Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

22/07/2024
Chu Minh Đức
Chu Minh Đức
Trong thực tiễn hoạt động nghề của luật sư khi tham gia giải quyết tranh chấp, thì tranh chấp dân sự là một dạng tranh chấp thường gặp, phổ biến và phức tạp. Do đó, ngoài các kỹ năng chung, các Luật sư cần quan tâm các kỹ năng đặc thù theo loại án trong tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.
-

Nội dung bài viết

1 - Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự

[a] Tiếp xúc, trao đổi với khách hàng trong giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự

Thứ nhất, về chủ thể khởi kiện.

Khi trao đổi với khách hàng trong các tranh chấp dân sự, Luật sư cần lưu ý ba tiêu chí cơ bản xác định quyền khởi kiện: (i) về nguyên tắc, các chủ thể này phải là một bên chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, HN&GĐ, kinh doanh, thương mại, lao động; (ii) Họ là người cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đang bị tranh chấp hoặc bị xâm hại; (iii) Để có thể tự mình thực hiện việc khởi kiện với tư cách là nguyên đơn họ phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng dân sự. Trường hợp cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng dân sự thì việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của họ do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Thứ hai, trao đổi về việc xác định thời hiệu khởi kiện.

Trong hoạt động chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, vấn đề thời hiệu luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Mặc dù thời hiệu khởi kiện không phải là điều kiện bắt buộc để thụ lý giải quyết vụ án, tuy nhiên nếu vụ án hết thời hiệu khởi kiện mà đương sự không chứng minh được căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện (trừ những vụ án không áp dụng thời hiệu khởi kiện hoặc thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế), thì đương sự sẽ bị mất quyền khởi kiện. Khi trao đổi với khách hàng, Luật sư cần hết sức lưu ý, nắm vững các quy định của BLDS và BLTTDS về thời hiệu khởi kiện với các nội dung như cách tính thời hiệu; thời điểm bắt đầu thời hiệu; bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu; thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện; không áp dụng thời hiệu khởi kiện; bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện... Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của BLDS. Đồng thời, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện được dựa trên nguyên tắc: đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.

Thứ ba, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp chỉ ra rằng các vụ việc dân sự có thể được giải quyết bằng nhiều phương thức khác nhau (theo thủ tục hành chính, thương lượng hòa giải, Tòa án...). Khi khách hàng quyết định lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án bằng con đường tố tụng dân sự, bên cạnh những nguyên tắc chung về xác định thẩm quyền, Luật sư cần lưu ý một số đặc thù cơ bản khi xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự được các Luật chuyên ngành điều chỉnh.

Thứ tư, trao đổi, xác định các điều kiện khác khi khởi kiện tranh chấp dân sự.

(i) Điều kiện về hòa giải ở cơ sở

Đối với những vụ án pháp luật quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước và chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án khi các cơ quan đó đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết đó thì Luật sư cần hướng dẫn cho khách hàng làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết để làm căn cứ cho việc khởi kiện.

- Đối với các tranh chấp về quyền sử dụng đất: Với các quy định tại Điều 202 và 203 Luật Đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai sau khi các bên tự hòa giải với nhau không có kết quả sẽ được giải quyết thông qua hòa giải ở cơ sở và hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp. Luật sư sẽ phải hướng dẫn cho khách hàng nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai. Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra: Đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra là một loại bồi thường thiệt hại xảy ra trong lĩnh vực hình sự.

(ii) Xác định yêu cầu khởi kiện của khách hàng đã được giải quyết bằng một bán án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật chưa

Luật sư cần xác định yêu cầu khởi kiện của khách hàng trong các tranh chấp dân sự đã được giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật hay chưa. Nếu một vụ án đã được Tòa án của Việt Nam giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì khách hàng không được khởi kiện đối với vụ án đó nữa. Tuy nhiên, Luật sư cũng cần xác định các trường hợp ngoại lệ trong tranh chấp dân sự mà khi nằm trong trường hợp này khách hàng vẫn có quyền khởi kiện lại. 

[b] Hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện với một số tranh chấp dân sự phổ biến

- Đối với vụ án tranh chấp về quyền sở hữu:

+ Giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ờ; giấy chứng nhận đăng ký ô tô, xe máy; cổ phần, cổ phiếu...

+ Các giấy tờ khác có liên quan như giấy tặng cho...

- Đối với vụ án tranh chấp về đất đai: Luật sư cần hướng dẫn khách hàng thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến chủ thể sử dụng đất và nguồn gốc đất như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các giấy tờ theo quy định tại Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013.

- Đối với vụ án thừa kế: Luật sư cần hướng dẫn cho khách hàng thu thập các chứng cứ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện như:

+ Giấy chứng từ của người để lại di sản thừa kế hoặc quyết định tuyên bố chết của Tòa án có thẩm quyền. Trường hợp các chứng cứ mà khách hàng cung cấp cho thấy đã hết thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, Luật sư cần xác định và hướng dẫn, giúp đương sự thu thập các chứng cứ chứng minh việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế để lựa chọn khởi kiện theo một quan hệ khác. 

+ Chứng cứ về diện và hàng thừa kế (những người có khả năng thừa kế theo quy định của pháp luật: quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng). Luật sư nên lập sơ đồ thừa kế để xác định những người thừa kế, xác định đương sự trong vụ án. Việc lập sơ đồ thừa kế phải đảm bảo các nội dung sau: Xác định người để lại di sản, các thời điểm mở thừa kế (một hay hai... thời điểm mở thừa kế), hàng thừa kế và diện thừa kế theo quy định của pháp luật, mối quan hệ giữa các thừa kế với nhau và giữa những người thừa kế với những người để lại di sản thừa kế.

+ Di chúc (nếu có);

+ Các tài liệu, chứng cứ chứng minh tài sản là di sản thừa kế thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người để lại di sản (đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất là các chứng cứ xác định các điều kiện để quyền sử dụng đất là di sản theo quy định của pháp luật); xác định đồng sở hữu của người để lại di sản; các chứng cứ để xác định tổng thể di sản; xác định phần góp vốn của những người liên quan; các chứng cứ về nghĩa vụ tài sản và chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán từ di sản; các chứng cứ liên quan đến việc xác nhận quyền thừa kế hay bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Bản kê khai các di sản.

+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), văn bản từ chối nhận di sản (nếu có).

- Đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Luật sư cần hướng dẫn cho khách hàng thu thập các chứng cứ:

+ Chứng cứ liên quan đến việc xác định lỗi của người gây ra thiệt hại và mức thiệt hại phải bồi thường do lỗi đó gây ra cũng như mức yêu cầu bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật hoặc được các bên chấp nhận.

+ Các giấy tờ về các khoản chi phí hợp lý (những chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại...) như: Bảng kê các chi phí tính được bằng tiền về những thiệt hại; chứng từ điều trị của bệnh viện; chi phí mai táng; giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản; các hóa đơn thu tiền sửa chữa; hóa đơn thuê phương tiện đi cấp cứu tại cơ sở y tế; các hóa đơn mua thuốc và mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mô, truyền máu, tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe... kèm theo đơn thuốc chỉ định của bác sỹ; hóa đơn thu tiền viện phí; hóa đơn về các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mua xe lăn, nạng chống... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng cơ thể (nếu có); các chi phí thực tế, cần thiết khác (nếu có).

+ Các văn bản, tài liệu giải quyết của cơ quan chức năng.

+ Các giấy tờ, tài liệu khác...

- Đối với các vụ án tranh chấp về nhà ở:

Hồ sơ cần có các giấy tờ:

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

+ Các giấy tờ xác nhận chủ quyền nhà (trong trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà).

+ Các giấy tờ liên quan đến giao dịch nhà có tranh chấp: giấy cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ, mua bán, tặng cho... hoặc các giấy tờ thể hiện có quan hệ này.

+ Các giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giải quyết nhà đang có tranh chấp (nếu có).

- Đối với vụ án tranh chấp về hợp đồng:

Hồ sơ cần có các giấy tờ:

+ Các giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản là đối tượng giao dịch của hợp đồng. Ví dụ, tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở thì đương sự phải nộp các giấy tờ về nguồn gốc nhà; Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đương sự phải nộp các giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất...

+ Các giấy tờ chứng minh việc xác lập quan hệ hợp đồng giữa các bên, đó là bản hợp đồng, phụ lục hợp đồng, các giấy tờ, tài liệu liên quan đến thỏa thuận bổ sung hợp đồng. Ví dụ, người khởi kiện yêu cầu bên vay trả tiền nợ gốc và lãi trong tranh chấp hợp đồng vay tiền thì phải xuất trình các tài liệu, giấy tờ như hợp đồng vay, giấy biên nhận vay tiền, giấy khất nợ, tài liệu thừa nhận việc vay nợ, băng ghi âm, ghi hình, giấy xác nhận của người làm chứng chứng kiên việc cho vay...; Riêng đối với tài liệu là băng ghi âm, ghi hình người khởi kiện phải xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ về băng ghi âm, ghi hình đó.

+ Các giấy tờ liên quan đến quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng của các bên trong quan hệ hợp đồng. Ví dụ, người khởi kiện là bên bán tài sản yêu cầu bên mua thanh toán tiền còn thiếu và lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản phải nộp kèm theo đơn khởi kiện giấy tờ chứng minh việc đã giao hàng cho bên mua.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest

2 - Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tranh chấp kinh doanh, thương mại

[a] Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng về việc khởi kiện tranh chấp kinh doanh, thương mại

Phần lớn các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, ngoại trừ các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Trọng tài thương mại. Để có thể tư vấn cho khách hàng trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án, Luật sư cần lưu ý một số đặc thù sau khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng:

- Về thời hiệu khởi kiện: thời hiệu khởi kiện các tranh chấp về kinh doanh, thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định thì thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại là 02 năm, kể từ ngày đương sự biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Để xác định được thời hiệu khởi kiện cho một vụ việc cụ thể, trước hết Luật sư cần xác định xem quy định pháp luật chuyên ngành nào sẽ điều chỉnh vụ việc đó. Chỉ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành không có quy định về thời hiệu khởi kiện thì mới áp dụng quy định của BLDS và BLTTDS.

- Về khách hàng: khách hàng trong các tranh chấp về kinh doanh, thương mại thường là tổ chức và đa phần là các doanh nghiệp. Đối với các tranh chấp có giá trị lớn hoặc có ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp, có thể người đại diện theo pháp luật, ban giám đốc doanh nghiệp sẽ làm việc trực tiếp với Luật sư. Một số công ty, tập đoàn có quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ, bộ phận pháp chế sẽ làm việc trực tiếp với Luật sư. Một số doanh nghiệp sẽ cử một số cá nhân có liên quan trực tiếp đến tranh chấp làm việc với Luật sư. Buổi họp với khách hàng trong nhiều trường hợp sẽ không diễn ra tại tổ chức hành nghề luật sư mà sẽ diễn ra tại địa điểm mà khách hàng đề xuất, thường là trụ sở, văn phòng của khách hàng. Với thực tế nêu trên nên trước khi tiếp xúc khách hàng, Luật sư cần tìm hiểu xem nhân sự tham gia buổi họp với Luật sư là ai, tư cách đại diện như thế nào, có quyền đại diện, quyền cung cấp thông tin cũng như quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hay không. Nếu việc giải quyết tranh chấp được giao cho một hoặc một số nhân sự hiếu về tranh chấp, có khả năng cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp và phối hợp chặt chẽ với Luật sư trong việc giải quyết tranh chấp thì tiến độ giải quyết công việc sẽ nhanh hơn. 

- Về tính chất phức tạp của vụ việc: các tranh chấp về kinh doanh, thương mại thường có những phức tạp đặc thù xuất phát từ giá trị tranh chấp, các vấn đề kinh tế, kỹ thuật, văn hoá, ảnh hưởng của tranh chấp đến uy tín kinh doanh của các bên... Do đó, để có thể tư vấn cho khách hàng về việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong giai đoạn chuẩn bị khởi kiện, Luật sư cần phải hiểu nguyên nhân chính của tranh chấp cũng như những vấn đề chuyên môn của giao dịch để có thể tư vấn cho khách hàng hiệu quả.

- Về sự ảnh hưởng của việc khởi kiện đến quan hệ, uy tín của các bên trong tranh chấp: khi có tranh chấp xảy ra, các bên thường đứng trên lập trường của mình để đưa ra các yêu cầu hoặc từ chối yêu cầu của bên kia. Bên đưa ra yêu cầu nếu không đạt được yêu cầu thường mong muốn đưa tranh chấp ra giải quyết tại Toà án. Bên bị yêu cầu, trong một số trường hợp do muốn bảo vệ quan điểm, lập trường của mình hay vì một lý do nào khác thường không đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải nên dẫn đến việc tranh chấp phải đưa ra giải quyết tại Toà án. Tuy nhiên, các bên thường chưa ý thức hết được ảnh hưởng của việc giải quyết tranh chấp đến quan hệ của các bên. Bản án của Toà án thường là dấu chấm hết cho quan hệ của các bên. Hậu quả xa hơn nữa là các bên dù là bên thắng hay thua sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng đến uy tín vì các lý do như các bên sử dụng các phương tiện truyền thông và việc xét xử tranh chấp thường diễn ra công khai (trong một số trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật kinh doanh thì các bên có thể đề nghị Toà án xứ kín). 

- Sự lạc quan của khách hàng về phương thức giải quyết tại Tòa án: không phải doanh nghiệp nào, khách hàng nào cũng hiểu về quy trình giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án. Có một số doanh nghiệp khá lạc quan về phương thức giải quyết tranh chấp này mà bỏ qua việc lựa chọn những phương thức giải quyết tranh chấp khác. Trách nhiệm của Luật sư trong giai đoạn tiếp xúc khách hàng trước khi khởi kiện là cung cấp, giải thích cho khách hàng hiểu rõ về thủ tục tố tụng dân sự đối với các vụ án kinh doanh, thương mại, ưu điểm và hạn chế của phương thức giải quyết tranh chấp này để khách hàng cân nhắc trước khi quyết định khởi kiện. 

- Về điều khoản trọng tài: theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010: "Trong trường họp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Luật sư cần kiểm tra điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, thoả thuận để kiểm tra xem thoả thuận trọng tài có hiệu lực hay không. Nếu thoả thuận trọng tài có hiệu lực thì Luật sư cần trao đổi với khách hàng về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Luật sư có thể phân tích ưu và nhược điểm của phương thức này để khách hàng đưa ra lựa chọn.

- Về khả năng lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp khác trước khi tư vấn cho khách hàng về thủ tục khởi kiện, Luật sư cần giới thiệu cho khách hàng về thủ tục khởi kiện, tư vấn cho khách hàng các hình thức giải quyết tranh chấp khác như thương lượng, hòa giải. Trước khi đến gặp Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại, khách hàng thường đã tiến hành việc thương lượng nhưng không đạt hiệu quả. Để có thể thuyết phục khách hàng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác ngoài Tòa án, Luật sư cần phân tích cho khách hàng đặc điểm của mỗi phương thức, đặc biệt là việc sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp này khi có sự tham gia của Luật sư. Với kiến thức chuyên môn và kỹ năng của Luật sư trong việc thương lượng, đàm phán giải quyết các tranh chấp, Luật sư có thể giúp các bên hiểu rõ vị thế pháp lý của mình cũng như hệ quả của việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án. 

- Án phí, lệ phí thi hành án và khả năng thi hành án: Thông tin về phí, lệ phí thi hành án và khả năng thi hành án là những thông tin Luật sư cần cung cấp cho khách hàng khi trao đổi với khách hàng về yêu cầu khởi kiện. Việc xác định án phí, lệ phí thi hành án và đặc biệt là khả năng thi hành án là điều mà các bên tham gia tranh chấp quan tâm vì đa phần các chủ thể trong quan hệ này là các doanh nghiệp và doanh nhân.

Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại căn cứ theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 để Luật sư tư vấn cho khách hàng.

Nếu các bên đương sự không tự nguyện thi hành án với nhau mà yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án thì phải nộp phí thi hành án. Luật sư cần căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 46 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để hướng dẫn khách hàng.

- Lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp: Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại việc lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp cần có sự cân nhắc nhằm các mục đích sau: (i) tiết kiệm chi phí trong quá trình giải quyết tranh chấp; (ii) thuận tiện trong việc giải quyết tranh chấp; (iii) thuận lợi cho việc thi hành án. Đối với một tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì việc lựa chọn Tòa án theo lãnh thổ, theo sự lựa chọn của nguyên đơn có thể căn cứ vào các quy định tại Điểm a,b,c Khoản 1 Điều 39 và Điểm a,b,c,g Khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015 . 

[b] Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tranh chấp kinh doanh, thương mại

Tùy từng vụ việc, hồ sơ khởi kiện tranh chấp kinh doanh, thương mại sẽ khác nhau, nhưng về cơ bản có những loại sau:

- Đơn khởi kiện;

- Hợp đồng kinh doanh, thương mại hoặc văn bản, tài liệu giao dịch có giá trị như hợp đồng kinh doanh, thương mại; biên bản bồ sung, phụ lục hợp đồng (nếu có);

- Tài liệu về bảo đảm thực hiện hợp đồng như bảo lành, thế chấp, cầm cố (nếu có);

- Các tài liệu, chứng cứ về việc thực hiện hợp đồng như việc giao nhận hàng, biên bản nghiệm thu, chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý họp đồng, các biên bản làm việc về công nợ tồn đọng,...

- Các tài liệu giao dịch khác (nếu có);

- Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, các đương sự khác và người liên quan như: Giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập doanh nghiệp, điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp (bản sao có chứng thực);

- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao);

- Nêu các tài liệu nêu trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt Nam theo quy định trước khi nộp và nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu. Nếu các tài liệu của các cá nhân, tổ chức nước ngoài thì phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

3 -  Kỹ năng đặc thù trong tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tranh chấp lao động

[a] Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng trong các vụ án tranh chấp lao động

Theo quy định tại Điều 32 BLTTDS năm 2015 phạm vi các tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án rất rộng. Toà án không chỉ giải quyết các tranh chấp lao động (bao gồm tranh chấp lao động cá nhân; tranh chấp lao động tập thể về quyền) mà còn có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến lao động (bao gồm tranh chấp về học nghề, tập nghề; tranh chấp về cho thuê lại lao động; tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn; tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động); tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp và các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp tranh chấp đó thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, Luật sư cần làm rõ được nội dung tranh chấp giữa các bên, mong muốn (yêu cầu) của khách hàng khi khởi kiện và điều kiện khởi kiện của khách hàng.

Xác định nội dung tranh chấp giữa các bên

Khi trao đổi với khách hàng về nội dung tranh chấp, Luật sư cần làm rõ mối quan hệ giữa các bên tranh chấp và sự kiện tranh chấp.

- Quan hệ giữa các bên tranh chấp: Luật sư cần làm rõ mối quan hệ giữa các bên tranh chấp được xác lập dưới hình thức nào (hợp đồng lao động hợp đồng làm việc/hợp đồng cộng tác viên/hợp đồng thuê chuyên gia/hợp đồng thuê lại lao động...). Hình thức ghi nhận mối quan hệ giữa hai bên có hợp pháp không? Tuỳ thuộc quan hệ giữa hai bên tranh chấp là quan hệ gì (quan hệ giữa người lao động với người sư dụng lao động; quan hệ giữa viên chức nhà nước với đơn vị sự nghiệp công lập; quan hệ giữa bên cho thuê và bên thuê lại lao động...) mà Luật sư hỏi để làm rõ những vấn đề có liên quan. Chẳng hạn, nếu quan hệ giữa hai bên tranh chấp là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động thì Luật sư cần làm rõ: hợp đồng lao động ký giữa hai bên có hợp pháp không? Thời hạn của hợp đồng lao động; mức lương và các quyền lợi khác hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng lao động...

- Sự kiện tranh chấp: Phạm vi các tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án rất rộng, do đó, việc làm rõ sự kiện tranh chấp phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể. 

Mong muốn/yêu cầu của khách hàng khi khởi kiện

Việc xác định rõ mong muốn/yêu cầu của khách hàng sè giúp Luật sư có thế đưa ra lời khuyên thích hợp cho khách hàng. Chẳng hạn, trong những vụ tranh chấp mà người lao động khởi kiện người sừ dụng lao động vì cho rằng mình bị kỷ luật sa thải trái pháp luật, Luật sư cần hỏi rõ xem người lao động muốn được trở lại làm việc tại doanh nghiệp hay chỉ muốn bồi thường các khoản tiền do bị kỷ luật sa thải trái pháp luật? Ngoài các yêu cầu liên quan đến việc bị kỷ luật sa thải trái pháp luật, người lao động còn có yêu cầu nào khác không?

Điều kiện khởi kiện của khách hàng

Để có thể tư vấn cho khách hàng khởi kiện hay không nên khởi kiện, Luật sư còn phải làm rõ các điều kiện khởi kiện của khách hàng như thủ tục tiền tố tụng; vụ tranh chấp đã được giải quyết bằng bản án quyết định có hiệu lực pháp luật chưa?...

[b] Kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng

Khi tư vấn cho khách hàng khởi kiện một tranh chấp lao động đến Toà án, ngoài việc kiểm tra những điều kiện khởi kiện khác như sự việc thuộc thẩm quyền của Tòa án; sự việc chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền..., Luật sư cần kiểm tra những điều kiện khởi kiện đặc thù sau:

Quyền khởi kiện của khách hàng

Khi kiểm tra quyền khởi kiện của khách hàng trong vụ án lao động, Luật sư cần lưu ý từng đối tượng cụ thể:

- Khách hàng khởi kiện là người lao động: Theo quy định tại khoản 6 Điều 69 BLTTDS năm 2015, người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có quyền tự mình khởi kiện. Đây là điểm khác với chủ thể khởi kiện trong hầu hết các tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh doanh, thương mại. Nếu người lao động dưới 15 tuổi (trong trường hợp họ được tham gia một số quan hệ lao động) có quyền, lợi ích bị xâm phạm thì phải khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp (cha, mẹ hoặc người giám hộ).

- Khách hàng khởi kiện là người sử dụng lao động: Nếu người sử dụng lao động là cá nhân thì họ phải trực tiếp ký vào đơn khởi kiện. Nếu người sử dụng lao động là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký vào đơn khởi kiện.

Thủ tục tiền tố tụng

Trong số các tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án được quy định tại Điều 32 BLTTDS năm 2015 điều kiện về thủ tục tiền tố tụng chỉ đặt ra với tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền.

[c] Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho khách hàng trong các tranh chấp lao động

Tài liệu cần thiết đầu tiên trong hồ sơ khởi kiện là đơn khởi kiện. Cũng giống như đơn khởi kiện trong các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại, về nguyên tắc, đơn khởi kiện trong các vụ án lao động cũng phải có đầy đủ nội dung được quy định tại Điều 189 BLTTDS năm 2015.

Cùng với đơn khởi kiện, Luật sư cần giúp khách hàng chuẩn bị các tài liệu cần thiết nộp kèm theo đơn để chứng minh yêu cầu khởi kiện của khách hàng là có căn cứ và hợp pháp. Trong vụ án lao động, tùy thuộc vào tranh chấp khách hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết là tranh chấp gì mà Luật sư hướng dẫn khách hàng các tài liệu cần thiết. Nhưng nhìn chung, trong vụ án lao động, tài liệu cần gửi kèm theo đơn khởi kiện thông thường bao gồm:

- Tài liệu chứng minh tư cách người khởi kiện: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, điều lệ...

- Tài liệu chứng minh giữa hai bên tồn tại quan hệ lao động: hợp đồng lao động; phụ lục hợp đồng lao động; bảng lương cá nhân hoặc giấy tờ chuyển khoản lương...

- Tài liệu chứng minh sự kiện tranh chấp giữa các bên: Quyết định kỷ luật sa thải; quyết định chấm dứt hợp đồng lao động; hợp đồng đào tạo...

Ngoài ra, tùy thuộc tranh chấp của khách hàng là tranh chấp lao động cá nhân hay tranh chấp lao động tập thể về quyền, có bắt buộc phải qua thủ tục tiền tố tụng hay không mà Luật sư cần hướng dẫn khách hàng nộp kèm theo các giấy tờ/tài liệu chứng minh tranh chấp đã được giải quyết qua thủ tục tiền tố tụng.

Xem thêm: Thỏa thuận về tiền lương trong hợp đồng lao động

4 - Kỹ năng đặc thù trong tiếp xúc, trao đổi với khách hàng và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tranh chấp hôn nhân và gia đình

[a] Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng trong tranh chấp hôn nhân và gia đình

Trao đổi với khách hàng về nội dung tranh chấp

Xuất phát từ bản chất quan hệ tranh chấp trong lĩnh vực HN&GĐ, dù khách hàng là nguyên đơn, bị đơn, hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, Luật sư cần phải làm rõ đồng thời hoặc một trong các nội dung sau tùy từng quan hệ tranh chấp:

Thứ nhất, trao đổi xác định tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân.

Để xác định được quan hệ hôn nhân hợp pháp, Luật sư phải xác định được: (i) thời điểm nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng và tại thời điểm khởi kiện có chung sống với nhau như vợ chồng hay không (hoặc thời điểm vợ chồng đăng ký kết hôn); (ii) các điều kiện xác định hôn nhân hợp pháp như điều kiện kết hôn, các trường hợp cấm kết hôn, thủ tục đăng ký kết hôn được quy định trong các văn bản pháp luật HN&GĐ có hiệu lực tại thời điểm nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng hoặc thời điểm đăng ký kết hôn, các trường hợp công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp dù vi phạm một trong các điều kiện kết hôn; quan hệ hôn nhân trong trường hợp vợ (chồng) được tuyên bố chết trở về, các trường hợp chuyển hóa quan hệ hôn nhân từ hôn nhân không hợp pháp (do vi phạm điều kiện kết hôn) sang quan hệ hôn nhân hợp pháp; (iii) xác định được các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho nội dung (i) và (ii) như Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, xác nhận của họ hàng, cơ quan, đoàn thể về thời điểm chung sống với nhau như vợ chồng,...

Thứ hai, các vấn đề liên quan đến tài sản của vợ và chồng.

Các vấn đề liên quan đến tài sản của vợ chồng như số lượng tài sản, giá trị tài sản, vị trí địa lý tài sản, quyền sở hữu tài sản, hiện tài sản đang được ai quản lý, sử dụng, nguồn gốc, công sức đóng góp của vợ chồng đối với khối tài sản. Trong các nội dung kể trên thì nội dung quyền sở hữu tài sản thuộc về ai là vấn đề có tính quyết định để xác định được tài sản chung, tài sản riêng của vợ và chồng. Đây cũng là căn cứ để Tòa án lựa chọn phương thức chia tài sản theo nguyên tắc chia tài sản chung hợp nhất hay chia tài sản theo nguyên tắc chia tài sản chung theo phần khi đương sự có yêu cầu (nguyên đơn khởi kiện, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) hoặc để xác định trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của vợ/chồng đối với người thứ ba. Để xác định được tài sản chung và riêng của vợ và chồng, Luật sư phải làm rõ các vấn đề sau: (i) Tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân; (ii) Thời điểm phát sinh tài sản; (iii) Nguồn gốc phát sinh tài sản của vợ/chồng như được tặng cho riêng, thừa kế riêng,... hay tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân,...; (iv) Thỏa thuận của vợ chồng về tài sản (thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, thoả thuận về chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, thỏa thuận về nhập tài sản riêng vào tài sản chung). Trên cơ sở làm rõ được những vấn đề cụ thể nêu trên, Luật sư đối chiếu các quy định của pháp luật HN&GĐ tại thời điểm phát sinh quan hệ hôn nhân, thời điểm yêu cầu khởi kiện để xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ và chồng.

Thứ ba, các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa cha, mẹ, con.

Xác định chính xác quan hệ cha, mẹ, con là cơ sở để Luật sư trao đổi và tư vấn cho khách hàng về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng và con trong thời kỳ hôn nhân và sau khi ly hôn. Khi xác định các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa cha, mẹ, con thì tùy từng trường hợp, Luật sư có thể phải làm rõ các vấn đề sau đây:

(1) Xác định con chung của vợ và chồng

(2) Xác định con nuôi của vợ chồng

Thứ tư, các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng gữa các thành viên trong gia đình.

Khi khách hàng có tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng trong quan hệ HN&GĐ, Luật sư phải trao đổi làm sáng tỏ: (i) Quan hệ giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng; (ii) Độ tuổi, năng lực hành vi dân sự của người được cấp dưỡng, điều kiện, chi phí sinh hoạt, học tập, nhu cầu thiết yếu hàng ngàỵ cùa người được cấp dường, điều kiện kinh tế, thu nhập của người cấp dưỡng, yêu cầu mức cấp dưỡng, phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Thứ năm, các giao dịch dân sự giữa vợ chồng với bên thứ ba.

Xác định giao dịch dân sự giữa vợ và chồng với bên thứ ba chính là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với người thứ ba trong các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của vợ và chồng. Các giao dịch này được thể hiện dưới dạng như hợp đồng vay tài sản giữa vợ chồng và cá nhân, pháp nhân, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản khác của vợ và chồng (ô tô, xe máy,...). Để làm rõ được nội dung này, Luật sư cần xác định: thời điểm phát sinh giao dịch, giao dịch có phát sinh hiệu lực pháp lý không (hình thức giao dịch, các bên trong giao dịch, ý chí vợ chồng khi tham gia giao dịch, nguồn gốc, đối tượng giao dịch,...), nội dung giao dịch quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng? Ngoài ra, Luật sư phải xác định được ý kiến của bên thứ ba yêu cầu vợ, chồng thực hiện nghĩa vụ như thế nào?,...

Thứ sáu, yêu cầu của khách hàng và quan hệ pháp luật tranh chấp.

Đối với tranh chấp về HN&GĐ, yêu cầu của khách hàng thường chỉ liên quan đến các quan hệ sau: (i) Quan hệ nhân thân giữa các thành viên trong gia đình như yêu cầu ly hôn, yêu cầu xác nhận cha, mẹ cho con, con cho cha, mẹ,...; (ii) Quan hệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình như yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân,...; (iii) Quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng đối với người thứ ba khi ly hôn. Khách hàng trong tranh chấp HN&GĐ có thể là nguyên đơn (vợ/chồng) có yêu cầu khởi kiện, bị đơn (chồng/vợ) có ý kiến phản bác và yêu cầu phản tố hoặc có thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bên thứ ba là cá nhân, pháp nhân trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng hoặc trong các giao dịch dân sự mà vợ/chồng hoặc cả vợ chồng cùng xác lập). Tùy thuộc vào từng vai trò tố tụng của khách hàng và tùy từng nội dung vụ việc cụ thể mà Luật sư có kỹ năng riêng trong việc xác định yêu cầu của khách hàng và xác định quan hệ pháp luật tranh chấp.

Kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng

Khi tư vấn cho khách hàng khởi kiện một tranh chấp HN&GĐ ở Toà án, ngoài kỹ năng kiểm tra điều kiện khởi kiện chung, Luật sư cần lưu ý tới những điểu kiện khởi kiện đặc thù đối với tranh chấp HN&GĐ như sau:

- Về quyền khởi kiện: Nguyên đơn trong tranh chấp HN&GĐ thường là cá nhân (là các thành viên trong quan hệ HN&GĐ) có quyền và lợi ích bị xâm phạm trong quan hệ tranh chấp được liệt kê tại Điều 28 BLTTDS năm 2015. Theo quy định của BLTTDS, người khởi kiện có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình . Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng . Tuy nhiên, đối với các tranh chấp về cấp dưỡng, tranh chấp về việc giao con, tranh chấp về chia tài sản chung khi ly hôn, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân... thì không bị giới hạn bởi quy định này     .

- Về điều kiện chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật, là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó. Trong tranh chấp về HN&GĐ, Luật sư cần lưu ý điều kiện khởi kiện như sau:

Nếu nguyên đơn là người chồng xin ly hôn với vợ thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi . Điều kiện này không áp dụng với trường hợp người vợ đang có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi yêu cầu ly hôn.

- Điều kiện yêu cầu khởi kiện chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về nguyên tắc, nếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được giải quyết bằng một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì khi khởi kiện lại theo thủ tục tố tụng dân sự, Tòa án có thẩm quyền sẽ không thụ lý và trả lại hồ sơ khởi kiện. Tuy nhiên, đối với tranh chấp về nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng của vợ/chồng không trực tiếp nuôi con,... thì đương sự có quyền khởi kiện lại   .

- Về điều kiện thẩm quyền của Tòa án: Xác định thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết các tranh chấp về HN&GĐ tương tự nguyên tắc xác định thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết các tranh chấp về dân sự theo nghĩa rộng. Bên cạnh những nguyên tắc chung, Luật sư cũng lưu ý những đặc thù trong xác định thẩm quyền của Tòa án đối với các tranh chấp về HN&GĐ:

+ Những tranh chấp về HN&GĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là những tranh chấp được liệt kê tại Điều 28 BLTTDS năm 2015.

+ Nguyên tắc chung trong xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với các tranh chấp về HN&GĐ là Tòa án nơi bị đơn cư trú. 

+ Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam: Đây là quan hệ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tuy nhiên theo khoản 3 Điều 123 Luật HN&GĐ năm 2014, khoản 4 Điều 35 BLTTDS năm 2015 thì những tranh chấp này vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Quy định đặc thù này tạo điều kiện cho người dân ở các vùng miền núi xa xôi thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án một cách nhanh chóng và thuận lợi.

- Về vấn đề thời hiệu khởi kiện không áp dụng đối với tất cả các quan hệ tranh chấp về HN&GĐ. Quan hệ HN&GĐ được pháp luật điều chỉnh luôn hướng tới mục tiêu xây dựng chế độ HN&GĐ Việt Nam hạnh phúc, bền vững, lâu dài. Mặt khác, quan hệ nhân thân trong sự điều chỉnh của pháp luật HN&GĐ là nhóm quan hệ chủ đạo nên cần có một cơ chế pháp lý riêng để bảo vệ cho các quan hệ đó. Thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng cho một số trường hợp tranh chấp có liên quan đến quyền tài sản, còn những tranh chấp liên quan đến quyền nhân thân thì thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế .

- Về điều kiện tiền tố tụng: Điều kiện hòa giải ở cơ sở không phải là điều kiện bắt buộc cần phải có để Tòa án có thẩm quyền thụ lý các tranh chấp về HN&GĐ ngay cả trong trường hợp một bên vợ (chồng) có yêu cầu ly hôn. Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn . Tuy nhiên thủ tục hòa giải này là một trong các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn cần phải có để chứng minh cho Tòa án yêu cầu ly hôn của nguyên đơn là có căn cứ. Thủ tục hòa giải trong vụ án một bên vợ (chồng) yêu cầu ly hôn không nhất thiết phải được tiến hành tại UBND cấp xã. Theo pháp luật về hòa giải ở cơ sở, việc ly hôn có thể hòa giải trong nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư từ thôn, ấp, bản, làng đến UBND xã, thị trấn (nếu ở nông thôn); hòa giải từ tổ dân phố, khu phố, đến UBND phường (nếu ở đô thị). Ngoài ra, việc hòa giải ở cơ sở cũng có thể được tiến hành tại cơ quan làm việc của cả vợ, chồng.

[b] Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện trong các vụ án hôn nhân và gia đình

- Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn:

+ Trường hợp khách hàng là nguyên đơn: Các giấy tờ, tài liệu có thể cung cấp là Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy tờ, tài liệu chứng minh căn cứ cho ly hôn như biên bản hòa giải cơ sở, biên bản ghi lời khai của người làm chứng (họ hàng, đoàn thể, đồng nghiệp, hàng xóm) về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được ; Giấy tờ chứng minh cho quyền sở hữu tài sản của vợ và chồng; công sức đóng góp, duy trì, tôn tạo, phát triển tài sản chung của vợ và chồng; Giấy khai sinh của con; Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi (nếu có), ý kiến của con trên 7 tuổi về nguyện vọng ở với bố/mẹ?,...

+ Trường hợp khách hàng là bị đơn: Những vấn đề gì thống nhất với nguyên đơn, khách hàng không cần cung cấp chứng cứ chứng minh. Những nội dung không thống nhất thì khách hàng phải cung cấp chứng cứ để phản bác lại yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Chẳng hạn, phản bác lại ý kiến về việc xác định nhà và đất đang ở là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì bị đơn phải cung cấp giấy tờ chứng minh nhà và đất là tài sản riêng của bị đơn (được tặng cho riêng, được thừa kế riêng hoặc được hình thành trước thời kỳ hôn nhân) hoặc là tài sản của người thứ ba (bố mẹ của bị đơn cho vợ, chồng ở nhờ,...) thông qua các hợp đồng như tặng cho tài sản, các giấy tờ, tài liệu về phân chia di sản thừa kế... mà bị đơn được hưởng riêng hoặc giấy tờ, tài liệu chứng minh thời điểm hình thành tài sản trước hôn nhân,...

+ Trường hợp khách hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh vợ chồng có quyền lợi/nghĩa vụ đối với khách hàng thông qua các giao dịch dân sự mà khách hàng đã giao kết với nguyên đơn/bị đơn hoặc giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản mà vợ/chồng (là nguyên đơn/bị đơn) trong vụ án hoặc cả hai vợ chồng cho rằng đó là tài sản chung của vợ chồng,...

- Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:

+ Khách hàng là nguyên đơn sẽ cung cấp các giấy tờ, tài liệu như: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, hoặc các giấy tờ khác chứng minh quan hệ hôn nhân hợp pháp, các giấy tờ chứng minh cho khối tài sản chung (giấy tờ chứng minh quyền sở hữu chung của vợ và chồng đối với tài sản chung như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, Giấy đăng ký xe ô tô, xe máy,... biên bản thỏa thuận tài sản chung đã chia, chưa chia,...).

+ Khách hàng là bị đơn, tùy từng nội dung phản bác (phản bác về khối tài sản chung để chia, cách chia, phần được chia...) để đưa ra chứng cứ phù hợp. Chẳng hạn, bị đơn thống nhất được khối tài sản chung được chia nhưng phản bác ý kiến về phần được chia vì cho rằng công sức đóng góp của bị đơn đối với tài sản chung được chia nhiều hơn nguyên đơn thì phải cung cấp giấy tờ, tài liệu như: các biên lai thu tiền, nộp tiền để có được tài sản chung đó, giấy tờ chứng minh bị đơn có thu nhập nhiều hơn nguyên đơn nên tích lũy để hình thành tài sàn chung lớn hơn (bảng lương, thu nhập thêm ngoài lương,...).

- Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ:

+ Khách hàng là nguyên đơn cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân; do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân; sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân hoặc con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ, chồng (giấy chứng từ, giấy chứng nhận kết hôn), hoặc các tài liệu, chứng cứ gián tiếp chứng minh trong thời gian thụ thai đứa trẻ, người đàn ông bị kiện và mẹ đứa trẻ đã yêu thương nhau, hứa hẹn kết hôn nhưng sau đó không kết hôn nữa; trong thời gian thụ thai đứa trẻ, người đàn ông bị kiện và mẹ đứa trẻ đã chung sống như vợ chồng, khi đứa trẻ sinh ra, người đàn ông bị kiện đã yêu thương đứa trẻ như con của mình; Các giấy tờ hay thư từ do người đàn ông bị kiện viết xác nhận đứa trẻ là con của họ...; kết luận giám định ADN giữa con và cha/mẹ.

+ Khách hàng là bị đơn thì cung cấp các chứng cứ ngược lại với những chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp như thời điểm thành thai trước thời kỳ hôn nhân, con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân,... chứng cứ chứng minh kết luận giám định ADN giữa bị đơn và con là giả mạo,...

- Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Theo khoản 22, khoản 23 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 mang thai hộ có hai hình thức: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo  và mang thai hộ vì mục đích thương mại . Theo quy định tại khoản 6 Điều 28 BLTTDS năm 2015, chỉ có tranh chấp phát sinh từ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. 

+ Khách hàng là nguyên đơn: dựa vào từng yêu cầu cụ thể trong quan hệ tranh chấp để cung cấp các giấy tờ, tài liệu như sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ giữa bệnh viện có thẩm quyền và nguyên đơn, các hóa đơn viện phí, giường bệnh, giám định ADN của con được sinh ra nếu có,... hoặc thỏa thuận về việc mang thai hộ giữa vợ/chồng và người mang thai hộ, giám định ADN của trẻ được sinh ra theo phương pháp mang thai hộ,...

+ Khách hàng là bị đơn: dựa vào từng ý kiến phản bác và yêu cầu phản tố để đưa ra giấy tờ, tài liệu phù hợp.

Tương tự, đối với các tranh chấp khác về HN&GĐ được quy định tại Điều 28 BLTTDS năm 2015, trên cơ sở xác định tư cách đương sự của khách hàng mà Luật sư bảo vệ, yêu cầu cụ thể của khách hàng, quan hệ pháp luật tranh chấp mà Luật sư sẽ cung cấp giấy tờ, tài liệu ban đầu đủ để chứng minh yêu cầu của khách hàng là có căn cứ và hợp pháp để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố và đơn yêu cầu độc lập của khách hàng.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của Công ty Luật TNHH Everest

5 - Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66  527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.34416 sec| 1178.813 kb