Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
Đừng để bi kịch bất ngờ phá hủy cuộc sống hiện tại của gia đình bạn.
Trong cuộc sống, rất khó để tránh khỏi những chuyện bất ngờ xảy đến, và bảo hiểm chính là chiếc lá chắn giúp bảo vệ không chỉ cho chúng ta, mà còn là vì những người thân xung quanh. Bảo hiểm phi nhân thọ là loại hình bảo hiểm tự nguyện vì lợi ích con người, tài sản và các đối tượng liên quan đến con người. Cùng với sự nhận thức sâu sắc của người dùng về tầm quan trọng của bảo hiểm phi nhân thọ, ngày càng nhiều hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ được ký kết nhưng cũng kéo theo nhiều tranh chấp phát sinh. Để giải quyết được tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, trước hết cần nắm rõ được quan hệ pháp luật tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ.
Bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm tự nguyện hướng tới con người và các đối tượng liên quan đến con người, như tai nạn, sức khỏe, hàng hóa (kho vận, tàu xe, tàu hàng,…), nhằm đảm bảo cho các rủi ro đó.
Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019 (sau đây gọi chung là Luật Kinh doanh bảo hiểm) quy định: "Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân Sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ”. Có thể thấy bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm mà đối tượng của nó là tài sản, trách nhiệm dân sự, con người phi nhân thọ và rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.
Mỗi hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thường có thời hạn 1 đến 2 năm hoặc ngắn hơn. Bạn sẽ được bồi thường tổn thất trong giới hạn của hợp đồng nếu có rủi ro xảy ra, tuy nhiên nếu trong thời hạn bảo hiểm bạn không gặp bất kỳ rủi ro nào liên quan, bạn sẽ không được nhận số tiền đã đóng sau khi kết thúc hợp đồng.
- Hình thức đóng phí: Thường đóng phí một lần sau khi ký hợp đồng.
- Nguyên tắc chi trả: Chi trả dựa theo hình thức đóng góp theo hình thức thế quyền.
- Người thụ hưởng: Bảo hiểm phi nhân thọ: là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của sự cố.
- Chi trả quyền lợi bảo hiểm: Chỉ được bồi thường tổn thất do các rủi ro gây ra trong giới hạn hợp đồng.
Hợp đồng bảo hiểm là căn cứ quan trọng quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm và chủ thể tham gia bảo hiểm dựa trên thỏa thuận của các bên.
(i)- Khái niệm hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ
Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa ra khái niệm: "Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm "
(ii)- Các loại bảo hiểm phi nhân thọ:
Hiện nay, ở Việt Nam tồn tại những Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ cơ bản sau:
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản: là hợp đồng có đối tượng được bảo hiểm là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Ví dụ: Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng, Hợp đồng bảo hiểm lắp đặt, Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt, Hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh...
- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự: là hợp đồng có đối tượng bảo hiểm là các trách nhiệm dân sự của Bên mua bảo hiểm đối với bên thứ ba bị thiệt hại khi xảy ra rủi ro. Ví dụ: Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba và hành khách trên xe; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hàng hóa vận chuyển trên xe…
- Hợp đồng bảo hiểm con người phi nhân thọ: là Hợp đồng bảo hiểm có đối tượng được bảo hiểm là tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động của con người khi bị tai nạn, bệnh tật, ốm đau, thai sản. Ví dụ, Hợp đồng bảo hiểm tai nạn con người; Hợp đồng bảo hiểm trợ cấp nằm viện và phẫu thuật...
- Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh: là Hợp đồng bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là rủi ro thực hiện nghĩa vụ của Bên mua bảo hiểm và người thứ ba. Ví dụ, Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh dự thầu; Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh thanh toán trước; Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh thực hiện hợp đồng...
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực dân sự
Nhận diện quan hệ pháp luật tranh chấp không chỉ giúp cho Luật sư có căn cứ để áp dụng pháp luật nội dung mà còn lựa chọn những quy định pháp luật tố tụng phù hợp để giải quyết tranh chấp, nâng cao mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Bên cạnh những dấu hiệu nhận biết về một hợp đồng dân sự nói chung, Hợp đồng bảo hiểm nói riêng, Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ có những dấu hiệu nhận biết đặc thù sau đây:
(i) Thứ nhất, các chủ thể có liên quan trong quan hệ Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ. Thông thường, chủ thể trong hợp đồng dân sự cũng chính là chủ thể có quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mà họ giao kết. Tuy nhiên, trong quan hệ Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, ở một số trường hợp người được hưởng lợi ích không phải là các bên giao kết hợp đồng mà là người thứ ba thì chủ thể của hợp đồng không đồng nghĩa với chủ thể được hưởng quyền lợi phát sinh từ quan hệ nghĩa vụ của hợp đồng đó (ví dụ, người thứ ba trong Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe giới đối với người thứ ba hoặc hành khách trên xe trong Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách trên xe...). Vì thế, có thể nhận diện chủ thể của Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ ở hai nhóm chủ thể sau:
- Chủ thể giao kết Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ
Bên bảo hiểm (còn gọi là bên nhận bảo hiểm/bên bán bảo hiểm): là bên đã nhận phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm và cam kết nhận rủi ro bảo hiểm về phía mình. Theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm thì bên nhận bảo hiểm chỉ có thể là một tổ chức có tư cách pháp nhân và được phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm- phi nhân thọ, được gọi là Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Bên tham gia bảo hiểm (chính là Bên mua bảo hiểm): là tổ chức (ví dụ: doanh nghiệp sử dụng lao động trong Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chủ thầu trong Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ thầu đối với người thứ ba trong xây lắp...) hoặc cá nhân (ví dụ, chủ xe cơ giới trong Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba và hành khách trên xe...) ký kết Hợp đồng bảo hiểm với Doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Những tổ chức, cá nhân này phải là người có quyền lợi hợp pháp khi đối tượng được bảo hiểm gặp rủi ro và bị tổn thất và phải có đủ năng lực hành vi dân sự (đối với cá nhân) và năng lực pháp luật dân sự (đối với tổ chức) khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm. Ngoài trách nhiệm đóng phí bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm còn có những trách nhiệm khác phát sinh từ Hợp đồng bảo hiểm cụ thể.
- Chủ thể liên quan đến nghĩa vụ chi trả số tiền bảo hiểm/số tiền bồi thường (chủ thể của quan hệ về nghĩa vụ hảo hiểm)
Chủ thể liên quan đến trách nhiệm chi trả số tiền bảo hiểm/số tiền bồi thường bảo hiểm là những người có quyền, nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm. Chủ thể của quan hệ nghĩa vụ về bảo hiểm bao gồm:
Bên có nghĩa vụ bảo hiểm: là Doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận phí bảo hiểm từ người tham gia bảo hiểm hay chính là bên nhận bảo hiểm trong Hợp đồng bảo hiểm làm hình thành quan hệ nghĩa vụ bảo hiểm.
Bên được hưởng quyền lợi bảo hiểm: là bên được hưởng một khoản tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường thiệt hại hoặc được bên bảo hiểm đảm nhiệm thay một trách nhiệm dân sự khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Người thụ hưởng, là tổ chức hoặc cá nhân được người tham gia bảo hiểm chỉ định trong Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhận được sự trợ giúp và bồi thường từ Doanh nghiệp bảo hiểm.
Xác định được chủ thể của Hợp đồng bảo hiểm, Luật sư sẽ xác định được nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu khởi kiện của khách hàng mà Luật sư bảo vệ. Trong một số trường hợp, điều kiện chủ thể được giới hạn hẹp hơn.
(ii)- Thứ hai, khách thể của quan hệ Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ:
Khách thể trong quan hệ pháp luật dân sự là lợi ích vật chất, tinh thần mà các chủ thể hướng tới khi tham gia quan hệ. Lợi ích này xuất hiện dựa trên mối liên quan giữa đối tượng bảo hiểm phi nhân thọ và người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm, người được hưởng quyền lợi bảo hiểm trong từng Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ cụ thể và được biếu hiện thông qua các điều khoản về chi trả bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Các căn cứ để quyền lợi có thể được bảo hiểm của bên được bảo hiểm hình thành là: quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng đối với tài sản, quyền nhân thân, quyền và nghĩa vụ trong và ngoài quan hệ hợp đồng.
(iii) Thứ ba, nội dung của quan hệ Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ
Nội dung của quan hệ pháp luật là tổng hợp quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đó. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể giao kết hợp đồng và các chủ thể của quan hệ nghĩa vụ (đề cập ở dấu hiệu Thứ nhất và Thứ hai) tạo thành nội dung của quan hệ pháp luật tranh chấp về Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong quan hệ pháp luật này, người được bảo hiểm có quyền: yêu cầu Doanh nghiệp bảo hiểm chi trả số tiền bảo hiểm cho sự tổn thất về tài sản hoặc chi trả số tiền bồi thường khi tính mạng, sức khỏe, khả năng lao động của con người bị tổn thất do tai nạn, bệnh tật, ốm đau, thai sản; thực hiện thay một trách nhiệm dân sự khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện thay một nghĩa vụ trả tiền khi Bên mua bảo hiểm không hoàn thành nghĩa vụ với người thứ ba: hủy bỏ Hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật/thỏa thuận trong hợp đồng; quyền được cung cấp thông tin về đối tượng bảo hiểm của bên bảo hiểm; yêu cầu Doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm/bồi thường cho người được thụ hưởng; chuyển nhượng Hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm; và các quyền khác theo quy định pháp luật..
Trong quan hệ pháp luật này, Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền: thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong Hợp đồng bảo hiểm; yêu cầu Bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện Hợp đồng bảo hiểm; hủy bỏ Hợp đồng bảo hiểm theo quy định pháp luật/thỏa thuận của các bên; từ chối trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc từ chối bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong Hợp đồng bảo hiểm; yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà Doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự và các quyền khác theo quy định của pháp luật...
(iv) Hình thức của Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ
Hợp đồng bảo hiểm phải được thể hiện dưới dạng văn bản, theo đó, giấy yêu cầu bảo hiểm là bộ phận không tách rời của Hợp đồng bảo hiểm và chứng cứ của việc giao kết hợp đồng là giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm.
Giấy yêu cầu bảo hiểm: là một loại ấn chỉ in sẵn, trong đó yêu cầu người có nhu cầu bảo hiểm phải kê khai những thông tin liên quan cần thiết và nộp cho Doanh nghiệp bảo hiểm trước khi Hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ được phát hành.
Giấy chứng nhận bảo hiểm/đơn bảo hiểm là chứng cứ của việc giao kết Hợp đồng bảo hiểm. Trong khi giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ biểu đạt những thông tin vắn tắt và cơ bản nhất về Hợp đồng bảo hiểm (thông tin về Doanh nghiệp bảo hiểm; người được bảo hiểm; đối tượng bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm; số tiền bảo hiểm; phí bảo hiểm...) thì đơn bảo hiểm biểu đạt thông tin một cách đầy đủ hơn. Ngoài những thông tin như trong giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm còn thể hiện các thông tin về phạm vi bảo hiểm, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của các bên, cách tính và thanh toán tiền bồi thường, quy định về giải quyết tranh chấp...Thông thường, giấy chứng nhận bảo hiểm được Doanh nghiệp bảo hiểm cấp cho Bên mua bảo hiểm kèm theo một Hợp đồng bảo hiểm. Một Hợp đồng bảo hiểm có thể cấp kèm một hoặc nhiều giấy chứng nhận bảo hiểm, còn đơn bảo hiểm thường được cấp độc lập như một thông lệ trong hoạt động bảo hiểm. Việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm của Doanh nghiệp bảo hiểm cho Bên mua bảo hiểm là một trong những bằng chứng xác nhận Doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận trách nhiệm về rủi ro đối với đối tượng bảo hiểm.
Tổng hợp từ Giáo trình Kỹ năng chuyên sâu của Luật sư trong việc giải quyết các vụ án dân sự - Học viện Tư pháp và một số nguồn khác.
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm