Tại sao doanh nghiệp cần thiết phải tái cơ cấu trước khi phát triển nhượng quyền?

06/06/2024
Mai Công Phú
Mai Công Phú
Doanh nghiệp Việt Nam cần tái cơ cấu trước khi phát triển nhượng quyền để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh. Thực tế cho thấy, việc thay đổi cơ cấu tổ chức là cần thiết để thích ứng với bối cảnh kinh tế mới và mở rộng quy mô hoạt động. Bài viết sẽ phân tích lý do vì sao tái cơ cấu là bước đi quan trọng và đề xuất mô hình phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

1- Tại sao doanh nghiệp Việt cần thiết phải tái cơ cấu trước khi phát triển nhượng quyền?

Doanh nghiệp dù đã có chiều dài lịch sử hoạt động tại thị trường Việt Nam nhất thiết phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu trước khi có thể xây dựng nền tảng nhượng quyền. Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu định nghĩa cụm từ “tái cơ cấu”:

Tái cơ cấu là quá trình tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh, và thích ứng với bối cảnh mới, đòi hỏi những thay đổi trong cơ chế quản lý và cơ cấu tổ chức.”

Nguồn: Tái cơ cấu doanh nghiệp ở Việt Nam - Đỗ Tiến Long (ĐHKT-ĐHQGHN), tạp chí khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh

Theo định nghĩa trên đây, có ba yếu tố chính thúc đẩy quá trình tái cơ cấu là hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh, và sự thích ứng với bối cảnh mới. Trên thực tế cả ba yếu tố này hiện đang là vấn đề cấp thiết, quyết định sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết và rõ ràng nhất, có lẽ chúng ta nên nhắc đến “bối cảnh mới”.

Nếu nhìn vào lịch sử phát triển của nền kinh tế Việt Nam, luật doanh nghiệp ra đời những năm 2000 đánh dấu sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Phần lớn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh này là doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, phát triển lên từ nền tảng kinh doanh nhỏ lẻ của hộ gia đình. Với lợi thế về quan hệ, với hiểu biết nhu cầu tiêu dùng và phương thức kinh doanh của người dân địa phương, nhiều doanh nghiệp Việt Nam “phất” lên, cái mà chúng ta gọi là “organic growth” - sự phát triển tự nhiên mà không cần phải có sự can thiệp nhiều về chiến lược hay kế hoạch. Đối với các ngành hàng tiêu dùng, đây là giai đoạn phát triển bằng cách mở thị trường mới thông qua hình thức thiết lập kênh phân phối, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường là đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Đối với các ngành ẩm thực và bán lẻ, việc mở “chi nhánh” hoặc “cho mượn bảng hiệu và thương hiệu” để có thể mở rộng kênh phân phối, tiếp cận nhanh hơn đối tượng khách hàng mục tiêu trên các thị trường địa lý khác nhau trở thành mục tiêu kinh doanh chính của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn 2000-2010 nhìn chung vẫn là nhu cầu thiết yếu, nhu cầu cần được tiếp cận sản phẩm, nhu cầu “tiêu xài” phần thu nhập thặng dư của hộ gia đình khi thu nhập trung bình của người dân, nhất là tầng lớp thu nhập trung bình khá, ngày càng được nâng cao. Với cơ hội phát triển “tự nhiên” hiếm có như thế tại thị trường Việt Nam, việc doanh nghiệp tập trung đầu tư thiết lập hệ thống phân phối nhanh chóng để tranh thủ cơ hội thị trường là điều không thể tránh khỏi. Cũng vì vậy, các vấn đề về xây dựng giá trị cốt lõi và nền tảng cho sự phát triển lâu dài hầu như chưa được quan tâm. Và đây chính là lý do vì sao doanh nghiệp Việt Nam hiện tại chưa đủ năng lực để cạnh tranh khi thị trường mở cửa. Bối cảnh kinh tế đã thay đổi khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO sau 11 năm đàm phán, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc vòng đàm phán thứ 19 năm 2003 và đang có nhiều tín hiệu tích cực cho việc kết thúc đàm phán năm 2015/2016, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang ở vòng đàm phán cuối cùng, khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm 2015. Việt Nam sẽ chính thức hội nhập vào kinh tế khu vực, kinh tế thế giới. Với hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tiềm năng và được quan tâm nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường hoàn toàn rộng mở, chào đón sự xuất hiện và cạnh tranh tự do từ các doanh nghiệp, thương hiệu khu vực và thế giới.

Ngược lại, những thay đổi về bối cảnh này cũng mở ra cơ hội kinh doanh tầm cỡ, mang ý nghĩa nâng tầm quy mô hoạt động đối với những doanh nghiệp Việt Nam biết nắm bắt cơ hội. Thị trường không còn giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam. Thị trường bây giờ là khu vực và thế giới. Thế cờ đã thay đổi. Sức mạnh bây giờ không còn nằm trong tay doanh nghiệp, những nhà cung cấp nữa. Sức mạnh bây giờ nằm trong tay người tiêu dùng và phụ thuộc vào sức mạnh của thương hiệu. Người tiêu dùng ngày nay có vô số lựa chọn, cả từ nội địa, khu vực và quốc tế, sự lựa chọn từ những thương hiệu đã và đang nhanh chóng thâm nhập thị trường qua hình thức nhượng quyền. Trên thực tế, bắt đầu từ năm 2013, thị trường nhượng quyền Việt Nam ngày càng trở nên sôi động với sự xuất hiện liên tục của những thương hiệu nhượng quyền mới. Ngoài các thương hiệu của Mỹ, Anh, Úc, Nhật... là những thị trường nhượng quyền đã trưởng thành và có chiều dài lịch sử, các thương hiệu khu vực từ những thị trường phát triển hơn về nhượng quyền như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan cũng bắt đầu tấn công vào thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh mới này, áp lực cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra một định hướng mới, một chiến lược mới để cạnh tranh, tồn tại, và phát triển. Bối cảnh mới hiện tại chính là động lực đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải rà soát lại năng lực nội bộ, phát huy thế mạnh, thay đổi và củng cố nền tảng quản trị, nền tảng hỗ trợ để nắm bắt những cơ hội mới.

Xem thêm: Pháp lý tái cấu trúc doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest

2- Lịch sử phát triển nền kinh tế Việt Nam

Trong gần 30 năm đổi mới và sau đó là Hội nhập, chính sách vĩ mô và các hiệp định thương mại quốc tế đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Vấn đề thứ hai đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cơ cấu để phát triển, ngoài “bối cảnh mới” chính là “hiệu quả hoạt động” và “sức cạnh tranh”. Sau nhiều năm tập trung vào việc phát triển doanh thu và kênh phân phối, bỏ qua các vấn đề xây dựng nền tảng doanh nghiệp, liệu doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng để nắm bắt cơ hội mới, cạnh tranh và phát triển lâu dài? Câu trả lời thẳng thắn là chưa. Và đó cũng chính là lý do mà vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp cần được đặt lên hàng đầu nhằm xây dựng nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Một doanh nghiệp muốn phát triển theo mô hình nhượng quyền thì trước hết bản thân doanh nghiệp cần phải hoạt động hiệu quả. Cái mà đối tác nhận quyền mua, ngoài giấy phép sử dụng thương hiệu, là sự ổn định, tính kinh tế, và tiềm năng phát triển của thương hiệu. Nhượng quyền thường được định nghĩa dễ hiểu là cách để “chia sẻ sự thịnh vượng”. Nếu bản thân doanh nghiệp không “thịnh vượng” thì chúng ta chia sẻ cái gì? Doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì làm sao chúng ta có thể tạo ra “sự thịnh vượng”? Nhiều người lầm tưởng rằng nhượng quyền là hình thức “sử dụng tiền của người khác để phát triển”. Không ai trên thế giới này kém trí tưởng tượng đến nỗi có thể cho bạn vay tiền không lãi suất để bạn phát triển cả. Trong kinh doanh, ai cũng đặt câu hỏi “What’s in it for me?” (Phần tôi được cái gì?). Như vậy, nếu chúng ta chưa có “sự thịnh vượng”, chưa đủ sức để chia sẻ “sự thịnh vượng”, thì cách tốt nhất là phải tập trung tạo ra “sự thịnh vượng” ấy trước khi nghĩ đến việc bắt đầu chia sẻ. Nếu chúng ta bán nhượng quyền chỉ để bù lỗ vào chi phí hoạt động đang thiếu hụt, hay để giải quyết vấn đề dòng tiền, nợ ngân hàng, lãi vay... thì cái chúng ta đang làm là chia sẻ nợ, chia sẻ sự yếu kém trong hoạt động. Và kết quả chắc chắn sẽ là không ai “được” gì cả mà cả hai bên đối tác đều “mất”. Chúng ta mất cơ hội thành công tại một thị trường mới vì thị trường đã bán đi chắc chắn sẽ thất bại, và việc tái tung thương hiệu tại một thị trường thất bại là một thử thách mà doanh nghiệp nào cũng muốn né tránh. Trong khi đó, đối tác nhận quyền lại mất đi cả tiền bạc lẫn thời gian đã đầu tư. Hãy tưởng tượng đối tác đầu tư một con số không nhỏ vào mô hình của chúng ta, có khi con số đó là cả tài sản của họ, thậm chí là nợ ngân hàng. Nếu họ thất bại, nếu họ mất đi cả tài sản mà còn vướng thêm nợ ngắn nợ dài, có phải chúng ta đang “hại” người khác bằng cách “mượn tiền người khác để phát triển” hay không? Do đó, khi nền tảng hoạt động chưa hiệu quả, doanh nghiệp khoan hãy suy nghĩ đến việc phát ttiển nhượng quyền. Việc cần làm là củng cố nội bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động để hỗ trợ đối tác nhận quyền phát triển bền vững trong tương lai.

Xem thêm: Dịch vụ pháp lý về nhượng quyền thương mại của Công ty Luật TNHH Everest

3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Tại sao doanh nghiệp cần thiết phải tái cơ cấu trước khi phát triển nhượng quyền? được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

[b] Bài viết Tại sao doanh nghiệp cần thiết phải tái cơ cấu trước khi phát triển nhượng quyền? có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê Luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.

0 bình luận, đánh giá về Tại sao doanh nghiệp cần thiết phải tái cơ cấu trước khi phát triển nhượng quyền?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.95807 sec| 968.492 kb