Tổ chức, quản lý công ty cổ phần

22/02/2023
Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương
Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương
Tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả công ty cổ phần đều cần có mô hình tổ chức, quản lý nhất định. Mặc dù có những điểm khác nhau nhưng tất cả các mô hình quản lý đều có chung mục tiêu là tạo khả năng để chủ sở hữu (cổ đông) có thể kiểm soát được những người điều hành công ty một cách tốt nhất. Luật Doanh nghiệp Việt Nam đưa ra hai mô hình tổ chức quản lý để các công ty lựa chọn. Về cơ bản, hai mô hình tổ chức quản lý công ty cổ phần mà Luật Doanh nghiệp đưa ra để các công cổ phần lựa chọn giống với mô hình tổ chức quản lý công ty của Anh - Mỹ và mô hình tổ chức quản lý công ty của châu Âu lục địa.

I- KHÁI QUÁT VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÔNG TY CỔ PHẦN 

Tổ chức quản lý CTCP là vấn đề rất phức tạp, lịch sử hình thành và phát triển CTCP đã từng tồn tại những mô hình quản lý khác nhau. Mô hình quản lý của Anh - Mỹ (theo mô hình quản trị đơn Hội đồng); Mô hình quản lý châu Âu lục địa (theo mô hình quản trị đa Hội đồng); Mô hình quản lý công ty của Nhật Bản có sự kết hợp giữa hai mô hình của Anh - Mỹ và châu Âu lục địa.

Tất cả các mô hình quản lý, mặc dù có những điểm khác nhau, song đều có chung mục tiêu là tạo khả năng để chủ sở hữu (cổ đông) có thể kiểm soát được những người điều hành công ty một cách tốt nhất. Xuất phát từ đặc điểm của CTCP, các cổ đông là chủ sở hữu công ty, song không trực tiếp điều hành các hoạt động hàng ngày của công ty, CTCP có sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền quản lý, điều hành công ty.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Quản trị công ty bao gồm việc thiết lập các mối quan hệ giữa cơ cấu quản lý công ty, hội đồng quản lí công ti, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác. Quản trị công ty cũng được cung cấp cấu trúc mà thông qua đó các mục tiêu của công ty được thực hiện và những biện pháp để đạt được những mục tiêu và khả năng giám sát là được xác định. Theo OECD, thì pháp luật về quản trị công ty gồm sáu nhóm nguyên tắc cơ bản, đó là:

- Nhóm nguyên tắc quản trị công ty liên quan đến việc đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty có hiệu quả: Nhóm nguyên tắc này gồm những vấn đề như; Khuôn khổ chung về quản trị công ty; Tính minh bạch trong quản trị; Phân chia trách nhiệm rõ ràng; Tính minh bạch các nguồn lực.

- Nhóm nguyên tắc liên quan đến quyền của cổ đông: Nhóm nguyên tắc này gồm những nội dung: Các quyền cơ bản của cổ đông; Quyền tham gia vào các quyết định lớn của công ty; Quyền tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông; Tạo điều kiện thực hiện quyền sở hữu...;

- Nhóm nguyên tắc liên quan đến đảm bảo công bằng cho các cổ đông: Nhóm nguyên tắc này gồm những nội dung cơ bản như: Tất cả các cổ đông phải được đối xử công bằng; cấm giao dịch nội gián; Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc phải công bố thông tin về lợi ích.

- Nhóm nguyên tắc đảm bảo vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty: Nhóm nguyên tắc này có những nội dung: Tôn trọng quyền lợi hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan; Các bên có quyền lợi liên quan được khiếu nại; Công bố thông tin của các bên có liên quan; Thực thi có hiệu quả quyền của chủ nợ; Bảo vệ người tố cáo.

- Nhóm nguyên tắc đảm bảo tính minh bạch và công bố thông tin: Nhóm nguyên tắc này có một số nội dung đáng chú ý: Chuẩn mực công bố thông tin, Chuẩn mực kế toán và kiểm toán; Kiểm toán độc lập hàng năm; Công bố thông tin kịp thời; tìm hiểu xung đột về lợi ích;

Nhóm nguyên tắc liên quan đến trách nhiệm của Hội đồng quản trị: Nhóm nguyên tắc này có những nội dung: Tính trung thực, cẩn trọng; Đối xử công bằng với mọi cổ đông; Áp dụng chuẩn mực đạo đức cao; Nhận định khách quan; Tạo điều kiện để các cổ đông tiếp cận thông tin.

Những nguyên tắc mà OECD đưa ra để các quốc gia tham vấn, dựa vào đó để có những quy định về quản trị công ty có hiệu quả.

Ở Việt Nam, quy định về quản lý CTCP nói chung được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, những CTCP có đủ các điều kiện để trở thành công ty đại chúng thì việc quản trị công ty còn đòi hỏi cao hơn và ngặt nghèo hơn so với CTCP nói chung. Điều đó được thể hiện ở chỗ, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị CTCP nói chung, công ty đại chúng còn phải tuân thủ quy định cụ thể của Bộ Tài chính áp dụng đối với công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán. Giáo trình này chỉ đề cập đến quản trị CTCP nói chung theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp Việt Nam vận dụng những thông lệ quốc tế văn minh, tiến bộ về quản trị công ty, nhằm đảm bảo cho công ty phát triển ổn định, bền vững. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp đưa ra hai mô hình tổ chức quản lý để các công ty lựa chọn, về cơ bản, hai mô hình tổ chức quản lý CTCP mà Luật Doanh nghiệp đưa ra để các công cổ phần lựa chọn giống với mô hình tổ chức quản lý công ty của Anh - Mỹ và mô hình tổ chức quản lý công ty của châu Âu lục địa. Cụ thể:

(i) Mô hình thứ nhất gồm: Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Ban kiểm soát.

(ii) Mô hình thứ hai gồm: Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong Hội đồng quản trị có Thành viên độc lập và Ban kiểm toán nội bộ.

Cả hai mô hình trên mặc dù có những điểm khác nhau về cơ cấu tổ chức, song về cơ bản pháp luật đều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan quản lý, nghĩa vụ của người quản lý công ty, mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý, với cổ đông và với những người có liên quan đến công ty, những quy định về điều hành, về thủ tục ra các quyết định, hiệu lực của các quyết định, quyền khởi kiện…

II- MÔ HÌNH TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÔNG TY CỔ PHẦN 

1- Mô hình thứ nhất (mô hình có Ban kiểm soát)

Theo mô hình này thì cơ cấu tổ chức quản lý CTCP được quy định như sau:

a) Đại hội đồng cổ đông

Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyền lực cao nhất của công ty, họ là những người sở hữu công ty. Chức năng của đại hội đồng cổ đông là ra các quyết nghị liên quan đến những vấn đề lớn quan trọng nhất trong công ty, như: Quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; Thông qua định hướng phát triển công ty; Quyết định loại cổ phần, tổng số cổ phần từng loại; quyết định việc phân chia lợi nhuận; Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị, Kiểm soát viên. Thông qua báo cáo tài chính hàng năm; Quyết định việc tổ chức lại, giải thể công ty... Đó là những vấn đề quyết định tới sự tồn tại, phát triển của công ty.

Quyền lực của đại hội đồng cổ đông được thực hiện thông qua các cuộc họp và bàn việc ra các quyết nghị. Thông thường, đại hội đồng họp mỗi năm một lần và cũng có thể họp bất thường. Với tính chất và tầm quan trọng của cuộc họp đại hội đồng cổ đông như vậy, nên pháp luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền triệu tập họp; Những người có quyền dự họp; Chương trình, nội dung cuộc họp; Điều kiện tiến hành cuộc họp; Thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại cuộc họp; Hình thức thông qua nghị quyết của đại hội đồng cổ đông; Điều kiện để nghị quyết được thông qua; Biên bản họp đại hội đồng cổ đông; Hiệu lực các ' nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.

b) Hội đồng quản trị                                      .

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Để Hội đồng quản trị thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình một cách năng động, sáng tạo đáp ứng kịp thời các tín hiệu của thị trường, đồng thời tránh được sự lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, pháp luật phải quy định giới hạn quyền của Hội đồng quản trị, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Pháp luật Việt Nam cũng như các nước trên thế giới khi thiết lập cơ chế quản trị CTCP đều tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau:

- Quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản trị, nội dung này giải quyết những vấn đề như: số lượng thành viên; tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên Hội đồng quản trị, nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị.

- Quy định quyền và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị, trong đó quy định quyền và nghĩa vụ theo từng lĩnh vực quản lý kinh doanh của công ty như: kế hoạch phát triển trung hạn, kế hoạch kinh doanh hàng năm; vấn đề liên quan đến tài chính của công ty; phương hướng đầu tư, phát triển thị trường; những vấn đề liên quan đến tổ chức nhân sự của hội đồng, chẳng hạn bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch Hội đồng quản trị, bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác trong công ty. Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong việc điều hành quản lí công ti...

- Quy định về Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chủ tịch là người đứng đầu Hội đồng quản trị, là người điều hành đảm bảo cho, Hội đồng quản trị được vận hành có hiệu quả cao nhất nhằm đem lại lợi ích cho công ty, cổ đông cũng như những người có quan hệ với công ty. Trong đó, pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, mối quan hệ giữa Chủ tịch với Hội đồng quản trị.

- Quy định về cuộc họp của Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể, vì vậy mọi quyết nghị của Hội đồng quản trị được bàn thảo, bỏ phiếu thông qua tại phiên họp. Do đó, pháp luật phải quy định về cuộc họp của Hội đồng quản trị trên những vấn đề chủ yếu như: Lịch họp, quyền triệu tập phiên họp, điều kiện tiến hành phiên họp; cách thức biểu quyết thông qua các quyết định; biên bản cuộc họp của Hội đồng quản trị...

- Quy định về quyền được cung cấp thông tin, về thể thức miễn nhiệm, bãi nhiệm và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.

c) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty

Giám đốc, Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty và có thể họ còn là người đại diện theo pháp luật của công ty và vì vậy, đây là nhân vật rất quan trọng trong hệ thống quản trị công ty. Do đó, pháp luật phải làm rõ mối quan hệ pháp luật giữa Giám đốc hoặc Tổng giám đốc với Hội đồng quản trị, theo đó pháp luật quy định tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, và đặc biệt là phải xác định rõ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc theo từng lĩnh vực hoạt động của công ty. Như quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị; Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị; Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư; Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty; Quyết định vấn đề nhân sự quản lý trong công ty (trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị)...

d) Ban kiểm soát công ty

Ban kiểm soát là một định chế trong hệ thống quản trị CTCP do Đại hội đồng cổ đông thành lập. Như đã trình bày, xuất phát từ thuộc tính vốn có của CTCP là công ty đối vốn, số lượng các thành viên thường rất đông, họ không trực tiếp quản lí công ti. Mọi hoạt động của công ty đều do Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc thực hiện. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông phải có một cơ quan làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý, điều hành công ty.

Trong cơ cấu tổ chức của CTCP như đã phân tích, các cơ quan quản lý có sự phân chia quyền lực và chế ước lẫn nhau nhằm đảm bảo cho quá trình quản lý công ty được dân chủ, công bằng và hiệu quả. Với vị trí, vai trò quan họng trong cơ cấu quyền lực của công ty, Ban kiểm soát được pháp luật xác định địa vị pháp lý một cách rõ ràng, trong đó quy định những vấn đề chủ yếu sau:

Quy định về cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn, điều kiện của kiểm soát viên, nhiệm kỳ của kiểm soát viên. Luật Doanh nghiệp quy định CTCP có 11 cổ đông trở lên phải có Ban kiểm soát, Ban kiểm soát có từ ba đến năm thành viên, kiểm sát viên phải có tiêu chuẩn và điều kiện do luật định.

Quy định về quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát, đây là vấn đề quan trọng thể hiện địa vị pháp lý của Ban kiểm soát. Chức năng quan trọng nhất của Ban kiểm soát là thực hiện việc giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty. Như vậy, có thể thấy rằng, hoạt động kiểm tra, giám sát của Ban kiểm soát là rất rộng, bao trùm toàn bộ hoạt động của công ty trong việc thực hiện pháp luật cũng như Điều lệ công ty của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Về cung cấp thông tin cho Ban kiểm soát, để phục vụ cho hoạt động của Ban kiểm soát, pháp luật quy định Ban kiểm soát có quyền được cung cấp thông tin. Quyền này không đơn giản là được nghe báo cáo (bằng miệng hoặc văn bản) về hoạt động của công ty, mà nếu cần, kiểm sát viên có quyền được tiếp cận các hồ sơ, tài liệu lưu giữ tại công ty, có quyền đến các địa điểm làm việc của người quản lý và nhân viên của công ty để tiếp cận thông tin. Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động của công ty theo yêu cầu của thành viên Ban kiểm soát hoặc Ban kiểm soát.

2- Mô hình thử hai (mô hình có thành viên độc lập Hội đồng quản trị và Ban kiểm toán nội bộ)

Mô hình quản trị công ty này mới được Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định với cơ cấu tổ chức bao gồm: (i) Đại hội đồng cổ đông (như đã nêu trên); (ii) Hội đồng quản trị và (iii) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong Hội đồng quản trị có hai loại thành viên: Thành viên điều hành, Thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị.

Như vậy, mô hình quản trị thứ hai này không có Ban kiểm soát mà thay vào đó là Ban kiểm toán nội bộ, thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện việc kiểm soát đối với việc quản lí, điều hành công ti. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì phải có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập.

3- Người đại diện theo pháp luật của công ty

Khi nghiên cứu về tổ chức quản lý công ty, một vấn đề rất quan trọng là phải làm rõ người đại diện theo pháp luật của công ty. Đây không phải là một định chế riêng trong hệ thống quản lý của công ty mà nó nằm trong cơ cấu tổ chức của công ty như đã giới thiệu ở trên.

Người đại diện theo pháp luật của CTCP trong trường hợp chỉ có một người đại diện thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty (do Điều lệ công ty quy định). Nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nói chung và công ty nói riêng là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Toà án, các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Luật Doanh nghiệp quy định CTCP có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, vấn đề có nhiều người đại diện theo pháp luật, một mặt tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều hành doanh nghiệp, mặt khác cũng có thể xảy ra những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như các đối tác của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật, như sau:

- Thực hiện các quyền, nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cần trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

- Thông báo đầy đủ, kịp thời, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ nói trên.

Pháp luật quy định doanh nghiệp bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Quy định này nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp luôn có người đại diện cư trú tại Việt Nam để điều hành, quản lý doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm của một người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã được luật định. Hai mô hình quản lý được luật doanh nghiệp đưa ra để các CTCP lựa chọn. Mỗi mô hình đều có những ưu điểm và những hạn chế nhất định và không có mô hình quản trị nào hoàn hảo cho tất cả các công ty.

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương, tổng hợp (từ Giáo trình Luật Thương mại 1 - Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).

0 bình luận, đánh giá về Tổ chức, quản lý công ty cổ phần

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
1.65011 sec| 1015 kb