Kỹ năng của Luật sư trong và sau thủ tục tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm

"Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành cho cả hai phía."

Eleanor Roosevelt

Kỹ năng của Luật sư trong và sau thủ tục tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm

Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án. Để thực hiện hiệu quả hoạt động trong phần tranh tụng Luật sư cần nắm vững quy định của pháp luật về nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm, đồng thời lựa chọn cho mình cách ứng xử và xử lý phù hợp cho các tình huống tố tụng ở từng phiên tòa cụ thể.

Liên hệ

1- Kỹ năng của Luật sư trong thủ tục tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm

(i) Thay mặt đương sự trình bày yêu cầu của họ tại phiên tòa sơ thẩm

Để thực hiện kỹ năng này tại phần tranh tụng thì trước khi mở phiên tòa, Luật sư cần có sự trao đổi thống nhất, chuẩn bị trước nội dung trình bày phần yêu cầu của đương sự, đảm bảo trình bày được đầy đủ, đúng mong muốn của đương sự, hạn chế việc đương sự phải bổ sung hoặc mâu thuẫn với ý kiến bổ sung của đương sự.

Luật sư phải phân biệt nội dung trình bày yêu cầu của đương sự với nội dung trình bày quan điểm của Luật sư trong phần tranh tụng. Theo đó phần trình bày thay đương sự chỉ chú trọng vào nội dung tranh chấp, cơ sở phát sinh tranh chấp, diễn biến giải quyết vụ tranh chấp, yêu cầu cụ thể của đương sự tại phiên tòa và các chứng cứ minh chứng cho yêu cầu đó. Trong phần này chưa trình bày căn cứ pháp lý, chưa viện dẫn điều luật, văn bản pháp luật vì như vậy sẽ trùng lặp với nội dung quan điểm của Luật sư khi trình bày luận cứ.

Nội dung trình bày phải rõ ràng, gắn liền với nội dung vụ tranh chấp, tránh trình bày lan man, từ ngữ trình bày phải mang tính pháp lý không nên lạm dụng ngôn ngữ văn chương trong quá  trình trình bày.

Nội dung trình bày về yêu cầu của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm phải có chung định hướng, mục đích, logic với bản luận cứ của Luật sư sẽ trình bày trong phiên tòa khi thực hiện tranh luận.

Thái độ khi trình bày phải đúng mực, giữ đúng đạo đức tư cách hành nghề của Luật sư, không nên thể hiện thay đương sự sự bức xúc của họ trong vụ tranh chấp dẫn đến có những kết luận thái quá làm xúc phạm hoặc tổn thương hay thiếu tôn trọng đối với các đương sự khác trong vụ tranh chấp.

Luật sư của nguyên đơn trình bày về yêu cầu khởi kiện và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ và hợp pháp.

Luật sư của bị đơn trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

Luật sư của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của nguyên đơn, bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

Trong quá trình trình bày yêu cầu của đương sự, nếu cần bổ sung chứng cứ để chứng minh cho tính hợp pháp và tính có căn cứ của các yêu cầu đó thì Luật sư cần phải hiểu rằng chỉ được phép bổ sung nếu: Các chứng cứ tài liệu đó trước khi mở phiên toà Toà án đã yêu cầu đương sự nộp nhưng đương sự không nộp được vì có lý do chính đáng, trong trường hợp này Luật sư phải thay mặt đương sự chứng minh lý do của việc chậm nộp đó để thuyết phục Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận. Đối với các chứng cứ, tài liệu mà trước đó Toà án không yêu cầu nộp và đương sự không thể biết nên không có để giao nộp thì được nộp tại phiên tòa sơ thẩm. Nếu các tài liệu giao nộp bổ sung tại phiên tòa sơ thẩm sử dụng ngôn ngữ là tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài thì bắt buộc phải có kèm theo bản dịch sang tiếng Việt đã được công chứng, chứng thực hợp pháp.

(ii) Thực hiện quyền đặt câu hỏi và tư vấn, hỗ trợ đương sự trong phần trả lời câu hỏi tại phiên tòa sơ thẩm

Quyền đặt câu hỏi tại phiên tòa sơ thẩm là quyền tố tụng của nhiều chủ thể không chỉ riêng Luật sư. Chính vì vậy, tại phiên toà để đạt được mục đích cao nhất khi thực hiện quyền đặt câu hỏi, Luật sư cần nắm vững các yêu cầu sau: Chỉ hỏi đối với vấn đề chưa được trình bày rõ; Không hỏi trùng lặp với vấn đề đã được chủ thể khác hỏi và đã được trả lời rõ hoặc thậm chí không được trả lời; Xác định và lựa chọn chủ thể hỏi; Chuẩn bị nội dung câu hỏi và xác định rõ mục đích của từng câu hỏi; Phải có thái độ tôn trọng người được hỏi dù họ có phản ứng không phù hợp; Phải sử dụng kết quả trả lời cho phần trình bày luận cứ quan điểm để đánh giá kết luận tính hợp pháp và không hợp pháp các vấn đề tranh chấp giữa các bên đương sự; Cách đặt câu hỏi phải rõ ràng, dễ hiểu, gắn với nội dung các vấn đề cần làm sáng tỏ trong vụ án; Tránh đặt những câu hỏi có thể dẫn dắt người được hỏi phản ứng không hay hoặc trả lời theo cách bất lợi cho khách hàng của mình; Việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lắp, không lợi dụng việc hỏi để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người tham gia tố tụng; Phải tôn trọng sự điều hành của chủ toạ phiên toà trong phần hỏi.

Luật sư không được đặt câu hỏi đối với những người tiến hành tố tụng, không được đặt câu hỏi đối với những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khác trong vụ án.

Chỉ hỏi đương sự về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ hoặc chính họ trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó.

Khi đặt câu hỏi đối với đương sự có lợi ích đối lập với khách hàng của mình Luật sư cần phải có thái độ tôn trọng, tránh căng thẳng hay đôi co với đương sự khi họ không hợp tác hoặc thậm chí có lời lẽ xúc phạm Luật sư. Luật sư sử dụng kinh nghiệm nghề nghiệp để lựa chọn thái độ ứng xử tốt nhất với từng đối tượng đương sự, trong từng bối cảnh thực tế của vụ án.

Luật sư có quyền đặt câu hỏi đối với khách hàng của mình nhưng chỉ nên sử dụng quyền này trong trường hợp thật sự cần thiết, I và luôn phải có sự bàn bạc thống nhất các câu hỏi và nội dung trả lời với khách hàng trước khi mở phiên toà, tránh trường hợp để khách hàng bị động trước câu hỏi của Luật sư, trả lời lúng túng hoặc không đúng mục đích, thậm chí không hiểu câu hỏi nên trả lời sai lệch, mâu thuẫn với các nội dung trình bày có trong hồ sơ dẫn đến hậu quả “gậy ông đập lưng ông”.

Sau khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý Luật sư được quyền đặt câu hỏi với người làm chúng và chỉ được hỏi thêm về những vấn đề họ trình bày chưa rõ, chưa đầy đủ, có mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó hoặc mâu thuẫn với lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Luật sư có quyền nhận xét về kết luận giám định, hỏi người giám định về những vấn đề chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với các tình tiết khác của vụ án.

Tại phiên tòa, Luật sư luôn phải có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ khách hàng cách thức, nội dung để trả lời cho các câu hỏi của những chủ thể khác đặt ra. Trường hợp cần thiết phải tư vấn cho đương sự từ chối trả lời hoặc có thái độ đúng mực phản đối cách hỏi, nội dung hỏi đi xa các vấn đề tranh chấp. Nếu tại phiên toà nhận thấy khách hàng của mình rơi vào tình thế bị vi phạm quyền tố tụng thì Luật sư ngay lập tức phải đề nghị Hội đồng xét xử có biện pháp nhắc nhở và áp dụng chế tài tố tụng đối với chủ thể vi phạm. Tại phiên tòa nếu thấy đương sự không thể trả lời các câu hỏi của các chủ thể khác đặt ra hoặc để đương sự trả lời sẽ không thuận lợi cho họ thì Luật sư có quyền trả lời thay cho đương sự.

(iii) Theo dõi và có ý kiến về việc Hội đồng xét xử sơ thẩm công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án

Khi Hội đồng xét xử sơ thẩm công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án; nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh; xem xét vật chứng, Luật sư phải lắng nghe, ghi chép đầy đủ, lưu ý các nội dung cần thiết cho phần hỏi hoặc phần trình bày luận cứ, chú trọng đến các nội dung mâu thuẫn với phần trình bày trong hồ sơ hoặc tại phiên toà của các đương sự có lợi ích đối lập với khách hàng mình. Luật sư phải nhạy bén để ghi chú phân loại các vấn đề có lợi và bất lợi cho khách hàng mình cũng như các đương sự khác trên cơ sở đó sử dụng các nội dung này để khẳng định hoặc phủ định nội dung các vấn đề có trong hồ sơ và trong phần trình bày, phần trả lời câu hỏi đã diễn ra trước đó của các đương sự trong vụ tranh chấp. Đồng thời ngay lập tức phải ghi chú bổ sung để trình bày và biện luận trong bản luận cứ của mình.

(iv) Đề xuất hoặc có ý kiến về việc tạm ngừng phiên tòa

Trong quá trình xét xử, phiên toà có thể được tạm ngừng khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 259 BLTTDS năm 2015. Khi thấy việc tạm ngừng phiên tòa là cần thiết cho khách hàng của mình, Luật sư có quyền đề xuất ý kiến với Hội đồng xét xử sơ thẩm.

Thời hạn tạm ngừng là không quá một tháng, hết thời hạn mà lý do tạm ngừng không còn thì Toà án tiếp tục xét xử, nếu lý do tạm ngừng chưa được khắc phục thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

(v) Kỹ năng thực hiện quyền tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm

Để thực hiện có hiệu quả và đúng pháp luật quyền tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, Luật sư phải nắm rõ các nguyên tắc, nội dung, cách thức, đối tượng chủ thể tranh luận và đối đáp khi tranh luận.

Khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, Luật sư phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà cũng như kết quả hỏi tại phiên tòa. Bắt buộc phải viện dẫn bút lục, điều luật và văn bản pháp luật khi trình bày luận cứ.

Nếu vụ tranh chấp chưa có điều luật áp dụng thì Luật sư có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Luật sư chỉ có quyền đề xuất áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ án trong trường hợp các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán viện dẫn áp dụng. Luật sư đề xuất Tòa án áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật.

Khi thực hiện tranh luận Luật sư phải tuân thủ sự điều khiển của chủ toạ phiên toà.

Bản luận cứ trình bày tại phiên toà phải được chuẩn bị trước khi mở phiên toà nhưng bắt buộc phải cập nhật, sửa chữa, bổ sung các tình tiết nội dung diễn ra tại phiên tòa.

Nội dung bản luận cứ phải thể hiện rõ quan điểm khẳng định hoặc phủ định của Luật sư đối với từng vấn đề đương sự đang có tranh chấp, có cơ sở pháp lý, có căn cứ trình bày biện luận cho mỗi vấn đề đề xuất với Hội đồng xét xử.

Luật sư sau khi trình bày bản luận cứ có quyền đối đáp với Luật sư đồng nghiệp bảo vệ lợi ích cho các đương sự khác. Mục đích của việc đối đáp là khẳng định quan điểm của mình và tính hợp pháp của yêu cầu do khách hàng mình đưa ra trong vụ án nhưng phải thể hiện thái độ tôn trọng Luật sư đồng nghiệp trong quá trình tranh luận.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự

2- Kỹ năng của Luật sư sau phiên tòa sơ thẩm

Khoản 4 Điều 236 BLTTDS năm 2015 quy định ngay sau khi kết thúc phiên tòa, những người tham gia tố tụng có quyền được xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận. Điều này nhằm tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng thực hiện tốt quyền của mình và chủ động phát hiện những sai sót, nhằm đề nghị sửa đổi, bổ sung cho chính xác, đúng với thực tế phiên tòa để bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Lưu ý lớn nhất đối với các Luật sư là cần trao đổi với khách hàng xem có cần kiểm tra biên bản phiên tòa hay không trước khi rời khỏi phòng xử, tránh việc sau khi rời khỏi phòng xử, quay lại thì Thư ký Phiên tòa đã không còn ở đó và không thể thực hiện được việc xem biên bản phiên tòa. Luật sư cần chủ động cùng xem với khách hàng để cùng nhau phát hiện những nội dung thiếu sót, gây bất lợi cho khách hàng nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung và ký xác nhận.

Điều 269 BLTTDS năm 2015 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án thì Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp. Vì vậy, Luật sư phải chủ động liên hệ và đề nghị với Tòa án để được cấp trích lục bản án giúp khách hàng có điều kiện kháng cáo sớm, tránh việc phụ thuộc phải chờ nhận được bản án; trường hợp khách hàng muốn chờ bản án để kháng cáo thì Luật sư cũng phải liên hệ với Tòa án để xác định ngày cụ thể có thể nhận được bản án hoặc Tòa án gửi bản án sơ thẩm cụ thể hình thức nào (đến Tòa án nhận hay gửi qua bưu điện) trong phạm vi 10 ngày, nhằm bảo đảm việc kháng cáo đúng hạn của khách hàng.

Khi nhận thấy việc tuyên án không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm do không phù hợp với yêu cầu, mục tiêu đã đề ra mà khách hàng cần kháng cáo thì Luật sư nên chủ động giúp khách hàng làm đơn kháng cáo để khách hàng yên tâm việc kháng cáo đúng hạn. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy Luật sư đã gắn bó với khách hàng cả một quá trình tố tụng vụ án tại cấp sơ thẩm, vì vậy việc dự thảo một đơn kháng cáo miễn phí cho khách hàng cũng là cần thiết và nên làm. Điều này tạo điều kiện cho sự gắn bó tiếp tục của Luật sư và khách hàng tại cấp phúc thẩm (nếu khách hàng vẫn có nhu cầu mời Luật sư).

Trường hợp có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm, Luật sư cũng cần chú ý trao đổi để khách hàng biết nội dung kháng nghị vấn đề gì, lý do và căn cứ kháng nghị để từ đó chủ động khai thác các nội dung có lợi cho khách hàng tại Tòa án cấp phúc thẩm hoặc phải thu thập chứng cứ để tìm cách loại bỏ quan điểm kháng nghị.

Trong trường hợp bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Luật sư cũng nên chủ động trao đổi, hướng dẫn khách hàng thủ tục yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự để bảo đảm cho bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật được thực thi.

Bản luận cứ trình bày tại phiên toà phải được chuẩn bị trước khi mở phiên toà nhưng bắt buộc phải cập nhật, sửa chữa, bổ sung các tình tiết nội dung diễn ra tại phiên tòa.

Nội dung bản luận cứ phải thể hiện rõ quan điểm khẳng định hoặc phủ định của Luật sư đối với từng vấn đề đương sự đang có tranh chấp, có cơ sở pháp lý, có căn cứ trình bày biện luận cho mỗi vấn đề đề xuất với Hội đồng xét xử.

Luật sư sau khi trình bày bản luận cứ có quyền đối đáp với Luật sư đồng nghiệp bảo vệ lợi ích cho các đương sự khác. Mục đích của việc đối đáp là khẳng định quan điểm của mình và tính hợp pháp của yêu cầu do khách hàng mình đưa ra trong vụ án nhưng phải thể hiện thái độ tôn trọng Luật sư đồng nghiệp trong quá trình tranh luận.

Nguồn: Tổng hợp từ giáo trình kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự (HVTP - 2021) 


 

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.8 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng của Luật sư trong và sau thủ tục tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.76720 sec| 1144.422 kb