Kỹ năng của Luật sư trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án về chức vụ

"Công lý mà tình yêu mang lại là sự đầu hàng, công lý mà luật pháp mang lại là sự trừng phạt"

- Mahatma Gandhi - 

Kỹ năng của Luật sư trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án về chức vụ

Tội phạm về chức vụ là tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ. Kỹ năng của Luật sư trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án về tội phạm chức vụ bao gồm: Đề nghị cấp văn bản thông báo người bào chữa trong vụ án về chức vụ và Kỹ năng tham gia một số hoạt động điều tra về tội phạm chức vụ.

Liên hệ

 

 

I- KHÁI QUÁT TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ

1- Khái niệm tội phạm về chức vụ

Tội phạm về chức vụ là tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ.

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

2- Cấu thành tội phạm của tội phạm về chức vụ

(i) Khách thể của tội phạm

Khách thể của các tội phạm về chức vụ là những quan hệ xã hội đảm bảo cho hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Các quan hệ xã hội này bị các tội phạm về chức vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo đó, đối tượng tác động của các tội phạm về chức vụ là hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

(ii) Chủ thể của tội phạm

Tội phạm về chức vụ là tội phạm có chủ thể là chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội này chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn do bổ nhiệm, do dân cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác. Đó là người được giao thực hiện công vụ nhất định và trong khi thực hiện công vụ đó họ có quyền hạn nhất định. Hành vi phạm tội của các tội phạm về chức vụ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc là hành vi vượt quá quyền hạn (lạm dụng) làm trái công vụ, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, xâm phạm lợi ích chung hoặc lợi ích hợp pháp của công dân.

(iii) Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của các tội phạm về chức vụ tuy có nhiều dạng hành vi khác nhau nhưng có chung đặc điểm là gần với công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

Hậu quả mà các tội phạm về chức vụ có thể gây ra là thiệt hại cho lợi ích nhà nước, xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong một số cấu thành tội phạm, hậu quả thiệt hại về tài sản được quy định là dấu hiệu định tội như cấu thành tội phạm của Tội tham ô tài sản (Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015), Tội lam dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (ĐIều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015), Tội lạm dunc chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ (Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015), Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (ĐIều 357 Bộ luật Hình sự năm 2015),... Đối với những tội phạm này, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nghiêm trọng là cần thiết khi định tội.

(iv) Mặt chủ quan của tội phạm

Trong các tội phạm về chức vụ, đa số tội được thực hiện với lỗi cố ý. Tuy vậy, có một số tội được thực hiện với lỗi vô ý như: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (ĐIều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; Tội làm mất tài liệu bí mật công tác (ĐIều 362 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Ở một số cấu thành tội phạm, động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác được quy định là dấu hiệu định tội. Đó là các tội: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (ĐIều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015), Tội lạm quyền khi thi hành công vụ (ĐIều 357 Bộ luật Hình sự năm 2015), Tội giả mạo trong công tác (ĐIều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015).

(v) Hình phạt tội phạm chức vụ

Các tội phạm về chức vụ là nhóm tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau. Do vậy, hình thức chính được quy định cho một số tội có thể đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình như Tội tham ô tài sản (Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015); Tội nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015) nhưng bên cạnh đó có một số tội mà hình phạt cao nhất chỉ đến 02 năm hoặc 07 năm tù như tội vô ý làm lộ bí mật công tác (Điều 362 Bộ luật Hình sự năm 2015); Tội đảo nhiệm (Điều 363 Bộ luật Hình sự năm 2015).

II- Đề nghị cấp văn bản thông báo người bào chữa trong vụ án về chức vụ 

Sau khi tiếp nhận đơn mời Luật sư, giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, Luật sư cần làm các thủ tục đăng ký bào chữa tại Cơ quan điều tra. 

Căn cứ các thông tin ban đầu do khách hàng cung cấp, các thông tin mà Luật sư có được, Luật sư cần xác định Cơ quan điều tra nào đang thụ lý vụ việc để liên hệ làm việc. Theo quy định của pháp luật, bộ hồ sơ đăng ký bào chữa gồm: 

- Đơn mời Luật sư (bản chính); 

- Bản sao Thẻ Luật sư (có công chứng, chứng thực). 

Trên thực tiễn, Cơ quan điều tra thường yêu cầu có thêm Giấy giới thiệu của Tổ chức hành nghề Luật sư. Tuy vậy, có nhiều trường hợp, Điều tra viên yêu cầu Luật sư phải cung cấp nhiều loại giấy tờ khác như chứng chỉ hành nghề Luật sư, chứng minh thư của Luật sư, cá biệt có trường hợp Điều tra viên còn đưa ra yêu cầu Đơn mời Luật sư phải có xác nhận của chính quyền địa phương, hợp đồng dịch vụ pháp lý... Tùy từng trường hợp mà Luật sư có cách ứng xử phù hợp dựa trên nguyên tắc thiện chí, hợp tác, thuận lợi

Ví dụ, có trường hợp khi Điều tra viên đưa ra các yêu cầu chưa phù hợp, mặc dù biết là yêu cầu không có cơ sở pháp lý nhưng vì sẵn có, Luật sư cung cấp ngay cho Cơ quan điều tra để sớm hoàn thành thủ tục đăng ký bào chữa. Cũng có trường hợp, khi Điều tra viên đưa ra các yêu cầu không có cơ sở pháp lý, Luật sư cảm nhận thấy đằng sau yêu cầu của Điều tra viên ẩn chứa thái độ cố tình gây khó dễ cho Luật sư nên đã cương quyết phản đối, không chấp nhận và gửi đơn khiếu nại tới các cấp có thẩm quyền như thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp. Thông thường, phương pháp này sẽ mất thời gian, tuy nhiên, cuối cùng Cơ quan điều tra cũng sẽ chấp nhận cho Luật sư đăng ký bào chữa vì các yêu cầu họ đưa ra là không có cơ sở.

Bộ hồ sơ có thể được gửi tới Cơ quan điều tra bằng đường bưu điện, nộp tại văn thư Cơ quan điều tra, hoặc giao trực tiếp cho Điều tra viên. Trong trường hợp nhập vụ án ở các địa phương xa, để làm thủ tục đăng ký người bào chữa, Luật sư nên gửi một bộ hồ sơ đầy đủ bằng đường bưu điện trước khi bố trí đến làm việc trực tiếp. Khi đến làm việc, để phòng trường hợp bộ hồ sơ gửi bưu điện có thể thất lạc hay chưa đến tay Điều tra viên thụ lý vụ án, Luật sư nên cầm theo một bộ hồ sơ dự phòng.

Trong thực tiễn, trường hợp bị can được tại ngoại, đơn mời Luật sư do chính bị can mời thì việc Luật sư đăng ký bào chữa thường không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, trong trường hợp bị can đang bị tạm giam, đơn mời Luật sư do người thân thích của bị can mời thì Cơ quan điều tra thường rất thận trọng khi tiếp nhận, đặc biệt là trong những vụ án có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn, bị can nguyên là người có chức vụ, quyền hạn cao. Có những trường hợp, mặc dù người thân thích của bị can đã có đơn mời Luật sư, nhưng khi nhận được hồ sơ, cán bộ điều tra đưa ra lý do là cần phải hỏi ý kiến của bị can trước khi cấp giấy. Và không ít trường hợp, sau đó, Luật sư đã nhận được đơn từ chối Luật sư của bị can do Điều tra viên cung cấp. 

Trong thực tiễn hành nghề, có một thực tế là Luật sư thường hay bị gây khó khăn, cản trở khi tham gia vào giai đoạn điều tra. Có những Điều tra viên, vì nhiều nguyên nhân, cho rằng việc Luật sư tham gia vào có thể gây khó khăn cho họ trong quá trình điều tra nên thường đưa ra nhiều lý do để ngăn cản Luật sư tham gia. Ví dụ, có trường hợp trước khi bị bắt tạm giam, bị can còn trao đổi với gia đình nguyện vọng mời Luật sư, vậy mà sau khi bị can bị tạm giam, vợ bị can đến mời Luật sư, Luật sư đến làm thủ tục, Điều tra viên yêu cầu phải chờ hỏi ý kiến bị can, sau đó vài ngày, Điều tra viên thông báo với Luật sư là bị can từ chối mời Luật sư, có cả văn bản từ chối do chính tay bị can viết.

Về nguyên tắc, quyền quyết định cao nhất đối với việc mời Luật sư là của bị can. Trước đây, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, khi bị can đang bị tạm giam đã có đơn từ chối Luật sư do người thân thích mời thì Luật sư cũng không có căn cứ gì để tiếp tục yêu cầu, khiếu nại và cũng không được phép gặp bị can đang bị tạm giam để xác minh việc từ chối. Nên khi gặp trường hợp này, Luật sư thường trao đổi với gia đình bị can chờ đến kết thúc giai đoạn điều tra, sẽ tiếp tục tham gia. Trên thực tiễn, khi đã kết thúc giai đoạn điều tra, hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát thì việc tham gia của Luật sư ít khi bị cản trở. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định cụ thể về quyền của Luật sư trong trường hợp này, cụ thể khoản 2 Điều 77 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định: “Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối”.

Trong thực tế, mặc dù rất thận trọng trong quá trình giải quyết các vụ án về tội phạm chức vụ. Tuy nhiên, các vụ án tội phạm về chức vụ thường là các vụ án lớn, công luận quan tâm, bị can, bị cáo thường là những người có nhiều mối quan hệ xã hội nên các cơ quan tiến hành tố tụng thường rất tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng. Trong trường hợp nhận thấy việc đăng ký bào chữa bị chậm trễ hoặc bị từ chối không có lý do chính đáng, Luật sư có thể gửi đơn đề nghị hoặc khiếu nại tới các cơ quan, người có thẩm quyền, sự việc sẽ sớm được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự

III- Kỹ năng của Luật sư khi tham gia một số hoạt động điều tra về tội phạm chức vụ 

Khác với hành vi phạm tội của các loại tội phạm như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản... thường biểu hiện ra rõ ràng, dễ nhận biết bằng trực quan, các hành vi phạm tội liên quan đến tội phạm về chức vụ thường là “hành vi ẩn”

Ví dụ, hành vi phạm tội đối với Tội tham ô tài sản thường được bộc lộ ra sau khi bị tố giác hoặc bị thanh tra, kiểm tra. Do đó, trong thực tiễn, các vụ án tội phạm về chức vụ thường được khởi tố sau khi Cơ quan điều tra đã tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tiến hành hoạt động này, Cơ quan điều tra có quyền mời các đối tượng liên quan đến để lấy lời khai về sự việc. Những người có chức vụ, quyền hạn liên quan trong vụ án thường là người có địa vị xã hội, có trình độ hiểu biết, có nhiều mối quan hệ xã hội, có điều kiện kinh tế để chi trả cho dịch vụ pháp lý nên nhiều trường hợp, ngay khi còn chưa bị khởi tố bị can, chỉ đang trong thời gian được Cơ quan điều tra mời đến để làm việc, xác minh thông tin họ đã mời Luật sư tham gia đế tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, trong đó có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Do đó, khi được mời trong trường hợp này, Luật sư sẽ đăng ký tham gia với địa vị pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.

[i] Trong trường hợp đã khởi tố bị can, sau khi đã làm thủ tục đăng ký bào chữa và được Cơ quan điều tra cấp Giấy thông báo người bào chữa, Luật sư nên chủ động liên hệ với Cơ quan điều tra đề nghị được tham gia vào các hoạt động điều tra liên quan đến bị can mà mình bảo vệ. Việc đề nghị có thể bằng cách trao đổi trực tiếp với Điều tra viên hoặc bằng văn bản. Trong giai đoạn điều tra, theo quy định. Luật sư chưa được quyền tiếp cận, nghiên cứu, sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án, tuy nhiên, Luật sư có quyền đề nghị Cơ quan điều tra cho xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình nhận bào chữa.

[ii] Trong trường hợp bị can được tại ngoại thì sau khi Luật sư đã làm thủ tục đăng ký bào chữa, bị can thường đề nghị Luật sư có mặt trong các buổi Cơ quan điều tra triệu tập bị can đến để hỏi cung hay tiến hành các hoạt động điều tra khác. Khi đã được cấp giấy thông báo người bào chữa, Luật sư có địa vị tố tụng và được quyền tham gia các buổi hỏi cung hoặc các hoạt động tố tụng khác liên quan đến bị can mà mình bảo vệ.

[iii] Trong trường hợp bị can bị bắt tạm giam, khi Luật sư tham gia vụ án, yêu cầu đầu tiên là khách hàng thường đề nghị Luật sư tìm cách giúp cho bị can được tại ngoại điều tra. Trong thực tiễn, khi Cơ quan điều tra vừa mới thực hiện lệnh bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra thì việc xin thay đổi biện pháp ngăn chặn là rất khó, trừ khi có những lý do chính đáng. Trong tình huống này, Luật sư cần tư vấn để khách hàng biết được các quy định của pháp luật về các biện pháp ngăn chặn và đề nghị khách hàng cung cấp các lý do, căn cứ pháp lý để xin thay đổi biện pháp ngăn chặn. Nếu nhận thấy các lý do đó là có căn cứ, hợp lý, Luật sư có thể giúp khách hàng viết đem gửi tới các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang các biện pháp khác. Ví dụ, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh... Không chỉ giúp khách hàng viết đơn, bản thân Luật sư cũng nên có đơn đề nghị gửi tới các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can. Việc quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn phụ thuộc vào các cơ quan tiến hành tố tụng, trên thực tế là ít khi có kết quả, tuy nhiên, qua việc làm này, sẽ giúp khách hàng đánh giá là Luật sư nhiệt tình trong công việc, quan tâm đến bị can.

Sau khi đã được cấp giấy thông báo người bào chữa, trong trường hợp bị can đang bị tạm giam, khách hàng thường rất mong muốn Luật sư sớm bố trí vào gặp bị can. Tâm lý này cũng rất dễ hiểu vì trước khi phạm tội, bị can thường là người có chức, có quyền, được xã hội trọng vọng, quen sống trong điều kiện đầy đủ về vật chất này bị tạm giam, thiếu thốn về vật chất, đương nhiên gia đình sẽ rất lo lắng và mong muốn Luật sư sớm vào gặp. Để giải tỏa tâm lý lo lắng của khách hàng, đồng thời cũng thực hiện quyền của người bào chữa, Luật sư nên đề nghị Cơ quan điều tra cho vào gặp bị can, tham gia các hoạt động điều tra khác, việc đề nghị có thể được thực hiện bằng trao đổi trực tiếp với Điều tra viên hoặc bằng văn bản. Thông thường, sau khi đã cấp giấy cho Luật sư với tư cách là người bào chữa, căn cứ đề nghị của Luật sư, Cơ quan điều tra thường bố trí cho Luật sư tham gia các buổi hỏi cung cùng Điều tra viên hoặc tham gia các buổi đối chất có liên quan đến bị can mà Luật sư bào chữa.

Khi tham gia hỏi cung bị can cùng Điều tra viên, đặc biệt là trong lần làm việc đầu tiên với bị can, Luật sư nên đề nghị Điều tra viên dành thời gian để Luật sư và bị can tiếp xúc, làm quen với nhau, trao đổi quan điểm làm việc, quyền của Luật sư trong quá trình tham gia hỏi cung, điều này là cần thiết bởi vì trong quá trình tham gia hỏi cung, theo luật định, Luật sư muốn hỏi gì phải được sự đồng ý của Điều tra viên, nếu không được giải thích rõ, nhiều trường hợp bị can hiểu lầm là Luật sư thiếu bản lĩnh trong công việc dẫn đến coi thường và mất lòng tin đối với Luật sư. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cho phép Luật sư được chủ động làm việc với bị can sau khi Điều tra viên đã hoàn thành việc hỏi cung. Trong trường hợp bị can đang bị tạm giam thi Luật sư thường là do người thân thích bên ngoài mời nên khi tiếp xúc, trao đổi, làm việc, Luật sư phải tạo được lòng tin đối với bị can. Đã có những trường hợp, mặc dù Luật sư được gia đình mời, đã được cấp giấy thông báo người bào chữa, nhưng trong các buổi làm việc, tiếp xúc với bị can trong trại tạm giam, bị can đánh giá Luật sư không đủ trình độ, kinh nghiệm, độ chín chắn để tham gia vụ án nên đã trực tiếp từ chối Luật sư.

Bị can trong các vụ án về chức vụ thường là những người có trình độ, từng trải trong cuộc sống. Trong các buổi tham gia hỏi cung cùng Điều tra viên, Luật sư cần tư vấn, giải thích cho bị can biết các quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật, hướng dẫn bị can kiểm tra, đọc kỹ các bản cung, biên bản làm việc trước khi ký, những chỗ sửa chữa cần được ghi rõ và ký nháy, phần viết thừa ở cuối dòng, cuối trang nên được gạch đi, nên ký vào từng tờ biên bản... Trong quá trình tham gia hỏi cung cùng Điều tra viên, Luật sư cần tập trung lắng nghe, ghi chép các thông tin, đánh dấu các điểm cần lưu ý làm rõ để có thể đề nghị Điều tra viên cho phép Luật sư trực tiếp hỏi các vấn đề đó.

Một trong những lý do khách hàng mời Luật sư tham gia vụ án, đề nghị Luật sư tham gia các buổi hỏi cung bị can đang bị tạm giam cùng Điều tra viên là muốn Luật sư làm “cầu nối thông tin” giữa bị can và gia đình. Sau các buổi làm việc, gia đình bị can thường tiếp xúc với Luật sư và hỏi thông tin về bị can. Luật sư cần phải tế nhị, khéo léo khi trả lời để không vi phạm các quy định về bí mật điều tra. Trên thực tiễn thì Luật sư có thể trao đổi với gia đình các thông tin về tình hình sức khỏe, tỉnh thần của bị can để gia đình an tâm, tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật, không được tiết lộ các thông tin thuộc về bí mật điều tra mà mình biết được khi tham gia quá trình điều tra. Khi gặp gỡ bị can trong trại giam Luật sư cũng có thể trao đổi để bị can biết được tình hình gia đình, sức khỏe người thân bên ngoài để bị can an tâm, hợp tác trong quá trình điều tra.

Đối với các hoạt động điều tra khác, trên thực tế, đa số các trường hợp khi khách hàng đến mời Luật sư tham gia, bị can thường đã bị khởi tố, nhiều trường hợp đã bị bắt tạm giam, do đó, Luật sư ít có điều kiện tham gia các hoạt động điều tra như khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi làm việc, nhà ở... Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về các tội phạm về chức vụ thì có nhiều tội có quy định về phạt tiền hoặc tịch thu tài sản. Để đảm bảo việc thi hành án, trong nhiều trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với bị can. Trong trường hợp này, Luật sư phải nghiên cứu kỹ các quy định về kê biên tài sản, tình trạng tài sản của bị can để tư vấn cho khách hàng, trực tiếp tham gia vào các hoạt động tố tụng này để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Hành vi phạm tội trong các vụ án về chức vụ thường rất phức tạp, không chỉ liên quan đến nhiều chính sách pháp luật, các quy định, quy chế về phạm vi, quyền hạn của người phạm tội trong khi thực hiện nhiệm vụ, mà còn có thể liên quan đến nhiều tập thể, cá nhân khác... Do đó, Luật sư không nên thụ động chờ Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ mà cần chủ động trong việc điều tra, xác minh, tiếp xúc với các nhân chứng, người liên quan khác để thu thập các tài liệu, chứng cứ có lợi cho khách hàng của mình và cung cấp cho Cơ quan điều tra theo đúng thủ tục luật định, nếu cần Luật sư có thể có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra triệu tập thêm nhân chứng, tiến hành điều tra, xác minh những căn cứ mà Luật sư cho răng sẽ có lợi cho khách hàng mình.

Bị can cũng như gia đình bị can trong các vụ án về chức vụ thường là người có nhiều đóng góp cho xã hội, được xã hội ghi nhận bằng các huân, huy chương, bằng khen... Luật sư cần xác minh, thu thập cung cấp cho Cơ quan điều tra để làm căn cứ cho việc đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

Trong quá trình tham gia các hoạt động điều tra, nếu phát hiện Điều tra viên có các hành vi vi phạm tố tụng, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của bị can mà mình bảo vệ, Luật sư cần kịp thời, cương quyết nhắc nhở hoặc có kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền.

Ví dụ: Trong vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, khi tham gia hỏi cung bị can cùng Điều tra viên, Luật sư nhận thấy Điều tra viên sử dụng từ ngữ có tính chất lăng mạ, mạt sát đối với bị can khiến bị can rất bức xúc. Luật sư đã nhắc nhở nhưng Điều tra viên vẫn tiếp tục. Luật sư đã cương quyết mời cán bộ trại giam đến làm việc, lập biên bản. Sau đó Luật sư đã gửi đơn kiến nghị đến Cơ quan điều tra và kết quả là Điều tra viên đã bị xử lý kỷ luật và thay thế người khác.

Không phải trường hợp nào khi phát hiện hành vi vi phạm tố tụng của Điều tra viên, Luật sư cũng phải kiến nghị xử lý, có những trường hợp sự vi phạm là do Điều tra viên chưa có kinh nghiệm hoặc chưa nắm rõ quy định của pháp luật thì chỉ cần nhẹ nhàng trao đổi, nhắc nhở. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi cho người bào chữa một bản kết luận điều tra, nhưng Điều tra viên đã không thực hiện việc này do không nắm được quy định trên. Luật sư đã nhắc nhở, Điều tra viên đã tiếp thu và sau đó gửi ngay bản kết luận điều tra cho Luật sư.



 

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án về chức vụ

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.41939 sec| 1174.234 kb