Soạn thảo trình bày bản luận cứ bảo vệ
1- Phần mở đầu
Tương tự như phần mở đầu bản luận cứ bào chữa, luật sư giới thiệu về bản thân và tư cách tham gia của luật sư trong vụ án.
Ví dụ minh họa: “Kính thưa HĐXX, thưa vị Đại diện VKS!
Tôi là luật sư Nguyễn Văn B, Công ty luật A, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội .
Nhận lời mời của bà Trần Thị C, được sự chấp thuận của TAND thành phố Hà Nội, tôi tham gia tố tụng tại phiên toà hôm nay với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà C là bị hại trong vụ án Đào Văn D, bị VKSND thành phố Hà Nội truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015.”
2- Phần nội dung
Trường hợp bảo vệ cho bị hại làm rõ TNHS của bị cáo, Luật sư nêu tóm tắt thật ngắn gọn diễn biến, nội dung vụ án và những vấn đề liên quan đến thân chủ của mình. Sau đó nêu rõ luật sư đồng ý hay không đồng ý với quan điểm buộc tội của VKS. Luật sư lần lượt bảo vệ theo từng vấn đề của vụ án làm rõ TNHS của bị cáo.
(i) Làm rõ TNHS của bị cáo như bản cáo trạng
Trường hợp này do đồng ý với những cáo buộc của VKS đối với bị cáo nên dựa vào lời khai của bị cáo, luật sư chỉ tập trung phân tích để bảo bỏ những điểm bị cáo chối tội, khẳng định việc truy tố của VKS là có căn cứ. Thông thường luật sư phân tích các tài liệu, chứng cứ buộc tội (dựa vào biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản khám xét, thu giữ vật chứng, kết luận giám định, lời khai của người làm chứng xác nhận việc phạm tội ...) để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo như truy tố của bản cáo trạng. Kết hợp với việc khẳng định các chứng cứ buộc tội, luật sư phân tích chỉ ra mâu thuẫn trong lời khai chối tội của bị cáo giữa các lần khai khác nhau, mâu thuẫn với chứng cứ khác của vụ án, đề nghị bác bỏ các lời khai này.
(ii) Đề nghị tăng nặng TNHS đối với bị cáo
Trường hợp này luật sư không đồng ý với quyết định của bản cáo trạng về khung hình phạt truy tố bị cáo. Việc cáo buộc bị cáo phạm tội theo khung hình phạt nặng hơn đòi hỏi bản luận cứ phải phân tích tổng hợp các chứng cứ của vụ án từ nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, thái độ tâm lý, công cụ, phương tiện phạm tội, hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo ... để chỉ ra được sự không hợp lý trong việc đánh giá các tình tiết định khung hình phạt của VKS không chính xác, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo có các tình tiết định khung tăng nặng như bị cáo phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, bị hại dưới 16 tuổi, là phụ nữ có thai, người già yếu, bị cáo hành hung để tẩu thoát, dùng hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ ... cũng như phân tích hành vi phạm tội của bị cáo có các tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS để đề nghị HĐXX áp dụng chuyển sang khung hình phạt nặng hơn, xử phạt bị cáo nặng hơn.
Dưới đây là một ví dụ về việc đề xuất theo hướng chuyển sang khung hình phạt nặng hơn :
Ví dụ: “Hành vi của bị cáo Duy bị TAND tỉnh H xét xử về tội Giết người là đúng người, đúng tội . Tuy nhiên, xét về hành vi khách quan thì thấy: xuất phát từ mâu thuẫn trong sinh hoạt giữa bị hại và bị cáo, do lỗi vô ý của anh Đỗ Phúc Biên mà bị cáo đã thực hiện hành vi dùng dao nhọn đâm thẳng vào bụng anh Biên rồi bỏ mặc hậu quả xảy ra làm anh Biên bị tử vong. Hành vi của bị cáo là có tính chất côn đồ, bất chấp pháp luật chỉ vì lý do xung đột nhỏ nhặt mà có hành vi dùng dao tước đoạt tính mạng của người khác.
Với hành vi trên, việc VKS chỉ truy tố bị cáo về tội Giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS năm 2015 là không chính xác, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Đề nghị HĐXX xác định hành vi của bị cáo là có tính chất côn đồ, áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 để xét xử đối với bị cáo nhằm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.
(iii) Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung
Khi thấy còn thiếu chứng cứ quan trọng để xác định đúng tội phạm hoặc có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo thuộc tội nặng hơn tội truy tố trong bản cáo trạng , thiếu chứng cứ xác định người thực hiện hành vi phạm tội (bị cáo còn thực hiện hành vi phạm tội khác ngoài tội phạm bị truy tố hoặc có đồng phạm khác cùng thực hiện tội phạm nhưng chưa bị truy tố), tình tiết tăng nặng TNHS của bị cáo, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra gây bất lợi cho thân chủ thì luật sư phân tích rõ từng vấn đề trên và đề nghị HĐXX trả hồ sơ để VKS điều tra bổ sung.
- Trường hợp bảo vệ cho nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bị hại về phần bồi thường thiệt hại trong vụ án.
Tùy từng vụ án cụ thể, luật sư định hướng việc bảo vệ các yêu cầu bồi thường hoặc phản đối lại yêu cầu bồi thường của phía đối tụng với thân chủ của mình. Nếu theo hướng đề nghị chấp nhận yêu cầu của thân chủ luật sư cần phân tích từng khoản thân chủ yêu cầu bồi thường là có căn cứ và hợp pháp .
Ví dụ: Để bảo vệ cho bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích, luật sư phân tích các khoản yêu cầu bồi thường của bị hại bao gồm: khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của bị hại; thu nhập thực tế mất của người chăm sóc bị hại trong thời gian điều trị, chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho bị hại là có căn cứ, phù hợp quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP và ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đề nghị HĐXX chấp nhận các yêu cầu bồi thường thiệt hại của bị hại.
Khi hồ sơ chưa đủ tài liệu xác định chính xác những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, luật sư phân tích rõ việc thiếu những chứng cứ quan trọng này và đề nghị HĐXX trả hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung hoặc yêu cầu VKS bổ sung tài liệu, chứng cứ xác định thiệt hại .
3- Phần kết luận
Cũng như kết luận của bản bào chữa, trong kết luận của luận cứ bảo vệ, luật sư tóm tắt ngắn gọn những điểm chính đã trình bày, đưa ra các đề xuất cụ thể đối với HĐXX áp dụng pháp luật để xét xử nghiêm bị cáo, đáp ứng các yêu cầu của thân chủ. Luật sự chú ý các đề xuất đưa ra phù hợp với việc phân tích trong phần nội dung của bản bảo vệ. Tùy từng trường hợp, luật sư có thể đề xuất HĐXX ra bản án xử phạt bị cáo như cáo buộc của VKS hoặc đề nghị chuyển khung hình phạt nặng hơn, áp dụng hình phạt nặng hơn đề nghị của VKS; đề nghị buộc bị cáo, bị đơn dân sự hội thường theo yêu cầu của thân chủ; đề nghị trả lại tài sản cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; đề nghị trả hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung. Trước khi dừng lời, luật sư cảm ơn và thể hiện sự tin tưởng vào phán quyết công minh của HĐXX.
Về cách thức trình bày, đối với cả luận cứ bào chữa và bảo vệ, khi chuẩn bị luận cứ sau mỗi ý phải để khoảng trống, cách dùng để có thể bổ sung được những nội dung mới phát sinh tại phiên tòa, tránh phải sửa chữa, tẩy xoá, chèn chữ trong bản luận cứ.
4- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
(i) Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn...
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm