Những loại việc thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án
1- Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự
Về nguyên tắc, tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với những vụ việc dân sự phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự do pháp luật dân sự điều chỉnh. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bao gồm những loại việc sau:
- Các tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và các quyền khác đối với tài sản.
Các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thuộc thẩm quyền của tòa án bao gồm các tranh chấp về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Trong trường hợp đối tượng của việc tranh chấp là các vật khác nhau của thế giới vật chất nhưng không phải là tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì tòa án không có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ
Khác với tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản là động sản và bất động sản, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án bao gồm tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Ngoài ra, các tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng thuộc thẩm quyền của toà án. Đối với các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ mà cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận thì được coi là tranh chấp về kinh doanh, thương mại.
Khi giải quyết tranh chấp này tòa án có thẩm quyền buộc bên vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện các cam kết trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, huỷ bỏ hợp đồng hoặc buộc bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra.
- Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự
Toà án có thẩm quyền thụ lý giải quyết đối với các tranh chấp về giao dịch dân sự và về hợp đồng dân sự phát sinh từ việc giao kết, thực hiện, sửa đổi và chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, tòa án cũng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, phạt vi vi phạm.
Hiện nay, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại, hợp đồng lao động đều thuộc thẩm quyền của tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt giữa tranh chấp hợp đồng dân sự với hợp đồng thương mại ý nghĩa quan trọng trong áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động. Việc phân biệt này có việc xác định luật nội dung được thời hiệu khởi kiện cũng như án phí mà các bên phải chịu.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Đây là tranh chấp về thiệt hại xảy ra mà trước đó, người bị thiệt hại và người gây thiệt hại không có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không có liên quan tới hợp đồng giữa các bên. Ví dụ: Yêu cầu bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng gây ra v.v..
- Tranh chấp về thừa kế tài sản
Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp về thừa kế như yêu cầu tòa án buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản hoặc yêu cầu chia di sản thừa kế (theo pháp luật hoặc theo di chúc), xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
- Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật
Các tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí bao gồm nhiều loại. Tuy vậy, chỉ những tranh chấp liên quan đến hoạt động báo chí mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của tòa án như tranh chấp về việc không đăng bài cải chính những tin tức xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của công dân, tranh chấp về bồi thường thiệt hại do báo chí đăng tin không đúng gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức v.v. thì tòa án mới được thụ lý giải quyết. Các loại tranh chấp này đã được quy định tại Điều 9 Luật báo chí ngày 28/12/1989 và Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí ngày 12/6/1999.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai
Quyền sử dụng đất là loại tài sản đặc biệt. Do vậy, các tranh chấp về quyền sử dụng đất thực chất cũng là một dạng của tranh chấp về tài sản. Quyền sử dụng đất được coi là tài sản và được pháp luật bảo hộ nếu như người sử dụng đất có đủ giấy tờ cần thiết chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của mình. Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất. Đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có một trong các giấy tờ trên thì đương sự có thể lựa chọn yêu cầu uỷ ban nhân dân giải quyết hoặc khởi kiện tại toà án. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu Văn bản công chứng bao gồm, hợp đồng, giao dịch bằng văn bản đã được công chứng. Trong trường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp đó. Các tranh chấp giữa các bên liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu có bản chất là tranh chấp dân sự sẽ thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án.
-Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Thực chất đây là trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản bị cưỡng chế để thi hành án. Tranh chấp này có thể nảy sinh giữa người phải thi hành với các đồng sở hữu chủ khác hoặc người thứ ba liên quan đến tài sản bị cưỡng chế kê biên. Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của chấp hành viên về việc cưỡng chế kê biển thì chủ sở hữu chung hoặc người thứ ba có tranh chấp về tài sản kê biên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xác định quyền số hữu, sử dụng của họ. Hết thời hạn trên mà các chủ thể có tranh chấp không khởi kiện thì tài sản đã kê biên được xử lí theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
- Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự
Việc bán tài sản kê biên để thi hành án dân sự tuỳ trường hợp sẽ được bán thông qua hình thức bán đấu giá hoặc bán không qua thủ tục bán đấu giá. Trong trường hợp tổ chức bán đấu giá hoặc chấp hành viên bán đấu giá tài sản để thi hành án thì tranh chấp về kết quả bán đấu giá, về thanh toán chi phí đăng ký mua tài sản đấu giá sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
- Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.
- Tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
- Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
Xét về về bản chất thì đây là trường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không có tranh chấp mà chỉ yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu do không thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của văn bản công chứng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 52 Luật công chứng năm 2014 thì công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 6 Điều 27 BLTTDS năm 2015 thì yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thuộc thẩm quyền về dân sự của tòa án.
- Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự
- Việc xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Các việc liên quan đến xác định năng lực hành vi dân sự của một cá nhân, tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết gồm có yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và yêu cầu huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Các việc liên quan đến sự vắng mặt của cá nhân tại nơi cư trú
Các loại việc liên quan đến sự vắng mặt của một cá nhân tại nơi cư trú mà tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết bao gồm yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó; yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết; huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết.
- Yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành ngoài tòa án;
- Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam.
Xem thêm: Dịch vụ đại diện theo ủy quyền giải quyết vụ việc đất đai
2- Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình
Về nguyên tắc, hầu hết các vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình do Luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh đều thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án. Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự những vụ việc về hôn nhân và gia đình sau đây:
- Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, chia tài sản sau khi ly hôn;
- Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
- Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
Hiện nay, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ. Tuy nhiên, đối với các yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con tự nguyện, không có tranh chấp, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Trong trường hợp này, đương sự có thể yêu cầu cơ quan hộ tịch giải quyết theo thủ tục đăng ký hộ tịch.
- Tranh chấp về cấp dưỡng;
Toà án có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ngoại và cháu; giữa vợ và chồng khi ly hôn mà các bên không thoả thuận được.
- Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
- Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi huỷ kết hôn trái pháp luật;
- Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật;
- Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
- Yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
- Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn;
- Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi;
- Yêu cầu tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng ;
- Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;
- Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Toà án;
- Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;
Xem thêm: Dịch vụ đại diện theo ủy quyền giải quyết vụ việc đất đai
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Những loại việc thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Những loại việc thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm