Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
"Tất cả những gì con người làm, nghĩ hoặc trở thành được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách".
Thomas Carlyle, 1795-1881, nhà triết học Scotland
Văn hóa đọc (Tiếng Anh: Reading Culture), theo nghĩa rộng là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của nhà quản lý. Theo nghĩa hẹp hơn, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân (gồm: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc).
Đọc sách là yêu cầu bắt buộc tại Công ty Luật TNHH Everest để các thành viên tự học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, theo kịp xu thế, trở thành người có tri thức tiên tiến, giúp ích cho xã hội. Đọc sách nhằm tăng cường sự chia sẻ, hợp tác, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp.
Để phát triển nền văn hoá đọc cần phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội. Nhưng trọng tâm và là mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc, chính là phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội.
Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý là chính sách, đường lối và ứng xử hàng ngày nhằm phát triển nền văn hoá đọc. Các hoạt động này đều nhằm tạo ra hành lang pháp lý phát triển tài liệu đọc có giá trị và lành mạnh cho mọi người đọc khác nhau và sự thuận tiện của tài liệu đọc đến với người đọc (thông qua các loại cửa hàng sách và các loại hình thư viện, phòng đọc sách). Nghĩa là, người đọc không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nơi cư trú đều dễ dàng tiếp cận đến những tài liệu đọc giá trị họ mong muốn, để họ có cơ hội cải thiện chính cuộc sống của họ. Đó là chính sách, đường lối phát triển nền công nghiệp sách (từ người viết, người làm sách tới quá trình hình thành sách đến tay người đọc) có chất lượng cao, giá cả hợp lý và được phân phối rộng khắp trên toàn quốc, với các hình thức, biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đọc phong phú, đa dạng và hiện đại.
Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội là sự phát triển của các hội nghề nghiệp liên quan tới đọc như: Hội tác gia, Hội nhà báo, Hội xuất bản, Hội thư viện... Ứng xử đọc của cộng đồng xã hội còn phải kể tới truyền thống văn hoá của xã hội hay nói chính xác hơn là truyền thống văn hoá tôn vinh người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức (kể cả giáo dục kỹ năng đọc và hướng dẫn đọc).
Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân trong xã hội là: thói quen đọc sách, sở thích đọc sách và kỹ năng đọc sách của mỗi người. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, học tập suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại. Trước hết, cần tạo ra và phát triển thói quen đọc sách suốt cuộc đời cho mỗi người.
Sở thích đọc phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể (trình độ giáo dục và thiên tư cá nhân), ví dụ: có người thích đọc thơ, có người thích đọc tiểu thuyết, có người thích đọc sách nghiên cứu, có người thích đọc sách phổ biên khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật... Yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú, giàu mầu sắc cho nền văn hoá đọc trong xã hội.
Kỹ năng đọc là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc. Các thao tác tư duy đó là:
(i) Lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho bản thân, biết vận dụng thành thạo các cách đọc khác nhau đối với từng loại tài liệu đọc (tài liệu nghiên cứu, tài liệu phổ thông, tài liệu giải trí...).
(ii) Biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân, trước hết trong các thư mục và mục lục thư viện, các nguồn tra cứu như: bách khoa thư, từ điển giải nghĩa, các loại sổ tay, cẩm nang... và biết định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân trong môi trường số (trong các cơ sở dữ liệu, trên Internet).
(iii) Thể hiện được tính hệ thống, tính liên tục trong quá trình lựa chọn tài liệu đọc (đọc từ trình độ thấp lên trình độ cao, từ các vấn đề đơn giản tới phức tạp).
(iv) Biết cách tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung tài liệu đọc, kể cả vệ sinh khi đọc tài liệu như cách ngồi, khoảng cách giữa mắt và tài liệu đọc.
(v) Biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, lập hộp phiếu thư mục, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp.
(vi) Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc.
Văn hoá đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả ba (03) yếu tố (thói quen đọc sách, sở thích đọc sách và kỹ năng đọc sách) nêu trên. Nếu một người có thói quen đọc, nhưng thiếu kỹ năng đọc, hiệu quả đọc không cao, thậm chí không có hiệu quả, chỉ mất thời gian vô ích. Nếu nắm vững kỹ năng đọc, nhưng không tạo được thói quen đọc, cũng chẳng thu lượm được kiến thức là bao, thiếu những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của chính họ. Nhưng đôi khi người ta nói văn hoá đọc của mỗi cá nhân đồng nghĩa là kỹ năng đọc của họ.
