Những vấn đề chung, sự thống nhất pháp luật về Hợp đồng
1- Nhận thức cần thiết về hợp đồng trong thương mại và đầu tư
[a] Hợp đồng và hợp đồng trong thương mại, đầu tư
Thứ nhất là về Hợp đồng:
Hợp đồng có bản chất là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí, nhằm xác lập thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể trong xã hội.
Hợp đồng là căn cứ pháp lý phổ biến làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự (hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm các quyền và nghĩa vụ hình thành trong quan hệ thương mại, đầu tư, lao động, …).
Trong nền kinh tế thị trường nói chung và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng, các quan hệ kinh tế chủ yếu được xác lập và thực hiện thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng - giao kết và thực hiện các hợp đồng là cách thức cơ bản để thực hiện hiệu quả các hoạt động kinh tế.
Thứ hai là về Hợp đồng trong thương mại, đầu tư:
Ở Việt Nam, khoa học pháp lý và pháp luật thực định đã sử dụng nhiều khái niệm pháp lý để chỉ hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh như: hợp đồng kinh doanh, hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại, … Pháp luật hiện hành không đưa ra định nghĩa về các loại hợp đồng này, mà chỉ quy định khái niệm chung về hợp đồng. Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đưa ra khái niệm hợp đồng như sau: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Với phạm vi áp dụng của Bộ luật Dân sự năm 2015, các quy định về hợp đồng được áp dụng cho tất cả các hợp đồng hình thành trong lĩnh vực dân sự, lao động, thương mại và đầu tư kinh doanh. Quyền và nghĩa vụ dân sự theo hợp đồng được hiểu bao gồm cả các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại.
Về lý luận, hợp đồng trong thương mại và đầu tư (gọi chung là hợp đồng thương mại) là một loại hợp đồng cụ thể, có những đặc điểm riêng nhất định. Từ cách tiếp cận này, những vấn đề cơ bản về hợp đồng thương mại như: giao kết hợp đồng, nguyên tắc và các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, hợp đồng vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu, … được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Song, xuất phát từ đặc điểm và yêu cầu của hoạt động thương mại, một số vấn đề về hợp đồng và hoạt động thương mại được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, có tính chất là sự phát triển tiếp tục những quy định của pháp luật dân sự truyền thống về hợp đồng như: chủ thể, hình thức, quyền và nghĩa vụ của các bên, chế tài và giải quyết tranh chấp hợp đồng, …
Thứ ba là nhận diện hợp đồng thương mại:
Theo quy định hiện hành, có thể nhận diện hợp đồng thương mại theo một số tiêu chí pháp lý chủ yếu sau đây:
Một là về chủ thể. Hợp đồng thương mại được thiết lập chủ yếu giữa các thương nhân. Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019, thương nhân bao gồm các tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động kinh doanh một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Có những quan hệ hợp đồng thương mại đòi hỏi các bên đều phải là thương nhân (hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại, …). Bên cạnh đó, có những hợp đồng thương mại chỉ đòi hỏi ít nhất một bên là thương nhân (hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ bán đấu giá hàng hóa, hợp đồng môi giới thương mại, hợp đồng dịch vụ xây dựng, hợp đồng bảo hiểm, …).
Hai là về hình thức. Hợp đồng thương mại được thiết lập theo cách thức mà hai bên thỏa thuận, có thể được thực hiện bằng hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong một số trường hợp, pháp luật bắt buộc các bên phải thiết lập hợp đồng bằng hình thức văn bản (như hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng dịch vụ khuyến mãi, quảng cáo, hội chợ, triển lãm thương mại, hợp đồng tín dụng, …). Luật Thương mại năm 2005 sửa đổi, bổ sung 2017, 2019 cho phép các bên hợp đồng có thể thay thế hình thức văn bản bằng các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản (bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật).
Ba là mục đích. Mục đích phổ biến của các bên trong hợp đồng thương mại là lợi nhuận. Mục đích lợi nhuận là đặc trưng của các giao dịch kinh doanh do các bên của hợp đồng đều nhằm thu được lợi nhuận từ việc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, một bên của hợp đồng trong kinh doanh không có mục đích lợi nhuận. Những hợp đồng này, về nguyên tắc không đương nhiên chịu sự điều chỉnh bởi những quy định riêng của pháp luật thương mại. Theo Luật Thương mại 2005 sửa đổi, bổ sung 2017, 2019, đối với những hợp đồng giữa thương nhân với chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận, việc có áp dụng Luật Thương mại 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019 để điều chỉnh quan hệ hợp đồng này hay không do bên không có mục đích lợi nhuận quyết định lựa chọn luật để áp dụng.
[b] Phân loại hợp đồng thương mại
(i) Căn cứ vào mức độ tương xứng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên
-
Hợp đồng song vụ: Là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau, các bên đồng thời là người có nghĩa vụ và có quyền.
-
Hợp đồng đơn vụ: Là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.
(ii) Căn cứ vào sự phụ thuộc lẫn nhau về hiệu lực giữa các quan hệ hợp đồng
-
Hợp đồng chính: Là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
-
Hợp đồng phụ: Là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
(iii) Căn cứ vào chủ thể được hưởng lợi từ hợp đồng
-
Hợp đồng vì lợi ích của các bên trong hợp đồng: Là hợp đồng mà việc thực hiện nghĩa vụ của một bên nhằm mang lại lợi ích (bảo đảm quyền) của bên kia trong quan hệ hợp đồng.
-
Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba: Là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
(iv) Căn cứ vào nội dung của mối quan hệ kinh tế
-
Hợp đồng mua bán hàng hóa.
-
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
-
Hợp đồng xây dựng cơ bản.
-
Hợp đồng trong trung gian thương mại: đại diện cho thương nhân, môi giới kinh doanh, đại lý, ủy thác mua bán hàng hóa.
-
Hợp đồng dịch vụ trong xúc tiến thương mại: hợp đồng dịch vụ quảng cáo, hợp đồng dịch vụ trưng bày giới thiệu sản phẩm, hàng hóa.
-
Hợp đồng tín dụng.
-
Hợp đồng bảo hiểm.
-
Hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư: hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng liên doanh, hợp đồng đối tác công tư (PPP), …
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về hợp đồng hôn nhân của Công ty Luật TNHH Everest
2- Sự thống nhất pháp luật về hợp đồng trong pháp luật Việt Nam
[a] Giai đoạn song hành hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự
Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam thừa nhận hai lĩnh vực độc lập là kinh tế và dân sự. Hợp đồng kinh tế bắt đầu được sử dụng trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung từ những năm 1960 với đặc điểm của các bên tham gia quan hệ hợp đồng và các đơn vị kinh tế cơ sở, các tổ chức xã hội chủ nghĩa và việc ký kết hợp đồng là nhằm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của nhà nước. Bên cạnh loại hợp đồng kinh tế mang tính kế hoạch, tồn tại quan hệ hợp đồng dân sự hình thành giữa các tổ chức, cá nhân không phải là đơn vị kinh tế, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng.
Năm 1989, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế được ban hành là văn bản pháp lý ghi nhận sự thay đổi căn bản quan niệm về hợp đồng kinh tế. Song hành cùng với văn bản này, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991 là văn bản điều chỉnh các quan hệ hợp đồng dân sự. Hai hợp đồng này cùng có bản chất là sự thỏa thuận, tự nguyện, bình đẳng, thống nhất ý chí giữa các bên. Hai loại hợp đồng này được phân biệt với nhau ở chủ thể, mục đích và hình thức ký kết cụ thể là:
-
Về chủ thể: Hợp đồng kinh tế thường được giao kết giữa các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, trong khi đó hợp đồng dân sự thường được ký kết giữa tổ chức, cá nhân không phải là đơn vị kinh tế.
-
Về mục đích: Hợp đồng kinh tế được giao kết vì mục đích kinh doanh, còn hợp đồng dân sự được giao kết nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng.
-
Về hình thức: Hợp đồng kinh tế bắt buộc phải ký bằng văn bản, còn hợp đồng dân sự có thể ký kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc hành vi.
Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc phân biệt hai loại hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự trong pháp luật Việt Nam đã dẫn đến nhiều bất cập trong áp dụng pháp luật và giải quyết tranh chấp kinh tế. Ở giai đoạn này, nhiều hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp nhưng lại bị coi là hợp đồng dân sự, do các doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân là sự phi lý nổi bật minh chứng cho những bất cập này (ví dụ Hợp đồng ký kết giữa hai doanh nghiệp tư nhân với nhau trong khi tiến hành các hoạt động kinh doanh).
[b] Bộ luật Dân sự - Văn bản gốc điều chỉnh quan hệ hợp đồng
Sử dụng Luật dân sự làm văn bản gốc để điều chỉnh mọi quan hệ hợp đồng là xu hướng phổ biến của các nước tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và trong bối cảnh hội nhập, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về hợp đồng và sự thống nhất pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam. Các quy định về hợp đồng trong kinh doanh đã có những thay đổi cơ bản cả về kỹ thuật lập pháp và nội dung pháp lý. Sự thống nhất pháp luật về hợp đồng thể hiện ở các khía cạnh cơ bản:
(i) Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, điều chỉnh các quan hệ tài sản nói chung. Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005 được áp dụng với mọi quan hệ hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng trong kinh doanh.
(ii) Luật Thương mại năm 2005 là nguồn quan trọng điều chỉnh các giao dịch thương mại giữa các nhà kinh doanh với nhau và với các bên có liên quan nhằm triển khai hoạt động kinh doanh. Luật Thương mại năm 2005 điều chỉnh hoạt động thương mại bằng các quy định về quyền và nghĩa vụ đặc trưng của các bên trong hoạt động thương mại. Luật Thương mại năm 2005 được xây dựng trên cơ sở tiếp tục phát triển các quy định mang tính nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, cụ thể hóa các nguyên tắc này cho thích hợp để điều chỉnh quan hệ hợp đồng trong kinh doanh.
(iii) Bên cạnh các quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại, một số hợp đồng đặc thù trong thương mại đầu tư còn được điều chỉnh bởi quy định trong pháp luật chuyên ngành (Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Xây dựng, Bộ luật Hàng hải, …). Thông thường, ngoài việc phải tuân thủ những quy định chung về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005, mỗi loại hợp đồng cụ thể còn chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành đó.
(iv) Nguyên tắc áp dụng pháp luật được xác định rõ trong Luật Thương mại năm 2005 là hoạt động thương mại phải tuân theo Luật Thương mại và pháp luật có liên quan. Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng luật quy định của luật đó. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự.
(v) Cuối cùng, khi Bộ luật Dân sự 2015 được ban hành, khái niệm hợp đồng được thay thế khái niệm hợp đồng dân sự là sự khẳng định rõ nét thống nhất pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam hiện nay.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hợp đồng của Công ty Luật TNHH Everest
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Những vấn đề chung và sự thống nhất pháp luật về Hợp đồng được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Những vấn đề chung và sự thống nhất pháp luật về Hợp đồng có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm