Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án hôn nhân và gia đình

"Sự phục tùng pháp luật là bắt buộc đối với tất cả mọi người."

- Xixêrôn

Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án hôn nhân và gia đình

Vụ án hôn nhân và gia đình phát sinh từ những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Tranh chấp về hôn nhân và gia đình là những tranh chấp về các quan hệ nhân thân và tài sản giữa các thành viên đang hoặc đã có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng trong gia đình hoặc giữa ít nhất một bên là thành viên trong gia đình với bên thứ ba.

Dựa vào các đặc điểm về tranh chấp hôn nhân và gia đình, khi tham gia phiên tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực nay, Luật sư cần lưu ý những vấn đề sau:

Liên hệ

Vụ án Hôn nhân và gia đình phát sinh từ những tranh chấp về Hôn nhân và gia đình. Tranh chấp về Hôn nhân và gia đình là những tranh chấp về các quan hệ nhân thân và tài sản giữa các thành viên đang hoặc đã có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng trong gia đình hoặc giữa ít nhất một bên là thành viên trong gia đình với bên thứ ba. Trên cơ sở quy định pháp luật những tranh chấp Hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án gồm những nhóm quan hệ tranh chấp sau:

- Tranh chấp về ly hôn.

- Tranh chấp về tài sản chung, riêng của vợ chông.

- Tranh chấp về nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình.

- Tranh chấp về xác định quan hệ huyết thống giữa cha, mẹ, con.

Khác với các tranh chấp trong quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa hẹp, kinh doanh, thương mại, lao động, tranh chấp Hôn nhân và gia đình có đặc điểm riêng:

Về chủ thể: Chủ thể trong tranh chấp Hôn nhân và gia đình bao giờ cũng chỉ là cá nhân. Cá nhân trong tranh chấp Hôn nhân và gia đình thường được xây dựng trên cơ sở hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Tuy nhiên trong một số trường hợp tranh chấp Hôn nhân và gia đình xuất hiện khi chủ thể của nó không còn là thành viên của gia đình nhưng trước đó đã từng là thành viên của gia đình, ví dụ như “ tranh chấp về chia tài sản sau khi ly hôn”.

Về khách thể: Khách thể của tranh chấp Hôn nhân và gia đình là các lợi ích nhân thân, các hành vi và các vật. Thông thường khách thể có tính chất tổng hợp, bao gồm những yếu tố trên. Lợi ích nhân thân như họ, tên, ngành nghề, việc làm,..; Các hành vi có thể là: mọi hoạt động để quản lý tài sản chung của vợ chồng, mọi việc làm thể hiện sự chăm sóc đối với cha mẹ,...; Vật có thể là đồ vật trong khối tài sản chung của vợ chồng hoặc có thể dưới hình thức một số tiền nào đó (tiền cấp dưỡng.. .).

Về nội dung tranh chấp, tranh chấp Hôn nhân và gia đình là tranh chấp giữa các bên về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Các quyền và nghĩa vụ Hôn nhân và gia đình có thể là về nhân thân hoặc về tài sản, hoặc cả nhân thân và tài sản. Quyền về nhân thân hoàn toàn không có nội dung kinh tế. Quyền và nghĩa vụ tài sản trong quan hệ Hôn nhân và gia đình phải gắn liền với nhân thân của con người nhất định. Ví dụ, Khi vợ chồng ly hôn, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự. Nếu người con được cấp dưỡng hoặc người bố, người mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng chết thì sẽ chấm dứt quyền và nghĩa vụ đó.

Dựa vào các đặc điểm về tranh chấp Hôn nhân và gia đình, khi tham gia phiên tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực nay, Luật sư cần lưu ý những vấn đề sau:

1- Chuẩn bị văn bản pháp luật

Khác với các vụ án về thừa kế, hợp đồng, lao động, kinh doanh, thương mại, để giải quyết vụ án Hôn nhân và gia đình thường phải giải quyết nhiều quan hệ nhân thân và tài sản liên quan mật thiết với nhau trên cơ sở đối chiếu các căn cứ pháp lý và chứng cứ đương sự cung cấp. Đặc điểm này xuất phát từ sự liên kết chặt chẽ quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản khó tách rời giữa các thành viên trong gia đình. Vì vậy, tùy từng vụ án cụ thể, để tham gia phiên tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp Hôn nhân và gia đình. Luật sư cần phải chuẩn bị các văn bản pháp luật sau:

- Văn bản pháp luật Hôn nhân và gia đình: Các văn bản này là cơ sở để Luật sư xác định tính chất pháp lý của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình; căn cứ ly hôn, xác định tài sản riêng, tài sản chung và chế độ tài sản vợ và chồng...

- Văn bản pháp luật liên quan đến xác định quyền sở hữu đối với tài sản riêng của vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong các giao dịch dân sự đối với người thứ ba như Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Công chứng...

Khi áp dụng các văn bản pháp luật nêu trên, Luật sư phải chú ý đến nguyên tắc áp dụng luật.

Ví dụ:

Anh Dát và chị Nguyễn Thị Khoa chung sống tự nguyện, có tổ chức lễ cưới theo phong tục, tập quán từ năm 1995 nhưng đến năm 2004 mới đăng ký kết hôn tại UBND phường N, quận Đ, thành phố H. Quả trình chung sống những năm đầu anh chị hòa thuận, đến năm 2012 vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do thời điểm này công việc anh Dát không ổn định, thu nhập thấp, không có tiền đóng học cho con nên chị Khoa sỉ nhục, coi thường anh Dát. Đỉnh điểm căng thẳng là năm 2015 khi anh Dát mở xưởng làm nghe mộc tại nhà. Chị Khoa cho rằng công việc làm mộc ở nhà (lag làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Thời điểm này anh Dát đón mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Nụ đến chơi nhưng chị Khoa có thái độ coi thường và không tôn trọng bà Nụ, thậm chí còn đẩy ngã bà Nụ làm bả Nụ bị gãy chân. Anh Dát nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn, mâu thuẫn vợ chồng không thể hàn gắn được nên anh muốn khởi kiện chị Khoa đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu được ly hôn, được nuôi con chung và chia tài sản.

Về con chung: anh chị có một con chung là cháu Dương Phương Thanh, sinh năm 2008 và cháu Dương Phương Minh, sinh năm 2010. Anh Dát cho rằng, cháu Minh không phải là con của anh Dát vì trong thời kỳ chị Khoa mang thai cháu Minh, anh Dát thường xuyên đi công tác xa nhà. Nguyện vọng anh Dát được nuôi cháu Thanh và không yêu cầu chị Khoa cấp dưỡng tiền nuôi con.

Về tài sản: Ngôi nhà hai tầng, diện tích mặt bằng 60m2 xây dựng trên diện tích đất 60 m2 tại số nhà số 11 ngõ 2 Khu E1 phường Cát Lục, quận A, thành phố H. Nguồn gốc diện tích đất là của bố mẹ anh Dát cho anh Dát vào năm 1997. Theo anh Dát, tài sản trên đất có ngôi nhà 2 tầng là tài sản chung vợ chồng, còn diện tích đất là của anh Dát, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh Dát được cấp năm 2009. Ngoài ra, anh chị còn có nhà 1 tầng trên mảnh đất 35m2 tại thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, quận K, thành phố H. Diện tích đất và nhà này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà mang tên chị Khoa năm 2005. Hiện tại gia đình anh Dát đang sinh sống trên diện tích đất này. Quan điểm anh Dát là tài sản chung được chia đôi, anh có nguyện vọng sử dụng ngôi nhà trên diện tích đất 60m2. Chị Khoa được quyền sử dụng nhà trên diện tích đất 35m2. Anh Dát và chị Khoa sẽ có nghĩa vụ thanh toán giá liền chênh lệch của các tài sản cho nhau.

Là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Dát, để chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm, các vấn bản pháp luật mà Luật sư phải chuẩn bị là:

- Để xác định tính chất pháp lý quan hệ hôn nhân giữa anh Dát và chị Khoa thì căn cứ vào các văn bản pháp luật sau: Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, năm 2000.

- Để xác định yêu cầu ly hôn của anh Dát có cơ sở pháp lý hay không phải căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

- Để xác định tài sản chung và tài sản riêng của anh Đạt, chị Khoa trong thời kỳ hôn nhân phải căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 1995. Luật Đất đai năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành (xác định hiệu lực pháp lý hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bố mẹ anh Dát và anh Dát), Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành (xác định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tại số nhà 11 ngõ 2 Khu E1 phường Cát Lục, quận A, thành phố H cho anh Dát có đúng pháp luật hay không?), Luật Đất đai năm 2003 để xác định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà và đất tại thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, quận K, thành phố H có hợp pháp hay không?,...

- Để xác định cháu Minh có phải là con của anh Dát hay không phải căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Để xác định yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng của anh Dát có cơ sở hay không, Luật sư phải căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để xem xét quyền lưu cư của vợ chồng, phương thức chia, yếu tố lỗi của các bên khi ly hôn,...

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về ly hôn

2- Xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng

Phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng trong vụ án HN&GĐ cân được xây dựng trên cơ sở pháp luật, căn cứ vào các yếu tố tình cảm, tâm lý của các bên tranh chấp; các chứng cứ chứng minh yêu cầu của các bên và những bất lợi do thú tục tố tụng gây ra,... Vì thế để lựa chọn phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Luật sư phải phân tích cho khách hàng hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của khách hàng và của đối phương; thảo luận về các thứ tự ưu tiên của các yêu cầu; đề xuất phương án hòa giải, nhượng bộ yêu cầu nào và giữ nguyên yêu cầu nào. Từ đó Luật sư mới có cơ sở để xây dựng phương án tối ưu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng.

Ví dụ:

Chị Hương và anh Hưng đăng ký kết hôn năm 2010. Những năm đầu anh Hưng và chị Hương sống rất hạnh phúc. Một vài năm gần đây chị Hương, anh Hưng phát sinh mâu thuẫn do anh Hưng ngoại tình. Anh Hưng thường đánh đập chị Hương dù được chi hội phụ nữ phường và chính quyền địa phương can ngăn nhiều lần. Không chịu được cảnh bị coi thường và hành vi sai trái của anh Hưng, ngày 15/9/2016, chị Hương đề nghị Tòa án xử cho ly hôn.

(1) Yêu cầu của chị Hương: về tình cảm: xin được ly hôn: về con cái và cấp dưỡng: được nuôi con 2 tuổi, yêu cầu anh Hưng cấp dưỡng 3 triệu đồng/tháng; về tài sản, khi hai vợ chồng cưới nhau, bố mẹ anh Hưng cho hai vợ chồng ở nhờ ngôi nhà của ông bà được mua hóa giá của Nhà nước. Trong quá trình sống chung, hai người đã sửa chữa, cải tạo hết 900.000.000 đồng. Chị Hương đồng ý chuyển đi và yêu cầu anh Hưng phải trả lại toàn bộ số tiền 900.000.000 đồng tu sửa nhà. Đồng thời chị Hương xin tòa xử cho chị được tiếp tục ở lại ngôi nhà của bố mẹ anh Hưng cho đến khi tìm được chỗ ở mới.

(2) Yêu cầu của anh Hưng: anh Hưng đề nghị chị Hương chuyển đi nơi khác để anh trả nhà lại cho bố mẹ. Anh Hưng không đồng ý cho chị nuôi con với lý do chị Hương không đủ điều kiện kinh tế để đảm bảo cho con có cuộc sống bình thường. Anh Hưng được đề nghị nuôi cháu và không yêu cầu chị Hương cấp dưỡng.

Đối với tranh chấp ly hôn trong trường hợp này, chị Hương đưa ra cả 3 yêu cầu về ly hôn, con cái và tài sản. Là Luật sư của chị Hương, khi chuẩn bị kế hoạch hỏi cần xác định rõ mục đích hỏi: (i) Hỏi chị Hương nếu mong muốn đạt được cả ba thì mức độ cần đạt như thế nào? (ii) Phân tích chị Hương thấy được những yêu cầu chính đáng có căn cứ cũng như thấy được những yêu cầu thiếu căn cứ và khó để anh Hưng chấp nhận. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, với yêu cầu ly hôn của chị Hương, có thuận lợi về chứng cứ là có căn cứ anh Hưng ngoại tình, đánh đập chị Hương và anh Hưng không phản đối việc ly hôn. Vì vậy, chị Hương nên giữ nguyên yêu cầu.

 Thứ hai, với yêu cầu được trực tiếp nuôi con khi ly hôn có cơ sở pháp lý chính đáng, con dưới 3 tuổi về nguyên tắc là do mẹ nuôi dưỡng (khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Khó khăn là, anh Hưng cũng có yêu cầu, không yêu cầu chị Hương cấp dưỡng. Anh Hưng đưa ra thông tin chị Hương không có đủ kinh tế để nuôi con. Luật sư cần phân tích quyền nuôi con của chị Hương và anh Hưng trong trường hợp này là ngang nhau. Anh Hưng thuận lợi hơn khi không yêu cầu chị Hương cấp dưỡng. Tuy nhiên, chị Hương thuận lợi về tình trạng con dưới 3 tuổi. Phương án trong trường hợp này chị Hương nên giữ nguyên yêu cầu bằng các lý lẽ thuyết phục:con còn nhỏ cần mẹ trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc. Không đề cập đến hoàn cảnh kinh tế là điều kiện bất lợi.

Thứ ba, yêu cầu về tài sản, bố mẹ chồng chị Hương sẽ trả lại tiền sửa nhà cho vợ chồng chị Hương sau khi lấy lại nhà. Chị Hương có khó khăn về kinh tế thì có khả năng chị Hương được hưởng nhiều hơn nếu thuyết phục được anh Hưng. Bên cạnh đó, khó khăn là có cơ sở Tòa án sẽ buộc anh Hưng, chị Hương trả nhà cho bố mẹ chồng vì nhà thuộc quyền sở hữu của bố mẹ chồng, không thuộc quyền sở hữu của anh Hưng, chị Hương. Tiền sửa chữa nhà là tiền chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nên chị Hương sẽ được hưởng một nửa. Phương án tư vấn của Luật sư là nhượng bộ việc không ở lại và việc chia sẻ tiền sửa nhà. Đồng thời, thuyết phục anh Hưng để chị Hương lấy phần nhiều hơn và thuyết phục bố mẹ anh Hưng hỗ trợ việc nuôi con và tìm chỗ ở mới.

Thứ tư, về yêu cầu xin được quyền lưu cứ. Đây là một yêu cầu chính đáng, có thể chấp nhận được đối với người phụ nữ sau ly hôn, có con nhỏ chưa tìm được nơi ở mới. Thực tế Tòa án thường linh động cho người phụ nữ và người chồng thường chịu thiệt thòi. Cơ sở pháp lý được ghi nhận cụ thể tại Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, khó khăn là khó được bên đối phương chấp nhận. Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ ghi nhận thời hạn được lưu cứ 6 tháng. Từ những phân tích cụ thể, Luật sư đề xuất khách hàng nên nhượng bộ yêu cầu ở lại, về lâu dài khuyên chị Hương tìm nơi ở mới, đồng thời thuyết phục chồng và bố mẹ chồng hỗ trợ, tạo điều kiện để chị nhanh chóng tìm nơi ở mới.

3- Trình bày tình tiết, sự kiện tại phiên tòa hôn nhân và gia đình sơ thẩm

Các tình tiết và sự kiện mà Luật sư thường trình bày tại phiên tòa sơ thẩm trong vụ án Hôn nhân và gia đình là:

- Tình tiết, sự kiện làm căn cứ xác định tính pháp lý quan hệ hôn nhân (hợp pháp/không hợp pháp) thể hiện: Thời điểm nam - nữ chung sống với nhau như vợ, chồng/đăng ký kết hôn/tổ chức cưới hỏi, các điều kiện kết hôn (độ tuổi, tình trạng độc thân...), thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền...

- Tình tiết, sự kiện thể hiện nội dung tranh chấp:

+ Tình tiết, sự kiện xác định căn cứ ly hôn: tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được (vợ/chồng vi phạm nghĩa vụ giữa vợ và chồng, ngoại tình...), quá trình hàn gắn quan hệ hôn nhân không thành (bên có quyền đã khuyên nhủ, hòa giải có sự chứng kiến của gia đình, cơ quan, tổ dân phố... nhưng bên vi phạm vẫn tiếp tục vi phạm), mức độ lỗi của các bên.

+ Tình tiết, sự kiện thỏa thuận tài sản giữa vợ và chồng, nguồn gốc tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng, công sức đóng góp, duy trì, tôn tạo, phát triển của các chủ thể đối với tài sản chung và riêng đó, điều kiện, hoàn cảnh sinh sống của mỗi bên sau ly hôn;

+ Tình tiết, sự kiện thể hiện quan hệ cha, mẹ - con (huyết thống, sinh tự nhiên, thụ tinh ống nghiệm, mang thai hộ...), nuôi dưỡng, độ tuổi, giới tính, sức khỏe, môi trường sinh hoạt, học tập của con, điều kiện nuôi dưỡng con của bố mẹ, thu nhập của các bên...

+ Tình tiết sự kiện thể hiện sự thay đổi về chi phí sinh hoạt học tập của con cái, điều kiện, thu nhập, đạo đức, khả năng của người đang trực tiếp nuôi con sau khi vợ/chồng ly hôn....

- Các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ý kiến phản bác của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các yêu cầu, ý kiến này phải cụ thể, rõ ràng. Ví dụ: tranh chấp về ly hôn thì yêu cầu giải quyết đồng thời 3 nội dung là tình cảm, chia tài sản, nuôi con, cấp dưỡng hay chỉ về tình cảm hay cả tình cảm, nuôi con mà không chia tài sản...

4- Xây dựng dự thảo kế hoạch hỏi tại phiên tòa hôn nhân và gia đình sơ thẩm

Tùy vào từng nội dung tranh chấp ở từng vụ án HN&GĐ mà Luật sư chuẩn bị dự thảo kế hoạch hỏi khác nhau. Về nguyên tắc chung, những nội dung các bên đã thống nhất và có chứng cứ chứng minh rõ ràng, cụ thể thì không cần đặt câu hỏi để làm rõ.

- Đối với vụ án về ly hôn: Trong vụ án này, Luật sư phải làm rõ những nội dung sau:

+ Tính chất quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng.

+ Vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được hay không?

+ Xác định mức độ lỗi của các bên trong việc vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ/chồng?

+ Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước, trong thời kỳ hôn nhân? Khối tài sản chung/tài sản riêng của vợ/chồng? (tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, được tặng cho riêng, thừa kế riêng, văn bản nhập tài sản riêng vào tài sản chung?...).

+ Điều kiện sống, thu nhập của vợ chồng sau khi ly hôn.

+ Con chung, con riêng, độ tuổi, giới tính, điều kiện sinh sống, học tập của các con, ý kiến của các con về việc ở với bố, mẹ sau ly hôn.

- Đối với tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân: Trong vụ án này, Luật sư phải làm rõ những nội dung sau:

+ Xác định quan hệ hôn nhân;

+ Xác định khối tài sản chung, tài sản riêng của các bên;

+ Xác định thỏa thuận của các bên về khối tài sản chung;

+ Xác định khối tài sản chung để chia (nguồn gốc, công sức đóng góp, xây dựng, hình thành tài sản chung của các bên, giá trị các tài sản chung);

+ Xác định nội dung tranh chấp: tranh chấp về khối tài sản chung chưa chia hay phân chia và cách chia...

- Đối với tranh chấp về cấp dưỡng trong vụ án này, Luật sư phải làm rõ những nội dung sau:

+ Quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng;

+ Độ tuổi, năng lực hành vi dân sự, điều kiện sinh sống, học tập của người được cấp dưỡng;

+ Thu nhập, điều kiện hoặc việc trốn tránh nghĩa vụ của người cấp dưỡng;

+ Sự thay đổi mức sinh hoạt, chi phí học tập, môi trường sống của người được cấp dưỡng...

- Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Trong vụ án này, Luật sư phải làm rõ những nội dung sau:

+ Thỏa thuận giữa các bên về biện pháp sinh con, mang thai hộ?

+ Người mang thai hộ đang trực tiếp nuôi dưỡng, không trả lại con cho bố mẹ đẻ;

+ Người mang thai hộ có hành vì đòi tiền công hoặc lợi ích vật chất từ việc mang thai hộ...

5- Soạn bản dự thảo bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa hôn nhân và gia đình sơ thẩm

Về hình thức, bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa HN&GĐ sơ thẩm có cấu trúc tương tự như các phiên tòa dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động sơ thẩm.

Về nội dung, sau phần nhận định về sự vi phạm tố tụng trong việc giải quyết vụ án HN&GĐ của Tòa án (nếu có), thông thường là trình bày về quan hệ hôn nhân, tiếp theo là về nội dung tranh chấp và cuối cùng là đưa ra yêu cầu khởi kiện và căn cứ, lập luận cho yêu cầu khởi kiện.

Ví dụ:

Dự thảo bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích của anh/chị

trong vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người vợ, là nguyên đơn trong vụ án. Nguyên đơn yêu cầu được ly hôn, nuôi con chung, yêu cầu người chồng cấp dưỡng và chia tài sản chung vợ chồng.

Kính thưa Hội đồng xét xử!

Chị H là nguyên đơn trong vụ án ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn giữa chị H và anh K. Qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghe lời trình bày của bị đơn tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn có quan điểm pháp lý như sau:

1. Về yêu cầu ly hôn:

Chị H và anh K có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số.... do UBND xã... cấp ngày... tháng... năm.... Thời điểm đăng ký kết hôn, chị... tuổi, anh... tuổi, chưa có vợ, có chồng. Theo quy định tại điểm... khoản... Điều... Luật HN&GĐ năm... và qua chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa ngày hôm nay, chúng tôi khẳng định chị... và anh... tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Sau khi kết hôn, chị H và anh K chung sống hạnh phúc. Những năm gần đây, anh K chung Sống như vợ chồng với chị B, là bạn học của anh K. Kể từ khi ngoại tình với chị B, mỗi lần chị H khuyên nhủ, anh K không những không nghe mà còn đánh chị H bầm tím. Việc anh K đánh chị H tái diễn nhiều lần. Dù được họ hàng, làng xóm nhắc nhở nhưng anh K vẫn chứng nào tật nấy. Vì thế mâu thuẫn giữa chị H và anh K ngày càng sâu sắc, hiện tại chị H và anh K sống ly thân gần 1 năm. Với đầy đủ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào điểm... khoản ...Điều...Luật HN&GĐ năm 2014, chị H có đủ căn cứ để ly hôn với anh K.

2. Về con cái và cấp dưỡng:

Chị H và anh K có hai con chung: cháu T, 8 tuổi (sinh ngày...)... và cháu Q, 2 tuổi (sinh ngày...). Nếu bố mẹ ly hôn, mong muốn của cháu T được sống với mẹ. Với điều kiện sống ổn định (có nhà riêng, thu nhập mỗi tháng là X đồng/tháng,...) trong khi anh K với công việc lái xe tải đường dài thường xuyên xa nhà, không có điều kiện chăm sóc con, trên cơ sở ý kiến của cháu T và độ tuổi của cháu Q, chị H có nguyện vọng được nuôi hai con chung và yêu cầu anh K chu cấp 1.500.000 đồng/tháng. Yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với điểm... khoản ... Điều... Luật HN&GĐ năm 2014. Vì thế yêu cầu của bị đơn được trực tiếp nuôi hai con là không có cơ sở và không đảm bảo cho các con phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần.

Về tài sản:

Tài sản chung của chị H và anh K là:

- Động sản:

(1) trị giá (theo biên bản định giá số...ngày.... của

Trung tâm định giá....), trong đó chị H đóng góp là...., anh K đóng góp là

(2) trị giá (theo biên bản định giá số.... ngày.... của

Trung tâm định giá....) trong đó chị H đóng góp là...., anh K đóng góp là

(1) có diện tích... tại.... trị giá (theo biên bản định giá

số....ngày....của Trung tâm định giá....), trong đó chị H đóng góp là...., anh K đóng góp là

(2) có diện tích... tại.... trị giá (theo biên bản định giá

Số.... ngày.... của Trung tâm định giá....), trong đó chị H đóng góp là...., anh K đóng góp là

Yêu cầu: Căn cứ vào điểm... khoản... Điều... Luật HN&GĐ năm 2014, công sức đóng góp cũng như điều kiện sống, thu nhập của các bên, nguyên đơn yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng chị H và anh K theo tỷ lệ...Chị H đề nghị được nhận .... và thanh toán giá trị tài sản chênh lệch cho anh K.

Trên cơ sở những vấn đề pháp lý được phân tích ở trên, một lần nữa kính đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm căn cứ vào các quy định của pháp luật mà chúng tôi viện dẫn để không chấp nhận tất cả những yêu cầu không có căn cứ của bị đơn và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Xin chân thành cảm ơn!

Xem thêm: Dịch vụ luật sư trong vụ việc về ly hôn

Nguồn: Tổng hợp từ giáo trình kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia giải quyết các vụ việc dân sự (HVTP - 2021) 

 

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
3.5 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án hôn nhân và gia đình

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.05669 sec| 1196.367 kb