đồng xét xử có thể hỏi thêm đương sự và Luật sư. Căn cứ vào những quy định pháp luật về vai trò tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Luật sư giúp đương sự chuẩn bị và thể hiện những nội dung sau:

- Nội dung liên quan đến căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.

- Chuẩn bị bản trình bày ý kiến phát biểu tại phiên họp giám đốc thẩm nếu đương sự và Luật sư không tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Bản trình bày ý kiến phát biểu tại phiên họp thông thường có các nội dung như: giới thiệu tư cách chủ thể tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, thông tin người đề nghị, thông tin vụ việc đã được giải quyết và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, phạm vi kháng nghị và lý do kháng nghị, các chứng cử, tài liệu chứng minh cho yêu cầu kháng nghị là có căn cứ và hợp pháp.

- Trình bày ý kiến liên quan đến quyết định kháng nghị và các nội dung khác được Hội đồng xét xử yêu cầu làm rõ.

Nguồn: Tổng hợp từ giáo trình kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự (HVTP - 2021)

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư tham gia thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.35696 sec| 1243.68 kb