Luật Thư viện năm 2019 quy định phát triển văn hóa đọc:
"1- Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
2- Phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động sau đây: (a) Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước; (b) Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông; (c) Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện; (d) Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin" (Điều 30).
Xem thêm: Sức mạnh của Sự chia sẻ (The Power of Giving)
II- MỘT SỐ LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH
Sách là nguồn tri thức vô hạn, giúp chúng ta có thể bổ sung kiến thức và nâng cao vốn hiểu biết của chính mình. Ở sách, bạn có thể tìm tòi thêm về văn hoá - chính trị, kinh tế - xã hội, lịch sử hoặc đơn giản hơn là phong cách sống,... Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống như cách nói lời cảm ơn, xin lỗi cũng được truyền tải nhẹ nhàng và tinh tế qua những trang sách. Có thể nói, sách đóng vai trò “bổ trợ” cho mọi hoạt động giáo dục về nhận thức và ý thức. Đây cũng là lý do chính người ta đưa văn hoá đọc vào chương trình giáo dục mầm non, giúp thế hệ trẻ hình thành thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.
Một trong những tác dụng của việc đọc sách chính là khả năng tăng cường trí nhớ, sự tập trung, cải thiện tư duy và kỹ năng phân tích tình huống. Trong quá trình đọc, não bộ và mọi giác quan được đưa về trạng thái tập trung cao độ. Chính lúc này, khả năng tư duy và phân tích nội dung cũng được đẩy mạnh nhằm tiếp thu tri thức được truyền tải trong mỗi trang sách. Qua đó, giúp chúng ta cải thiện sự tập trung, suy nghĩ cũng trở nên nhanh nhạy và sắc bén hơn.
Mỗi tác giả, mỗi chủ đề lại có cách dùng từ và lối biểu đạt riêng. Do đó, quá trình đọc sách cũng đồng thời giúp chúng ta bổ sung thêm vốn từ vựng của mình, học hỏi thêm nhiều thuật ngữ mới. Từ đây, văn phong của bạn cũng được cải thiện rõ rệt qua từng ngày.
Khi đọc sách, đặc biệt là sách về lịch sử, thần thoại, người đọc sẽ phải ghi nhớ những tình tiết liên quan đến bối cảnh, nhân vật, thời gian,... Chính điều này đã giúp bạn nâng cao khả năng ghi nhớ và đây chính là một trong những lợi ích tuyệt vời của việc đọc sách mang lại cho mỗi chúng ta.
Đọc sách mang lại lợi ích vượt trội cho kỹ năng viết lách. Như đã nói ở trên, lợi ích của sách là giúp người đọc nâng cao vốn từ của mình. Thêm vào đó, quá trình đọc đồng thời sẽ giúp bạn mở mang thêm về mặt ngữ pháp, hình thành lối hành văn riêng, hạn chế sai chính tả khi viết hoặc nói. Do đó, đọc nhiều sách chính là một cách hay để bạn cải thiện khả năng viết lách của mình.
Lợi ích đọc sách tiếp theo chính là khả năng điều khiển cảm xúc. Nói một cách cụ thể, đọc sách giúp bạn “sống chậm” lại, nhận thức sâu hơn về các vấn đề gặp phải. Qua đó giúp bạn bình tâm suy xét và đưa phán đoán hợp lý trước mọi tình huống.
Có thể giảm được căng thẳng, áp lực cho người đọc có lẽ là điều ít ai biết khi nói đến tác dụng của sách. Những đầu sách như tiểu thuyết, truyện cười, truyện về cuộc đời của những danh nhân... là “liều thuốc” bổ trợ cực mạnh cho tâm trạng của chúng ta khi bị căng thẳng - stress. Lối viết giản dị, mộc mạc, hóm hỉnh của những cuốn sách này sẽ giúp bạn trở nên thư thái hơn, làm cân bằng trạng thái cảm xúc đang ngổn ngang, khó chịu.
Một trong những lợi ích của đọc sách được nhiều người công nhận chính là khả năng kích thích tinh thần. Khi gặp phải một số vấn đề trong đời sống, công việc, học tập, chúng ta thường có thói quen tìm đến những thứ giúp bình ổn tâm trạng. Và sách chính là một người bạn tâm giao trong những phút giây như vậy. Chọn một cuốn sách bạn yêu hay những chủ đề sách truyền cảm hứng vào những lúc bạn cần sự tĩnh lặng, ngồi ở một góc nào đó vừa đọc vừa suy ngẫm sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết.
Nghe có vẻ khó tin nhưng thực tế, tác dụng đọc sách không chỉ dừng lại ở việc mở mang tri thức, cải thiện tinh thần mà đọc sách còn có thể giúp bạn kéo dài tuổi thọ. Theo một nghiên cứu khoa học được đăng tải trên Tạp chí Social Science & Medicine: đọc sách 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn nâng cao tuổi thọ từ 02 đến 03 năm. Đồng thời việc đọc cũng giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống một cách đáng kể.
Một trong những lợi ích của đọc sách khác là giúp người đọc xây dựng một lối sống lành mạnh. Bạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các trò tiêu khiển độc hại, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại. Nhờ đọc sách bạn sẽ rèn được thói quen đi ngủ sớm, dậy sớm, tỉnh táo và sắp xếp thời gian biểu hợp lý hơn.
Xem thêm: Từ tốt tới vĩ đại (Good to Great)
Mục đích của việc đọc sách chính là nâng cao nhận thức, trau dồi kiến thức cũng như sự hiểu biết của bản thân về một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội. Ngoài ra, đọc sách cũng có thể là cách giải trí, giết thời gian nếu lựa chọn đúng thể loại sách mà mình yêu thích. Việc xác định rõ mục đích đọc sách sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm được thể loại sách phù hợp với bản thân, biết rõ vấn đề cần tìm hiểu. Từ đó, bạn không phải mất quá nhiều thời gian vào các cuốn sách có chủ đề lan man, không cần thiết.
Lựa chọn một quyển sách phù hợp với công việc, sở thích, tính cách... sẽ giúp cho việc đọc sách của bạn đạt hiệu quả cao hơn. Vì khi tiếp xúc với những gì liên quan đến vấn đề bản thân đang quan tâm, chúng ta sẽ tò mò và chú tâm nhiều hơn đến nội dung cuốn sách. Từ đó, giúp bạn tập trung khi đọc sách và không cảm thấy chán nản trong quá trình đọc. Do vậy, khi chọn sách bạn không nên chỉ dựa vào những lời giới thiệu của người khác hoặc quá phụ thuộc vào tiêu đề cuốn sách. Thay vào đó hãy cố gắng đọc lướt qua lời mở đầu hay phần mục lục để nắm được nội dung chính của sách, nhằm xác định được cuốn sách đó có phù hợp với mình không.
Rèn luyện kỹ năng tập trung không chỉ là một cách đọc sách hiệu quả, mà còn rất cần thiết trong những hoạt động khác. Những chi tiết như các hình ảnh minh họa, từng câu chữ trong cuốn sách hay những chuyện xảy ra xung quanh đều có thể khiến bạn bị mất tập trung. Hãy cố gắng quên đi mọi thứ xung quanh và chỉ dành sự chú ý cho cuốn sách bạn đang đọc. Điều này sẽ giúp bạn tiếp thu các kiến thức nhanh chóng, cũng như ghi nhớ lâu hơn.
Cách đọc sách hiệu quả nhất mà bạn không nên bỏ qua chính là rèn luyện cho mình kỹ thuật đọc sách. Bạn có thể tham khảo các nguyên tắc sau đây để cải thiện kỹ thuật đọc sách của bản thân:
- Nên đọc bằng mắt, không nên đọc bằng miệng.
- Không nên đọc đi đọc lại một đoạn văn/nội dung quá nhiều lần.
- Điều chỉnh tốc độ đọc phù hợp với từng nội dung. Nội dung nào quan trọng, bạn cần đọc chậm và phân tích, suy ngẫm. Còn với các nội dung không quan trọng, bạn có thể đọc lướt qua.
- Cố gắng hiểu sâu được ý nghĩa của toàn đoạn văn, không nên quá để ý đến từng câu, từng từ.
- Tập thói quen đọc nhanh và tóm tắt được nội dung cốt lõi, chủ yếu của cuốn sách.
Để đảm bảo đọc sách hiệu quả, hiểu sâu và nhớ lâu, bạn cần có sự sắp xếp hợp lí về cả không gian và thời gian. Bạn nên đọc sách ở những nơi yên tĩnh, có đủ ánh sáng, không gian thoáng mát và rộng rãi. Không nên đọc sách ở những nơi quá ồn ào, nơi quá tối vì có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và thị giác. Bên cạnh đó, việc phân bổ thời gian đọc sách cũng rất quan trọng. Bạn nên hình thành cho mình thói quen đọc sách mỗi ngày, thời gian thích hợp là buổi sáng sớm hoặc chiều tối, đọc sách trong khoảng thời gian này giúp não bộ tập trung và ghi nhớ tốt hơn.
Nếu chỉ đọc sách qua loa mà không tư duy thì chỉ tốn thời gian vô bổ. Để đọc sách hiệu quả, chúng ta nên kết hợp tư duy tích cực, nghĩa là khi đọc cần phải hình dung, liên tưởng sự việc, hiện tượng đang đọc với sự việc, hiện tượng bên ngoài. Từ đó chiêm nghiệm được những gì cần thiết, những gì không cần thiết, cái nào quan trọng cái nào không quan trọng… Trên cơ sở đó, bạn sẽ nhận thức được nhiều cái hay, cái mới, đúc kết được nhiều kinh nghiệm thiết thực cho bản thân. Do đó, khi đọc sách bạn nên tránh việc đọc thụ động, lười suy nghĩ, lười ghi chép, mà hãy tư duy không ngừng theo chiều hướng tích cực.
Một cách hay giúp bạn đọc sách hiệu quả, nhớ lâu chính là hãy dành thời gian suy nghĩ về những gì mình đã đọc được từ quyển sách ấy. Trong quá trình đọc, hãy cố gắng chú tâm đến nội dung, đừng suy nghĩ quá lan man xa rời sách. Bạn có thể ghi chép lại những câu văn ý nghĩa, hoặc bất cứ thứ gì khiến bạn thích thú và đọng lại trong đầu. Sau khi đọc hết quyển sách hoặc một chương, một phần của sách, bạn nên dành thời gian suy nghĩ về những gì đã đọc được. Việc này sẽ giúp bạn có thể ghi nhớ chúng và áp dụng vào thực tế, cuộc sống.
Xem thêm: Đừng đi ăn một mình (Never Eat Alone)
Đọc sách là hoạt động thường xuyên, là văn hóa của tổ chức. Các thành viên đều ý thức rằng, đọc sách không chỉ để học hỏi thêm các kiến thức kỹ năng mà còn rèn luyện được tính kỷ luật, ý chí - điều kiện cần có của một người khi hành nghề luật sư.
Các loại sách được khuyến nghị: [1] Giáo trình của các trường đại học ngành Luật (Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân...), [2] Giáo trình của Học viện Tư pháp, [3] Sách về chủ đề: luật pháp, quản trị, kinh doanh, marketing, văn học, kỹ năng.
Yêu cầu về đọc sách, nghe sách nói và chia sẻ:
- Đọc sách (mục tiêu): 1 tiếng/ngày; 30 tiếng/1 tháng
- Nghe sách nói (mục tiêu): 01 quyển sách/tuần.
- Thuyết trình: 01 lần/tháng về quyển sách đã đọc.
Quy định mượn, trả sách của Công ty:
- Các thành viên đăng ký mượn, trả sách với Người phụ trách về Công đoàn;
- Thời hạn mượn sách (mang về nhà): 01 tuần, có thể đăng ký gia hạn;
- Không dùng bút gạch, tẩy xóa, đánh dấu vào các trang sách;
- Phải đăng ký trước khi mượn sách của Công ty.
Trách nhiệm của Công đoàn: [1] động viên, hướng dẫn các thành viên đọc sách, nghe sách đúng quy định, đạt hiệu quả; [2] Phân công, tổng kết việc đọc sách hàng tuần; [3] Theo dõi việc mượn sách, trả sách, kiểm tra, thống kê các cuốn sách của Công ty hàng tháng.
Xem thêm: Xây dựng để trường tồn (Built to last)
Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!
Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm