Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Nếu bạn cho rằng bạn không thể trở thành một Luật sư tử tế, hãy chọn làm Người tử tế, đừng làm Luật sư".
- Abraham Lincoln
Đánh giá chứng cứ là hoạt động nhận thức của Luật sư nhằm xác định giá trị chứng minh của dấu vết hình sự đã thu thập được và sự liên quan giữa các dấu vết này với các chứng cứ, tài liệu khác về vụ án.
Kỹ năng sử dụng chứng cứ là dấu vết hình sự cũng là một trong những kỹ năng quan trọng đối với Luật sư, qua đó Luật sư sẽ lựa chọn chứng cứ chứng minh trong các chứng cứ, dấu vết, tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ vụ án (có thể do Cơ quan điều tra thu thập, cũng có thể do Luật sư thu thập và cung cấp cho Cơ quan điều tra).
Đánh giá chứng cứ nói chung và dấu vết hình sự nói riêng là hoạt động nhận thức của Luật sư nhằm xác định giá trị chứng minh của dấu vết hình sự đã thu thập được và sự liên quan giữa các dấu vết này với các chứng cứ, tài liệu khác về vụ án. Việc đánh giá các dấu vết hình sự phải được tiến hành trên cơ sở các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về chứng cứ, về các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự, về các yếu tố cấu thành tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... đồng thời cũng phải dựa vào niềm tin nội tâm của Luật sư, dựa vào kinh nghiệm hành nghề của Luật sư nhằm bảo đảm việc đánh giá các chứng cứ là dấu vết hình sự được thực hiện một cách đầy đủ, chính xác và đúng quy định của pháp luật.
Tùy theo phương án bào chữa cho người bị buộc tội (phương án không phạm tội do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc không thực hiện hành vi phạm tội, phương án giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, phương án chuyển tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn...) mà Luật sư có định hướng ngay từ ban đầu trong tìm kiếm, lựa chọn các chứng cứ là dấu vết hình sự để nghiên cứu, đánh giá giá trị chứng minh của chứng cứ là dấu vết hình sự phục vụ tốt cho phương án bào chữa cho khách hàng.
Khi đánh giá chứng cứ là dấu vết hình sự, Luật sư cần xác định chính xác dấu vết đó có giá trị chứng minh về tình tiết cụ thể nào của vụ án? Tình tiết đó có lợi hay có thể gây bất lợi cho khách hàng của mình? Nếu dấu vết đó chứng minh về tình tiết bất lợi cho khách hàng thì Luật sư không cần sử dụng dấu vết đó trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, tuy nhiên cần tìm ra những căn cứ pháp lý, chỉ ra các vi phạm thủ tục tố tụng khi thu giữ, niêm phong, mở niêm phong hay bảo quản vật chứng của cơ quan tiến hành tố tụng để bác bỏ giá trị chứng cứ, giá trị chứng minh của dấu vết.
(i) Khi đánh giá dấu vết hình sự, Luật sư cần phải bảo đảm tính hợp pháp, khách quan, toàn diện, đầy đủ, xác thực của các chứng cứ là dấu vết hình sự trong vụ án
Dấu vết hình sự có thể do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, cũng có thể do Luật sư thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tất cả những dấu vết hình sự này đều được coi là nguồn chứng cứ có ý nghĩa quan trọng chứng minh về đối tượng phạm tội; chứng minh về phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của tội phạm. Ngoài ra, dấu vết này cũng có ý nghĩa chứng minh nhằm gỡ tội cho khách hàng, bào chữa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị buộc tội. Chính vì vậy, từ việc phân tích, đánh giá đến sử dụng các dấu vết hình sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự của Luật sư cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc chung về phân tích, đánh giá, sử dụng chứng cứ, cụ thể như sau:
- Việc phân tích, đánh giá, sử dụng các dấu vết hình sự phải đảm bảo khách quan, toàn diện và đầy đủ: Chỉ được coi các dấu vết hình sự thu thập được trong quá trình điều tra là chứng cứ của vụ án khi các dấu vết đó có đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ: tính hợp pháp, tính xác thực và tính liên quan. Chỉ được sử dụng các dấu vết này làm chứng cứ chứng minh khi chúng đã được chuyển hóa thành các chứng cứ hợp pháp và sau khi đã đối chiếu, kiểm tra, xác minh đầy đủ, xác định sự phù hợp của chúng với các chứng cứ, tài liệu khác về vụ án, nhằm đảm bảo độ tin cậy và giá trị chứng minh của dấu vết hình sự. Tuyệt đối không được sử dụng làm chứng cứ chứng minh (đưa ra những nhận định, kết luận, quyết định pháp lý...) đối với bất kỳ một tài liệu, đồ vật nào nếu chúng chưa được kiểm tra, xác minh thận trọng; không được định kiến, chủ quan, thiên lệch, coi trọng chứng cứ này mà bỏ qua chứng cứ kia, chỉ coi trọng sử dụng chứng cứ gốc, chứng cứ trực tiếp mà bỏ qua, coi nhẹ chứng cứ sao chép, chứng cứ thuật lại, chứng cứ gián tiếp hoặc chỉ sử dụng chứng cứ buộc tội mà bỏ qua các chứng cứ gỡ tội và ngược lại... đối với Luật sư mỗi chứng cứ đều có giá trị chứng minh của nó.
- Việc thu giữ, bảo quản, sử dụng, xử lý vật chứng là dấu vết hình sự phải tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự: Các dấu vết hình sự chỉ được coi là chứng cứ khi chúng được thu giữ, bảo quản, sử dụng, xử lý theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự: “Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và phiên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật" (Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). “1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản ” (khoản 1 Điều 106 Bộ luật hình sự năm 2015). Do Luật sư không có điều kiện về kỹ thuật, cơ sở vật chất trong việc bảo quản, xử lý chứng cứ là dấu vết hình sự nên ngay sau khi phát hiện, thu thập được chứng cứ là dấu vết hình sự, Luật sư cần phải sử dụng máy ảnh chụp lại hình ảnh ban đầu, giữ nguyên vẹn giá trị chứng minh của dấu vết, không được xê dịch, làm mất mát, hư hỏng, thất lạc, đặc biệt là những vật mang dấu vết dễ vỡ, dễ bị xóa. Trường hợp có thể di chuyển chứng cứ là dấu vết hình sự như vỏ đạn, đầu đạn, lông, tóc, vết máu trên dao, cốc chén... thì Luật sư có thể bảo quản chứng cứ vào trong túi nilon sạch rồi đưa chứng cứ đó đến giao cho Cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đồng thời đề nghị lập biên bản việc giao nhận để lưu hồ sơ riêng của Luật sư. Trường hợp chứng cứ là dấu vết hình sự không thể di chuyển như vết máu trên sàn nhà, trên phương tiện giao thông như ô tô, xe máy... thì Luật sư báo ngay cho Điều tra viên, Kiểm sát viên đến hiện trường có dấu vết hình sự đó để cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành thu thập chứng cứ, dấu vết hình sự đó có sự tham gia, chứng kiến của Luật sư theo quy định, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng mà Luật sư đang nhận bào chữa hoặc bảo vệ.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa
(ii) Khi phân tích, đánh giá chứng cứ là dấu vết hình sự, Luật sư cần thực hiện các yêu cầu sau
Quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự nói chung và hoạt động chứng minh của Luật sư nói riêng là một quá trình tư duy logic bao gồm các công đoạn khác nhau như thu thập, kiểm tra, phân tích, đánh giá và sử dụng các chứng cứ trong đó có dấu vết hình sự Luật sư đã thu thập được hoặc do đương sự cung cấp cho Luật sư. Tuy có sự độc lập tương đối nhưng giữa các công đoạn này có sự liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau.
Việc phân định hoạt động chứng minh thành các hoạt động như sơ đồ nêu trên chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế các hoạt động này liên hệ chặt chẽ và được các chủ thể tiến hành xen kẽ với nhau. Ở các giai đoạn tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải sử dụng chứng cứ để ra quyết định tố tụng. Các quyết định tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bất kỳ một vụ án hình sự nào đều phải sử dụng các chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án để phân tích, đánh giá, lập luận trước khi đưa ra các quyết định tố tụng quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự như: Cơ quan điều tra phải sử dụng các chứng cứ để quyết định khởi tố và điều tra vụ án; Viện kiểm sát phải sử dụng chứng cứ đó làm căn cứ có ra quyết định truy tố hay không truy tố; Hội đồng xét xử phải sử dụng các chứng cứ đã được kiểm tra, đánh giá để tuyên bố một người có tội và phải chịu hình phạt hay không phạm tội và được trả tự do.
Để hoạt động kiểm tra, phân tích, đánh giá và sử dụng chứng cứ là dấu vết hình sự bảo đảm chính xác và hiệu quả khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Luật sư cần nắm vững các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, cần nắm vững các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về chứng cứ, nguồn chứng cứ; các quy định về thu thập, bảo quản và xử lý chứng cứ, vật chứng nói chung và các dấu vết hình sự nói riêng.
Thứ hai, tuân thủ các nguyên tắc về đánh giá và sử dụng chứng cứ nói chung và các dấu vết hình sự nói riêng.
Thứ ba, nắm được những kiến thức cơ bản về cơ chế tác động, sự hình thành và đặc điểm của các loại dấu vết hình sự (dấu vân tay, dấu vết máu; vỏ đạn, đầu đạn, màu lông, tóc...) ở hiện trường để phát hiện và thu thập đầy đủ, kịp thời các dấu vết đó.
Thứ tư, nắm được những kiến thức cơ bản về các phương pháp kỹ thuật mà Cơ quan điều tra đã áp dụng để thu thập, bảo quản các dấu vết hình sự (dấu vân tay, dấu vết máu; các mẫu lông, tóc; dấu vết về súng đạn...).
Thứ năm, nắm được những kiến thức cơ bản có liên quan đến lĩnh vực giám định dấu vết hình sự (giám định dấu vân tay, mẫu máu; giám định ADN; giám định dấu vết về súng đạn...).
Kỹ năng sử dụng chứng cứ là dấu vết hình sự cũng là một trong những kỹ năng quan trọng đối với Luật sư, qua đó Luật sư sẽ lựa chọn chứng cứ chứng minh trong các chứng cứ, dấu vết, tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ vụ án (có thể do Cơ quan điều tra thu thập, cũng có thể do Luật sư thu thập và cung cấp cho Cơ quan điều tra). Luật sư phải lựa chọn sử dụng những chứng cứ là dấu vết hình sự bảo đảm tính hợp pháp, khách quan, có độ tin cậy cao, liên quan đến vụ án và phù hợp với các chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án hình sự đang giải quyết. Qua đó, khi đã lựa chọn được chứng cứ là dấu vết hình sự để chứng minh, Luật sư căn cứ vào đó, đưa ra những nhận định, kết luận, đề xuất của mình về các vấn đề cụ thể cần giải quyết trong vụ án. Tùy vào tư cách tham gia tố tụng của Luật sư trong vụ án hình sự, các dấu vết hình sự được Luật sư lựa chọn, sử dụng làm chứng cứ chứng minh để bào chữa cho người bị buộc tội hay bảo vệ cho khách hàng của mình là bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, Luật sư chỉ sử dụng chứng cứ là dấu vết hình sự nếu các dấu vết này có lợi, có giá trị chứng minh theo phương án bào chữa vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc chuyển tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn cho khách hàng của mình.
Thứ hai, Luật sư không sử dụng chứng cứ là dấu vết hình sự nếu các dấu vết này gây bất lợi cho khách hàng của mình là người bị buộc tội. Trong mọi trường hợp Luật sư không nên đưa ra đánh giá và không sử dụng các dấu vết đó. Nếu tại phiên tòa chủ thể của bên đối trọng như Kiểm sát viên, Luật sư đối tụng đưa ra các dấu vết này và sử dụng chúng để chứng minh về các tình tiết gây bất lợi cho khách hàng của mình thì Luật sư cần phải tìm ra các căn cứ về tính không hợp pháp, tính không khách quan - không phù hợp hoặc có mâu thuẫn giữa dấu vết đó với các chứng cứ, tài liệu khác trong vụ án từ đó đưa ra các lập luận thuyết phục để bác bỏ và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận dấu vết đó là chứng cứ buộc tội cho khách hàng của mình.
Thứ ba, Luật sư khi tham gia tố tụng với tư cách bảo vệ quyền lợi cho người bị hại cần phải phân tích, đánh giá và sử dụng các dấu vết hình sự thu được tại hiện trường để củng cố, đồng tình với quan điểm, lập luận của Kiểm sát viên buộc tội bị can, bị cáo, đồng thời phải đưa ra lập luận thuyết phục Hội đồng xét xử nhằm bác bỏ quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo về các chứng cứ, dấu vết này.
Tóm lại, biết được thông tin về chứng cứ, thu thập được chứng cứ là dấu vết hình sự có liên quan đến vụ án do Luật sư đang đảm nhận giải quyết để bào chữa cho người bị buộc tội hay để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại hay đương sự khác đã khó, việc thu giữ chứng cứ thế nào, giao nộp khi nào, giao nộp cho cơ quan nào, sử dụng chứng cứ đó ở thời điểm nào trong các giai đoạn tố tụng lại còn khó hơn, đòi hỏi Luật sư phải nắm vững các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, hiểu các nguyên tắc làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng, có kinh nghiệm vận dụng khôn khéo và linh hoạt nguồn chứng cứ là dấu vết hình sự để đạt được mục tiêu bào chữa, bảo vệ cho khách hàng của mình hiệu quả cao nhất theo đúng các quy định của pháp luật.
Nguồn: Tổng hợp từ Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết vụ án hình sự (phần tự chọn) - Học viện Tư pháp và các nguồn khác.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm