Sức mạnh của sự chia sẻ (The Power of Giving)

"Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác, chia sẻ cùng người khác".

William Arthur Ward, 1921-1994, nhà giáo dục lỗi lạc của nước Mỹ

Sức mạnh của sự chia sẻ (The Power of Giving)

The Power of Giving (Sức mạnh của Sự chia sẻ): cuốn sách của Tác giả Azim Jamal & Harvey McKinnon đã tạo được nguồn cảm hứng lớn, mang lại giá trị nhân văn vô cùng cao cả. Những người sẵn sàng trao cho người khác giá trị tinh thần, vật chất, tình yêu thương, nhưng không hề toan tính, vụ lợi, bởi vì họ hiểu được giá trị của sự sẻ chia. 

Chia sẻ, cho đi sẽ khơi dậy được tình yêu thương giữa con người với con người, kết nối mọi người với nhau. Khi chia sẻ, chúng ta đang gián tiếp tạo dựng một xã hội bình yên, cho chúng ta niềm tin và cảm giác an toàn. 

Chia sẻ có một sức mạnh lớn lao mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho chính chúng ta. Chúng ta luôn có thể thực hiện chia sẻ, giúp đỡ, chia sẻ cho người khác, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Liên hệ

I- SỨC MẠNH CỦA SỰ CHIA SẺ

Không thể phủ nhận rằng, thế giới mà chúng ta sống hiện nay đang diễn ra những cạnh tranh hết sức gay gắt, khốc liệt, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực rất nhiều trong công việc, cũng như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Dường như chúng ta chẳng bao giờ có đủ thời gian để làm những việc cần thiết, như theo kịp một Dự án, hoàn tất một công việc, hay dành thời gian cho gia đình, bạn bè, kiếm đủ tiền để mua nhà, sắm sửa tiện nghi trong gia đình.

Đối mặt với quá nhiều khó khăn, thử thách mỗi ngày khiến chúng ta không có nhiều thời gian để nghĩ đến người khác. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: 

[1] “Tại sao tôi phải mất thời gian quan tâm đến việc chia sẻ?”, hay: 

[2] “Tôi đang phải đương đầu một cách gay go với mọi áp lực, làm sao mà có thời gian, sức lực và cảm hứng để chia sẻ với người khác?”, hoặc: 

[3] “Chẳng thấy ai cho không tôi cái gì cả, mọi thứ tôi có được đều là do sự nỗ lực phấn đấu của chính bản thân tôi, thế thì tại sao tôi lại phải chia sẻ với người khác?”.

Thật ra, sự chia sẻ có một sức mạnh lớn lao mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho chính chúng ta. Chúng ta luôn có thể thực hiện chia sẻ, giúp đỡ, chia sẻ cho người khác, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trên đời này không có món quà nào quý giá bằng sự quan tâm sâu sắc, những hy sinh cao cả và niềm kỳ vọng lớn lao mà mỗi người nhận được từ cha mẹ. Cha mẹ chia sẻ thức ăn, chỗ ở và tình yêu thương cho con cái, đơn giản chỉ vì họ yêu quý các con chứ không phải vì họ mong chờ được con yêu thương lại. Thế nhưng cha mẹ không phải là người duy nhất cho chúng ta.

Trong suốt cuộc đời, chúng ta còn 'Nhận' được rất nhiều từ những người khác, như từ các thầy cô giáo, những người thân, bạn bè, thậm chí từ những người xa lạ. Trường học, bệnh viện, đường sá, công viên… được xây dựng nhờ công sức, tiền đóng thuế của biết bao người. Cuộc sống thanh bình mà chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh máu xương của biết bao thế hệ đi trước. Nghĩa là, hầu hết những gì ta có trong đời đều do công sức lao động khổ nhọc của người khác tạo ra.

Khi nghĩ như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng, mọi người trong thế giới này đều chung tay góp sức làm nên điều khác biệt cho cuộc sống của chúng ta, mang lại nguồn cảm hứng vô tận và góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Vậy thì tại sao chúng ta lại không có những tác động tích cực ngược trở lại đối với cuộc sống của những người xung quanh mình.

II- ĐỘNG LỰC CỦA SỰ CHIA SẺ

'Chia sẻ' hoàn toàn là do tự nguyện mà không cần đền đáp. 'Chia sẻ' thật sự phải xuất phát từ tình cảm chân thành của con tim, từ chính niềm vui cùng lòng vị tha của chúng ta. Có như vậy, sự chia sẻ mới mang lại nhiều ý nghĩa. Khi chia sẻ, giúp đỡ người khác, nghĩa là chúng ta đang tự giúp chính mình. Nhờ chia sẻ, chúng ta có thể có được: những mối quan hệ mới; cảm thấy an toàn; có thêm những hoạt động thú vị; có sức khỏe tốt hơn; cảm thấy tự hào và thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn sau khi làm được việc tốt; hạnh phúc; thanh thản và yêu thương.

[1] Chia sẻ tạo nên những mối quan hệ mới: cuộc sống của chúng ta được hình thành từ các mối quan hệ khác nhau, là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Qua đó, ta nhận thức về thế giới, về bản thân và ngay cả “số phận” của mình: Những người có mối quan hệ tốt đẹp với người khác thì mau trưởng thành hơn, sống hạnh phúc hơn, tâm hồn trở nên rộng rãi hơn. Thiếu vắng những mối giao lưu thân tình với người khác, tâm hồn chúng ta thường bị lệch lạc.

[2] Chia sẻ mang lại giá trị mới: sự chia sẻ là bí quyết then chốt để mỗi chúng ta tự vượt lên chính mình. Khi chúng ta dành thời gian để giúp đỡ, hoặc đơn giản là ở bên cạnh người khác mỗi khi họ cần, sẽ làm cho các mối quan hệ của chúng ta trở nên gần gũi hơn. Khi đó, tâm lý tự cho mình là nhân vật trung tâm chắc chắn sẽ giảm đi. Đồng thời, chúng ta sẽ thoát khỏi cảm giác sợ hãi và cô đơn thường ngự trị trong lòng. 

[3] Chia sẻ giúp phát huy năng lực tiềm ẩn của bản thân: hầu hết mọi người chỉ mới sử dụng một phần nhỏ năng lực của mình. Và chắc chắn lâu nay mỗi chúng ta đều chưa từng khám phá và khai thác hết những năng lực tiềm ẩn mà chúng ta có. Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời này là chúng ta cho đi tình yêu thương, để rồi những yêu thương đó lại thắp sáng trong lòng chúng ta, thúc đẩy chúng ta vươn tới những tình cảm cao thượng, quên đi những tị hiềm nhỏ nhen để cho tình cảm giữa người với người trong cuộc sống được thăng hoa. Khi làm được điều đó, nghĩa là chúng ta đã có thể phát huy hết những năng lực tiềm ẩn, để giúp đỡ chính mình và giúp đỡ người khác. 

[4] Chia sẻ giúp mang lại sức khỏe tốt: Một kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Y học Mỹ chứng minh rằng, những ai dành nhiều thời gian để chia sẻ, giúp đỡ người khác thường tạo được những ảnh hưởng rất tốt cho thể chất lẫn tinh thần của họ. Hoạt động tình nguyện chia sẻ, giúp đỡ người khác góp phần làm tăng tuổi thọ, tăng hạnh phúc của mọi cá nhân. Đó là do sự chia sẻ góp phần làm cho chúng ta giảm bớt cảm giác nhàm chán và làm tăng cảm giác sống có mục đích.  

[5] Chia sẻ tạo cảm giác an toàn: sự chia sẻ cũng làm giảm bớt những nỗi sợ hãi, nhàm chán trong cuộc sống của chúng ta do nó thúc đẩy những mối giao tiếp xã hội và làm tăng cảm giác sống có mục đích, cảm giác an toàn cho mỗi người. Những người tự nhốt mình trong 'tháp ngà' của những mối quan hệ với người thân thì sẽ dần đánh mất dần quan hệ tốt đẹp với bạn bè, hàng xóm, đối tác.

[6] Chia sẻ để tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống: tất cả mọi người đều khát khao cảm nhận ý nghĩa cuộc sống, khát khao vươn đến sự hoàn thiện và mong muốn nhận ra hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Thế nhưng điều này sẽ không bao giờ đạt đến được nếu chúng ta luôn mang bên mình sự ích kỷ, luôn tự cho mình là nhân vật trung tâm. Sự chia sẻ phải bắt nguồn từ mong muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, khơi dậy niềm tin và lòng can đảm đương đầu với nghịch cảnh để tạo nên sự khác biệt cho đời.

Mahatma Gandhi (1869 - 1948, Anh hùng dân tộc của Ấn Độ), từng nói: “Thế giới có đủ cho nhu cầu của mọi người, nhưng không bao giờ đủ cho lòng tham của họ”. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp không ít những người nghèo luôn tỏ lòng biết ơn, trân trọng với những điều ít ỏi mà họ có được, trong khi những người tham lam thì chẳng bao giờ cảm thấy đủ, dù cuộc sống của họ thực sự sung túc.

Cornel Ronald West (sinh năm 1953, Triết gia, Nhà hoạt động chính trị người Mỹ), định nghĩa: “Nếu bạn cho rằng bạn giàu có, nhưng lại không thể chia sẻ sự giàu có, điều tốt hay kiến thức của mình cho người khác thì chưa hẳn bạn đã là một người thật sự giàu có. Ngược lại, nếu bạn không giàu có, nhưng bạn biết dành thời gian, sức lực và sự hiểu biết để chia sẻ với những người chung quanh, cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, động viên hay giúp đỡ một ai đó, thì bạn đã là một con người rất đỗi giàu có. Bạn sẽ có nhiều bạn tốt và thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa và hạnh phúc. Bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn cả những gì bạn mong đợi". 

Xem thêm: Chia sẻ - một giá trị của Công ty Luật TNHH Everest.

III- CHIA SẺ NHƯ THẾ NÀO

Có thể chúng ta có rất nhiều thứ, hoặc chỉ có một ít để chia sẻ với người khác mà thôi. Nhưng điều đó không quan trọng, Quan trọng là, sự cho đi xuất phát từ những tình cảm thật sự của con tim và tiềm lực của riêng của chúng ta. Bước đầu tiên để sự cho đi có ý nghĩa là chúng ta nên nghĩ xem mình có thể chia sẻ những gì và những cái đó có giá trị đối với người khác như thế nào. 

1- Chia sẻ kiến thức

Những công trình khoa học, những tiến bộ trong y khoa, sự phát triển về kỹ thuật, bưu chính viễn thông và phương tiện đi lại ngày càng được nâng cao… là kết quả của việc vận dụng trí tuệ, khả năng nghiên cứu, sáng tạo của con người. Những ý tưởng sáng tạo được nảy sinh trên cơ sở kế thừa thành quả nghiên cứu của những người đi trước. Người khác đã trao cho chúng ta kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, do đó chúng ta tiếp tục truyền lại điều này cho các thế hệ sau.

Cùng với những thành quả trí tuệ, sự khôn ngoan là món quà tuyệt vời để chia sẻ với mọi người trong cộng đồng. Khôn ngoan là sự kết hợp của kiến thức, sự trải nghiệm và tư duy. Về cơ bản, kiến thức là sức mạnh, nhưng chúng ta cần có sự khôn ngoan, hiểu biết để vận dụng kiến thức của mình đúng lúc, đúng nơi. Khi chia sẻ sự khôn ngoan, hiểu biết với mọi người, chúng ta giúp họ có được những kỹ năng và sử dụng các kỹ năng đó để tự học hỏi thêm. 

Mỗi người đều có những câu chuyện để kể lại, những trải nghiệm quý giá được rút ra từ những trở ngại, thách thức mà mình gặp phải trong cuộc sống. Chúng ta nên chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm sống với những người chung quanh. Khi đó, chúng ta sẽ phá vỡ được những rào cản quanh mình, các mối quan hệ thân tình, sự tin tưởng sẽ được hình thành, chúng ta sẽ trở nên ý nghĩa hơn đối với mọi người. Nếu biết chia sẻ những gì mình đã học hỏi, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, mọi người quanh ta đều hiểu biết hơn và cùng chung tay góp sức cho một cuộc sống tốt đẹp.

2- Chia sẻ kỹ năng

Bất cứ ai cũng có một sở trường nào đó, và tất nhiên khi làm việc đúng với sở trường, chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều. Tài năng đó hoặc do bẩm sinh có được hoặc do rèn luyện mà nên. Đây cũng là một món quà chúng ta có thể chia sẻ với mọi người. Khi còn bé, chúng ta luôn học hỏi từ người khác - từ bạn bè cùng trang lứa đến những người lớn tuổi hơn. Trong giao tiếp, mỗi một trải nghiệm đều nâng cao tầm hiểu biết của chúng ta, hoặc ít ra chúng ta cũng có dịp trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Việc chia sẻ kỹ năng có thể xem là món quà để ta trả ơn những người đã dạy mình. Chia sẻ kỹ năng cũng là cách thức giúp chúng ta nhận lại nhiều hơn, bởi chia sẻ không có nghĩa là mất đi, ngược lại chúng ta sẽ có thêm nhiều phát hiện mới lạ từ chính những người xung quanh. Những kỹ năng chúng ta có thể chia sẻ với người khác. Cũng đừng nghĩ rằng mình không đủ kỹ năng để chia sẻ với người khác, chỉ cần yêu thích hoặc làm giỏi một việc nào đó, chúng ta vẫn có thể giúp ích cho mọi người. 

3- Chia sẻ khả năng lãnh đạo

Cuộc sống hiện đại có những đổi thay với tốc độ chóng mặt, những bất ổn về tài chính và vô vàn những khó khăn khác khiến vai trò của người lãnh đạo càng được đề cao. Người lãnh đạo sẽ giúp mọi người trấn an tinh thần và vạch ra những hướng giải quyết tốt đẹp hơn. Thế nhưng để có được khả năng lãnh đạo người khác không phải là điều dễ dàng. 

Một người được xem là lãnh đạo giỏi đối với người này nhưng lại là kẻ độc tài trong cái nhìn của người khác. Có người là nhà lãnh đạo rất thành công trong sự nghiệp nhưng lại thất bại trong đời sống riêng tư. Năng lực lãnh đạo dù trong cuộc sống riêng hay trong một tập thể đều có thể làm nên sự khác biệt rất tích cực cho cuộc sống.

4- Chia sẻ thời gian

Thời gian là tài sản vô cùng quý giá. Nếu không biết phân bố thời gian một cách phù hợp, chúng ta sẽ không phát huy hết được năng lực còn tiềm ẩn của mình. Thậm chí, chúng ta còn gây ra điều phiền toái cho gia đình, gặp khó khăn trong sự nghiệp và phải đương đầu với những rắc rối tâm lý khác.

Quỹ thời gian của một đời người là hữu hạn. Do đó, khi chúng ta biết dành thời gian cho người khác nghĩa là chúng ta đã trao cho họ một quà tặng tuyệt vời. Chia sẻ thời gian với người thân yêu giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn, làm cho mối quan hệ trở nên gắn bó sâu sắc chứ không đơn thuần chỉ là sự gắn kết vì trách nhiệm. Đôi khi chỉ cần dành ra một ít thời gian để quan tâm đến người khác, chúng ta có thể tạo nên điều kỳ diệu cho cuộc sống họ.

Chúng ta hãy biết dành thời gian để giúp đỡ, an ủi, hay đơn giản chỉ là ở bên cạnh những người đang cần được giúp đỡ. Biết cách quản lý quỹ thời gian của mình một cách hợp lý giúp chúng ta có thêm thời gian để chia sẻ với người khác.

5- Chia sẻ lời khuyên

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, mọi sinh vật đều có những lời khuyên cho đồng loại của mình. Cuộc sống của con người cũng vậy. Chúng ta có thể trao tặng lời khuyên và cũng rất cần được đón nhận lời khuyên từ người khác. Khi chúng ta đưa ra lời khuyên, chia sẻ cảm xúc hay quan điểm, đó là dấu hiệu của sự quan tâm và lòng yêu thương dành cho nhau. Lời khuyên có thể chứa sức mạnh và lòng nhân ái giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng lời khuyên cũng có thể làm cho chúng ta lầm đường lạc lối, bị tổn thương và hiểu sai lệch. Do vậy, mỗi khi khuyên nhủ ai đó, hãy luôn tự hỏi xem lời khuyên của mình có đúng đắn hay không.

Hầu hết mọi người đều thích đưa ra lời khuyên. Thế nhưng, chúng ta cũng cần học cách đón nhận lời khuyên. Bất cứ ai cũng có thể suy nghĩ rất chủ quan về những điều xảy ra quanh mình. Chúng ta thường giải quyết các tình huống theo kinh nghiệm riêng, suy nghĩ riêng, hoàn cảnh riêng và theo những mong muốn riêng tư của bản thân mình. Do đó, khi đưa ra lời khuyên, chúng ta cần biết chăm chú lắng nghe và cân nhắc kỹ lưỡng bản chất của sự việc. Hãy dựa vào những kinh nghiệm từ cuộc sống để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn, hài hòa hơn.

6- Chia sẻ sự quan tâm

Quà tặng tuyệt vời khác mà chúng ta có thể chia sẻ là sự quan tâm chăm sóc, sự tôn trọng, thể hiện qua thái độ biết lắng nghe một cách tích cực. Đó là kiểu lắng nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng ánh mắt, bằng cả tấm lòng và cả sự lưu tâm trọn vẹn. Khi lắng nghe, hãy tạm quên đi những gì mình định nói để có thể nghe một cách đầy đủ, trọn vẹn hơn. Tạo cho người khác có cơ hội bày tỏ tâm tư tình cảm của mình, ân cần lắng nghe họ là một hình thức chia sẻ tuyệt vời. Khi học được cách lắng nghe người khác, chúng ta mới có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp, có ảnh hưởng mạnh mẽ, tích cực đối với họ.   

7- Chia sẻ tình yêu thương

Sự chia sẻ chân thật xuất phát từ tình yêu thương. Tình yêu thương là vẻ đẹp tỏa sáng tâm hồn và tình yêu có đủ sức mạnh làm thay đổi cả thế giới. Mọi tôn giáo đều kêu gọi chúng ta mở rộng tấm lòng quan tâm, chia sẻ với người khác. Trong Phật giáo, điều răn quan trọng nhất dành cho các Phật tử là lòng từ bi. Cơ Đốc giáo khẳng định: “có ba  (03) điều trường tồn mãi mãi trên thế gian này, đó là: lòng thủy chung, niềm hy vọng và tình yêu thương. Trong ba (03) điều đó, tình yêu thương có sức mạnh mãnh liệt nhất”. Do Thái giáo, cho rằng, “khoan dung” được dùng để mô tả việc tạo dựng một thế giới tươi đẹp hơn. Người Do Thái được nuôi dạy để làm những việc tốt. Kinh Coran khuyến khích người theo Đạo Hồi giúp đỡ, chia sẻ với những người đang gặp khó khăn. Cho dù mỗi chúng ta xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau, lớn lên dưới ảnh hưởng của những nền văn hóa khác nhau hoặc theo những tôn giáo khác nhau, nhưng tình yêu thương có thể kéo gần tất cả các khoảng cách đó. Sức mạnh của tình yêu thương kỳ diệu đến mức có thể biến một kẻ thù thành một người bạn. Vì vậy, chúng ta hãy trao tặng tình yêu thương ở bất cứ nơi nào chúng ta đặt chân đến, mà trước hết là ở ngay trong chính căn nhà mình.

8- Chia sẻ nụ cười

Cuộc sống ngày nay của chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thử thách, từ khó khăn kinh tế, xung đột, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... Vì thế, chúng ta rất cần tiếng cười để tâm hồn được thanh thản, tinh thần được thư thái và giảm bớt áp lực từ những toan tính đời thường. Chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc đời mình dễ dàng hơn bằng cách mỉm cười với chúng. Không những thế, chúng ta hãy mỉm cười với chính mình và với mọi người xung quanh. Khi biết mang nụ cười đến những người chung quanh, có nghĩa là chúng ta đã mang niềm tin đến cuộc sống của họ. Nhờ đó, chúng ta đều cảm thấy được chia sẻ, được động viên và khích lệ. Tiếng cười làm giảm bớt nỗi đau và sự sợ hãi. Hãy nhớ rằng, khi nghĩ về những điều vui vẻ, chúng ta sẽ cảm thấy mình hạnh phúc, mọi người sẽ thích thú khi ở bên chúng ta và những mối quan hệ hiện tại của chúng ta cũng sẽ được cải thiện tốt hơn.

9- Chia sẻ niềm hy vọng

Trong đời, ai cũng cần có một người tin tưởng mình. Những lúc cảm thấy tuyệt vọng, chúng ta cần có một người bạn để sẻ chia, động viên tinh thần. Hoặc khi rơi vào những tình huống tưởng chừng không thể nào giải quyết nổi, chúng ta rất cần ai đó cho ta một lời khuyên. 

Muốn đưa đến niềm hy vọng cho người khác, trước hết chính chúng ta phải có niềm hy vọng. Hãy tưởng tượng chúng ta có mục tiêu, có ước mơ, nhưng lại không có hy vọng, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội. Chúng ta sẽ không còn hứng thú chia sẻ điều gì với ai, nếu lúc nào chúng tá cũng cảm thấy mình thiếu thốn. Khi đó chúng ta sẽ lạc lối và không còn khao khát vươn tới tương lai. Bởi vậy, lòng nhân ái, sự quan tâm và biết lắng nghe là những hạt mầm hy vọng gieo vào tâm hồn những ai không có niềm hy vọng, giúp họ biết cách xoay chuyển tình thế làm thay đổi cuộc đời theo chiều hướng tích cực hơn. 

Agakhan IV (sinh năm 1936, Nhà lãnh đạo của một giáo phái Hồi giáo Shia) từng nói: “Nhiều người khi mới bước vào đời nghèo khổ đến nỗi họ bị tước đoạt luôn cả khát vọng vươn lên làm cho cuộc đời mình tốt đẹp hơn. Nếu không có lòng hảo tâm của một tổ chức kinh doanh nào đó thì cả đời họ sẽ chìm vào cảnh đói nghèo cùng cực, sự tuyệt vọng sẽ khiến họ mất đi khả năng cảm xúc, thậm chí trở nên lãnh đạm, tàn nhẫn với chính mình và với mọi người. Chỉ có chúng ta - những người may mắn hơn, là tác nhân tạo ra những tia lửa làm bừng cháy khát vọng vươn lên ở nơi họ”.

10- Chia sẻ thói quen giữ gìn sức khỏe

Quà tặng quý giá mà chúng ta có thể tặng cho bản thân và cho những người chúng ta yêu quý, đó là ý thức giữ gìn sức khỏe. Thực hiện lối sống điều độ, tích cực, có thói quen ăn thực phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục mỗi ngày, không hút thuốc, không uống rượu... là những thói quen tốt chúng ta nên giữ cho mình và dạy bảo con cái.Con người khi về già là lúc tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vốn sống và hiểu biết nhất, nhưng đó cũng là lúc tình trạng sức khỏe bị sa sút trầm trọng. Rất nhiều người cao tuổi phải chịu những đau đớn về thể xác do sức yếu, bệnh tật hành hạ. Chỉ khi nào khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, chúng ta mới có sự minh mẫn trong công việc, và một tinh thần sảng khoái, nhờ đó chúng ta mới dễ dàng cảm thông và có sức chịu đựng tốt hơn. Vì vậy, biết giữ gìn sức khỏe của bản thân cũng là một cách để chia sẻ với người khác. 

Lưu ý: Chia sẻ cần Sự cân bằng

Khi bản thân sống cân bằng, chúng ta sẽ có nhu cầu chia sẻ với người khác bằng cả tấm lòng. Và quan trọng nhất, sự cân bằng giúp tâm hồn chúng ta được bình yên. Do đó, chúng ta cân nhắc chia sẻ như thế nào để điều đó thực sự là cần thiết với người khác mà không quá sức mình. Nếu cho đi quá nhiều như thể đang phải dốc cạn tất cả tiềm lực của bản thân, thì chẳng bao lâu khả năng chia sẻ của chúng ta sẽ bị giảm sút. Khi những điều tốt đẹp nơi sâu thẳm tâm hồn bị kiệt quệ, không được bồi đắp trong một thời gian dài, chúng ta sẽ không còn khả năng cho đi.

Sự cân bằng trong tâm hồn mỗi người không giống nhau. Có những lúc chúng ta sẽ cảm thấy mất cân bằng khi khởi đầu công việc mới, khi sức khỏe bị suy sụp… Những lúc ấy, chúng ta nên xem lại sự chia sẻ có vừa sức với mình không để đảm bảo rằng bước tiến của mình được quân bình hơn. Phấn đấu đạt được sự cân bằng sẽ giúp chúng ta tạo dựng được hạnh phúc cho riêng mình. Sự cân bằng tuyệt đối là điều hầu như không thể. Tuy nhiên, nhận thức được lợi ích của sự cân bằng, chúng ta sẽ tránh được những nguy cơ mệt mỏi tinh thần, tiêu hao sinh lực và sự khô héo trong tâm hồn.

Xem thêm: Kết nối - một giá trị của Công ty Luật TNHH Everest

IV- NHỮNG NGƯỜI CẦN CHIA SẺ

- Bắt đầu từ bản thân mình

Ngạn ngữ có câu: “Lòng nhân ái bắt đầu từ ngôi nhà mình”. “Từ ngôi nhà mình” có nghĩa là “hãy bắt đầu lòng nhân ái với chính bản thân mình”. Chỉ khi nào khoan dung, độ lượng với bản thân, biết quan tâm đúng mức bản thân và cảm thấy hài lòng với chính mình, thì khi đó chúng ta mới có thể cảm nhận được những niềm vui từ bên ngoài. Nhờ đó chúng ta sẽ vui vẻ hơn, làm việc tốt hơn và luôn sẵn lòng quan tâm, chia sẻ với người khác. 'Cho' đã khó, nhưng Nhận lại càng khó hơn. Do đó, chúng tôi mong rằng, mọi người cần học cách Cho và Nhận. 

Lắng nghe tiếng nói bản thân. Nhiều lúc, chúng ta rất cần những giây phút tĩnh lặng để nhìn lại mình, suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống, về những gì mình đã làm, con đường mình đang chọn lựa... Từ đó, chúng ta sẽ có những cảm nhận mới, những thay đổi, điều chỉnh cần thiết cho cuộc sống của chính mình.Chỉ với sự tĩnh tâm, chúng ta mới có thể nhận ra được điều gì là tốt nhất cho bản thân, để biết cách tự điều chỉnh mình. Nhờ đó, trong mọi tình huống, dù là tình huống tồi tệ nhất, chúng ta vẫn luôn tìm được câu trả lời, tìm được sự cân bằng cho tâm hồn mình. 

- Chia sẻ với gia đình

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới ngày càng văn minh, tốt đẹp. Do đó, chúng ta cần học cách chia sẻ trong gia đình, thường xuyên bày tỏ tình yêu thương và cảm xúc với những người thân trong gia đình. Khi biết chia sẻ lòng nhân ái trong gia đình, chúng ta mới có thể trải lòng mình với những người mà chúng ta gặp trong cuộc sống. Là cha mẹ, thay vì chỉ dạy dỗ con cái mình bằng lời nói, chúng ta hãy tự bắt tay vào làm những điều đó, các con sẽ biết học hỏi và noi gương những việc tốt ta đã làm.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ luôn dạy bảo những điều tốt đẹp là một điều may mắn và hạnh phúc của mỗi người. Rất nhiều người không có được may mắn đó, nhưng dù như thế, họ vẫn dành tình yêu cho cha mẹ, anh chị em và con cái mình. Giống như nhiều thứ quan trọng khác trong cuộc sống, được yêu thương là điều mà mọi người đều mong muốn, nhưng tình yêu thương không phải dễ dàng có được. Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, điều gì quý giá bao giờ cũng hiếm hoi. Giải quyết những bất đồng trong các mối quan hệ là việc vô cùng khó khăn, nhưng nếu làm được, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều.

- Chia sẻ với cộng đồng

Cộng đồng là nơi chúng ta sinh sống, dựa trên cơ sở địa lý, tôn giáo, văn hóa, chính trị, gia đình, nơi làm việc. Cộng đồng cũng là nơi chúng ta học hỏi, bày tỏ lòng yêu thương, và cảm nhận được những mối dây tình cảm gắn kết thiêng liêng nhất. Cộng đồng cũng là nơi chúng ta cải thiện bản thân, trau dồi kỹ năng và rèn luyện đức tính chia sẻ. Cộng đồng sẽ trở nên vững mạnh hơn khi các thành viên biết quan tâm, liên kết với nhau thành một khối. 

Azim Jamal phát huy được khả năng lãnh đạo và học hỏi được nhiều kỹ năng quý giá trong cuộc sống là nhờ ông đã tình nguyện làm việc cho cộng đồng trong một thời gian dài. Mặc dù ban đầu bản thân ông không hề tính toán mình sẽ nhận được gì khi làm công việc này, nhưng những thành quả mà ông gặt hái được lại nhiều hơn rất nhiều lần so với những gì ông đã tự nguyện chia sẻ với người khác.

Harvey McKinnon kể lại câu chuyện của bạn ông ấy, là cô Rebecca: Một hôm, khi đang đứng trong thang máy chung cư, cô thấy một người phụ nữ mang thai. Rebecca đã đề nghị: “Chị này. Tôi cũng mang thai được 02 tháng rồi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu sau này chúng ta trông con giúp cho nhau?”. Người phụ nữ ban đầu có vẻ ngỡ ngàng, nhưng một tuần sau, cô ta gọi cho Rebecca thông báo chấp nhận lời đề nghị. Chẳng bao lâu, cô và người bạn mới mời vài bà mẹ khác cùng gia nhập nhóm. Mỗi tuần, họ gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm và trở thành bạn bè của nhau. Qua đó, con cái họ sau này lớn lên chơi với nhau, hình thành nên những nhóm bạn thân thiết. Cuối cùng, có đến 20 gia đình khác cũng tự nguyện tham gia vào nhóm. Sự hợp tác nhanh chóng này trở nên rất cần thiết với nhiều phụ nữ trong vùng. Những câu chuyện giản dị như chuyện của Rebecca vẫn xảy ra hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới. Khi sự chia sẻ được hưởng ứng, thì việc hình thành nhóm sẽ làm được nhiều việc có ích hơn so với mỗi cá nhân riêng lẻ.

Muốn chia sẻ với cộng đồng, chúng ta phải dám mở lời với người khác, phải dám đi tiên phong trong công việc, đầu tư nhiều thời gian và cả công sức cho công việc chung. Không phải bất cứ ai cũng dễ dàng chấp nhận ý tưởng tốt đẹp mà chúng ta đề nghị, bởi lâu nay nhiều người vốn quen với lối sống thụ động và khép mình. Họ sẽ đưa ra nhiều lý do để từ chối. Vì vậy, để chia sẻ được với cộng đồng, trước tiên chúng ta phải khéo léo mời gọi, thu hút sự quan tâm của mọi người. Và một khi đã lôi cuốn được nhiều người tham gia, thì hành động của chúng ta sẽ là động lực chính thúc đẩy mọi người cùng chung sức. 

Một số người rất sẵn lòng chia sẻ với người khác, nhưng đôi khi, họ có cảm giác tuyệt vọng, không tin tưởng, không thấy tương xứng… Họ muốn gây tác động tích cực đối với thế giới, nhưng họ cảm thấy mình không đủ khả năng. Nếu ai đó trong chúng ta cảm thấy điều đó, hãy nhớ rằng mỗi khi hành động để biến đổi thế giới này tốt đẹp hơn, chúng ta đều mang đến một lợi ích nho nhỏ nào đó, hoặc vô hình hoặc hữu hình. Mỗi việc làm tích cực của chúng ta sẽ là một yếu tố góp phần quyết định đến sự đổi thay của cả thế giới này.

Chúng ta không cần phải chờ một thời cơ thật thích hợp, một việc làm từ thiện thật xứng tầm, có trình độ kiến thức thật cao siêu, rồi mới nghĩ đến việc chia sẻ với cộng đồng của mình. Hãy làm từng bước một và đừng dao động khi mới bắt đầu. Hãy vui vì mục đích chia sẻ và sự hứa hẹn về một ngày mai tươi đẹp. Đừng bao giờ chùn bước, nếu muốn tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong cuộc sống người khác.

Lịch sử của chúng ta đã có rất nhiều trang viết ghi nhận công lao của những người khởi xướng những thay đổi tích cực và đầy sáng tạo. Margaret Mead Margaret Mead (1901 - 1978), Nhà nhân học Văn hóa Mỹ), từng nói: “Rõ ràng chỉ cần một nhóm nhỏ những người đầy lòng nhiệt huyết là có thể làm thay đổi cả thế giới. Đó chính là điều kỳ diệu nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta”.

- Chia sẻ với tổ chức phi lợi nhuận

Hiện nay, có rất nhiều tổ chức từ thiện để chúng ta có thể thực hiện việc chia sẻ. Không hẳn phải là những tổ chức lớn, nổi tiếng, chúng ta có thể quan tâm ngay đến những tổ chức ở địa phương như: nhà trẻ, nhà tế bần, nơi trú ngụ cho trẻ em cơ nhỡ. Tuy đây là những tổ chức nhỏ nhưng thường tạo nên tác động lớn. 

Ngày nay mỗi lần bước lên máy bay, chúng ta không còn phải chịu đựng khói thuốc lá. Đây là kết quả đấu tranh không mệt mỏi của một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ ở Canada. Cách đây 15 năm, nhiều hành khách phải đi trên những chuyến bay không thoải mái, đầy khói thuốc lá. Trước đây, có khoảng một phần tư hành khách đi máy bay hút thuốc, hệ thống thông gió trên máy bay rất kém, hành khách phải chịu đựng một lượng khói thuốc lớn trong khoảng không gian quá chật hẹp. Khi bước ra khỏi máy bay, quần áo mọi người đều bám đầy mùi thuốc lá hôi hám và bị những cơn nhức đầu dai dẳng hành hạ. Garfield Mahood và Hiệp hội bảo vệ quyền lợi của những người không hút thuốc (The Non-Smokers’ Rights Association, tại Canada) đã mở một chiến dịch bài trừ mạnh mẽ, yêu cầu phải có bầu không khí trong lành trên máy bay. Chiến dịch này, đã thành công khi hãng Hàng không Canada lần đầu tiên đưa ra quyết định cấm hút thuốc lá trên những chuyến bay.

Thành công bước đầu của Hiệp hội bảo vệ quyền lợi của những người không hút thuốc đã tạo nên phản ứng dây chuyền - tất cả các hãng hàng không lớn khác trên thế giới đều thực hiện theo. Chính vì vậy mà “Hiệp hội bảo vệ quyền lợi của những người không hút thuốc” được xem là một trong những tổ chức chống hút thuốc lá có hiệu quả nhất trên thế giới, mặc dù tổ chức này chỉ có 2.000 người ủng hộ, đóng góp. 

- Chia sẻ với hành tinh của chúng ta

Con người vốn được coi là chủ nhân trên trái đất này. Chúng ta được sở hữu nhiều nguồn tài nguyên lớn: nước, không khí, đất đai, muôn loài, cây trồng. Bởi vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ những nguồn tài nguyên quý giá ấy. Thế nhưng, chúng ta đã làm mất đi bao nhiêu loài sinh vật do sự độc ác hay không hiểu biết của mình? Bao nhiêu loài thú quý hiếm hiện nay đã bị tuyệt chủng hoặc đang có nguy cơ bị tuyệt chủng? Và còn biết bao vùng đất đã bị chúng ta tàn phá sau những đợt phát hoang hay thải hóa chất độc hại? Ngày nay, nguồn tài nguyên trong lòng đại dương đang cạn kiệt một cách nhanh chóng. Sông ngòi bị ô nhiễm, không khí độc hại, rau quả bị phun thuốc trừ sâu, gia súc bị tiêm thuốc kháng sinh.

Nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của những vấn đề này đều xuất phát từ lòng tham và sự ích kỷ, bởi con người xem trọng quyền lợi riêng tư của bản thân hơn quyền lợi chung của muôn loài. Sự sống và phát triển của con người từ xa xưa đã phải dựa vào thiên nhiên. Trong hàng ngàn năm qua, con người đã từng sử dụng nhiều nguồn tài nguyên của trái đất làm năng lượng, phá rừng trồng hoa màu, đánh bắt cá ở đại dương… nhưng đều ở mức độ môi trường chấp nhận được. 
Còn ngày nay, chúng ta đã và đang làm cạn kiệt nguồn vốn thiên nhiên (nước, không khí, đất đai) nhanh hơn mức mà thiên nhiên tự phục hồi. Chúng ta đã làm biến đổi khí hậu ở nhiều nơi trên trái đất, do khai thác và sử dụng quá mức các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu hỏa,... 

David Suzuki (sinh năm 1936, Nhà sinh học và Nhà hoạt động môi trường người Canada), đau lòng nhận xét: “Chúng ta làm ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai, đưa các sinh vật hoang dã đến chỗ bị tuyệt chủng. Chưa hết, chúng ta còn tàn phá rừng nguyên sinh, thải chất độc vào môi trường sống. Sự thịnh vượng của nền công nghiệp thế giới được trả giá bằng tương lai của con cháu chúng ta”. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là trách nhiệm của mọi người. Đó không phải là vấn đề của riêng một đất nước nào mà là vấn đề chung của toàn nhân loại. Nếu ngay bây giờ chúng ta biết chung sức bảo vệ môi trường, thì các thế hệ con cháu mai sau của chúng ta mới có cơ may được sống trong bầu không khí trong lành và nguồn nước sạch. 

Mọi hành động xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc do tầm nhìn hạn chế đều tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho trái đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tất cả chúng ta đều có con cháu. Chúng ta có khi nào tự hỏi mình đang để lại cho các thế hệ mai sau một thế giới như thế nào không? Chúng ta có thể rất rộng lượng trong việc chia sẻ với người khác, nhưng nếu giả sử ngôi nhà duy nhất của ta đang sinh sống là hành tinh này đang bị hủy diệt nhanh chóng, thì chúng ta sẽ phải làm gì? Mọi người hãy cùng nhau bắt tay hành động thật nhanh. Trong vài thập niên tới, hậu quả tàn phá của nhân loại lên môi trường đã và sẽ tiếp tục thể hiện rõ ràng và chính con cháu chúng ta là những người hứng chịu tất cả. 

Xem thêm: Kết nối - một giá trị của Công ty Luật TNHH Everest.

V- CHIA SẺ NHƯ THẾ NÀO

Trước hết, sự chia sẻ phải xuất phát từ trái tim, động lực của sự chia sẻ nằm ở sự tự nguyện, chứ không phải ở việc chờ đợi người khác trả ơn. Khi chia sẻ, đừng bao giờ có sự toan tính thiệt hơn. Rất nhiều người trong chúng ta đã dám chia sẻ, giúp đỡ người khác ngay cả khi bản thân mình đang gặp rắc rối, đang phải đương đầu với gian khổ và thử thách. Nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn vẫn tìm được nơi thích hợp nhất để chia sẻ thời gian, tiền bạc, kỹ năng, niềm an ủi, hay những tiềm lực khác. 

Chúng ta sẽ có nhiều thứ để chia sẻ nếu chúng ta đang mong mỏi tìm thấy sự cân bằng và niềm vui giản dị trong cuộc sống. Đó là sự cân bằng giữa Cho và Nhận. Chúng ta hãy chia sẻ với mọi người, với gia đình và bản thân. Hãy chia sẻ với cộng đồng, địa phương và cùng nhau giải quyết những khó khăn, thách thức của toàn cầu.

Nếu lúc nào cũng đút tay sâu vào trong túi, chúng ta sẽ không thể nào bắt tay người khác, không thể dang tay ôm ai đó vào lòng, hay không thể bày tỏ những cảm xúc của tình yêu thương. Chỉ khi nào đôi tay của chúng ta dám cầm một khoản tiền để giúp đỡ một đứa trẻ mồ côi, giúp bảo vệ môi trường hoặc mang tình yêu thương đến cho nhân loại, thì khi đó, chúng ta mới thực sự hiểu được giá trị của sự chia sẻ. Sự chia sẻ dưới bất kỳ hình thức nào cũng tốt hơn là chẳng bao giờ chia sẻ một cái gì. Đặc biệt, khi sự chia sẻ xuất phát từ tình yêu thương thật sự thì ý nghĩa của nó sẽ cao đẹp hơn rất nhiều.

Kahlil Gibran (1883 - 1931, Nhà thơ, Nhà văn, Nhà triết học người Liban) từng nói: “Người có trái tim rộng mở sẽ luôn bất tử trong trái tim mọi người”. Chính vì vậy, hãy cố gắng để tiếng nói từ sâu thẳm trái tim chúng ta trở thành ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn người khác. Hãy mở lòng với mọi người chung quanh. Mỗi khi lạc quan vui vẻ, hãy sẵn sàng bày tỏ tình cảm yêu thương, chúng ta sẽ tạo thêm được nhiều gương mặt tươi cười ở quanh mình. Những hơi ấm hạnh phúc sẽ tiếp tục có sức lan tỏa, khiến người khác cảm nhận được niềm hạnh phúc giản dị của cuộc sống. 

Chia sẻ của cải vật chất là điều tốt. Tuy nhiên, khi chia sẻ thêm cả những giá trị tinh thần của mình, chúng ta sẽ tạo nên nhiều tác động sâu sắc hơn đối với người khác. Món quà vật chất chỉ có giá trị tạm thời và trước mắt. Nhưng những quà tặng tinh thần như sự quan tâm, an ủi đến những người xung quanh, hoặc đơn giản chỉ là ở bên cạnh họ mỗi khi họ cần, sẽ tạo nên tình yêu thương. Lòng tốt trong sự chia sẻ sẽ có giá trị vĩnh hằng.

Tất cả chúng ta đều có năng lực chia sẻ rất lớn. Sự chia sẻ trở nên có ý nghĩa hơn nhờ vào tình cảm chân thành của chúng ta. Chính điều này sẽ được người nhận hết sức trân trọng và cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự. Từ đó, chúng ta không những có thể chia sẻ được nhiều hơn mà còn phát hiện ra nhiều khía cạnh mới mẻ khác của cuộc sống.

- Chia sẻ với tấm lòng trân trọng

Con người dù ở bất kỳ địa vị xã hội nào, hoặc lứa tuổi, giới tính hay tôn giáo nào đi nữa cũng cần được tôn trọng. Một trong những cách để chúng ta bày tỏ lòng tôn trọng sự khác biệt giữa mình và người khác là biết chân thành lắng nghe. Qua đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những gì người khác đang nói và biết cách chia sẻ tốt hơn. Ngược lại, người đó sẽ cảm thấy họ được tôn trọng, được thấu hiểu và được yêu thương.

Một cách để chia sẻ với người khác là chúng ta hãy gợi mở để người đó tự suy nghĩ và lựa chọn giải pháp hành động cho riêng họ. Qua đó, họ không có cảm giác bị chúng ta ép buộc phải lựa chọn một giải pháp mang tính khiên cưỡng. Họ sẽ thấy rằng, bản thân họ cũng có khả năng tự giải quyết được những vấn đề riêng tư mà không làm phiền đến người khác. Sự khéo léo, tế nhị của chúng ta trong những trường hợp như vậy giúp họ giữ được lòng tự trọng, không cảm thấy bị tổn thương.

Chính việc biết đặt niềm tin vào người khác giúp mọi người cùng có cơ hội học hỏi, phát triển tương lai và quan tâm lẫn nhau. Đây cũng là cách để mọi người trong xã hội biết sống hòa hợp với nhau, cùng tồn tại trong một thế giới có nhiều nhóm sắc tộc, nhiều tư tưởng chính trị hay nhiều tôn giáo khác nhau. Thế giới có thể chung sống hòa bình khi mọi người cùng tôn trọng sự đa dạng và khác biệt. Nó giúp chúng ta nhận ra mọi ngả đường đều đưa đến chân lý, từ đó thúc đẩy lòng khoan dung, sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

Mỗi người chúng ta có thể tin theo một tôn giáo nào đó, nhưng mọi tín ngưỡng đều dạy chúng ta bài học về sự chia sẻ, chia sẻ với tất cả tấm lòng, thời gian và của cải của mình cho người khác. Chúng ta chia sẻ không vì những toan tính thiệt hơn, không vì vụ lợi hay vì bất kỳ một giá trị hữu hình nào khác. Động lực của sự chia sẻ hoàn toàn xuất phát từ lý lẽ của con tim.

- Chia sẻ với lòng khiêm tốn

Không phải ai cũng biết cách chia sẻ, thậm chí ngay cả khi họ có cơ hội để thể hiện điều này. Do vậy, chúng ta đừng vội vã, mà hãy biết đón nhận cơ hội để chia sẻ bằng cả hai tay, bằng cả tấm lòng yêu thương, kính trọng và phẩm cách của mình. Để có được lòng nhân ái và khiêm tốn, chúng ta phải rèn luyện thói quen không lên án hoặc nói xấu sau lưng người khác. Nếu thật sự khiêm tốn và tôn trọng người khác, chúng ta sẽ biết tự kiềm chế và không phê phán họ. Chúng ta sẽ nhận thấy cách chúng ta nhận xét thế giới không phải là do bản thân thế giới như thế nào mà chính là do cách nhìn của bản thân chúng ta. Chúng ta rất dễ diễn giải mọi thứ trong đời theo ý muốn chủ quan của mình, vì vậy bất cứ ai cũng có thể mắc phải sai lầm.  

Plato từng nói: “Hãy sống tốt với nhau, vì mỗi chúng ta đều cùng sống và cùng chiến đấu trong một trận chiến rất cam go”. Do vậy, thay vì phê phán, chúng ta hãy giúp đỡ những người khác mỗi khi họ cần đến. Khi chúng ta đưa bàn tay nhân ái ra, thế giới sẽ vươn tay về phía chúng ta. Chúng ta sẽ đón nhận nhiều điều tốt đẹp, sẽ nhận được nhiều mỗi khi thật lòng giúp đỡ một ai đó.   

- Chia sẻ một cách tự nguyện

Nếu chúng ta chia sẻ chỉ để được xã hội công nhận và mong được người khác đền đáp, thì hành động chia sẻ đó sẽ không còn ý nghĩa cao đẹp nữa. Cần nhớ rằng, bản chất của sự chia sẻ là không bao giờ tính toán thiệt hơn. Thiên nhiên đã cho chúng ta nhiều thứ hoàn toàn vô điều kiện, hoa vẫn tỏa hương, mặt trời vẫn chiếu sáng mà không cần đền đáp... Tình yêu thật sự là vô giá. Khi yêu, không phải vì người đó đáng yêu hay vì người đó yêu bạn, mà đơn giản chỉ vì bạn yêu người ấy. Sự chia sẻ vô điều kiện giúp chúng ta nhận được nhiều phần thưởng vô hình. Sự hài lòng với cuộc sống sẽ tăng lên cùng với mức độ chia sẻ, vị tha của mỗi người.

Ralph Waldo Emerson (1803 - 1882, Triết gia, Nhà văn, Nhà thơ người Mỹ), nhận xét: “Khi bạn giúp đỡ mọi người là bạn đang giúp đỡ chính mình". Đó là sự đền bù đẹp nhất mà cuộc đời đã trao tặng cho chúng ta.

Xem thêm: Khác biệt - một giá trị của Công ty Luật TNHH Everest.

VI- CHIA SẺ KHI NÀO

"Chia sẻ ngay trong ngày hôm nay" - là câu trả lời ngắn gọn nhất. Một số người cho rằng, chỉ nên cho đi khi mọi việc trong đời tiến triển tốt đẹp. Thực tế cho thấy, chúng ta có thể chia sẻ bất kỳ lúc nào. Ngay cả khi lâm vào một hoàn cảnh rất gian khổ, gay go, thì sự chia sẻ sẽ giúp chúng ta có thêm sức mạnh vượt qua thử thách. Chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, yêu đời hơn và mong muốn được chia sẻ nhiều hơn. Đó chính là sức mạnh của sự chia sẻ.

Đôi khi chúng ta nghĩ: “Tôi sẽ chia sẻ khi nào tôi có thật nhiều thứ để chia sẻ”, hoặc: “Giá như tôi có được thật nhiều tiền như tỷ phú Bill Gates thì dĩ nhiên, tôi sẽ chia sẻ với mọi người thật nhiều”. Thật không may, sự đời lại chẳng mấy khi tiến triển theo chiều hướng như thế.

Chính vì vậy, hãy xem xét đến hoàn cảnh riêng của bản thân. Liệu chúng ta có thể giảm bớt mức độ tiêu pha cho một điều gì đó mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình thường của mình, chẳng hạn như quyết định không mua thêm một cái áo mới vì còn rất nhiều áo trong tủ. Nếu suy nghĩ được như vậy, thì ngay cả khi không có tiền, chúng ta vẫn có thể dành thời gian của mình để chia sẻ với người khác.

Đôi khi, ngay cả sự chia sẻ thời gian cũng gặp khó khăn, có thể người thân trong gia đình sẽ buồn bực chỉ vì chúng ta không ở nhà thường xuyên để làm tròn trọng trách với gia đình. Vậy thì, trong trường hợp này, chúng ta phải cố gắng tìm ra một sự cân bằng, hoặc chúng ta phải tạm thời gác việc chia sẻ của mình lại, bởi vì nó chẳng đem lại ích lợi gì mà còn gây ra những bất ổn, xáo trộn không đáng có trong gia đình. Do đó, chúng ta rất cần đánh giá xem mình đang trong hoàn cảnh nào, từ đó sắp xếp thời gian cho việc chia sẻ một cách thích hợp. Có thế hành động chia sẻ của chúng ta mới thật sự hiệu quả và ý nghĩa. Nói như vậy có nghĩa là, chúng ta không cần quá quan trọng việc mình chia sẻ được gì và chia sẻ bao nhiêu. Miễn là sự chia sẻ xuất phát từ tấm lòng chân thành và với động cơ thật sự tốt đẹp, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc nhiều hơn và làm cho các mối quan hệ thêm mật thiết và bền vững. Theo nghĩa như vậy, sự chia sẻ là vô giá.

LỜI KẾT

Nếu muốn có một cuộc đời đầy ý nghĩa, hài lòng với bản thân và có được sự thăng hoa trong tâm hồn, chúng ta phải biết chia sẻ, đồng thời cũng phải biết từ bỏ. Trong xã hội với nhịp sống hối hả và cường độ làm việc cao như hiện nay, chúng ta thường bị cuốn vào những lo toan bộn bề. Biết từ bỏ những điều không cần thiết giúp cho cuộc sống của chúng ta thư thả hơn và chúng ta sẽ có điều kiện chia sẻ nhiều hơn. Biết sống một cách có chừng mực là một bí quyết để sống hạnh phúc và thành công. Nếu giảm thiểu được sự phung phí thời gian và tiền bạc, cuộc sống tinh thần và vật chất của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, từ đó chúng ta có thể tiếp tục chia sẻ điều tốt đẹp cho những người khác. 

Xem thêm: Kết quả - một giá trị của Công ty Luật TNHH Everest.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Cuốn sách: The Power of Giving - Cho đi là còn mãi).

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn

Chuyên viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ!

Tư vấn sử dụng dịch vụ miễn phí

Hoặc
Đăng ký tư vấn
Công ty luật TNHH Everest - Công ty Luật uy tín tại Việt Nam

Everest
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu
Thương hiệu tư vấn pháp lý hàng đầu

Top 20 thương hiệu vàng Việt Nam

Tự hào là đối tác thương hiệu lớn
Video
Everest - Hành trình vượt khó cùng đối tác
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Gặp các chuyên gia Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm
Để làm được những điều đó, mỗi một luật sư thành viên thuộc Hãng luật của chúng tôi đều phải rèn luyện không ngừng để có kiến thức Uyên thâm về chuyên môn, luôn đặt Tình yêu và Trách nhiệm vào công việc
4.1 5 (1 đánh giá)
0 bình luận, đánh giá về Sức mạnh của sự chia sẻ (The Power of Giving)

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận sản phẩm
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Tổng đài tư vấn: 024-66 527 527
Giờ làm việc: Thứ 2 - Thứ 7: 8h30 - 18h00
2.22844 sec| 1257.914 kb