Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Tôi cho rằng nghĩa vụ đầu tiên của xã hội là công lý".
- Alexander Hamiton
Hoạt động chứng minh trong tố tụng dân sự được hiểu là tổng thể các hoạt động của Tòa án và các chủ thể tham gia tố tụng trong việc thu thập, cung cấp, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ nhằm mục đích sử dụng chứng cứ để xác định sự thật khách quan của vụ, việc dân sự.
Trong tố tụng dân sự, chứng minh cũng là một dạng hoạt động tố tụng, cụ thể là hoạt động sử dụng chứng cứ với mục đích tái hiện lại trước Tòa án vụ việc dân sự đã xảy ra trong quá khứ một cách chính xác và tỉ mỉ nhất có thể có, qua đó Tòa án có thể khẳng định có hay không có các sự kiện, tình tiết khách quan làm cơ sở cho yêu cầu hay phản đối của các bên đương sự trong vụ việc dân sự.
Hoạt động chứng minh trong tố tụng dân sự được hiểu là tổng thể các hoạt động của Tòa án và các chủ thể tham gia tố tụng trong việc thu thập, cung cấp, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ nhằm mục đích sử dụng chứng cứ để xác định sự thật khách quan của vụ, việc dân sự.
Trong tố tụng dân sự, chứng minh cũng là một dạng hoạt động tố tụng, cụ thể là hoạt động sử dụng chứng cứ với mục đích tái hiện lại trước Tòa án vụ việc dân sự đã xảy ra trong quá khứ một cách chính xác và tỉ mỉ nhất có thể có, qua đó Tòa án có thể khẳng định có hay không có các sự kiện, tình tiết khách quan làm cơ sở cho yêu cầu hay phản đối của các bên đương sự trong vụ việc dân sự. Tuy nhiên, hoạt động sử dụng chứng cứ trong tố tụng dân sự không thể được tiến hành một cách tùy tiện theo ý chí chủ quan của Tòa án hay của các chủ thể tham gia tố tụng mà phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về sử dụng chứng cứ thông qua các hoạt động tố tụng cụ thể, bao gồm hoạt động thu thập, cung cấp, giao nộp, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ. Tất cả các hoạt động này là các yếu tố hợp thành chứng minh hay nội dung của hoạt động chứng minh trong tố tụng dân sự.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã xác định quyền và nghĩa vụ của đương sự là: “Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp” (Điều 6). Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là quyền tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức được Hiến pháp thừa nhận và cụ thể hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do “chưa có điều luật để áp dụng”, đồng nghĩa với việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Toà án giải quyết tất cả mọi vấn đề không phụ thuộc vấn đề đó đã được pháp luật điều chỉnh hay chưa.
Khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự, Luật sư phải nắm chắc kiến thức cốt lõi về quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự, hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ này để tư vấn cho khách hàng. Quyền chứng minh là khả năng của các chủ thể chứng minh (trong đó vai trò trung tâm là đương sự) bằng hành vi tố tụng của mình tham gia vào hoạt động chứng minh. Việc thực hiện quyền chứng minh do các chủ thể chứng minh quyết định. Ngược lại, nghĩa vụ chứng minh bao gồm những hành vi tố tụng nhất định trong hoạt động chứng minh mà các chủ thể chứng minh bắt buộc phải tiến hành hoặc không được tiến hành theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nghĩa vụ chứng minh bị vi phạm, chủ thể vi phạm phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Chủ thể chứng minh có quyền, nghĩa vụ chứng minh, tham gia vào hoạt động chứng minh, tuy nhiên không phải tất cả các chủ thể chứng minh đều có quyền, nghĩa vụ chứng minh như nhau. Tùy thuộc vào vai trò, địa vị tố tụng của các chủ thể này và ở từng giai đoạn tố tụng cụ thể, các chủ thể chứng minh có quyền, nghĩa vụ tham gia vào quá trình chứng minh các sự kiện, tình tiết của vụ việc ở những phạm vi và mức độ khác nhau. Ví dụ, quyền, nghĩa vụ chứng minh của đương sự khác với trách nhiệm chứng minh của Tòa án; quyền, nghĩa vụ chứng minh của người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khác với trách nhiệm chứng minh của Viện kiểm sát...
Xuất phát từ việc xác định chứng minh là “làm cho thấy rõ là có thật, là đúng bằng lý lẽ cứ liệu” khi tư vấn cho khách hàng, trước tiên Luật sư phải lưu ý về quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập chứng cứ của đương sự. Đương sự là người chủ động đưa ra yêu cầu, phản đối yêu cầu của đương sự phía bên kia, chủ động đề nghị Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên trước tiên đương sự là chủ thể có nghĩa vụ chứng minh. Để chứng minh cho yêu cầu của mình là đúng, đương sự có nghĩa vụ thu thập, cung cấp, giao nộp các chứng cứ, căn cứ pháp lý thuyết phục Tòa án. Thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ chỉ là một trong các biện pháp chứng minh của đương sự.
Hoạt động xét xử các vụ án dân sự là hoạt động phát sinh trên cơ sở có sự tranh chấp trong quan hệ pháp luật nội dung giữa các bên có lợi ích đối lập nhau nhưng bình đẳng về địa vị pháp lý mà trong đó có một quy tắc chung cho cả hai bên đương sự: “Người nào đề ra một luận điểm cần có chứng cứ thì phải chứng minh”. Theo quy tắc này, mỗi bên đương sự có nghĩa vụ phải chứng minh những sự kiện, tình tiết mà mình đã viện dẫn làm cơ sở cho những yêu cầu và phản đối của mình, hay nói cách khác ai khẳng định một sự việc gì thì phải chứng minh sự việc ấy. Quy định này xuất phát từ cơ sở khi yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình với tư cách là người trực tiếp tham gia vào các quan hệ pháp luật nội dung có vi phạm hay tranh chấp, đương sự là người hiểu rõ nhất vì sao họ có yêu cầu đó, họ biết được những tình tiết, sự kiện trong vụ việc, do đó có khả năng cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, về tâm lý, khi đưa ra yêu cầu của mình bao giờ đương sự cũng là người đứng ở thế chủ động, tự nguyện đưa ra những lý lẽ để chứng minh, bênh vực cho quyền lợi của mình. Sự thật là cơ sở của yêu cầu và phản đối của các bên nên các bên sẽ quan tâm và tìm mọi cách để khẳng định sự thật này. Khi đưa ra yêu cầu, nguyên đơn phải chứng minh cho yêu cầu của mình đối với bị đơn, tức là phải có nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, tham gia nghiên cứu chứng cứ, tham gia hỏi, tranh luận... để chứng minh, bởi vì bị đơn được suy đoán là không có bất cứ trách nhiệm gì với nguyên đơn cho đến khi trách nhiệm của bị đơn được chứng minh.
Bên cạnh đó, trong tiến trình phát triển của hoạt động chứng minh, quyền và nghĩa vụ chứng minh của các chủ thể chứng minh không bất biến mà trong điều kiện nhất định, nó có thể di chuyển từ một bên đương sự này sang một bên đương sự khác. Khi đưa ra yêu cầu, nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh. Tuy nhiên, nghĩa vụ chứng minh (cũng là nghĩa vụ thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ, tham gia nghiên cứu chứng cứ, tranh tụng...) sẽ được di chuyển từ nguyên đơn sang bị đơn khi bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, hoặc khi bị đơn muốn viện dẫn những sự kiện, tình tiết nhằm bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn.
Như vậy, quy tắc chung về quyền, nghĩa vụ chứng minh của đương sự được Luật sư tư vấn dựa trên ba luận điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về bên đương sự nào muốn viện dẫn những sự kiện, tình tiết để làm cơ sở cho những yêu cầu hoặc phản đối của mình đối với đương sự phía đối lập. Kể từ khi làm đơn khởi kiện, việc chứng minh yêu cầu đối với nguyên đơn là nghĩa vụ, Tòa án được quyền từ chối thụ lý vụ án nếu đương sự không xuất trình được chứng cứ cần thiết để chứng minh các điều kiện khởi kiện của mình. Nếu nguyên đơn đưa ra yêu cầu mà không chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ, có trong thực tế hoặc đưa ra những chứng cứ không có giá trị chứng minh, trong khi đó bị đơn lại đưa ra được chứng cứ có tính thuyết phục đề phản đối yêu cầu của nguyên đơn thì yêu cầu của nguyên đơn sẽ bị Tòa án bác bỏ.
Về phía bị đơn, họ là người bị kiện nên họ có quyền chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình trước Tòa án. Tuy nhiên, việc chứng minh sẽ trở thành nghĩa vụ đối với bị đơn nếu:
- Bị đơn có yêu cầu phản tố đối với yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn đưa ra yêu cầu liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp bị đơn đưa ra yêu cầu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn phải cung cấp chứng cứ để chỉ ra yêu cầu đó có cơ sở thực tế, cơ sở pháp lý hay không, có đúng đắn không? Khi đó nguyên đơn cũng có quyền phản đối lại yêu cầu đó của bị đơn đồng thời phải chứng minh cho việc phản đối yêu cầu của mình.
- Bị đơn không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn (có thể bị đơn chỉ chấp nhận một phần yêu cầu và phản đối phần còn lại của yêu cầu đó hoặc không chấp nhận hoàn toàn) hoặc thậm chí chỉ trong trường hợp bị đơn đang nắm giữ chứng cứ liên quan đến nguyên đơn.
Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, họ có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu cùa mình là có căn cứ. Chẳng hạn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập tham gia vào vụ kiện giữa nguyên đơn và bị đơn, họ cho rằng đối tượng đang tranh chấp là thuộc sở hữu của họ chứ không phải thuộc sở hữu của nguyên đơn hay bị đơn. Trong trường hợp này, nghĩa vụ chứng minh của họ cũng giống như nghĩa vụ của nguyên đơn khi chứng minh cho yêu cầu của mình.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập dù đứng về phía nguyên đơn hay bị đơn, họ đều có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh cùng nguyên đơn hay bị đơn vì lợi ích của họ liên quan đến vụ kiện. Việc cung cấp chứng cứ của họ để chứng minh làm sáng tỏ các tình tiết, sự kiện của vụ kiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho đương sự mà họ đứng về phía đương sự đó, hoặc có thể làm căn cứ cho yêu cầu của họ đối với một trong các bên đương sự; hoặc chứng cứ do họ cung cấp làm căn cứ để họ phản đối về việc kiện đòi hoàn lại mà một bên đương sự đặt ra cho họ.
Thứ hai, theo sự tiến triển của hoạt động chứng minh, trong những điều kiện nhất định nghĩa vụ chứng minh có thể di chuyển từ một bên đương sự này sang một bên đương sự khác và ngược lại.
Thứ ba, phạm vi quyền, nghĩa vụ chứng minh của các bên đương sự phụ thuộc vào phạm vi yêu cầu hoặc phạm vi ý kiến phản đối của họ. Phạm vi yêu cầu hoặc phạm vi ý kiến phản đối đưa ra đến đâu thì phạm vi nghĩa vụ chứng minh đến đó. Nằm ngoài phạm vi nghĩa vụ chứng minh (hay kết thúc phạm vi nghĩa vụ chứng minh) là quyền chứng minh của đương sự.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự.
Trên thực tế, ranh giới giữa quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự rất mong manh, bản thân ranh giới này cũng rất co dãn, không thể bó hẹp trước, trong một quy tắc hay một quy định chắc chắn. Thậm chí, ngay cả khi nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình, thì nguyên đơn cũng có quyền rút lại chứng cứ đó, hoặc quyết định không cung cấp chứng cứ đó để chứng minh nữa. Trong trường hợp này quyền và nghĩa vụ chứng minh (bao gồm cả quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ) là đan xen. Nếu nguyên đơn không muốn sử dụng quyền chứng minh, không thực hiện nghĩa vụ chứng minh, mà cụ thể là không cung cấp chứng cứ, không xuất trình chứng cứ thì cũng đồng nghĩa với việc nguyên đơn khước từ quyền đưa ra yêu cầu, từ bỏ yêu cầu của mình và Tòa án sẽ ra phán quyết bất lợi cho nguyên đơn.
Luật sư cần lưu ý cho khách hàng, việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự trước tiên thông qua hoạt động thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ cho Tòa án. Nguyên tắc chung, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài các đương sự, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước cũng có nghĩa vụ chứng minh. Tuy không có quyền và lợi ích gắn liền với vụ việc dân sự như đương sự, nhưng các cá nhân, cơ quan, tổ chức này cũng đưa ra yêu cầu và biết rõ sự việc. Tương tự như đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trong trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức này không thực hiện được nghĩa vụ chứng minh của mình sẽ dẫn đến sự bất lợi cho các đương sự.
Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ chứng minh của đương sự không chỉ thể hiện qua hoạt động thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ mà tùy thuộc ở vị trí tố tụng, tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tranh tụng khác như nghiên cứu, đánh giá, sử dụng chứng cứ trong hoạt động chứng minh.
Nghĩa vụ chứng minh của đương sự cần được hiểu là đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, đưa ra các căn cứ pháp lý, lý lẽ lập luận để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Điều đó có nghĩa, khi đương sự không thể tự thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu hoặc các trường hợp Tòa án buộc phải chủ động thu thập chứng cứ mới có thể giải quyết được vụ án thì Tòa án mới xác minh, thu thập chứng cứ. Mức độ hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động chứng minh của các đương sự phụ thuộc rất nhiều vào trình độ hiểu biết pháp luật của đương sự, mức độ tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ chế tố tụng và các điều kiện kinh tế - xã hội khác. Sự hỗ trợ của Toà án đối với việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự nhằm bảo đảm tìm ra chân lý, có thế làm giảm được những hậu quả bất lợi cho đương sự trong trường hợp họ không thực hiện được nghĩa vụ chứng minh của mình chứ không phải Tòa án làm thay đương sự.
Cơ sở để TAND thực hiện trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ trước tiên phải xuất phát từ đề nghị của đương sự. TAND có quyền xem xét lý do đương sự đưa ra để toàn quyền quyết định có hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ hay không trong tố tụng dân sự. Trong trường hợp này, mặc dù Điều 7 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về "trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền” không giới hạn trong tố tụng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này Tòa án thường chỉ xác định trách nhiệm thu thập chứng cứ của mình khi đã thụ lý vụ việc dân sự. Để có đủ cơ sở chứng minh cho yêu cầu của khách hàng khi khởi kiện, Luật sư cần hướng dẫn cho khách hàng thu thập các chứng cứ chứng minh đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền cung cấp chứng cứ mà không được cung cấp, đồng thời thu thập các chứng cứ gián tiếp khác (nếu có) đế chứng minh như tìm kiếm thông tin doanh nghiệp được đăng tải trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và đề nghị Thừa phát lại lập vi bằng xác định thông tin này.
Bên cạnh nghĩa vụ chứng minh được quy định chung, Luật sư cần xác định yêu cầu khởi kiện của khách hàng mình có nằm trong một số các vụ án đặc thù được Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 ghi nhận loại trừ cho dương sự khỏi nghĩa vụ chứng minh. Đây là những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, bảo vệ người lao động, cụ thể là:
- Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.
- Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động.
- Các trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh.
Trong quá trình chứng minh, các chủ thể tham gia vào hoạt động chứng minh với những vị trí tố tụng khác nhau. Hành vi tố tụng của mỗi chủ thể được quy định bởi vị trí tố tụng của họ, vì vậy chủ thể chứng minh thực hiện những hành vi tố tụng của mình trong phạm vi quyền và nghĩa vụ mà pháp luật tố tụng dân sự cho phép. Ví dụ, cùng là thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự nhưng khác với đương sự, người đại diện theo ủy quyền của đương sự chỉ được thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự trong phạm vi ủy quyền.
Luật sư cần lưu ý với khách hàng về hậu quả của việc đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được. Trong trường hợp đương sự không đưa ra được hoặc đưa ra không đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu, phản đối yêu cầu của phía đối tụng, Toà án vẫn tiến hành giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung. Trong trường hợp này, Tòa án ra quyết định trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc dân sự được kiểm tra, xem xét tại phiên toà, kết quả việc hỏi tại phiên toà và ý kiến của người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên. Với quy định này thì có thể hiểu rằng hậu quả của việc các đương sự không cung cấp hoặc cung cấp không đây đủ chứng cứ cho Tòa án là phải chấp nhận phán quyết của Tòa án có thể bất lợi cho mình. Việc giải thích, tư vấn cho đương sự thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ chứng minh là cơ sở để đương sự đảm bảo thực hiện quyền tranh tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Xem thêm: Dịch vụ Luật sư ly hôn của Công ty Luật TNHH Everest.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm