“Nếu bạn muốn phát triển, hãy tìm kiếm một cơ hội thật tốt. Nếu bạn muốn có một công ty lớn, bạn hãy nghĩ đến những vấn đề mà bạn phải đối mặt trước khi nghĩ đến thành công”.
- Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, Trung Quốc
Dịch vụ pháp lý về tổ chức lại doanh nghiệp
Khái niệm tổ chức lại doanh nghiệp trong pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, được hiểu là hoạt động cấu trúc lại doanh nghiệp diễn ra trong nội bộ một doanh nghiệp hoặc giữa một số doanh nghiệp, bao gồm: chia công ty, tách công ty, hợp nhất công ty, sáp nhập công ty và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest về Tổ chức lại doanh nghiệp hỗ trợ khách hàng: [1] Thẩm định các vấn pháp lý doanh nghiệp; [2] Đàm phán, ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận về chia công ty, tách công ty, hợp nhất công ty, sáp nhập công ty và chuyển đổi doanh nghiệp.; [3] Thực hiện các thủ tục pháp lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; và: [4] các hỗ trợ pháp lý khác sau tổ chức lại doanh nghiệp.
RỦI RO CỦA KHÁCH HÀNG
CÔNG VIỆC CỦA LUẬT SƯ
I- CĂN BẢN VỀ TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP
Tổ chức trong tiếng Việt là [1] “Làm cho thành một chỉnh thể, có một cấu tạo, một cấu trúc và có những chức năng nhất định" hoặc: [2] "Làm cho thành có trật tự, có nề nếp” hoặc: [3] "Làm những gì cần thiết để tiến hành một hoạt động nào đó" (Từ điển tiếng Việt, Giáo sư Hoàng Phê, Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2019).
Hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp (hay cải tổ doanh nghiệp) có thể diễn ra trong nội bộ một doanh nghiệp, nhằm sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, quản lý doanh nghiệp, hoặc cũng có thể là hoạt động cấu trúc lại, diễn ra giữa một số doanh nghiệp với nhau.
Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về Tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm: chia công ty, tách công ty, hợp nhất công ty, sáp nhập công ty, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Theo đó: "Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp" (Khoản 31 Điều 4). Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định cụ thể các trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp tại Chương IX (từ Điều 198 đến Điều 205).
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp hướng dẫn chi tiết về các thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp: chia công ty, tách công ty, hợp nhất công ty, sáp nhập công ty và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Tổ chức lại doanh nghiệp là một trong những nội dung cơ bản của quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Tổ chức lại doanh nghiệp đồng thời là một thủ tục hành chính, bởi khi tiến hành tổ chức lại doanh nghiệp, chủ sở hữu phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Nguyên nhân dẫn tới việc tổ chức lại doanh nghiệp thường xuất phát từ chính mong muốn, nguyện vọng của các chủ sở hữu. Trong quá trình hoạt động, một doanh nghiệp có thể có những thay đổi về chiến lược kinh doanh hoặc thay đổi về nhu cầu quản trị doanh nghiệp, dẫn tới mong muốn tổ chức lại quy mô và mô hình pháp lý của doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Việc tổ chức lại doanh nghiệp cũng có thể đặt ra khi các chủ sở hữu của doanh nghiệp phát sinh mẫu thuẫn, bất đồng không thể tiếp tục hợp tác hoặc bởi những lý do chủ quan, khách quan nào đó mà doanh nghiệp không đảm bảo được số lượng thành viên theo quy định của pháp luật, dẫn tới việc tổ chức lại là biện pháp cần thiết nhằm tránh cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng trì trệ về hoạt động hay phải giải thể bắt buộc.
Việc tổ chức lại doanh nghiệp có thể làm thay đổi quy mô kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ: từ công ty có quy mô lớn thành công ty có quy mô nhỏ hơn và ngược lại; hình thành các doanh nghiệp mới và chấm dứt các doanh nghiệp đang tồn tại; làm thay đổi mô hình pháp lý hiện tại của doanh nghiệp và tạo ra những ảnh hưởng nhất định trong quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
Tóm lại, tổ chức lại doanh nghiệp thường được đặt ra khi: Một là, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi; Hai là, nhu cầu quản trị doanh nghiệp thay đổi; Ba là, các chủ sở hữu doanh nghiệp phát sinh mâu thuẫn; Bốn là, công ty thiếu thành viên dẫn đến số lượng thành viên công ty không còn đủ giới hạn tối thiểu; Năm là, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tổ chức lại doanh nghiệp và Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A) hay Tái cấu trúc doanh nghiệp có điểm tương đồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các khái niệm này không đồng nhất với nhau. Cụ thể:
Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (tiếng Anh: Mergers & Acquisitions, viết tắt: M&A) là việc một cá nhân hay tổ chức tiến hành Sáp nhập hoặc Mua lại sản nghiệp sẵn có của cá nhân hay tổ chức khác. Sáp nhập và Mua lại (M&A) gồm 03 loại chính: Mua cổ phần (Share acquisition), Mua tài sản (Asset acquisition) và Sáp nhập hay Hợp nhất (Merger or Consolidation). Trường hợp Sáp nhập doanh nghiệp hay Hợp nhất doanh nghiệp chính là hoạt động Tổ chức lại doanh nghiệp. Trong khi Chia công ty, Tách công ty, Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp có thể là bước đệm đẻ thực hiện hoạt động Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A.
Tái cấu trúc doanh nghiệp (tiếng Anh: Corporate Restructuring) là quá trình tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp căn cứ vào cấu trúc cũ. Mục đích của Tái cấu trúc doanh nghiệp chính là khắc phục điểm yếu kém, hạn chế khiến hoạt động của công ty kém hiệu quả trên thị trường. Đồng thời, Tái cấu trúc doanh nghiệp cũng giúp doanh nghiệp khởi động lại và đem đến hiệu quả cao hơn, sứ mệnh, tầm nhìn vươn xa hơn. Tái cấu trúc sẽ bao gồm các khía cạnh như: Cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, nhân lực, hoạt động, quy trình sản xuất. Như vậy, nhiều trường hợp Tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ dẫn đến Tổ chức lại doanh nghiệp, nhưng nhiều trường hợp không dẫn đến tổ chức lại doanh nghiệp.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Everest về Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp (M&A).
II- ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ CỦA TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP
Tổ chức lại doanh nghiệp có các đặc điểm pháp lý cơ bản, đó là:
Một là, về đối tượng tổ chức lại. Đối tượng được tổ chức lại là doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trước và sau khi diễn ra hoạt động tổ chức lại, gọi chung là doanh nghiệp được tổ chức lại.
Hai là, về nguyên tắc tổ chức lại doanh nghiệp. Hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp có thể diễn ra ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, song, xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu điều chỉnh pháp luật, mỗi hình thức tổ chức lại doanh nghiệp có thể chỉ được diễn ra ở một hoặc một số loại hình doanh nghiệp nhất định. Ví dụ: Đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, vấn đề chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp tư nhân không được đặt ra, do tính chất một chủ sở hữu và mỗi cá nhân chỉ được phép thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, tổ chức lại dưới dạng chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì hoàn toàn có thể được.
Ba là, về tính chất tổ chức lại doanh nghiệp. Đây là hoạt động có thể làm thay đổi tư cách pháp lý, quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể là: Ở trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp, tách doanh nghiệp, việc tổ chức lại doanh nghiệp làm hình thành doanh nghiệp mới, thậm chí có thể là doanh nghiệp khác loại hình. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp làm tăng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức lại doanh nghiệp cũng có thể làm chấm dứt tư cách pháp lý của doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp bị hợp nhất, doanh nghiệp bị chuyển đổi, doanh nghiệp bị chia...
Bốn là, về hệ quả pháp lý của tổ chức lại doanh nghiệp. Hoạt động này có đặc trưng là tồn tại sự kế thừa, chuyển giao các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các doanh nghiệp tham gia tổ chức lại. Điều này làm hạn chế tối đa những tác động, ảnh hưởng không cần thiết đến các đối tác và người lao động của doanh nghiệp được tổ chức lại. Nói cách khác, tổ chức lại doanh nghiệp là hoạt động diễn ra giữa nội bộ các doanh nghiệp liên quan và ít ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ với đối tác do cơ chế chuyển giao quyền và nghĩa vụ pháp lý cho doanh nghiệp sau khi tổ chức lại.
Năm là, về hình thức thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp. Hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp diễn ra với các hình thức đa dạng, gồm: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi doanh nghiệp.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý tái cấu trúc doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest.
III- CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP
Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 thì có các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp như sau:
[1] Chia công ty
Điều 198 Luật doanh nghiệp 2020 quy định “1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.”
Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới theo một trong các phương thức sau đây:
- Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;
- Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới;
- Kết hợp cả hai trường hợp trên.
[2] Tách công ty
Khoản 1 Điều 199 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định “Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách”.
Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần có thể tách doanh nghiệp theo các phương thức sau:
- Tách một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới.
- Tách toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới.
- Kết hợp cả 02 phương thức trên.
[3] Hợp nhất công ty
Khoản 1 Điều 200 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất”.
Sau khi thực hiện xong thủ tục hợp nhất doanh nghiệp, các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; Công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Công ty hợp nhất đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất công ty.
[4] Sáp nhập công ty
Khoản 1, Điều 201 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về sáp nhập doanh nghiệp là việc “Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”.
Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.
[5] Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là một trong các phương thức tổ chức lại doanh nghiệp. Các hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp bao bao gồm:
- Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần;
- Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
- Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn/ Công ty cổ phần/ công ty Hợp danh.
Trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
QUY TRÌNH DỊCH VỤ
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
- Doanh nghiệp công ty chưa có bộ phận pháp chế,
- Doanh nghiệp có pháp chế nhưng không chuyên về tổ chức lại doanh nghiệp,
- Doanh nghiệp cần bổ sung thêm nhân sự đáp ứng tiến độ tổ chức lại doanh nghiệp,
- Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thông quá hình thức tổ chức lại doanh nghiệp.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm