Nhận diện và phân loại các dạng tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ

Trong một xã hội phát triển, mười người thì có chín người mua bảo hiểm

Nhận diện và phân loại các dạng tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ

Trong cuộc sống, rất khó để tránh khỏi những chuyện bất ngờ xảy đến, và bảo hiểm chính là chiếc lá chắn giúp bảo vệ không chỉ cho chúng ta, mà còn là vì những người thân xung quanh. Bảo hiểm phi nhân thọ là loại hình bảo hiểm tự nguyện vì lợi ích con người, tài sản và các đối tượng liên quan đến con người. Cùng với sự nhận thức sâu sắc của người dùng về tầm quan trọng của bảo hiểm phi nhân thọ, ngày càng nhiều hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ được ký kết nhưng cũng kéo theo nhiều tranh chấp phát sinh. Để giải quyết được tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, trước hết cần nhận thức và phân loại rõ các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ.

Liên hệ

I- KHÁI QUÁT VỀ BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ

1- Khái niệm về bảo hiểm phi nhân thọ

Bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm tự nguyện hướng tới con người và các đối tượng liên quan đến con người, như tai nạn, sức khỏe, hàng hóa (kho vận, tàu xe, tàu hàng,…), nhằm đảm bảo cho các rủi ro đó.

Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019 (sau đây gọi chung là Luật Kinh doanh bảo hiểm) quy định: "Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ”. Có thể thấy bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm mà đối tượng của nó là tài sản, trách nhiệm dân sự, con người phi nhân thọ và rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.

Mỗi hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thường có thời hạn 1 đến 2 năm hoặc ngắn hơn. Bạn sẽ được bồi thường tổn thất trong giới hạn của hợp đồng nếu có rủi ro xảy ra, tuy nhiên nếu trong thời hạn bảo hiểm bạn không gặp bất kỳ rủi ro nào liên quan, bạn sẽ không được nhận số tiền đã đóng sau khi kết thúc hợp đồng.

2- Đặc điểm của bảo hiểm phi nhân thọ

- Hình thức đóng phí: Thường đóng phí một lần sau khi ký hợp đồng.

- Nguyên tắc chi trả: Chi trả dựa theo hình thức đóng góp theo hình thức thế quyền.

- Người thụ hưởng: Bảo hiểm phi nhân thọ: là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của sự cố.

- Chi trả quyền lợi bảo hiểm: Chỉ được bồi thường tổn thất do các rủi ro gây ra trong giới hạn hợp đồng.

3- Khái quát về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ

Hợp đồng bảo hiểm là căn cứ quan trọng quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm và chủ thể tham gia bảo hiểm dựa trên thỏa thuận của các bên.

(i)- Khái niệm hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ

Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa ra khái niệm: "Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm "

(ii)- Các loại bảo hiểm phi nhân thọ:

Hiện nay, ở Việt Nam tồn tại những Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ cơ bản sau:

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản: là hợp đồng có đối tượng được bảo hiểm là tài sản, bao gồm vật có thực tiễn, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Ví dụ: Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng, Hợp đồng bảo hiểm lắp đặt, Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt, Hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh...

- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự: là hợp đồng có đối tượng bảo hiểm là các trách nhiệm dân sự của Bên mua bảo hiểm đối với bên thứ ba bị thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Ví dụ: Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba và hành khách trên xe; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hàng hóa vận chuyển trên xe…

- Hợp đồng bảo hiểm con người phi nhân thọ: là Hợp đồng bảo hiểm có đối tượng được bảo hiểm là tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động của con người khi bị tai nạn, bệnh tật, ốm đau, thai sản. Ví dụ, Hợp đồng bảo hiểm tai nạn con người; Hợp đồng bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật...

- Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh: là Hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là rủi ro thực hiện nghĩa vụ của Bên mua bảo hiểm và người thứ ba. Ví dụ, Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh dự thầu; Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh thanh toán trước; Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh thực hiện hợp đồng...

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự

II-  NHẬN DIỆN VÀ PHÂN LOẠI CÁC DẠNG TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ PHỔ BIẾN.

1- Nhận diện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ

Tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ chính là những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn giữa người mua bảo hiểm và Doanh nghiệp bảo hiểm về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ được ghi nhận cụ thể trong các Hợp đồng bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự, con người phi nhân thọ và bảo lãnh. Sau đây là những dấu hiệu xác định tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ:

(i)- Thứ nhất, có quan hệ Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ tồn tại giữa các bên

Một Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ tồn tại phải hội đủ ba yếu tố: 

- tồn tại một sự thỏa thuận giữa 

- Bên mua bảo hiểm và Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 

- làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên liên quan được thể hiện thành các điều, khoản trong nội dung Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ như: thông tin các bên trong Hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm... 

(ii)- Thứ hai, có sự vi phạm nghĩa vụ (hoặc cho rằng là vi phạm nghĩa vụ) của ít nhất một bên trong quan hệ. Đó có thể là việc không chi trả tiền bảo hiểm đối với tài sản bị thiệt hại khí có sự kiện xảy ra hoặc Hợp đồng bảo hiểm trên giá trị xuất phát từ lỗi cố ý của Bên mua bảo hiểm...

(iii)- Thứ ba, có sự bất đồng ý kiến của Bên mua bảo hiểm và Doanh nghiệp bảo hiểm về sự vi phạm việc giao kết, thực hiện hợp đồng hoặc xử lý hậu quả phát sinh từ sự vi phạm đó. Tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm phí nhân thọ thường hình thành từ sự vi phạm hợp đồng nhưng không phải sự vi phạm nào cũng dẫn đến tranh chấp hợp đồng. Tranh chấp hợp đồng chỉ thực sự diễn ra khi một trong các bên trong Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ không đồng ý với sự vi phạm hợp đồng của bên còn lại hoặc không thống nhất với nhau về xử lý hậu quả do việc không thực hiện các nghĩa vụ gây ra.

2- Các dạng tranh chấp phổ biến

(i)- Thứ nhất, căn cứ vào loại Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh tranh chấp, gồm có các dạng tranh chấp cơ bản sau:

- Tranh chấp về Hợp đồng bảo hiểm tài sản: là những bất đồng, xung đột, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng có đối tượng được bảo hiểm là tài sản (cố định hay lưu động) của người được bảo hiểm. Ví dụ, tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu…

- Tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là những bất đồng, xung đột, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng có đối tượng được bảo hiểm là trách nhiệm dân sự. Ví dụ, tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển…

- Tranh chấp về Hợp đồng bảo hiểm con người phi nhân thọ: là những bất đồng, xung đột, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng có đối tượng được bảo hiểm là sinh mạng, sức khỏe, khả năng lao động của con người khi bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật và thai sản. Ví dụ: tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm tai nạn con người…

- Tranh chấp về Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh, là những bất đồng, xung đột, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng có đối tượng được bảo hiểm là rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ của người được bảo lãnh (Bên mua bảo hiểm). Ví dụ, tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh thực hiện hợp đồng...

(ii)- Thứ hai, căn cứ vào tiến trình giao kết và thực hiện hợp đồng, có các loại tranh chấp sau:

- Tranh chấp về giao kết Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, cụ thể là tranh chấp về hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ vô hiệu.

- Tranh chấp về quá trình thực hiện hợp đồng (tranh chấp thường gặp là tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ chi trả số tiền bảo hiểm/số tiền bồi thường của Doanh nghiệp bảo hiểm) và các biện pháp khắc phục hậu quả của sự vi phạm Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ.

- Tranh chấp về chấm dứt hợp đồng xuất phát từ ý chí đơn phương của một trong hai chủ thể (Doanh nghiệp bảo hiểm/Bên mua bảo hiểm).

(iii)- Thứ ba, căn cứ vào các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, các tranh chấp có thể phát sinh là: tranh chấp về đối tượng bảo hiểm, tranh chấp về số tiền bảo hiểm, tranh chấp về thời hạn bảo hiểm...

3- Nguyên tắc áp dụng luật nội dung trong giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ

(i)- Thứ nhất, áp dụng pháp luật nội dung tại thời điểm Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ phát sinh hiệu lực để giải quyết tranh chấp về Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ. Xác định thời điểm phát sinh hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ dựa vào thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm được quy định tại Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm

(ii)- Thứ hai, nguyên tắc áp dụng nguồn luật

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ chịu sự điều chỉnh của nhiêu nguồn luật như: các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Bộ luật dân sự; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp luật có liên quan. Ngoài ra, các bên tham gia bảo hiểm có thể áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam.

Theo phạm vi ưu tiên áp dụng luật, bảo hiểm phi nhân thọ được chia làm hai loại: 

- Bảo hiểm hàng hải chịu sự điều chỉnh trước hết bởi quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, các điều ước quốc tế sau mới đến Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan. 

- Bảo hiểm phi hàng hàng nguồn luật ưu tiên sử dụng để điều chỉnh hoạt động bảo hiểm phi hàng hái trước hết là Luật Kinh doanh bảo hiểm sau đó là Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan.

(iii)- Thứ ba, thứ tự ưu tiên áp dụng các quy phạm pháp luật

- Ưu tiên thứ nhất - áp dụng các quy phạm mang tính bắt buộc

Trong Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, các quy phạm mang tính bắt buộc các bên phải tuân thủ, không được quyền thỏa thuận khác đi, trường họp nếu không áp dụng thì hợp đồng sẽ không phát sinh hiệu lực. Ví dụ, quy định về Hợp đồng bảo hiểm trong đó có Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ phải lập thành văn bản, được thể hiện dưới dạng giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm, kèm theo đó là giấy yêu cầu bảo hiểm là một phụ lục không thể thiếu trong Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ; đối tượng bảo hiểm trong bất cứ Hợp đồng bảo hiểm tài sản nào cũng phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng hợp pháp của Bên mua bảo hiểm.

Dựa vào những điều khoản bắt buộc này, Luật sư có thể tìm ra căn cứ để xác định hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

- Ưu tiên thứ hai - đó là điều, khoản về sự thỏa thuận của các bên

Các chủ thể trong Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, bằng sự thể hiện ý chí thông qua những hành vi hợp pháp của mình cùng thống nhất ý chí tạo nên quan hệ hợp đồng. Chủ thể là người có quyền quyết định giao kết hợp đồng với ai, hợp đồng giao kết với nội dung gì?... Vì vậy, các điều, khoản thể hiện sự thống nhất ý chí của các bên chính là cơ sở để Luật sư xác định chính xác quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mình. Tuy nhiên, để các điều, khoản về sự thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng bảo hiểm phát sinh hiệu lực thì những quy định ấy không được trái với những quy định chung của quy phạm bắt buộc và đạo đức xã hội. Những điều, khoản thỏa thuận này thường được thể hiện dưới dạng các quy tắc bảo hiểm riêng của các Doanh nghiệp bảo hiểm.

- Ưu tiên thứ ba - đó là các quy phạm tùy nghi

Các quy phạm tùy nghi này sẽ được áp dụng như một căn cứ giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ dự phòng khi các bên không có thỏa thuận riêng, giúp các bên tranh chấp tránh khỏi những rủi ro do thỏa thuận với nhau không đầy đủ các điều, khoản của hợp đồng. Ví dụ, điều, khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thường được pháp luật quy định tương ứng với từng loại nghiệp vụ bảo hiểm cụ thể, trên cơ sở đó các Doanh nghiệp bảo hiểm cụ thể hoá phần loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các Hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, nếu trong Hợp đồng bảo hiểm mà không xác định điều, khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đã được pháp luật quy định thì bên bảo hiểm vẫn không phải bồi thường đối với các tổn thất xảy ra trong trường hợp đã được pháp luật loại trừ. Không áp dụng điều, khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp: Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý; Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho Doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.

- Ưu tiên thứ tự - đó là tập quán thương mại quốc tế

Những tập quán thương mại quốc tế này phải đáp ứng được điều kiện cơ bản như: phải đang được cộng đồng quốc tế sử dụng ở nơi giao kết và thực hiện hợp đồng và được nhiều người biết đến, tập quán đó không được trái với điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội. Tập quán thương mại quốc tế được áp dụng nhiều ở các Hợp đồng bảo hiểm hàng hải, có thể kể đến một số tập quán quốc tế được ghi nhận trong các điều kiện thương mại quốc tế về nghĩa vụ của người bán, người mua trong thương mại quốc tế hay đó là Quy tắc Hague 1924 (Công ước Brussels năm 1924 là Công ước đã thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển), Quy tắc Hamburg 1978 (Công ước Hamburg năm 1978 là Công ước về chuyên chở hàng hóa bằng đường biển) về nghĩa vụ của người vận chuyển.

(iv)- Thứ tư, vấn đề áp dụng phối hợp các nguồn luật

Áp dụng phối hợp các nguồn luật nghĩa là quan hệ pháp luật dẫn chiếu đến đâu thì áp dụng đến đấy. Ví dụ, khi giải quyết tranh chấp về Hợp đồng bảo hiểm xây dựng, Luật sư không chỉ áp dụng những quy định pháp luật về Luật Kinh doanh bảo hiểm mà còn phải áp dụng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng như Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013...

Tổng hợp từ Giáo trình Kỹ năng chuyên sâu của Luật sư trong việc giải quyết các vụ án dân sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Nhận diện và phân loại các dạng tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.51415 sec| 1151.578 kb