Thu hồi đất tại Cát Hải: Hàng tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất đã đi đâu?

"Những kẻ ngu xuẩn cho rằng, khi sự phán xét đối với cái ác bị trì hoãn, Công lý không tồn tại. Nhưng chỉ có sự ngẫu nhiên ở đây. Sự phán xét đối với cái ác nhiều khi bị trì hoãn một  ngày, hai ngày, thậm chí một thế kỷ, hai thế kỷ, nhưng nó chắc chắn như cuộc đời, nó chắc chắn như cái chết".

- Thomas Carlyle, 1795 - 1881, Nhà triết học nổi tiếng người Scotland

Thu hồi đất tại Cát Hải: Hàng tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất đã đi đâu?

Liên tục sử dụng đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản từ những năm 1990 (30 năm), nhưng hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương (Thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) không nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Dự án Deep C III). Trong khi đó, vào năm 2021 các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản tương tự đã nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ tới hàng tỷ đồng.

Song song với hướng dẫn Khách hàng khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhận thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (tội phạm quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự), Công ty Luật TNHH Everest đã có văn bản báo tin gửi tới Cơ quan tố tụng có thẩm quyền của thành phố Hải Phòng.

Liên hệ

I- THU HỒI ĐẤT CỦA ÔNG ĐỖ VĂN CHƯƠNG, NHƯNG BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHÁC:

Trong đơn khiếu nại lần đầu đối với Thông báo số 1555/TB-UBND ngày 23/12/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải giải quyết đơn kiến nghị của ông Đỗ Văn Chương, địa chỉ: tổ dân phố Lương Năng, thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải (Thông báo số 1555), hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương trình bày:

Ngày 04/04/1990, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải ban hành Quyết định số 143/QĐ-UB về việc “Thành lập Ban quản lý thầu hồ nuôi trồng thủy sản”.

Ban quản lý thầu hồ nuôi trồng thủy sản sau đó đã ký các hợp đồng thuê khoán có thời hạn 05 năm, để giao phần lớn diện tích đất đầm, hồ nuôi trồng thủy sản cho một số ít hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Trong đó, ông Phạm Văn Phùng được giao diện tích đầm (còn gọi là Đầm Trưng Phát), rộng khoảng 40,5 hecta (405.000 m²). Theo thỏa thuận giữa hai cá nhân là ông Phạm Văn Phùng và ông Đỗ An Được, thì mỗi người quản lý, sử dụng ½ (một phần hai) diện tích đầm, hồ (khoảng 200.000 m2).

Năm 1992, hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương đã mua lại diện tích đầm nuôi trồng thủy sản 10.000 m² tại tổ dân phố Lương Năng, thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải từ ông Đỗ An Được. Cùng mua đầm và sử dụng để nuôi trồng thủy sản với hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương còn có các hộ gia đình như: Trần Đức Vệ, Đoàn Đức Triệu và hàng chục hộ gia đình, cá nhân khác. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản 10.000 m² nêu trên được gia đình ông Đỗ Văn Chương sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1992 đến thời điểm bị nhà nước thu hồi đất (thông báo năm 2017).

Năm 2012, thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, gia đình tôi bị thu hồi 2.000 m² đất nuôi trồng thủy sản trong tổng số 10.000 m2 nêu trên (số liệu của cơ quan chức năng đo: 12.780,7 m2).

Ngày 07/12/2012, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cát Hải có Phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, tài sản giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện. Trong danh sách được liệt kê bao gồm: hộ gia đình ông Phạm Văn Bảo được xác định là người có đất bị thu hồi, hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương và các hộ gia đình khác sử dụng đất (mua lại) được xác định là người có quyền lợi liên quan.

Theo phương án này, hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương chỉ được bồi thường các tài sản có trên đất (đăng, đó, cọc đăng, rào lưới lướt, hàng rào) với tổng số tiền bồi thường được tính là: 65.850.000 đồng (sáu mươi lăm triệu, tám trăm năm mươi nghìn đồng) và không được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích 2.000 m² đất nuôi trồng thủy sản bị Nhà nước thu hồi.

Phần diện tích 8.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản còn lại, gia đình ông Đỗ Văn Chương tiếp tục sử dụng cho tới thời điểm Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (hay còn gọi là Dự án Deep C III) vào năm 2017.

Khoảng năm 2014 - 2016, trong khi gia đình ông Đỗ Văn Chương đang sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản thì xảy ra tranh chấp với ông Hiệp (không biết rõ họ tên đầy đủ, tên thường gọi là Hiệp “râu”). Ông Đỗ Văn Chương được ông Hiệp “râu” thông báo: ông Phạm Văn Bảo (là con trai ông Phạm Văn Phùng) đã bán diện tích 8.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản còn lại của gia đình tôi đang sử dụng cho ông Hiệp “râu”. Liên quan đến sự việc này, các bên gồm: tôi (Đỗ Văn Chương), ông Phạm Văn Bảo, ông Hiệp “râu” đã trao đổi nhiều lần, nhưng không đạt thỏa thuận.

Thậm chí, ông Hiệp “râu” đã cử người đe dọa tôi. Vì không có giấy tờ đối với diện tích 8.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản và lo ngại xảy ra bạo lực - thực tế tại khu vực này đã nhiều lần xảy ra các vụ việc tranh chấp đất nuôi trồng thủy sản, gây thương tích nghiêm trọng, cho nên tạm thời hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương ‘không thể sử dụng để nuôi trồng thủy sản một cách bình thường’ trên diện tích 8.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản tranh chấp.

Ông Đỗ Văn Chương khẳng định: diện tích 8.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản là tài sản rất có giá trị đối với hộ gia đình nuôi trồng thủy sản tại huyện Cát Hải. Đồng thời, diện tích 8.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản là nguồn sống của cả hộ gia đinh ông Đỗ Văn Chương (không có nghề khác, không có đất nông nghiệp khác để sản xuất), cho nên không thể có việc ông Đỗ Văn Chương “không sử dụng, không trực tiếp sản xuất nuôi trồng thủy sản” trên diện tích 8.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản bị Nhà nước thu hồi, như tại Thông báo số 1555.

Năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Dự án Deep C III), 8.000 m2 đất nuôi trồng thủy sản còn lại của hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương theo thông báo bị thu hồi. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải không có bất cứ văn bản nào về việc này.

Ông Đỗ Văn Chương được biết, ngày 31/12/2020, Ủy ban nhân huyện Cát Hải đã ban hành Quyết định số 3440/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định số 3441/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (giai đoạn 2)… nhưng trong các quyết định này không có tên của hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương. Do đó, ông Đỗ Văn Chương đã có đơn kiến nghị gửi Ủy ban nhân huyện Cát Hải đề nghị xem xét, giải quyết quyền lợi của ông Đỗ Văn Chương theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Thu hồi đất tại Cát Hải (Dự án Deep CIII): Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng thế nào?

II- CĂN CỨ PHÁP LÝ CHO YÊU CẦU KHIẾU NẠI CỦA HỘ GIA ĐÌNH ÔNG ĐỖ VĂN CHƯƠNG:

Ông Đỗ Văn Chương cho rằng: Thông báo số 1555 đưa ra kết luận không phù hợp với những tình tiết khách quan của sự việc, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cụ thể, tại Thông báo số 1555 nêu:

“Tháng 01/2010, ông Bảo được Ủy ban nhân dân thị trấn Cát Hải ký hợp đồng cho thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản (Đầm Trưng Phát) để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước thuê là 30,2 ha (không bao gồm diện tích mặt nước quy hoạch mương số 1 là khoảng 13 ha) với thời hạn 05 năm từ ngày 01/01/2010 đến 31/12/2014. Phần diện tích mặt nước quy hoạch là mương số 1, UBND thị trấn giao cho ông Bảo quản lý.

Sau khi được UBND thị trấn Cát Hải ký hợp đồng thuê cơ sở mặt nước nuôi trồng thủy sản, ông Bảo đã tự ý cho ông Đỗ Văn Chương sử dụng một phần diện tích mặt nước của mương số 1 là khoảng 0,9 ha (thuộc địa giới hành chính xã Đồng Bài) để tận dụng nuôi trồng thủy sản. Hàng năm ông Chương có nộp cho ông Bảo khoản phí là 2.375.000 đồng/năm”.

“UBND huyện Cát Hải ban hành các Quyết định: số 385/QĐ-UBND ngày 22/4/2013 và số 435/QĐ-UBND ngày 22/4/2015 về việc thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện… ông Đỗ Văn Chương là người có quyền lợi liên quan đang sử dụng thuộc mương số 1 (là một phần thửa đất số 01 có diện tích 12.780,7 m2, tờ bản đồ số 12, theo trích đo địa chính tỉ lệ 1/5.000 do Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường lập, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định ngày 14/5/2012 và ngày 04/4/2014).

Ngày 31/12/2020, UBND huyện Cát Hải đã ban hành Quyết định số 3440/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định số 3441/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 về việc phê duyệt phương án BTHT khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (giai đoạn 2)… ông Bảo và các hộ gia đình, cá nhân có liên quan đã được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho nhà nước...

Do ông Đỗ Văn Chương không sử dụng đất, không trực tiếp sản xuất nuôi trồng thủy sản trên phần diện tích đất mặt nước của ông Phạm Văn Bảo bị thu hồi từ năm 2015 đến nay, nên ông Chương không phải là hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, không phải đối tượng có quyền và lợi ích có liên quan... không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất...”.

“... Như vậy, theo tài liệu, chứng cứ đã thu thập, ông Đỗ Văn Chương bắt đầu sử dụng từ năm 2010, sau thời điểm ngày 01/7/2004 và việc sử dụng đất không hợp pháp (không phải đất do Nhà nước giao, công nhận, cho thuê). Ông Chương không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất như ông đã trình bày trong đơn kiến nghị”.

Như vậy:

Một là, Ủy ban nhân huyện Cát Hải đã xác minh và biết rõ: hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương là người trực tiếp sử dụng đầm nuôi trồng thủy sản (diện tích 12.780,7 m2) liên tục từ những năm 1990, cũng như trường hợp các hộ gia đình ông Trần Đức Vệ và ông Đoàn Hữu Triệu... Thế nhưng, Thông báo số 1555 lại kết luận: “do ông Đỗ Văn Chương không sử dụng đất, không trực tiếp sản xuất nuôi trồng thủy sản...” nghĩa là đã làm sai lệch bản chất sự việc: tôi ‘không thể sử dụng để nuôi trồng thủy sản một cách bình thường’, với “không sử dụng đất, không trực tiếp sản xuất nuôi trồng thủy sản”.

Hai là, ngoài quyền sử dụng đất, ông Đỗ Văn Chương còn có tài sản khác: đăng, đó, cọc đăng, rào lưới lướt, hàng rào... tại diện tích đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi. Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình giải quyết bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất không mời ông Đỗ Văn Chương tham dự, không chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cho ông Đỗ Văn Chương. Đối với nội dung này, ông Đỗ Văn Chương sẽ có đơn tố giác hành vi “vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” (tội phạm quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự).

Ba là, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đưa ra kết luận về nguồn gốc sử dụng đất của gia đình ông Đỗ Văn Chương: “Như vậy, theo tài liệu, chứng cứ đã thu thập, ông Đỗ Văn Chương bắt đầu sử dụng từ năm 2010, sau thời điểm ngày 01/7/2004 và việc sử dụng đất không hợp pháp... không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất như ông đã trình bày trong đơn kiến nghị”, là hoàn toàn trái ngược với nội dung mà Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đã xác minh, báo cáo với Thành phố Hải Phòng khi giải quyết trường hợp thu hồi đất nuôi trồng thủy sản tại Đầm Trưng Phát như trường hợp của ông Trần Đức Vệ, ông Đoàn Hữu Triệu (cùng tại Mương số 1).

Bốn là, Ủy ban nhân huyện Cát Hải đã xác minh và biết rõ: ông Phạm Văn Bảo không trực tiếp sử dụng đất, không được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, đối với “... diện tích mặt nước quy hoạch mương số 1 là khoảng 13 ha... ”, nhưng vẫn buộc gia đình tôi phải nộp tiền: “hàng năm ông Chương có nộp cho ông Bảo khoản phí là 2.375.000 đồng/năm”. Ông Đỗ Văn Chương sẽ có đơn tố giác hành vi “cưỡng đoạt tài sản” (tội phạm quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự).

3- Hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi diện tích 10.780,7 m2 đất nuôi trồng thủy sản để thực hiện Dự án Deep C III:

Tuy không được Nhà nước giao đất nông nghiệp (nuôi trồng thủy sản) vào thời điểm sau năm 1993, nhưng căn cứ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương cần được xác định là hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993.

Ngoài nghề nuôi trồng thủy sản, ông Đỗ Văn Chương không có nghề nghiệp nào khác trong suốt quá trình từ năm 1992 đến nay. Ngoài diện tích đầm nuôi trồng thủy sản 12.780,7 m2 (sau năm 2012 còn 10.780,7 m2) ông Đỗ Văn Chương không có đất nông nghiệp hay tư liệu sản xuất nào khác.

Căn cứ pháp lý vào quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật đất đai năm 2013, xác định hộ gia đình ông Đỗ Văn Chương trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã sử dụng đất trước ngày 01/07/2004 và phải được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng và tài sản trên đất.

“Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: (a) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; (b) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; (c) Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở; (d) Hỗ trợ khác” (khoản 2 Điều 83).

“Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất: 1- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm” (khoản 1 Điều 84).

Thực tế, ngày 31/12/2020, Ủy ban nhân huyện Cát Hải đã ban hành: Quyết định số 3440/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định số 3441/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (giai đoạn 2), trong đó phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản tương tự hộ gia đình của ông Đỗ Văn Chương (như ông Trần Đức Vệ, Đoàn Hữu Triệu...). Theo phương án:

[Mức hỗ trợ khác] = [Diện tích đất NTTS đã thu hồi tính hỗ trợ] x [Giá đất NTTS] x 100% x [5 lần] (). Trong đó: [Diện tích đất NTTS đã thu hồi tính hỗ trợ] = [Hạn mức giao đất theo nhân khẩu tại địa phương] x [số nhân khẩu trực tiếp sản xuất nông nghiệp] - [diện tích đất nông nghiệp đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề (nếu có)].

Hạn mức giao đất theo nhân khẩu tại: Thị trấn Cát Hải là 799,86 m2/nhân khẩu, xã Đồng Bài là 887 m2/nhân khẩu, xã Văn Phong là 940 m2/nhân khẩu.

Xem thêm: Dịch vụ luật sư thu hồi đất của Công ty Luật TNHH Everest 

III- YÊU CẦU CỦA ÔNG ĐỖ VĂN CHƯƠNG:

Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải: Điều chỉnh lại phương án bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật để gia đình ông Đỗ Văn Chương được hưởng đúng, đủ quyền lợi sau khi đã bị thu hồi đất.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.7 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Thu hồi đất tại Cát Hải: Hàng tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất đã đi đâu?

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
0.51341 sec| 1138 kb